Đừng để miếng nhậu thành miếng nhục

Thứ tư - 18/09/2019 14:16
Con người ăn để mà sống, chứ không phải sống để mà ăn. Nhờ ăn, mà cơ thể chúng ta được bồi dưỡng, để có đủ sức khỏe mà lao động, tìm chén cơm manh áo. Nhờ uống một chút, chúng ta có thể tạo ra một bầu khí vui vẻ, cởi mở và thân mật. Chẳng thế mà Thánh Vịnh cũng nói: Chúa ban rượu ngon làm phấn khởi lòng người.
Đừng để miếng nhậu thành miếng nhục
Tuy nhiên, nhân đức bao giờ cũng ở vào cái thế trung dung, bởi vì phàm cái gì thái quá cũng đều bất cập. Ăn nhiều quá, sinh ra bội thực, rồi từ chỗ bội thực, sinh ra bệnh nọ tật kia. Còn uống nhiều quá thì hóa rồ hóa dại, như người ta thường bảo:  Tửu nhập tâm như hổ nhập lâm, như cẩu cuồng tại thị. (Rượu đã thấm vào người thì như cọp vào rừng, như chó điên giữa chợ)

Cọp dữ hay chó điên, không những làm mất phẩm giá của mình, mà còn gây nên đổ vỡ cho gia đình và đụng chạm với những người chung quanh.

Trước hết là những bất ổn đối với bản thân.

Trong cuộc sống hàng ngày, không thiếu gì những chuyện buồn…não nuột đã xảy đến cho kẻ xay xỉn. Uống say, rồi lăn kềnh ra ngủ thì còn đỡ. Nhưng uống say để rồi hóa rồ hóa dại, thì còn mặt mũi nào nữa mà nhìn bàn dân thiên hạ. Uống say, có kẻ thì mềm nhũn như con chi chi, đứng lên không nổi, phải có người kè người đỡ mới có thể bước đi. Uống say, có kẻ chân nam đá chân chiêu, đường rộng rãi thênh thang không đi, lại chỉ muốn chui vào bụi rậm, cho gai đâm sứt cằm xẻ trán. Uống say, có kẻ chọn lề đường góc phố làm giường ngủ, hay chọn sình lầy làm lối bước cho riêng mình:

Hiu hiu gió thổi đầu non,
Mấy thằng uống rượu là con Ngọc Hoàng.
Ngọc Hoàng ngự tại ngai vàng,
Thấy con uống rượu hai hàng lệ rơi.
Tưởng rằng con uống con chơi,
Ai dè con uống, con rơi xuống sình.

Kinh nghiệm ngàn đời đã được các chiến hữu thâm niên quân vụ để lại như sau :

Một xị thì mở mang trí hóa.
Hai xị thì giải bớt cơn sầu.
Ba xị thì mũi chảy đầy râu.
Bốn xị thì ngồi đâu khóc đó.
Năm xị thì cho chó ăn chè.
Sáu xị thì làm xe lội nước.
Bảy xị thì ra nhị tì mà ở.

Tiếp đến là những bất ổn đối với gia đình.

Khi uống rượu thì phải có người nọ người kia mới vui, chứ uống rượu một mình thì buồn đến rơi cả nước mắt. Đây là một sự thật mà dân bợm nhậu đã phải lớn tiếng công nhận. Và cũng là một kinh nghiệm được các “lão tiền bối” viết thành thơ phú hẳn hoi:
 
Rượu ngon không có bạn hiền,
Không mua, không phải không tiền không mua.

Có những bà vợ đã sắm mấy hũ rượu thuốc để sẵn ở trong nhà cho ông chồng dùng, hầu được dãn gân cốt. Thế nhưng, ông ấy lại chẳng bao giờ đụng tới. Trái lại, hễ có đình có đám, thể nào ông ấy cũng say và xỉn. Sở dĩ như vậy vì ông ta đã tâm niệm trước khi lâm trận: Không say không về.

Có người hỏi:

- Tại sao lại uống nhiều như vậy ?

Ông ta lập tức trả lời:

- Rượu đình rượu đám có phải bỏ tiền ra mua đâu, tội gì mà không uống.

Đối với dân bợm nhậu họ sẵn sàng nhậu ở mọi nơi và trong mọi lúc. Họ vui vẻ nhậu trên từng cây số. Vui cũng nhậu: Ngày xuân nâng chén ta chúc nơi nơi… Buồn cũng nhậu: Dục phá sầu thành duy hữu tửu. (Muốn dẹp bỏ nỗi buồn, thì chỉ có rượu mà thôi).

Trong đời thường, người ta có cả một ngàn lẻ một lý do để mà nhậu. Chẳng vậy mà ở Việt Nam, nhất là tại các thành phố lớn như Sài Gòn, Hà Nội các quán nhậu thi nhau mọc lên và trở thành những phố nướng, những làng nhậu…Cứ chiều xuống là khói tỏa, hương bay đến điếc cả mũi những người qua đường. Rồi cũng tại Việt Nam, có đủ mặt các loại bia và rượu nổi tiếng.

Vào thời buổi kinh tế còn khó khăn, được uống một vài lon bia mà thôi, quả thực đã quá lòng mong ước. Thế nhưng, thời buổi ấy đã lui vào dĩ vãng và đã trở nên…xưa rồi Diễm ơi! Bây giờ người ta thích xài sang với những loại rượu tây mắc tiền, như XO chẳng hạn. Và thậm chí người ta còn dùng tới những loại rượu độc chiêu khác như rượu ngâm mật gấu, rượu cửu xà (ngâm bằng chín loại rắn khác nhau).

Tất cả những điều kiện kể trên đều là một thiệt hại lớn cho ngân sách gia đình vốn dĩ đã eo hẹp, nhất là khi đồng lương của mình mới chỉ ba cọc ba đồng. Thành thử vợ con lâm vào cảnh nheo nhóc là điều không tránh khỏi.

Đi uống rượu với bè bạn mà trở về nhà, nếu còn giữ được cái đạo đức, cái tác phong của mình thì còn đỡ. Thế nhưng, nhiều kẻ đã bị “ma men” quật ngã, làm cho nổi điên nổi khùng, để rồi có những hành động đáng tiếc như chửi vợ, đánh con, đập phá đồ đạc và cho nồi niêu xoong chảo bay ra ngoài sân…khiến cho gia đình một phen xất bất xang bang.

Ấy là chưa nói tới những nỗi lo lắng mà vợ con gặp phải mỗi khi ông chồng say đến độ quên cả đường về, những cực nhọc mà vợ con phải chịu đựng mỗi khi ông ta xỉn đến độ cho chó ăn chè, những hoảng hốt mà vợ con phải gánh lấy, khi ông ta say xỉn đến độ bất tỉnh, nằm thành một đống và phải đưa vào bệnh viện cấp cứu!

Sau cùng là những bất ổn đối với hàng xóm.

Tuy nhiên, phiền toái hơn cả là những rắc rối mà kẻ say xỉn gây nên cho bà con lối xóm. Người ta thường bảo: Tửu nhập ngôn xuất. (Rượu vào lời ra). Cái thứ “ngôn xuất”, cái thứ “lời ra” một khi đã thấm đẫm hơi men, xem chừng cũng thiên biến vạn hóa đến nỗi quỷ thần cũng không lường nổi.

Thực vậy, có kẻ khi say thì cười, có người khi say thì lại khóc. Có kẻ khi say thì thích nói tiếng Pháp, tiếng Anh, có người khi say thì lại toàn chửi tục. Có kẻ khi say thì chỉ muốn đi xưng tội vì hình như rượu làm cho họ thêm can đảm, dám nói ra những tội lỗi thầm kín của mình. Tuy nhiên sự việc ấy lại chẳng ổn tí nào, bởi vì lúc bấy giờ rượu xưng chứ đâu có phải là họ xưng. Thậm chí xưng xong cũng chẳng biết mình đã xưng những tội nào. Có kẻ khi say thì vui miệng, vợ mình không khen, nhưng lại cứ nhè vợ người khác mà khen, thế mới rách việc và rắc rối. Có kẻ khi say, thì mượn hơi men để chửi bới người này, người khác. Thậm chí chửi cả cha lẫn mẹ, chửi cả họ hàng lẫn bè bạn thân thích, khiến cho tình nghĩa bị rạn vỡ. Có kẻ khi say, bị ma men đưa đường dẫn lối đến chỗ thượng cẳng chân, hạ cẳng tay, ẩu đả và đánh lộn từ người ngồi cùng bản đến người đi đường làm cho họ như bị tai bay vạ gió.

Có kẻ bình thường thì rất hiền lành như cục đất, thế nhưng mấy cốc rượu đã làm cho máu “yêng hùng” nổi lên đùng đùng, khiến họ cũng sẵn sàng vác dao, vác đá đi hỏi thăm sức khỏe, thậm chí còn xin cả tí huyết của người hàng xóm, để rồi khi hết cơn “yêng hùng” lúc tỉnh lại, phải ký vào biên bản thì như quả bóng xì hơi, hết lời năn nỉ ỉ ôi và chạy đi xin lỗi hết người này tới người khác.
 
Chưa đánh được người, thì mặt đỏ như vang,
Đánh được người rồi, thì mặt vàng như nghệ.

Đúng là “yêng hùng” theo kiểu:
 
Anh hùng gì ? Anh hùng rơm,
Tôi cho mồi lửa, hết cơn anh hùng.

Nói tóm lại, khi nhậu thì mình phải làm chủ rượu, chứ đừng để rượu làm chủ mình. Bởi vì rất nhiều khi rượu đã làm cho người ta mất đi tính người, trở thành cọp dữ và chó điên với những hành động dại dột và dã man nhất. Để rồi sau đó có hối cũng không kịp, bóc lịch, dựa cột, hay xe thùng thì đã muộn mất rồi.

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây