Những lời răn dạy thâm thúy của người xưa

Thứ ba - 03/09/2019 13:32
Những câu răn dạy của người xưa thật đơn giản mà sâu sắc, dù trải qua hàng nghìn năm nhưng vẫn vẹn nguyên giá trị. Chúng ta, lớp hậu thế phải luôn luôn trau dồi, học tập, rèn luyện đạo đức, nhân cách để phát triển bản thân ngày một tốt hơn.
Những lời răn dạy thâm thúy của người xưa
1. Ăn cơm nhà chúa, múa tối ngày
Ăn cơm của người ta, bạn phải nhìn sắc mặt người ta mà sống. Dựa vào người khác mà sống, bạn sẽ phải chịu sự kiểm soát, ràng buột của họ. Nếu không chịu sự điều khiển của họ thì sẽ mất cơm ngay. Bởi lẽ dĩ nhiên là quyền kinh tế quyết định quyền phát ngôn.

Suy rộng ra, nếu một Quốc gia có sự lệ thuộc về kinh tế thì sẽ bị điều khiển bởi Quốc gia kia. Mọi quyết định lớn, nhỏ đều phải có sự cho phép hoặc đồng ý của Quốc gia kia thì mới được làm. Nếu không, họ sẽ gây áp lực siết nợ hoặc phế truất người lãnh đạo hoặc phá hoại kinh tế làm cho Quốc gia đó suy vong.

Do vậy, để không bị kiểm soát, bạn phải tự lực, tự cường, tự đứng trên đôi chân của chính mình không dựa dẫm, lệ thuộc vào ai, có như thế bạn mới tự quyết được vận mệnh của mình.

2. Cho gạo không cho củi, mượn áo không mượn giày
Cho gạo là vì “có thực mới vực được đạo”, còn cho người nghèo đói gạo cũng là đang tích đức cho chính mình, vì vậy hầu hết mọi người sẽ không từ chối. Nhưng củi thì có ở khắp mọi nơi, chỉ cần sẵn sàng làm việc chăm chỉ, không sợ thiếu củi lấy. Cổ nhân dạy giúp ngặt, không giúp nghèo. Chỉ giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn nhất thời, giúp người qua cơn hoạn nạn chứ không nên giúp kẻ mãi nghèo, nghèo bền vững, vì họ chỉ trông chờ vào sự “cứu trợ” mà chẳng siêng năng làm việc, lười biếng cẩu thả và ỷ lại. Họ chỉ dựa dẫm vào chúng ta chứ hoàn toàn không có ý chí tiến thủ, vươn lên trong cuộc sống.

Không mượn giày và cũng không cho mượn giày vì mỗi người có kích cỡ bàn chân khác nhau, rất khó để tìm được một đôi giày vừa vặn. Đường đời cũng vậy, không ai giống ai, con đường của tôi thành công nhưng chưa chắc bạn làm giống tôi sẽ thành công. Bởi vì thế giới quan và sức lực mỗi người mỗi khác do đó phải biết dùng cái riêng và ý chí của bản thân tìm cho mình con đường thích hợp nhất.

3. Nhân từ không nắm binh quyền, nghĩa khí không nắm tiền tài
Người nhân từ mềm lòng không thể dẫn dắt quân đội. Chiến trường liên quan đến sống chết, thời khắc then chốt không thể có cái nhân từ mềm yếu của phụ nữ, nếu không sẽ thua thảm hại, mất đi sinh mệnh của bao nhiêu người.

Người trung nghĩa trên đời thường nhiều bằng hữu, họ là người trọng nghĩa khinh tài, do đó người nghĩa khí không được nắm giữ tiền của tài sản, vì sẽ không giữ được sẽ gây thất thoát lãng phí.

4. Không làm người trung gian, không mang tên lãnh nợ
Người trung gian thì nhất định cả hai bên đều quen biết, đều là bạn bè. Khi không xảy ra sự việc thì còn tốt, khi xảy ra sự việc, thì họ đều đổ tội lên thân mình. Cuối cùng, sự tình cũng hỏng mà bạn bè cũng mất. Có thể kể điển hình như việc làm mai mối, mỗi khi gia đình lục đục, cơm không lành canh không ngọt thì họ đều lôi người mai mối ra để đổ thừa, để chưởi.

Không làm người lãnh nợ, vì khi người ta không trả được nợ thì mình lãnh đủ. Chẳng hạn như việc, bạn bè nhờ đứng ra bảo lãnh vay tiền, lúc còn thân thiết thì bạn bạn mình mình, nhưng khi xích mích xảy ra thì bạn lặn mất tăm, tiền mình không xài mà nợ thì phải gánh.

5. Một người không vào miếu, hai người không xem giếng, ba người không vác cây, một mình chớ dựa lan can
Trước đây, trong miếu thường có những đồ dùng vật báu quý hiếm, nếu một mình đi vào miếu rất dễ bị tình nghi ăn cắp đồ, bởi vậy mới có câu “một người không vào miếu”.

Hai người khi ngó xuống giếng xem, một người không cẩn thận mà bị trượt chân ngã xuống giếng, người còn lại sẽ bị hiểu lầm là thủ phạm đẩy người kia xuống, bởi vậy mới nói “Hai người không xem giếng”.

Có ba người cùng vác cây sẽ có một người vì lười nhác mà ỷ vào sức lực của hai người kia, bởi vậy mới có câu “Ba người không vác cây”.

“Một mình chớ dựa lan can”, là bởi khi ngồi một mình tâm tính người ta có thể vì buồn chán dễ nghĩ tới những việc đau buồn, khi ngồi trên cao dễ nghĩ không thông hoặc lơ là bất cẩn mà xảy ra chuyện.

6. Bần cư náo thị vô nhân vấn, Phú tại sơn lâm hữu khách tầm
Có nghĩa là: Nghèo hèn mà sống nơi đông đúc giữa phố chợ cũng chẳng có ai đến thăm hỏi. Nhưng giàu sang, dù sống ở nơi núi rừng xa xôi cũng có lắm người tìm đến. Tình người ấm lạnh, tham phú phụ bần suy cho cùng cũng chỉ vì một chữ “lợi”. Sống trên đời, ngoại trừ những người thân yêu nhất ra, thì ai đến với nhau cũng chỉ vì cái lợi. Đây là chân lý tự cổ chí kim.

Tuy nhiên, cũng cần phải nhìn nhận lại. Khi bạn nghèo, tức là bạn kém cỏi, thiếu ý chí, thiếu nghị lực vươn lên thì cho dù bạn có ở nơi đông đúc náo nhiệt lắm người qua lại thì cũng chẳng ai hỏi, chẳng ai tìm đến. Nhưng khi bạn giàu lên, tức là bạn giỏi giang, có đầu óc thông minh sáng tạo, có cách làm giàu thành công thì mọi người nô nức tìm đến bạn để học hỏi, tham vấn cho dù bạn ở hang cùng ngỏ hẻm hay chốn rừng núi vắng người qua lại. Như vậy, dù là bạn ở nơi hẻo lánh, hay chốn phồn hoa đô hội thì cũng phải cố gắng phấn đấu, học tập vươn lên để trở thành người thành đạt trong cuộc sống.

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây