Tài sản và món nợ lớn nhất của đời người là gì?

Thứ hai - 16/09/2019 14:20
Tài sản và món nợ lớn nhất của đời người là gì? Là vàng và tiền chăng! hay là kim cương và đô la! ... Đó đều là những là tài sản và món nợ lớn. Tuy nhiên nó chưa phải là lớn nhất. Vậy tài sản và món nợ lớn nhất là gì?
Tài sản và món nợ lớn nhất của đời người là gì?
Tài sản lớn nhất của con người là sức khỏe

Các cụ xưa nhấn mạnh rằng: Tài sản lớn nhất của con người là sức khỏe. Người bình thường không ai nghĩ đến sức khỏe của mình, chỉ khi nào bị tác động của bệnh tật hoặc tuổi già mới giật mình nghĩ lại, chủ yếu là cảm giác nuối tiếc.

Bão Phác Tử nói: Ai cũng muốn sống lâu mà không biết cách dưỡng sinh. Ai cũng biết ăn uống quá độ thì ốm đau mà không biết giữ miệng. Ai cũng biết tình dục quá độ thì khô héo mà không biết phòng thân.

Mạnh Tử thì cho rằng: Dưỡng sinh không gì hay bằng ít lòng ham muốn, say mê.

Tư Mã Thiên cũng nhận xét: Tinh thần dùng quá thời kiệt, hình thể làm quá thời mệt. Đúng là khi đã ốm đau bệnh tật rồi thì có tặng, biếu ham muốn cũng không còn cảm hứng đón nhận nữa.

Tuân Sinh Tiên lại có ý sâu xa: Muốn cho thân không có bệnh, trước hết phải để tâm không có bệnh. Nên ít sắc dục để nuôi tinh, ít ngôn ngữ để nuôi khí, ít tư lự để nuôi thần.

Còn danh y Tuệ Tĩnh luôn nhắn nhủ:

Bế tinh, dưỡng khí, tồn thần,
Thanh tâm, quả dục, thủ chân, luyện hình

(ý là: giữ tinh, dưỡng khí, bảo tồn thần, giữ cho lòng thanh thản, hạn chế dục vọng, giữ chân khí, luyện tập thân thể).

Món nợ lớn nhất cuộc đời con người là tình cảm

Trong cuộc sống còn nhiều mối liên quan, tác động đến nhau về cả vật chất và tinh thần, những món nợ tiền còn có thể trả được nhưng nợ tình thì khó khăn hơn nhiều, cho nên món nợ lớn nhất cuộc đời con người là tình cảm.

Kinh Lễ đặt câu hỏi: Thế nào là tình cảm con người? Mừng, giận, thương, sợ, yêu, ghét muốn. Bảy loại tình cảm đó chẳng cần học ai cũng biết. Thế nhưng, bảy sắc tình đó chẳng phải mang đến đã cho con người ta mọi điều tốt đẹp, như sách Khuyết giới toàn thư nhận định: Bể tình dục lấp mãi không đầy thành sầu khổ phá mãi không tan. Vì vậy món nợ tình cảm ở đây cần hiểu là món nợ của thương yêu, quý mến, gia ân. Nếu có điều kiện, thời gian, hoàn cảnh cũng có thể trang trải tượng trưng để lưu lại chữ tình, nhưng cũng có nhiều tình thế khó xử không thể cân, đong, đo đếm được, đành để kiếp sau.

Một tích cổ kể câu chuyện vua muốn thử tài trí tân Trạng Nguyên nên đưa ra tình huống khó xử: Trên một con thuyền bị đắm có ba người là đức vua, thầy dạy và cha đẻ đều gặp nguy hiểm đến tính mạng, vậy sẽ cứu ai trước? Nếu chủ định cứu một trong ba người thì Trạng Nguyên sẽ mắc một trong ba tội lớn: bất trung, bất hiếu hoặc bất nghĩa. Nhưng Trạng trả lời nhanh và dứt khoát là, cứ nhảy xuống sông, quờ được ai trước thì cứu người đó trước. Tuy cách ứng phó ngẫu nhiên rất thông minh nhưng giả thiết có chuyện này thật thì món nợ dưới sông với hai người còn lại biết bao giờ trả xong? Chắc cũng khó khăn, trắc ẩn như chuyện của Trương Chi và Mỵ Châu:

Nợ tình chưa trả cho ai?
Khối tình mang xuống tuyền đài chưa tan!

Như vậy, tài sản lớn nhất là: Sức khỏe và món nợ lớn nhất là tình cảm. Bạn hãy cố gắng tích lũy tài sản lớn nhất này nhé và đừng bao giờ để ai đó nợ mình tình cảm và mình cũng đừng nợ ai đó cảm tình. Người xưa có câu: Còn rừng thì không sợ thiếu củi đốtTiền bạc phân minh, ái tình dứt khoát, nhớ nhé!

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây