Diễn biến chính của phong trào Đông Dương Đại hội.

Thứ ba - 10/03/2020 10:12
1. Hãy nêu diễn biến chính của phong trào Đông Dương Đại hội.
2. Hãy trình bày những hoạt động của Đảng trong cuộc đấu tranh trên nghị trường.
3. Hãy trình bày những ý chính của cuộc đấu tranh trên lĩnh vực báo chí.
1. Hãy nêu diễn biến chính của phong trào Đông Dương Đại hội.

Từ giữa năm 1936, được tin Quốc hội Pháp cử phái đoàn sang điều tra tình hình thuộc địa, Đảng chủ trương vận động và tố chức các tầng lớp nhân dân hội họp, thảo ra bản “dân nguyện”, để gửi tới phái đoàn, tiến tới triệu tập Đông Dương Đại hội vào tháng 8 - 1936. Đảng cũng kêu gọi các đảng phái chính trị, các tổ chức quần chúng cùng tham gia. Kết quả là phong trào Đông Dương Đại hội đã diễn ra khắp cả nước:
+ Khởi đầu ở Nam Kì, đến cuối tháng 9 - 1936, đã có hơn 600 ủy ban hành động được thành lập. Phong trào mạnh nhất ở Sài Gòn, Chợ Lớn, Thủ Dầu Một...
+ Ở Bắc Kì, trong tháng 9, Ủy ban lâm thời chi nhánh Bắc Kì Đông Dương Đại hội thành lập. Các ủy ban hành động thành lập ở Hà Nội, Hà Đông, Bắc Ninh...
+ Ở Trung Kì, ngày 12 - 9 - 1936, ủy ban lâm thời chi nhánh Trung Kì Đông Dương Đại hội thành lập. Các ủy ban hành động được thành lập ở Quảng Trị, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Đà Năng...
Trước sự lan rộng của phong trào, bọn phản động thuộc địa tìm cách đàn áp và chia rẽ quần chúng. Chúng ra lệnh giải tán ủy ban hành động, cấm hội họp, tịch thu các báo cổ động cho Đông Dương Đại hội.
Mặc dù bị đàn áp và phái đoàn của Quốc hội Pháp không sang, Đông Dương Đại hội bị cấm hoạt động, nhưng qua phong trào, đông đảo quần chúng nhân dân được giác ngộ, đoàn kết đấu tranh đòi quyền sống; Đảng Cộng sản Đông Dương thu được một số kinh nghiệm về phát động và lãnh đạo phong trào đấu tranh công khai, hợp pháp. Chính quyền thực dân đã phải giải quyết một số yêu sách của nhân dân như nới rộng quyền xuất bản báo chí, tự do đi lại, thả một số tù chính trị,...

2. Hãy trình bày những hoạt động của Đảng trong cuộc đấu tranh trên nghị trường.

+ Đấu tranh nghị trường là một hình thức đấu tranh mới mẻ của Đảng Cộng sản Đông Dương nhằm mục đích mở rộng lực lượng của Mặt trận Dân chủ và vạch trần chính sách phản động của bọn thực dân và tay sai, bênh vực quyền lợi cho nhân dân lao động.

+ Trong các cuộc tuyển cử vào các cơ quan lập pháp, Mặt trận Dân chủ, trong đó Đảng Cộng sản là thành viên tích cực, đã đưa người ra ứng cử.

Trong cuộc bầu cử vào Viện Dân biểu Trung Kì (8 - 1937), Đảng vận động những người tiến bộ trong hàng ngũ trí thức ra ứng cử. Đảng sử dụng báo chí để tuyên truyền và vận động cử tri bỏ phiếu cho những người này. Kết quả là hầu hết các ứng cử viên do Đảng vận động ra ứng cử đều đã trúng cử.

+ Năm 1938, trong cuộc tranh cử vào Viện Dân biểu Bắc Kì, 15 ứng cử viên của Mặt trận Dân chủ đã trúng cử. Mặt trận Dân chủ còn giành thắng lợi trong Hội đồng Kinh tế lí tài Đông Dương - cơ quan “dân cư” cao nhất ở Đông Dương.

+ Năm 1939, diễn ra cuộc tuyến cử vào Hội đồng Quản hạt Nam Kì. Trong cuộc tuyển cử này, Mặt trận Dân chủ bị thất bại do những thủ đoạn thâm độc của bọn phản động thuộc địa, do nội bộ của Mặt trận Dân chủ không thống nhất ý kiến.

3. Hãy trình bày những ý chính của cuộc đấu tranh trên lĩnh vực báo chí.

+ Cùng với hình thức đấu tranh nghị trường, đấu tranh trên lĩnh vực báo chí cũng là hình thức đấu tranh mới mẻ của Đảng Cộng sản Đông Dương. Đảng đã triệt để sử dụng báo chí công khai làm vũ khí đấu tranh cách mạng nhằm: tuyên truyền đường lối, quan điểm của Đảng; tập hợp, hướng dẫn phong trào đấu tranh của quần chúng.

+ Từ năm 1937, báo chí công khai của Đảng phát triển nhanh chóng. Nhiều tờ báo công khai của Đảng, của Mặt trận Dân chủ Đông Dương và các đoàn thể quần chúng đã ra đời (Tiền phong, Dân chúng, Lao động, Bạn dân, Tin tức,...); một số sách chính trị phổ thông giới thiệu chủ nghĩa Mác - Lê-nin và chính sách của Đảng được lưu hành rộng rãi, trong đó có cuốn Vấn đề dân cày của Qua Ninh và Vân Đình. Nhiều tác phẩm văn học hiện thực phê phán ra đời như Bước đường cùng của Nguyễn Công Hoan; Tắt đèn, Lều chỏng của Ngô Tất Tố... Cuối năm 1937, Đảng phát động phong trào truyền bá chữ Quốc ngữ nhằm giúp quần chúng nhân dân lao động đọc được sách báo, nâng cao hiểu biết về chính trị.

+ Cuộc đấu tranh trên lĩnh vực báo chí những Năm 1936 - 1939 đã thu được kết quả to lớn, trước hết trên lĩnh vực văn hóa - tư tưởng. Đông đảo các tầng lớp nhân dân được giác ngộ về con đường cách mạng của Đảng.

 

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây