Tại sao đến Năm 1950, Đảng ta quyết định mở chiến dịch Biên giới?

Thứ sáu - 13/03/2020 10:45
Tại sao đến Năm 1950, Đảng ta quyết định mở chiến dịch Biên giới? Trình bày diễn biến của chiến dịch Biên giới thu - đông 1950 và phân tích ý nghĩa của chiến thắng.
Tại sao đến Năm 1950, Đảng ta quyết định mở chiến dịch Biên giới? Trình bày diễn biến của chiến dịch Biên giới thu - đông 1950 và phân tích ý nghĩa của chiến thắng.

a. Đảng ta quyết định mở chiến dịch Biên giới
+ Sau chiến dịch Việt Bắc thu - đông 1947, cuộc kháng chiến của nhân dân ta tiếp tục phát triển đi lên, lực lượng kháng chiến của ta trưởng thành về mọi mặt.
+ Trong khi đó, hoàn cảnh quốc tế cũng có nhiều chuyển biến thuận lợi cho ta: cách mạng Trung Quốc thành công, nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa ra đời (1 - 10 - 1949), tạo điều kiện cho cách mạng Việt Nam tiếp xúc trực tiếp với các nước trong phe xã hội chu nghĩa. Từ tháng 1 - 1950, các nước xã hội chủ nghĩa lần lượt công nhận và đặt quan hệ ngoại giao với ta; phong trào kháng chiến ở Lào và Cam-pu-chia phát triển mạnh, buộc Pháp phải phân tán lực lượng đối phó,...
+ Bên cạnh đó ta cũng gặp không ít những khó khăn: đế quốc Mĩ can thiệp ngày càng sâu vào cuộc chiến tranh Đông Dương. Nhờ sự giúp sức của Mĩ, Pháp thông qua kế hoạch Rơ-ve, với âm mưu là: tăng cường hệ thống phòng ngự trên Đường số 4, thiết lập hành lang Đông - Tây (Hải Phòng - Hà Nội - Hòa Bình - Sơn La) hòng cắt đứt con đường liên lạc giữa Việt Bắc với đồng bằng Liên khu III và IV; chuẩn bị kế hoạch tấn công lên Việt Bắc lần thứ hai, để nhanh chóng kết thúc chiến tranh..
+ Xuất phát từ bối cảnh lịch sử trên, để đưa cuộc kháng chiến tiến sang giai đoạn mới, tháng 6 - 1950, Ban Thường vụ Trung ương Đảng quyết định mở chiến dịch Biên giới nhằm ba mục đích: tiêu diệt một bộ phận quan trọng sinh lực địch; khai thông biên giới Việt - Trung để mở rộng con đường liên lạc với quốc tế; mở rộng và củng cố căn cứ địa Việt Bắc, tạo đà thúc đẩy cuộc kháng chiến tiến lên.

b. Diễn biến của chiến dịch Biên giới thu - đông 1950
+ Ngày 16 - 9 - 1950, mở màn ta đánh Đông Khê và nhanh chóng giành thắng lợi. Mất Đông Khê, quân địch ở Thất Khê bị uy hiếp, số địch còn lại ở Cao Bằng bị cô lập.
+ Trước nguy cơ bị tiêu diệt, địch thực hiện kế hoạch: rút quân khỏi Cao Bằng theo Đường số 4; cho một cánh quân từ Thất Khê lên Đông Khê để đón cánh quân từ Cao Băng về; đồng thời cho cánh quân đánh lên Thái Nguyên để thu hút bớt chủ lực của ta.
+ Ta đã kiên trì mai phục, chặn đánh địch, khiến cho hai cánh quân của chúng không gặp được nhau. Quân địch hoảng loạn phải rút quân khỏi nhiều vị trí quan trọng trên Đường số 4. Cùng thời gian trên, cuộc tấn công lên Thái Nguyên của Pháp cũng bị đập tan.
+ Ngày 22 - 10 - 1950, Pháp buộc phải cho quân rút khỏi Đường số 4.
+ Phối hợp với mặt trận Biên giới, quàn ta hoạt động mạnh ở tả ngạn sông Hồng, Tây Bắc, Đường số 6, số 12, buộc địch phải rút quân khỏi thị xã Hòa Bình (4 - 11 - 1950). Phong trào du kích phát triển mạnh ở Bình – Trị - Thiên, Liên khu V và Nam Bộ.

c. Ý nghĩa của chiến dịch
+ Đây là chiến dịch phản công lớn đầu tiên của ta giành thắng lợi, nói lên sự trưởng thành nhiều mặt của quân đội ta.
+ Với chiến thắng Biên giới năm 1950, con đường liên lạc của ta với các nước xã hội chủ nghĩa được khai thông, quân đội ta đã trưởng thành về nhiều mặt.
+ Từ sau chiến dịch Biên giới, quân và dân ta đã giành được quyền chủ động trên chiến trường chính (Bắc Bộ). Ngược lại, địch bị đây vào thế bị động phải đối phó với ta, mở ra bước phát triển mới của cuộc kháng chiến chống Pháp: từ sau năm 1950, quân và dân ta liên tiếp mở các cuộc tấn công, còn Pháp phải bị động đối phó.

 

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây