Bồi dưỡng Ngữ Văn 10, Lập luận trong văn nghị luận

Thứ năm - 04/03/2021 08:56
Văn nghị luận là văn được viết ra nhằm xác lập cho người đọc, người nghe một tư tưởng, quan điểm nào đó. Muốn thế, văn nghị luận phải có luận điểm rõ ràng, có lí lẽ, dẫn chứng thuyết phục. Nhưng tư tưởng, quan điểm trong bài văn nghị luận phải hướng tới giải quyết những vấn đề đặt ra trong đời sống thì mới có ý nghĩa.
Bồi dưỡng Ngữ Văn 10, Lập luận trong văn nghị luận

LẬP LUẬN TRONG VĂN NGHỊ LUẬN

A. NHỮNG KIẾN THỨC CẦN LƯU Ý

  Kiểu văn bản nghị luận các em đã học ở THCS. Lên THPT các em có học kiểu bài này nhưng nhìn chung các tiết học chỉ nhằm mục đích luyện tập để nâng cao một số kĩ năng cơ bản như cách lập luận, các thao tác nghị luận, lập dàn ý bài văn nghị luận. Để học tốt bài Lập luận trong văn nghị luận, các em cần nắm vững một số kiến thức sau:

1. Văn nghị luận là văn được viết ra nhằm xác lập cho người đọc, người nghe một tư tưởng, quan điểm nào đó. Muốn thế, văn nghị luận phải có luận điểm rõ ràng, có lí lẽ, dẫn chứng thuyết phục. Nhưng tư tưởng, quan điểm trong bài văn nghị luận phải hướng tới giải quyết những vấn đề đặt ra trong đời sống thì mới có ý nghĩa.

2. Đặc điểm của văn nghị luận:
     a) Mỗi bài văn nghị luận đều phải có luận điểm. Luận cứ và lập luận. Trong một bài văn có thể có một luận điểm chính và luận điểm phụ.
     b) Luận điểm là ý kiến thể hiện tư tưởng, quan điểm của bài văn được nêu ra dưới hình thức câu khẳng định (hay phủ định), được diễn đạt sáng tỏ, dễ hiểu, nhất quán. Luận điểm là linh hồn của người viết, nó thống nhất các đoạn văn thành một khối. Luận điểm phải đúng đắn, chân thật, đáp ứng nhu cầu thực tế thì mới có sức thuyết phục.
     c) Luận cứ là lí lẽ, dẫn chứng đưa ra làm cơ sở cho luận điểm. Luận cứ phải chân thật, đúng đắn, tiêu biểu thì mới khiến cho luận điểm có sức thuyết phục.
     d) Lập luận là cách nêu luận cứ để dẫn đến luận điểm. Lập luận phải chặt chẽ, hợp lí thì bài văn mới có sức thuyết phục. Để xác định luận điểm trong từng phần và mối quan hệ giữa các phần, người ta có thể sử dụng các phương pháp lập luận khác nhau như suy luận nhân quả, suy luận tương đồng, phương pháp diễn dịch, qui nạp…

B. HƯỚNG DẪN HỌC BÀI

1. Hướng dẫn trả lời câu hỏi trong phần Khái niệm về lập luận trong bài văn nghị luận.

a) Kết luận (mục đích) của lập luận là gì?
    Mục đích của lập luận trong đoạn trích Thư lại dụ Vương Thông là: các ông (giặc Minh - bọn Vương Thông) không hiểu thời thế, lại dối trá, lại là kẻ thất phu hèn kém, thì làm sao nói chuyện dùng binh được.

b) Để dẫn tới kết luận đó, tác giả đã đưa ra những lí lẽ hoặc dẫn chứng (luận cứ) nào?
     Để dẫn tới kết luận đó, tác giả đã đưa ra các luận cứ. Luận cứ ở đây đều là lí lẽ. Xuất phát từ chân lí tổng uát Người dùng binh giỏi là ở chỗ biết xét thời thế mà suy ra hai hệ quả được thời có thế thì biến mất làm còn, hoá nhỏ thành lớn và mất thời không thế thì mạnh quay thành yếu, yên chuyển làm nguy. Đó chính là những cơ sở để khẳng định bọn Vương Thông không hiểu thời thế, lại dối trá nên chỉ là kẻ thất phu hèn kém, cầm chắc thất bại.

c) Cho biết thế nào là lập luận.
     Từ sự phân tích trên, rút ra kết luận sau: Lập luận là đưa ra các lí lẽ, dẫn chứng nhằm dẫn dắt người đọc (người nghe) đến một kết nào đó mà người nói ( người viết) muốn đạt tới.

2. Hướng dẫn trả lời câu hỏi trong phần cách xây dựng lập luận.

     a) Xác định luận điểm
     Bài văn nghị luận của Hữu Thọ bàn về vấn đề gì? Quan điểm của tác giả về vấn đề đó như thế nào? Bài văn có bao nhiêu luận điểm? Tìm các luận điểm đó.
     Bài Chữ ta của Hữu Thọ bàn về việc dùng chữ nước ngoài lấn át chữ ta trong các biển quảng cáo ở một vài thành phố của Việt Nam và việc lạm dụng tiếng nước ngoài trong khá nhiều báo chí. Từ việc nêu ra cách làm của Hàn Quốc, cách làm biểu hiện lòng tự trọng của một quốc gia khi mở cửa với bên ngoài, tác giả tỏ thái độ không đồng tình và phê phán cách làm của ta.
     Bài văn có hai luận điểm cơ bản: Tiếng nước ngoài (tiếng Anh) đang lấn lướt tiếng Việt trong các biển hiệu quảng cáo ở nước ta và một số trường hợp tiếng nước ngoài được đưa vào báo chí một cách không cần thiết, gây thiệt thòi cho người đọc.
  2. Tìm luận cứ
     Các luận cứ trong đoạn trích Thư lại dụ Vương Thông đều là lí lẽ; trong Chữ ta đều là những bằng chứng thực tế tác giả thấy được ở Xơ-un (Hàn Quốc) và ở Việt Nam.
  3. Lựa chọn phương pháp lập luận
     a) Xác định và phân tích phương pháp lập luận được vận dụng ở 2 ngữ liệu trong SGK.
     Ở đoạn trích Thư lại dụ Vương Thông, Nguyễn Trãi lập luận theo phương pháp diễn dịch và quan hệ nhân - quả. Trước hết, tác giả đưa ra nhận định khái quát Người dùng binh giỏi là ở chỗ biết xét thời thế mà thôi. Sau đó triển khai nhận định khái quát ấy bằng các luận cứ. Luận cứ được trình bày theo mối quan hệ nhân quả.
     Văn bản Chữ ta của Hữu Thọ được lập luận theo phương pháp quy nạp và so sánh. Để đi đến kết luận thái độ tự trọng của một quốc gia, tác giả đã đưa ra hai luận điểm, trong mỗi luận điểm, tác giả so sánh thực tế ở Xơ-un (Hàn Quốc) và ở Việt Nam về việc dùng chữ nước ngoài trong các biển quảng cáo và trên báo chí.
     b) Một số phương pháp lập luận thường được sử dụng trong văn bản nghị luận (xin xem phần Những kiến thức cần lưu ý).

C. HƯỚNG DẪN LUYỆN TẬP THỰC HÀNH

1. Tìm và phân tích các luận điểm, luận cứ và phương pháp lập luận trong đoạn trích ở bài “Khái quát văn học Việt Nam từ thế kỉ X đến hết thế kỉ XIX”.
  - Luận điểm: Chủ nghĩa nhân đạo trong văn học trung đại rất phong phú và đa dạng.
  - Các luận cứ:
     + Các luận cứ lí lẽ: Chủ nghĩa nhân đạo biểu hiện ở lòng thương người ; lên án, tố cáo những thế lực tàn bạo chà đạp lên con người; khẳng định, đề cao con người.
     + Các luận cứ thực tế khách quan: Liệt kê các tác phẩm giàu tính nhân đạo trong văn học trung đại.
  - Phương pháp lập luận: Lập luận theo phương pháp quy nạp.
  Về câu Chủ nghĩa nhân đạo trong văn học trung đại cũng rất phong phú và đa dạng nêu ý khái quát, các vế câu còn lại nêu luận cứ bằng lí lẽ; đoạn văn thứ hai chính là các luận cứ thực tế khách quan.
 
2. Hãy tìm luận cứ làm sáng tỏ các luận điểm.
     a) Đọc sách đem lại cho ta nhiều bổ ích. Gồm:
     - Đọc sách nâng cao tầm hiểu biết về tự nhiên xã hội.
     - Đọc sách giúp ta khám phá ra chính bản thân mình.
     - Đọc sách chắp cánh cho ta ước mơ và sáng tạo.
     - Đọc sách giúp cho việc diễn đạt tốt hơn.

     b) Môi trường đang bị ô nhiễm nặng nề. Gồm:
     - Đất đai bị xói mòn, sa mạc hoá.
     - Không khí bị ô nhiễm.
     - Nước bị nhiễm bẩn không thể tưới cây, không thể ăn uống, tắm rửa.
     - Môi trường đang bị tàn phá, đang bị huỷ diệt.

     c) Văn học dân gian là những tác phẩm nghệ thuật ngôn từ.
     - Văn học dân gian là những tác phẩm nghệ thuật ngôn từ.
     - Văn học dân gian là những tác phẩm truyền miệng.

3. Chọn một trong các câu lập luận vừa xây dựng ở bài tập 2 để viết  thành một đoạn văn.
     Tuỳ vào sự lựa chọn của từng em, miễn sao đoạn văn phải đảm bảo được những yêu cầu của bài học. Các em có thể tham khảo đoạn văn sau:
     Văn học dân gian tồn tại, lưu hành theo phương thức truyền miệng. Tác phẩm được lưu truyền từ người này sang người khác, qua nhiều thế hệ và các địa phương khác nhau. Nói đến truyền miệng là nói đến quá trình diễn xướng dân gian hào hứng và sinh động. Người ta có thể nói, kể, hát, diễn tác phẩm văn học dân gian.

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây