Bồi dưỡng Ngữ Văn 10, Luyện tập viết đoạn văn thuyết minh

Thứ sáu - 18/12/2020 03:50
Đoạn văn thuyết minh: giới thiệu trình bày một đặc điểm trong hệ thống nhiều đặc điểm của đối tượng thuyết minh được thể hiện trong toàn văn bản. Nội dung trình bày phải đảm bảo tính khoa học, chính xác, khách quan, nhằm cung cấp một phần tri thức về đối tượng thuyết minh.
Bồi dưỡng Ngữ Văn 10, Luyện tập viết đoạn văn thuyết minh

LUYỆN TẬP VIẾT ĐOẠN VĂN THUYẾT MINH

 

A. NHỮNG VẤN ĐỀ CẦN LƯU Ý.

   1. Đoạn văn là một bộ phận của bài văn, không tồn tại như một đơn vị độc lập mà luôn có mối quan hệ ràng buộc chặt chẽ với các đoạn văn khác trong toàn bài. Chính vì thế, để có thể đảm bảo được mối quan hệ này và tránh tình trạng chồng chéo, trùng lập ý giữa các đoạn văn, trước khi viết một đoạn văn nào đó cần xây dựng được dàn ý. Khi đã xây dựng được dàn ý người viết cần xác định rõ vị trí đoạn văn cần viết (đoạn văn trước đó đã viết ý gì, đoạn văn sau đó nữa viết ý gì, đoạn văn cần viết phải tiếp nối như thế nào cho ăn khớp và hợp lí). Làm như vậy sẽ đảm bảo được tính thông suốt liền mạch của toàn bộ văn bản và đoạn văn viết ra mới có thể đúng yêu cầu.
   2. Người viết phải đặt mình vào tình huống thuyết minh cụ thể, hình dung bối cảnh thuyết minh, xác định mục đích thuyết minh chung của cả bài và mục đích cần đạt được trong đoạn văn cần viết là gì (cung cấp những tri thức nào? Quan hệ với những tri thức đã giới thiệu ở đoạn trước như thế nào? Đem lại cho người đọc ấn tượng gì về đối tượng thuyết minh?)

B. HƯỚNG DẪN HỌC BÀI
I. Đoạn văn thuyết minh

1. a) Thế nào là đoạn văn
         Đoạn văn là đơn vị trực tiếp tạo nên văn bản
         Về hình thức: Do nhiều câu được sắp xếp theo một trật tự nhất định tạo thành, trong đó có câu chủ đề và câu phát triển chủ đề. Câu chủ đề mang nội dung khái quát, lời lẽ ngắn gọn thường đứng ở đầu hoặc cuối đoạn văn. Các câu phát triển chủ đề thể hiện những khía cạnh cụ thể của nội dung khái quát đã nêu trong câu chủ đề.
         Dấu hiệu nhận biết của đoạn văn là bắt đầu từ chữ cái viết hoa lùi vào đầu dòng, kết thúc bằng dấu chấm xuống dòng.
         Về nội dung: Đoạn văn bao giờ cũng biểu đạt một ý tương đối hoàn chỉnh, nhằm hướng tới góp phần làm rõ nội dung của toàn văn bản.
b) Một đoạn văn cần đạt được bốn yêu cầu
         + Tập trung làm rõ một ý chung, một chủ đề chung thống nhất và duy nhất. Ý của đoạn văn là một khía cạnh trong nội dung của toàn văn bản. Trong một đoạn văn không thể tồn tại hai ý, hai chủ đề khác nhau.
         + Liên kết chặt chẽ với các đoạn văn trước và sau nó: không lặp lại ý, không rời rạc, không lạc lõng, phải ăn khớp với ý đoạn văn trước và sau nó.
         + Diễn đạt chính xác, trong sáng: giúp nội dung được thể hiện một cách rõ ràng, đầy đủ, dễ hiểu nhất.
         + Gợi cảm, hùng hồn: tạo nên sức hấp dẫn chân dung của toàn bài, tác động trực tiếp tới cảm quan của người đọc (yêu cầu này cũng còn phụ thuộc vào từng nội dung được đề cập tới trong đoạn văn).

2. Sự giống nhau và khác nhau giữa đoạn văn tự sự và đoạn văn thuyết minh.
      a) Giống nhau: vì đều là đơn vị đoạn văn nên đều mang những đặc điểm và yêu cầu chung của mọi đoạn văn: tính thống nhất về nội dung chủ đề hướng tới thể hiện nội dung, chủ đề chung của văn bản; tính liên kết với các đoạn văn khác; số lượng câu phải từ hai câu trở lên và có dấu hiệu nhận biết rõ ràng.
      b) Khác nhau: vì thuộc hai kiểu câu văn bản khác nhau nên đoạn văn tự sự và đoạn văn thuyết minh phải thể hiện được yêu cầu riêng trong phương thức biểu đạt của chúng:
      +Đoạn tự sự: kể lại một phần trong trình tự diễn biến câu chuyện của toàn văn bản. Nội dung thể hiện rõ tính hư cấu, tưởng tượng, tính chủ quan trong cảm xúc, thái độ, sự đánh giá. Người viết sử dụng yếu tố miêu tả và biểu cảm để nội dung kể hiện lên sinh động và hấp dẫn. Lời văn trong đoạn văn tự sự phải mang tính nghệ thuật.
      + Đoạn thuyết minh: giới thiệu trình bày một đặc điểm trong hệ thống nhiều đặc điểm của đối tượng thuyết minh được thể hiện trong toàn văn bản. Nội dung trình bày phải đảm bảo tính khoa học, chính xác, khách quan, nhằm cung cấp một phần tri thức về đối tượng thuyết minh. Người viết sử dụng, kết hợp linh hoạt hợp lý các phương pháp thuyết minh để nội dung trình bày hiện lên cụ thể, sinh động, hấp dẫn. Cách diễn đạt trong một đoạn thuyết minh phải đảm bảo sự rõ ràng, dễ hiểu, mạch lạc, tránh gây hiểu nhầm.

3. Một đoạn văn thuyết minh có thể gồm hai phần
      a) Phần nêu ý chủ đề: câu đặt ở đầu hoặc cuối đoạn.
      b) Phần phát triển ý chủ đề: nhiều câu đứng trước hoặc sau câu nêu ý chủ đề.
   Lưu ý: có thể có đoạn ý chủ đề ẩn, không được thể hiện trực tiếp.
      Các ý trong đoạn văn thuyết minh có thể được sắp xếp theo trình tự thời gian, không gian, nhận thức, phản bác - chứng minh. Khi thuyết minh người viết phải trình bày giới thiệu lần lượt từng biểu hiện trong đặc điểm đang cần thuyết minh ở đối tượng. Những trình tự trên đều có một thứ tự rõ ràng, rành mạch giúp các ý trong đoạn xuất hiện một cách hợp lí, lôgíc, khoa học, chủ đề của đoạn sẽ hiện dần lên một cách thuyết phục trong nhận thức của người đọc.

II. Viết đoạn văn thuyết minh

1. Dàn ý đại cương: Thuyết minh một tác phẩm văn học. Truyện Kiều của Nguyễn Du.
      a) Mở bài:
         Giới thiệu chung: là một trong những kiệt tác hàng đầu của văn học dân tộc ở mọi thời đại, kết tinh nhiều giá trị vĩnh cửu.
      b) Thân bài:
         - Nguồn gốc của tác phẩm và sáng tạo của Nguyễn Du.
         + Nguồn gốc: vay mượn cốt truyện trong tác phẩm của Trung Hoa.
         + Sáng tạo:
         * Nội dung
         * Hình thức
         - Đề tài
         - Chủ đề
         - Cảm hứng
         - Thành công nghệ thuật:
         * Ngôn ngữ, thể thơ
         * Xây dựng nhân vật
         * Miêu tả, phân tích nội tâm
      c) Kết bài:
         Sức sống của Truyện Kiều.

2. Diễn đạt một ý trong dàn ý thành một đoạn văn: Thuyết minh về cảm hứng trong tác phẩm.
      Gắn liền với chủ đề là cảm hứng. Nếu chủ đề bao quát của Truyện Kiều là vấn đề vận mệnh con người trong một xã hội bất công tàn bạo, thì cảm hứng chủ đạo của tác phẩm chính là cảm hứng về thân phận con người, số phận tài hoa. Thông qua nhân vật Thuý Kiều - người con gái tuyệt đỉnh tài sắc - tác giả trước hết đề cao, ca ngợi trân tronhj con người với tất cả những gì tinh tuý, tuyệt vời nhất. Kèm theo đó cũng thông qua nàng Kiều với cuộc đời bi kịch đau khổ, Nguyễn Du bày tỏ niềm cảm thương chân thành, nỗi xót xa vô hạn cho thân phận con người, cho tài hoa trong một xã hội đen tối. Con người với tất cả những gì đẹp đẽ nhất đáng lẽ phải được trân trọng, phải được hạnh phúc nhưng cuối cùng lại liên tiếp bị vùi dập, bị chà đạp đến ê chề cay đắng. Yêu thương và đau đớn thay cho con người Nguyễn Du cũng không quên bộc lộ tất cả nỗi phẫn nộ, sự căm giận đối với xã hội . Cảm hứng này khiến tác phẩm trở thành một bản cáo trạng đanh thép dành cho tất cả những thế lực đã chà đạp con người: từ bọn vô danh tiểu tốt, bọn lâu la tôi tớ, bọn đầu trâu mặt ngựa, cho đến lũ buôn thịt bán người, lũ sai nha huyện lại, rồi đến cả vị quan phụ mẫu đức cao vọng trọng của triều đình,v.v… Những thế lực đó góp phần vẽ nên bộ mặt gớm ghiếc vô nhân tính của xã hội. Trong một xã hội như vậy cái Đẹp, cái Thiện khó lòng có thể tồn tại bình yên. Tố cáo xã hội một cách mạng mẽ, đó cũng là cảm hứng nổi bật của tác phẩm.

C. HƯỚNG DẪN LUYỆN TẬP

   1. Đề tài, chủ đề, cảm hứng tạo nên chiều sâu trong giá trị nội dung của tác phẩm. Bên cạnh đó Truyện Kiều còn ghi nhận những thành tựu xuất sắc về nghệ thuật của tài năng lỗi lạc Nguyễn Du. Tác phẩm trước hết cho thấy sự thành công của nhà thơ trong việc vận dụng tiếng Việt. Khéo léo kết hợp một cách tự nhiên, nhuần nhuyễn ngôn ngữ bình dân và ngôn ngữ bác học, tác giả đã khiến cho tiếng Việt trong Truyện Kiều trở nên tinh tế, uyển chuyển hơn, vừa gần gũi, thân thuộc, bình dị, vừa đài các quý phái, tao nhã trong thể hiện nội dung. Cùng với ngôn ngữ, thể thơ lục bát của dân tộc cũng được nhà thơ sử sụng một cách nhuần nhị, vừa thể phát huy hết vẻ đẹp vốn có của nó, vừa bộc lộ nhiều khả năng mới trong việc thể hiện chiều sâu tư tưởng, tình cảm của con người. Đặc biệt nói đến nghệ thuật Truyện Kiều, không thể không khẳng định sự thành công của nghệ thuật, xây dựng nhân vật và nghệ thuật miêu tả nội tâm nhà thơ. Thế giới nhân vật trong Truyện Kiều phong phú đa dạng thế nhưng trong thế giới phong phú đa dạng đó không nhân vật nào có thể lẫn với nhân vật nào. Chỉ bằng vài nét chấm phá, Nguyễn Du đã có thể làm hiện lên một chân dung rất sống động đó là một con người, với một dáng dấp, một tính cách rất cụ thể, chân thực để lại một ấn tượng riêng sâu sắc cho người đọc. Đời sống nội tâm của nhân vật với rất nhiều diễn biến phức tạp tinh vi cũng được Nguyễn Du nắm bắt và tái hiện một cách rất tài tình. Có thể nói Nguyễn Du đã đạt tới trình độ bậc thầy trong nghệ thuật điển hình hoá và nghệ thuật miêu tả nội tâm. Những thành công về mặt nghệ thuật đã góp phần khiến cho chiều sâu trong nội dung tác phẩm hiện lên một cách trọn vẹn và thuyết phục hơn đối với người đọc.
   2. Nền văn học Việt Nam được tạo nên bởi nhiều tài năng lớn. Trong số đó Nguyễn Du luôn xứng đáng là đại diện xuất sắc lỗi lạc nhất cho văn học dân tộc ở mọi thời đại.
   Nguyễn Du tên chữ là Tố Như, hiệu là Thanh Hiên, quê gốc ở Tiên Điền, Nghi Xuân, Hà Tĩnh nhưng được sinh ra tại Thăng Long ngày 25 tháng 11 năm ất Dậu (tức ngày 3 tháng 11 năm 1765). Xuất thân trong một gia đình đại quý tộc, từng có nhiều người làm quan và nhiều người sáng tác văn học, cha là Nguyễn Nghiễm, từng là tể tướng triều Lê, mẹ là Trần Thị Tần, vợ thứ ba của cha, xuất thân từ một gia đình bình dân ở Bắc Ninh, vốn rất giỏi hát xướng, Nguyễn Du sớm kế thừa được những truyền thống tốt đẹp của gia đình.
   Cuộc đời của nhà thơ có nhiều biến đổi thăng trầm. Sau những năm tháng ấu thơ êm đềm hạnh phúc, đến năm 10 tuổi tang thương bắt đầu ập đến: cha mất, tiếp theo hai năm sau mẹ cũng qua đời. Nguyễn Du phải đến sống nhờ nhà người anh cả cùng cha khác mẹ là Nguyễn Khản. Năm 19 tuổi, Nguyễn Du thi đậu tam trường, rồi làm một chức quan võ ở Thái Nguyên. Năm 1789 nhà Lê sụp đổ, Nguyễn Du lánh về quê vợ ở Thái Bình, rồi tiếp đó về sống ở Nghi Xuân, Hà Tĩnh. Đó là quảng đời “mười năm gió bụi” vô cùng long đong cực khổ của nhà thơ. Năm 1802 nhà Nguyễn được thiết lập, Nguyễn Du bất đắc dĩ từ chối không được phải miễn cưỡng ra làm quan. Ông từng làm tri huyện, tri phủ Thường Tín, cai bạ Quảng Bình. Tiếp đó, năm 1813 ông được thăng chức học sĩ điện Cần Chánh và được cử làm chánh sử đi Trung Quốc. Sau khi về nước ông được thăng làm Tham tri bộ Lễ. Năm 1820 Nguyễn Du được cử làm Chánh sứ đi Trung Quốc lần nữa nhưng chưa kịp đi thì ngày 10 tháng 8 năm Canh Thìn ông mất đột ngột trong một trận dịch lớn.
   Trong cuộc đời sóng gió của mình Nguyễn Du đã để lại một sự nghiệp văn học vô giá: đồ sộ về số lượng, sâu sắc về nội dung, xuất sắc trong nghệ thuật thể hiện. Nguyễn Du sáng tác bằng cả chữ Hán và chữ Nôm. Thơ chữ Hán có ba tập: Thanh Hiên thi tập, được làm lúc nhà thơ đang sống ở quê vợ Thái Bình và quê nhà Nghi Xuân; Nam trung tạp ngâm, viết trong thời gian Nguyễn Du làm quan ở Quảng Bình; Bắc hình tạp lục là tập thơ chữ Hán xuất sắc nhất, tập hợp những sáng tác ra đời trong lúc Nguyễn Du đi sứ ở Trung Quốc. Trong những tập thơ này có nhiều bài thơ rất đặc sắc: Độc Tiểu Thanh kí, Sở kiến hành, Long Thành cầm giả ca, Thái Bình mại ca giả. Về thơ chữ Nôm, Nguyễn Du để lại kiệt tác Truyện Kiều và một tác phẩm cũng rất nổi tiếng: “Văn tế thập loại chúng sinh”.
   Những sáng tác của Nguyễn Du trước hết cho thấy khả năng bao quát hiện thực và một cảm quan nhạy bén sắc sảo trong những vấn đề lớn của con người, của thời đại. Hiện thực cuộc sống với bao điều nhức nhối đã được Nguyễn Du ghi lại một cách trung thực và xúc động. Trên cái nền của sự phản ánh đó người đọc cũng thấy được ý thức phản kháng xã hội và đặc biệt là ý thức khẳng định, vun đắp cho cuộc sống hạnh phúc của con người của nhà thơ. Trái tim của đại thi hào luôn thao thức cùng bao nỗi buồn vui của con người trên khắp chốn nhân gian: từ người ca nữ đất Long Thành nổi danh tài sắc một thì giờ tủi hờn trong cảnh chiều tà xế bóng (Long Thành giả cầm ca); từ nàng Kiều tài sắc hơn người mà một đời bất hạnh (Truyện Kiều); cho đến người hát rong (Thái Bình mại ca giả), những người ăn xin (Sở kiến hành), cả đến những cô hồn tội nghiệp đang vất vưởng trong khắp cõi trời đất (Văn chiêu hồn)… tất cả đều hiện lên sống động trong bao niềm ưu tư trăn trở của Nguyễn Du. Hơn ai hết Nguyễn Du là một nhà hiện thực và nhân đạo vĩ đại của văn chương mọi thời đại bởi con mắt nhìn thấu cả sáu cõi và tấm lòng nghĩ suốt đến ngàn đời của ông.
   Không chỉ có vậy, sáng tác Nguyễn Du còn là minh chứng của một nghệ thuật đã đạt tới trình độ bậc thầy của một tài năng kiệt xuất. Ngôn ngữ văn chương, đặc biệt là tiếng Việt đạt đến đỉnh cao của sự nhuần nhuyễn, tinh tế, tự nhiên, có khả năng biểu hiện sâu sắc đời sống và nội tâm con người. Đó còn là thứ ngôn ngữ được kết hợp hài hoà giữa ngôn ngữ bác học với ngôn ngữ bình dân, tạo nên nhiều sắc thái biểu hiện rất đa dạng. Nguyễn Du còn đặc biệt thành công trong việc xây dựng nhân vật. Ông đã để lại cho nền văn học dân tộc nhiều điển hình nhân vật bất hủ. Kèm theo đó đến Nguyễn Du thế giới nội tâm con người với biến thái tinh vi, phức tạp dường như mới được khám phá trọn vẹn ở những chiều sâu không cùng của nó. Có thể nói tác phẩm của Nguyễn Du đã đạt tới sự mẫu mực của nghệ thuật cổ điển.
   Cuộc đời hơn năm mươi năm sống giữa trần gian của Nguyễn Du dẫu nhiều bi kịch cay đắng, có khi mất phương hướng trong những cơn lốc xoáy của lịch sử, thế nhưng trước sau Nguyễn Du vẫn là con người của tài hoa, của một trái tim luôn chan chứa dạt dào niềm yêu thương và nỗi xót đau vô hạn cho mỗi kiếp người bất hạnh trên khắp thế gian. Nguyễn Du là một tài năng, một tâm hồn mà càng qua thời gian càng ngời sáng.

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây