Bồi dưỡng Ngữ Văn 10, những yêu cầu về việc sử dụng Tiếng Việt

Thứ sáu - 18/12/2020 03:57
Việc sử dụng tiếng Việt không chỉ đặt ra yêu cầu phải đúng chuẩn mực, quy tắc mà còn phải hay và phù hợp về phong cách. Việc sử dụng tiếng Việt đúng chuẩn ngôn ngữ phải được thể hiện trên cả dạng viết và dạng nói.
Bồi dưỡng Ngữ Văn 10, những yêu cầu về việc sử dụng Tiếng Việt

NHỮNG YÊU CẦU VỀ SỬ DỤNG TIẾNG VIỆT

A. MỘT SỐ VẤN ĐỀ KIẾN THỨC CẦN LƯU Ý
      Tiếng Việt có nhiều lợi thế: đa dạng, phong phú, nhiều màu sắc, giàu khả năng gợi tả, gợi cảm. Nhưng để tận dụng được ưu điểm đó nhằm đạt đến hiệu quả cao trong giao tiếp là không hề dễ dàng. Việc sử dụng tiếng Việt không chỉ đặt ra yêu cầu phải đúng chuẩn mực, quy tắc mà còn phải hay và phù hợp về phong cách, cụ thể:

1. Sử dụng tiếng Việt đúng theo chuẩn mực ngôn ngữ
   Việc sử dụng tiếng Việt đúng chuẩn ngôn ngữ phải được thể hiện trên cả dạng viết và dạng nói. Điều này là rất quan trọng vì trên thực tế vẫn thường xảy ra tình trạng nói đúng nhưng viết sai hoặc ngược lại viết đúng nhưng nói sai. Vì thế, để đảm bảo vừa viết đúng vừa nói đúng cần thực hiện theo các yêu cầu:
      a) Về ngữ âm và chữ viết: phát âm đúng theo chuẩn tiếng Việt và viết đúng quy tắc chính tả hiện hành. Đặc biệt, cần tránh những cách nói, viết sai chính tả do yếu tố địa phương: không phân biệt hỏi, ngã ở một số tỉnh Miền Trung, lẫn lộn giữa n-l, tr-ch… trong phát âm ở một số khu vực ngoài Bắc. Còn các tỉnh trong Nam thì phát âm v thành d, u âm cuối thành ng…
      b) Về từ ngữ: các từ cần được sử dụng đúng về hình thức cấu tạo, ý nghĩa của chúng. Không nên lầm lẫn chẳng hạn bàng quan thành bàng quang. Hơn thế nữa, cần phải dùng từ phù hợp với màu sắc biểu cảm của chúng. Ví dụ, khi nào dùng chết, khi nào dùng toi, bỏ mạng, nghẻo, từ trần, qua đời, mất…
      c) Về ngữ pháp: các câu không chỉ cần đúng theo quy tắc ngữ pháp, đúng về ý nghĩa, có dấu câu rõ ràng mà còn cần phải được liên kết với nhau một cách chặt chẽ, thống nhất tạo ra sự mạch lạc cho nội dung giao tiếp. Sử dụng câu đúng nhưng thiếu lôgíc, không mạch lạc là vẫn chưa đạt yêu cầu.

2. Sử dụng tiếng Việt theo đúng chuẩn mực phong cách
      Tiếng Việt được sử dụng trong nhiều phong cách ngôn ngữ khác nhau: phong cách sinh hoạt, phong cách khoa học, phong cách nghệ thuật… Mỗi phong cách đó có những đặc trưng riêng về mặt ngôn ngữ. Vì vậy, trong khi sử dụng tiếng Việt cần phải đảm bảo tính phù hợp với hoàn cảnh và phong cách ngôn ngữ.

3. Sử dụng hay và đạt hiệu quả giao tiếp cao.
      Đây là yêu cầu cao nhất và cũng rất  khó thực hiện. Bởi vì khi sử dụng tiếng Việt chỉ đúng thôi chưa đủ. Để đạt được hiệu quả giao tiếp cao nhất thì việc sử dụng tiếng Việt còn cần phải hay, giàu tính  nghệ thuật. Tất nhiên, để hay được thì trước hết phải đúng và trên cơ sở đó chúng  ta mới có thể phát huy những khả năng diễn đạt tinh tế, khả năng gợi tả, gợi cảm cao của tiếng Việt. Nghĩa là việc sử dụng tiếng Việt phải rất sáng tạo, linh hoạt, vận dụng nhuần nhuyễn, hợp lí các thủ pháp nghệ thuật, các biện pháp tu từ có hiệu quả.
      Bác Hồ của chúng ta là người rất nghiêm túc và luôn có ý thức giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt, phấn đấu đạt đến tính nghệ thuật cao trong khi sử dụng. Bản di chúc của Người đã được Bác sữa chữa, viết đi viết lại rất nhiều lần để đạt được yêu cầu vừa đúng, chính xác, vừa hay. Trong bài thơ Tràng giang nhà thơ Huy Cận cũng đã thể hiện một yêu cầu rất cao trong sử dụng tiếng Việt vừa chuẩn vừa hay: qua bảy lần sửa chữa, lựa chọn, ông mới viết nên câu thơ hoàn chỉnh: Củi một cành khô lạc mấy dòng
  1. Một cánh bèo trôi đã lạc dòng
  2. Một cánh bèo đơn lạc giữa dòng
  3. Một chút bèo đơn lạnh giữa dòng
  4. Một cánh bèo đơn lạnh giữa dòng
  5. Một gót bèo xanh lạc mấy dòng
  6. Gỗ lạc rừng xa cuộn xiết dòng
  7. Củi một cành khô lạc mấy dòng.
      Những ví dụ trên cho thấy công phu khó nhọc của tác giả để có thể sử dụng tiếng Việt cho đạt yêu cầu. Đó cũng là những tấm gương mà chúng ta cần học tập trong quá trình sử dụng, gìn giữ sự trong sáng, giàu có của tiếng Việt.

B. HƯỚNG DẪN HỌC BÀI

I. Sử dụng đúng theo các chuẩn mực tiếng Việt
1. Về ngữ âm và chữ viết:

      a) - Sai phụ âm cuối: giặc (viết đúng là “giặt”)
      - Sai phụ âm đầu: khô dáo (viết đúng là “khô ráo”)
      - Sai về thanh: tiền lẽ (viết đúng là “tiền lẻ”), đỗi (viết đúng là “đổi)
      b) Lời nói của người bác thể hiện tính chất địa phương trong cách phát âm. Do thói quen phát âm của từng địa phương tạo ra những biến thể ngữ âm khác biệt so với chuẩn của ngôn ngữ phổ thông:
      - Sai phụ âm đầu: trời - giời, nhưng mà - dưng mà.
      - Sai phần nguyên âm: mà - mờ, bảo - bẩu.
      Trong khi viết, nói cần tránh điều này vì có thể khiến người đọc, nghe khó hiểu.

2. Về từ ngữ:
      a) - Dùng sai từ về cấu tạo: chót lọt (dùng đúng là “chót”)
      - Dùng sai về nghĩa: truyền tụng (dùng đúng là “truyền đạt” hoặc “truyền thụ”)
      - Dùng sai về cách kết hợp, không ai nói chết các bệnh truyền nhiễm. Có 2 cách chữa:
      + Số người mắc và chết vì các bệnh truyền nhiễm đã giảm dần.
      + Số người mắc các bệnh truyền  nhiễm bị chết đã giảm dần.
      - Dùng sai về cách kết hợp, không thể nói Những bệnh nhân không cần phải mổ mắt được khoa dược tích cực… Có thể chữa thành: những bệnh nhân không cần phải mổ mắt được tích cực điều trị bằng những thứ thuốc tra mắt đặc biệt do khoa dược pha chế.
      b) - Câu thứ nhất dùng từ sai: yếu điểm nghĩa là điểm quan trọng, trọng yếu (giống như yếu nhân là người quan trọng) chứ không phải là điểm yếu kém. Cần chữa yếu điểm thành điểm yếu.
      - Câu thứ 2, 3 và 4 đúng.
      - Câu thứ 5 dùng sai từ: linh động cần chữa thành sinh động.

3. Về ngữ pháp:
   a) - Câu 1 sai vì thiếu chủ ngữ Qua tác phẩm Tắt đèn của Ngô Tất Tố không phải là chủ ngữ của câu. Có thể chữa theo các cách:
      + Bỏ qua ở đầu câu
      + Bỏ của và thay vào đó dấu “,”
         + Bỏ đã cho và thay vào đó dấu “,”
      - Câu 2 chỉ là một cụm danh từ chứ chưa phải câu hoàn chỉnh. Cần thêm các thành phần chính vào:
         + Thêm từ Đó vào đầu câu. Đó làm chủ ngữ.
         + Thêm một cụm từ vào cuối câu làm vị ngữ để “Lòng tin tưởng… kép bước mình” trở thành chủ ngữ. Ví dụ: là nội dung chính của bài phát biểu.
      b) - Câu thứ nhất sai vì chưa đủ thành phần chính, có được ngôi nhà chưa phải là chủ ngữ của câu.
      - Các câu còn lại đều đúng.
      c) Từng câu trong đoạn đều đúng về từ ngữ, cú pháp và ngữ nghĩa. Nhưng sự liên kết về mặt hình thức cũng như nội dung giữa chúng là không chặt chẽ, thiếu lôgíc. Do đó đoạn văn đã không có sự thống nhất và mạnh lạc về nội dung. Ví dụ: từ nàng ở câu thứ hai không thể thế cho Thuý Kiều và Thuý Vân ở câu thứ nhất. Giữa câu năm và câu sáu lặp từ còn. Có thể chữa lại bằng cách sắp xếp lại các câu và thay đổi một số từ như sau: “Thuý Kiều và Thuý Vân là con gái của ông bà Vương viên ngoại, họ sống êm ấm dưới một mái nhà, hoà thuận và hạnh phúc cùng cha mẹ. Cả hai đều có những nét xinh đẹp tuyệt vời. Thuý Kiều là một thiếu nữ tài sắc vẹn toàn. Vẻ đẹp của nàng hoa cũng phải ghen, liễu cũng phải hờn. Còn Thuý Vân có nét đẹp đoan trang, thuỳ mị. Về tài thì Thuý Kiều hơn hẳn Thuý Vân, thế nhưng nàng đâu có được hưởng hạnh phúc”.

4. Về phong cách ngôn ngữ:
      a) - Từ hoàng hôn tuy đúng về ý nghĩa thời gian nhưng không hợp về nét nghĩa biểu cảm. Hoàng hôn hợp với việc sử dụng trong một văn bản thuộc phong cách ngôn ngữ nghệ thuật chứ không thể dùng trong nột biên bản tai nạ thuộc phong cách hành chính. Có thể thay đổi bằng buổi chiều, chiều.
      - Từ hết sức là đúng về nét nghĩa chỉ mức độ cao (tương đương với rất, vô cùng…) nhưng nó mang tính khẩu ngữ, chỉ dùng trong ngôn ngữ sinh hoạt hằng ngày. Còn dùng trong văn nghị luận là sai về phong cách. Có thể thay đổi bằng rất, vô cùng.
      b) Lời thoại của Chí Phèo thể hiện rất rõ phong cách ngôn ngữ sinh hoạt.
         - Xưng hô: bẩm cụ, con
         - Dùng các thành ngữ: trời tru đất diệt, một thước cắm dùi không có.
         - Khẩu ngữ: sinh ra, lại, quả, về làng về nước, chả làm gì nên ăn.
         - Dùng ngôn ngữ sinh hoạt đó mục đích của Chí Phèo là cụ lại cho con đi ở tù nghĩa là mang tính cầu xin đề nghị. Tuy nhiên ngôn ngữ đó vẫn không thể dùng trong một lá đơn đề nghị. Bởi vì đơn từ thuộc phong cách ngôn ngữ hành chính, yêu cầu ngôn ngữ phải ngắn gọn, đầy đủ, rõ ràng,… Chẳng hạn ý con có dám nói gian thì trời chu đất diệt thì trong một lá đơn phải được diễn đạt thành: Tôi xin cam đoan điều đó là đúng sự thật.

II. Sử dụng hay, đạt hiệu quả giao tiếp cao
   1. Đứng và quỳ ở đây không phải được dùng với nghĩa gốc mà là nghĩa chuyển theo phương thức ẩn dụ. Đứng và quỳ ở đây không để chỉ tư thế của thân thể con người mà biểu hiện nhân cách, phẩm chất con người. Chết đứng nghĩa là chết một cách oai hùng, hiên ngang, thể hiện khí phách cao đẹp. Còn sống quỳ thể hiện sự hèn nhát, luồn cúi, quỵ luỵ. Cách sử dụng đứng, quỳ như vậy làm cho câu nói hình tượng và gợi cảm hơn hẳn so với câu nói có cùng nội dung chết vinh còn hơn sống nhục.
   2. Chiếc nôi xanh, máy điều hoà khí hậu là cách nói hình tượng. Thông qua đó chúng ta có thể cảm nhận về những lợi ích của cây xanh một cách cụ thể nhất, gần gũi nhất như chiếc nôi, như máy điều hoà. Vì thế nó cũng thể hiện được tình cảm trân trọng, yêu quý của người nói với cây xanh và tạo ra sự đồng cảm ở người nghe.
   3. Phép điệp từ ai có, dùng, điệp cấu trúc cú pháp ở đây tạo ra sự cân đối cho câu văn. Đồng thời ghép đối với những câu ngắn (hoặc ngắt thành nhiều vế ngắn) tạo ra nhịp điệu dứt khoát, khoẻ khoắn, mạnh mẽ, từ đó gợi âm hưởng  hào hùng tác động đến cả tâm trí và tình cảm người nghe, đọc. Vì thế nó có sức thuyết phục cao.

C. HƯỚNG DẪN LUYỆN TẬP

   1. Các từ ngữ đúng: bàng hoàng, chất phác, bàng quan, lãng mạn, hưu trí, uống rượu, trau chuốt, nồng nàn, đẹp đẽ, chặt chẽ.
   2.   - Từ hạng dùng để phân biệt người theo phẩm chất và thường mang nét nghĩa xấu. Còn từ lớp được dùng để phân biệt người về mặt tuổi tác, thế hệ. Trong câu văn Năm nay……… Bác chỉ đề cập đến tuổi tác của mình. Vì thế thay bằng từ lớp là hoàn toàn chính xác, phù hợp.
         - Từ phải thể hiện sự bắt buộc, nặng nề không phù hợp với việc đi gặp… khác cũng như không phù hợp với thái độ với cái chết của Bác trong khi viết Di chúc. Còn từ sẽ nhẹ nhàng hơn và thể hiện được ý nghĩa tương lai của sự việc.
   3. Các câu trong đoạn đều đúng về từ ngữ, ngữ pháp, ngữ nghĩa nhưng thứ tự các câu và sự liên kết giữa chúng không hợp lí.
      - Câu đầu và các câu còn lại không tương thích về nội dung: câu đầu nói về tình yêu nam nữ, những câu còn lại nói đến những tình cảm khác.
      - Quan hệ thay thế giữa họ ở câu 2 và3 không rõ ràng.
      Có thể viết lại như sau: Trong ca dao Việt Nam những bài về tình yêu nam nữ là nhiều nhất, nhưng còn có nhiều bài thể hiện các tình cảm khác. Những con người trong ca dao yêu gia đình, yêu cái tổ ấm, họ cùng nhau sinh sống, yêu nơi chôn nhau, cắt rốn. Họ yêu người làng, người nước, yêu từ cảnh ruộng đồng đến việc trong xóm ngoài làng. Tình yêu đó nồng nhiệt, đằm thắm và sâu sắc.
   4. Câu văn mang tính hình tượng cụ thể và sức gợi cảm cao nhờ việc dùng từ ngữ tình thái  biết bao nhiêu cùng các từ ngữ  tượng hình, tượng thanh oa oa, quả ngọt trái sai, thắm hồng… Có thể so sánh câu trên với câu:
      Chị Sứ rất yêu chốn này, nơi chị đã sinh ra và lớn lên.
   5. Tự làm.

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây