Bồi dưỡng Ngữ Văn 10, Nội dung và hình thức của văn bản văn học

Thứ hai - 08/03/2021 09:59
Nội dung văn bản văn học bao gồm: đề tài, chủ đề, tư tưởng, cảm hứng nghệ thuật. Còn hình thức của văn bản văn học bao gồm: ngôn từ, kết cấu, thể loại.
Bồi dưỡng Ngữ Văn 10, Nội dung và hình thức của văn bản văn học

I. NHỮNG VẤN ĐỀ CẦN LƯU Ý

  1. Các khái niệm của nội dung trong văn bản văn học bao gồm: đề tài, chủ đề, tư tưởng, cảm hứng nghệ thuật.
  2. Các khái niệm thuộc về mặt hình thức của văn bản văn học bao gồm: ngôn từ, kết cấu, thể loại.

II. HƯỚNG DẪN HỌC BÀI
  1. Đề tài của văn bản văn học là gì? Cho ví dụ.

     Đề tài là lĩnh vực đời sống được nhà văn nhận thức, lựa chọn, khái quát, bình giá và thể hiện trong văn bản. Việc lựa chọn đề tài đã bước đầu bộc lộ khuynh hướng và ý đồ sáng tác của tác giả.
     Chẳng hạn tác phẩm Tắt đèn của  nhà văn Ngô Tất Tố, đề tài chính là cuộc sống bi thảm của người nông dân Việt Nam trước cách mạng tháng Tám năm 1945, trong những ngày sưu thuế. Với đề tài đó, nhà văn thể hiện sự gắn bó của mình đối với cuộc sống của người nông dân.

  2. Chủ đề là gì? Cho ví dụ.

     Chủ đề là vấn đề cơ bản được nêu ra trong văn bản. Chủ đề thể hiện điều quan tam cũng như chiều sâu nhận thức của nhà văn đối với cuộc sống.
  Tầm quan trọng của chủ đề không phụ thuộc vào khuôn khổ văn bản. Có những văn bản khuôn khổ nhỏ nhưng mang chủ đề lớn. Mỗi văn bản có thể có một hoặc nhiều chủ đề tuỳ quy mô cũng như ý định của tác giả. Lại có những văn bản quy mô nhỏ, đề tài có thể đồng  nhất với chủ đề.
  Ví dụ: Chủ đề của Tắt đèn là sự mâu thuẫn giữa nông dân và bon cường hào quan lại trong nông thôn Việt Nam. Bài thơ Sông núi nước Nam của Lí Thường Kiệt tuy ngắn gọn nhưng chính là bản tuyên ngôn khẳng định chủ quyền của một quốc gia độc lập. Các bộ tiểu thuyết đồ sộ như Tam quốc diễn nghĩa, Chiến tranh và hoà bình… lại có nhiều chủ đề đan xen phức tạp, có chính có phụ.

  3. Mối quan hệ giữa cảm hứng và tư tưởng trong văn bản văn học?

     Tư tưởng của văn bản là sự lí giải đối với chủ đề đã nêu lên, là nhận thức của tác giả muốn trao đổi, nhắn gửi, là linh hồn của văn bản. Cảm hứng là nội dung tình cảm chủ đạo của văn bản. Những trạng thái tâm hồn, những cảm xúc được thể hiện đậm đà, nhuần nhuyễn trong văn bản sẽ truyền cảm và hấp dẫn người đọc. Qua cảm hứng nghệ thuật, người đọc cảm nhận được tư tưởng, tình cảm của tác giả nêu lên trong văn bản. Chẳng hạn, cảm hứng trong Tắt đèn là lòng căm phẫn, là sự tố cáo bọn hồ lí quan lại ở nông thôn và chính sách dã man của thực dân Pháp. Những trang viết còn thể hiện rõ tấm lòng gắn bó với nông thôn, yêu thương, trân trọng những phẩm chất tốt đẹp của người nông dân ở nhà văn Ngô Tất Tố.

  4. Hãy nêu ý nghĩa quan trọng của nội dung và hình thức văn bản văn học?

     Văn học có những chức năng chủ yếu như: nhận thức, giáo dục, thẫm mĩ, giao tiếp,… Nhà văn luôn trăn trở sao cho nội dung của tác phẩm phải hướng tới tinh thần nhân văn, dân chủ và những tư tưởng sâu sắc khác có tác dụng hoàn thiện con người. Không quan tâm tới nội dung văn bản, chỉ cốt chú ý hình thức khác lạ, gợi tính hiếu kì là hướng đi không có triển vọng. Tất nhiên, văn học là một nghệ thuật, không đạt đến một trình độ văn học nhất định thì văn bản ấy không có giá trị văn học đích thực. Do đó, cần coi trọng, tìm tòi những hình thức mói mẻ, hấp dẫn.
     Vì vậy, văn  bản văn học cần có sự thống nhất giữa nội dung và hình thức. Những tác phẩm văn học ưu tú xưa nay đã đạt sự thống nhất ấy như: Truyện Kiều, Chinh phụ ngâm, Cung oán ngâm…

III. HƯỚNG DẪN LUYỆN TẬP

  1. So sánh đề tài của hai văn bản văn học Tắt đèn của Ngô Tất Tố và Bước đường cùng của Nguyễn Công Hoan.
  Cả hai tác phẩm Tắt đèn của Ngô Tất Tố và Bước đường cùng của Nguyễn Công Hoan đều viết về cuộc sống bị bóc lột, áp bức rất cơ cực của nông dân ở nông thôn trước cách mạng tháng Tám năm 1945 và sự phản kháng tự phát của họ. Nhưng có sự khác nhau: Tắt đèn tả cuộc sống nông thôn trong những ngày sưu thuế, nông dân bị áp bức bóc lột đủ đường buộc phải vùng lên phản kháng; Bước đường cùng miêu tả cuộc sống hằng ngày lầm than cơ cực của nông dân: bị áp bức bóc lột, bị địa chủ dùng thủ đoạn cho vay nặng lãi để cướp lúa, cướp đất, bị đẩy vào bước đường cùng, không còn lối thoát, nông dân phải đứng lên chống lại.
  Tắt đèn và Bước đường cùng phản ánh thực trạng cuộc sống của nông dân ở nông thôn trước cách mạng mà các tầng lớp cầm quyền cố che đậy. Người ta chỉ quyết tâm thay đổi hoàn cảnh sống khi hiểu ra thực trạng cuộc sống bi thảm của mình. Các đề tài này góp phần giúp cho người lao động (nông dân) thời đó ý thức rõ hơn về thân phận của mình.

  2. Phân tích tư tưởng bài thơ: Mẹ và quả của Nguyễn Khoa Điềm.
  Hai khổ thơ đầu nói đến lòng mong mỏi chờ đợi cũng như công lao khó nhọc của người mẹ khi chăm sóc cây trái trong vườn.
Những mùa quả mẹ tôi hái được
Mẹ vẫn trông vào tay mẹ vun trồng
… … … … … … … …
Chúng mang dáng giọt mồ hôi mặn
Rỏ xuống lòng thầm lặng mẹ tôi.
  Đây là hình ảnh có ý nghĩa sâu sắc. Những quả bí, quả bầu có “dáng giọt mồ hôi mặn” tượng trưng cho công sức của mẹ. Từ chuyện trồng cây, nhà thơ liên tưởng đến chuyện mẹ chăm sóc, bồi dưỡng con người, tức trồng người.
Và chúng tôi một thứ quả trên đời
Bảy mươi tuổi mẹ mong chờ được hái
Tôi hoảng sợ ngày bàn tay mẹ mỏi
Mình vẫn còn một thứ quả xanh non.
  Nhà thơ ví mình như một thứ quả mà người mẹ gieo trồng, phải cố gắng học tập, rèn luyện để xứng đáng với tấm lòng người mẹ. Cần hiểu “quả xanh non” (chưa đến độ chín, chưa trưởng thành); “bàn tay mẹ mỏi” (mòn mỏi đợi chờ, không chịu đựng được nữa). Nhưng có thể có hàm ý nữa là quả hỏng (người có khiếm khuyết, thói xấu). Sự lo lắng sâu sắc là biểu hiện cao của ý thức trách nhiệm phải đền đáp công ơn “mẹ” nói riêng và những người đã nuôi dưỡng mình như thế nào cho xứng đáng. Đó chính là tư tưởng của bài thơ “Mẹ và quả”.

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây