Bồi dưỡng Ngữ Văn 10, tóm tắt văn bản thuyết minh

Thứ sáu - 18/12/2020 04:01
Văn bản thuyết minh là loại văn bản thông dụng trong đời sống, xuất hiện nhiều trong sách giáo khoa. Chẳng hạn các phần Tiểu dẫn, các bài khái quát văn học, bài về tác gia văn học… đều thuộc loại văn bản thuyết minh. Chính vì thế tóm tắt văn bản thuyết minh có vai trò vô cùng quan trọng, cần nắm vững những nội dung của thao tác này.
Bồi dưỡng Ngữ Văn 10, tóm tắt văn bản thuyết minh

TÓM TẮT VĂN BẢN THUYẾT MINH
 

A. MỘT SỐ VẤN ĐỀ KIẾN THỨC CẦN LƯU Ý

   Văn bản thuyết minh là loại văn bản thông dụng trong đời sống, xuất hiện nhiều trong sách giáo khoa. Chẳng hạn các phần Tiểu dẫn, các bài khái quát văn học, bài về tác gia văn học… đều thuộc loại văn bản thuyết minh. Chính vì thế tóm tắt văn bản thuyết minh có vai trò vô cùng quan trọng, cần nắm vững những nội dung của thao tác này.

1. Mục đích và yêu cầu
      - Mục đích: Cũng giống như tóm tắt văn bản tự sự, việc tóm tắt văn bản thuyết minh là nhằm giúp người đọc hiểu rõ, ghi nhớ một cách kỹ càng, rành mạch những nội dung cơ bản nhất của văn bản. Trên cơ sở đó có thể giới thiệu cho người khác về văn bản hoặc đối tượng được thuyết minh trong văn bản.
      - Yêu cầu: Để thực hiện được mục đích nêu trên, việc tóm tắt văn bản thuyết minh phải tuân thủ các yêu cầu sau đây:
      + Về hình thức: phải ngắn gọn nhưng rõ ràng, rành mạch. Có như thế mới giúp cho việc ghi nhớ hay giới thiệu văn bản được dễ dàng.
      + Về nội dung: phải trung thành với văn bản gốc, không thêm bớt, làm sai lệch nội dung văn bản gốc.

2. Cách tóm tắt một văn bản thuyết minh
      Việc tóm tắt một văn bản thuyết minh diễn ra theo các bước sau:
      - Xác định mục đích, yêu cầu: đây là bước rất cần thiết. Bởi vì xác định đúng đắn, rõ ràng và đầy đủ mục đích, yêu cầu sẽ tạo ra tiền đề thuận lợi, định hướng cho việc tóm tắt đạt hiệu quả cao nhất.
      - Đọc kĩ văn bản gốc để xác định nội dung, bố cục văn bản. Từ đó xác định ý chính, ý cơ bản cần tóm tắt và lược bỏ những phần tư liệu, số liệu không quan trọng không nhất thiết phải có khi tóm tắt.
      - Diễn đạt các ý định tóm tắt thành những câu ngắn gọn, rõ ràng và sắp xếp chúng theo trật tự hợp lí tạo thành bản tóm tắt đảm bảo yêu cầu.
      - Kiểm tra, đối chiếu với văn bản gốc để đảm bảo không có gì sai lệch, xa với tinh thần của văn bản gốc.

B. HƯỚNG DẪN HỌC BÀI

1. Về phần Ghi nhớ trong bài Nguyễn Trãi:
   a) Đây là một đoạn văn tóm tắt văn bản thuyết minh mà bản gốc là bài học về tác gia Nguyễn Trãi. Bởi vì dó là sự rút ngắn về mặt hình thức, dung lượng và là sự cô đọng, đúc kết về nội dung của văn bản gốc. Đoạn tóm tắt này ngắn gọn nhưng vẫn đảm bảo trung thành với những ý cơ bản nhất của văn bản gốc.
   b) So với văn bản gốc, đoạn tóm tắt đã được lược bỏ những nội dung về năm sinh, năm mất, quê hương, gia đình vợ con, con đường sự nghiệp, tác phẩm,… của Nguyễn Trãi. Nội dung cơ bản được giữ lại là sự đánh giá về những đóng góp của Nguyễn Trãi: là người toàn tài nhưng chịu oan khiên, có nhiều đóng góp cho dân tộc.
   Việc lựa chọn các nội dung giữ lại và lược bỏ như thế là phù hợp với đặc điểm của phần Ghi nhớ cũng như đảm bảo yêu cầu của việc tóm tắt trên cơ sở phần Ghi nhớ đặt cuối bài, do đó dễ đối chiếu.
   c) Qua ví dụ này cần lưu ý: việc xác định yêu cầu tóm tắt phải hết sức cụ thể, phù hợp với mục đích. Trong khi tóm tắt nếu giữa văn bản gốc và văn bản tóm tắt có quan hệ gắn bó, dễ dàng đối chiếu với nhau (như quan hệ của phần Ghi nhớ với nội dung văn học) thì có thể lược bỏ nhiều những ý phụ, tập trung vào một vài vấn đề chính phù hợp với mục đích đặt ra).

2. Văn bản Nhà sàn:
   a) - Đọc kỹ văn bản để xác định nội dung.
   - Đối tượng thuyết minh của văn bản là nhà sàn - loại nhà quen thuộc, gần gũi với người dân miền núi nước ta cũng như một số dân tộc ở Đông Nam Á khác.
   - Đại ý của văn bản: văn bản thuyết minh về các vấn đề nguồn gốc, kiến trúc, những tiện lợi và giá trị của nhà sàn.
   b) Bố cục của văn bản gồm ba phần:
   - Phần mở bài (đoạn thứ nhất): khái niệm và mục đích sử dụng nhà sàn.
   - Phần thân bài (đoạn 2 và 3): thuyết minh về đặc điểm cấu tạo, nguồn gốc, công dụng của nhà sàn.
   - Phần kết (đoạn 4): đánh giá vẻ đẹp và sức hấp dẫn du khách của nhà sàn.
   c) Tham khảo đoạn tóm tắt sau:
   Nhà sàn là một công trình kiến trúc phổ biến của cư dân miền núi dùng để ở hoặc sử dụng vào một số mục đích khác. Vật liệu để làm nhà sàn là gỗ, tre, nứa, giang với cấu tạo nhiều cột chống, mặt sàn, gầm sàn, các khoang để rửa ráy, đầu nhà có cầu thang. Nhà sàn phổ biến ở miền núi Việt Nam và Đông Nam Á từ thời đá mới. Sử dụng nhà sàn có nhiều điểm tiện lợi: phù hợp với địa hình miền núi hoặc đầm lầy, tận dụng được nguyên liệu tại chỗ, vừa giữ vệ sinh vừa giữ an toàn. Với trình độ kĩ thuật cao trong xây dựng và giá trị thẫm mĩ đặc sắc, hiện nay nhà sàn đang rất hấp dẫn du khách.
3. Cách tóm tắt văn bản thuyết minh (xem mục 2 phần A).

C. HƯỚNG DẪN LUYỆN TẬP

1. Văn bản Thơ Hai-cư của Basô:
      a) Đối tượng thuyết minh của văn bản này là về thân thế, sự nghiệp của nhà thơ Ma-Su-ô Basô và đặc điểm của thơ Hai-cư.
      b) Bố cục của văn bản gồm 2 phần:
      - Đoạn 1: tiểu sử và các tác phẩm của Basô.
      - Đoạn 2: đặc điểm nội dung, nghệ thuật của thơ Hai-cư.
      c) Có thể tóm tắt như sau:
      Thơ Hai-cư với 17 âm tiết ngắt làm 3 đoạn có thể xem là loại thơ ngắn nhất thế giứoi. Mỗi bài có một cấu tứ riêng để gợi suy nghĩ, cảm xúc của người đọc. Thời gian trong thơ xác định bằng các quí ngữ. Thơ Hai-cư thể hiện tinh thần Thiền tông: miêu tả con người trong mối quan hệ khăng khít, tương giao với thiên nhiên. Thơ Hai-cư đề cao cái vắng lặng, đơn sơ, u huyền, mềm mại… Ngôn ngữ thơ đơn giản, bút pháp miêu tả chấm phá tạo ra những khoảng trống cho trí tưởng tượng của người đọc. Thể loại thơ này là một đóng góp lớn của Nhật Bản vào kho tàng văn hoá nhân loại.

2. Văn bản Đền Ngọc Sơn và hồn thơ Hà Nội:
   a) - Đối tượng thuyết minh của văn bản là một thắng cảnh nổi tiếng của thủ đô Hà Nội: Đền Ngọc Sơn.
   - Các văn bản trước đều là thuyết minh văn học còn văn bản này thuyết minh về một thắng cảnh. Về nội dung bên cạnh việc giới thiệu những nét cơ bản của đền Ngọc Sơn, còn có sự bày tỏ tình yêu, niềm tự hào về một di sản văn hoá đặc sắc của dân tộc.
   b) Văn bản này có thể chia thành 4 phần:
      - Phần 1(đoạn thứ nhất): địa điểm và nét đặc sắc, giá trị văn hoá của thắng cảnh Ngọc Sơn.
      - Phần 2 (đoạn thứ 2, 3, 4 và 5): quá trình xây dựng đền Ngọc Sơn qua các thời kì lịch sử.
      - Phần 3 (đoạn 6, 7 và 8): thuyết minh về Tháp Bút, Đài Nghiên như là một biểu tượng của trí tuệ văn hoá Việt Nam.
      - Phần 4 (đoạn thứ 9): vẻ đẹp lung linh, huyền ảo của đền Ngọc Sơn là nguồn cảm hứng vô tận cho thi ca, là hồn thơ của Hà Nội.
   c) Tham khảo đoạn tóm tắt sau:
   Đến thăm đền Ngọc Sơn, hình tượng kiến trúc đầu tiên gây ấn tượng là Tháp Bút, Đài Nghiên. Tháp Bút dựng trên núi Ngọc Bội, đỉnh tháp hình ngọn bút trỏ lên trời, thân tháp có ba chữ tả thiên thanh (viết lên trời xanh). Cạnh Tháp Bút là Đài Nghiên mang hình tượng cái đài để đỡ nghiên mực. Đài Nghiên hình trái đào bằng đá đặt trên đầu ba chú ếch ngụ ý ao nghiên, ruộng chữ. Sau Đài Nghiên là cầu Thê Húc dẫn sang Đảo Ngọc - nơi toạ lạc của ngôi đền.

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây