Đọc Truyện Kiều, người đời thường chê Thúy Vân. Em có tán thành điều đó? Hãy nhận xét, đánh giá của em về nhân vật này

Thứ tư - 20/01/2021 09:28
“Đoạn trường tân thanh” của Nguyễn Du với sức sống mãnh liệt, tồn tại vĩnh hằng cùng với không gian và thời gian đã gợi cho chúng ta biết bao trăn trở, nghĩ suy thật sâu sắc. Không chỉ xoay quanh một triết lý tài mệnh hay mang đậm màu sắc tôn giáo và tâm lý mà tác phẩm còn thế hiện một hồn thơ trăn trở với nỗi đau nhân loại, một nỗi đau sâu thẳm của thân phận người phụ nữ thời phong kiến. Ai cũng xót thương cho thân phận nàng Kiều tài hoa bạc mệnh với mười lăm năm phong trần, ai cũng cảm thông cho nàng Đạm Tiên với thân phận sầu thảm nơi chín suối, chứ có mấy ai khóc cho thân phận nàng Thuý Vân chưa?
Đọc Truyện Kiều, người đời thường chê Thúy Vân. Em có tán thành điều đó? Hãy nhận xét, đánh giá của em về nhân vật này
Câu hỏi đó cứ xuất hiện mãi trong đầu một cô nữ sinh như tôi. Phải chăng tôi quá đa sầu, đa cảm nên mới thấu nỗi lòng cô em đáng thương ấy? Từ khi Truyện Kiều ra đời, mọi sự quan tâm, thương cảm đều dành cho cô chị “so bề tài sắc lại là phần hơn”. Chúng ta cần phải đặt bản thân mình vào vị thế của Thuý Vân để thấu hiểu những suy tư, tình cảm dẫn đến hành động của nàng.

Phải sống với nhân vật, hoá thân vào nhân vật thì mới có thể có được một cái nhìn toàn diện và khách quan đối với một con người như thế. Qua ngòi bút miêu tả nhân vật tài hoa của cụ Nguyễn Du, hình ảnh Thuý Vân hiện lên thật đẹp với “mắt phượng, mày ngài”, với “khuôn trăng đầy đặn”. Thế nhưng, chưa để độc giả kịp ngắm nhìn gương mặt phúc hậu ấy thì cụ Tố Như đã vội vã giới thiệu một bức tranh còn đẹp hơn, hấp dẫn hơn:

Kiều càng sắc sảo mặn mà.

Vì vậy, về hình dáng bề ngoài thì bức tranh Thuý Vân nhanh chóng trở nên mờ nhạt, bỗng chốc biến thành một bức tranh nền nhàn nhạt để làm nổi bật cô chị Thuý Kiều của mình hơn. Cứ thế cho đến cuối tác phẩm, Thuý Vân vẫn cứ mãi “núp” sau lưng chị - người chị xinh đẹp và tài hoa hơn hẳn mình. Nghe đến đây, ai mà không chua xót, không chạnh lòng thương cho cô em đáng thương ấy! Cùng chung một nhà, lại là hai chị em gái thì làm sao tránh khỏi sự so sánh, khen chê. Ấy là nỗi khổ của Thúy Vân. Thế mà, vốn bản tính hiền lành, nhân hậu đến vô tư, nàng đã không một lời ca thán hay trách giận mà vẫn vui vẻ sống và thương yêu chị mình. Một tấm lòng nhân hậu ấy dễ mấy ai trong thiên hạ có được? Hay lòng ghen ghét, đố kỵ sẽ làm phai mờ tính nhân bản của một con người, đặc biệt là một cô gái thua kém chị về mọi mặt, luôn bị đem ra bình phẩm như vậy? Đó là nét đẹp tâm hồn của Thuý Vân mà chỉ nhìn lâu và nhìn kỹ mới thấy được!

Khi đi chơi xuân với chị, trong khi chị đang thắp hương khấn vái, khóc thương cho thân phận Đạm Tiên thì hình ảnh Thuý Vân một lần nữa lại xuất hiện khá mờ nhạt, vô tình. Nếu chỉ đọc qua thì ai nhận ra rằng Thuý Kiều có một tâm hồn thật sâu sắc, biết cảm thương cho thân phận con người, nhỏ lệ cho một người chưa quen biết, còn cô em sao mà vô tình quá, lại phán một câu nghe rất phũ phàng! Quả thật, đọc đến đây lòng tôi cũng sắt lại vì giận nàng Thuý Vân! Thế nhưng, phải hiểu thấu tâm can nàng thì mới có thể bình giá hành động, thái độ đó của nàng được. Bản tính từ khi cha sinh mẹ đẻ đến giờ của Thuý Vân là hiền lành, tốt bụng. Nhưng, một cô gái trẻ chưa mấy hiểu sự đời, lòng người với vốn sống còn ít ỏi, đơn giản như Thuý Vân thì cũng có thể dễ dẫn đến hành động vô tâm như vậy lắm chứ! Nàng vốn quen sống trong cảnh bình yên, hàng ngày đều ở trong nhà an phận thủ thường, không tiếp xúc với ai, cùng với tuổi đời còn non như vậy thì trong cách đối nhân xử thế lẽ dĩ nhiên cũng còn ít nhiều dại khờ. Con người không phải cái gì cũng biết, có người đến tận khi đầu bạc vẫn còn chưa hiểu hết lòng người nữa kia mà. Thế nên người đọc cũng nên dùng đôi mắt cảm thông mà thương cho cô em giản dị này ! Đừng quá khắt khe mà phán tội nàng như thế. Gỗ đá còn có hồn nữa nói gì là một con người có trái tim hồn hậu như Thuý Vân.

Tôi đã được đọc và được học khá kỹ về đoạn trích Trao duyên trong sách Văn học lớp 10. Quả thật đó là một trong những đoạn thơ hay tạo nên tính bất hủ của tác phẩm. Có thể vì là chị lớn trong gia đình lại thêm suy nghĩ sắc sảo nên đêm đó quả là một đêm đầy sóng gió trong tâm hồn nàng Kiều.

Còn nàng Vân lại xuất hiện như một cái cớ để dễ bề so sánh. Một lần nữa nàng lại gánh chịu những cái nhìn đầy chê trách, oán giận của người đọc. Trong khi chị phải bán mình chuộc cha, trong lòng như tơ vò trăm mối, suốt đêm thức trắng tự giày vò mình trong ân hận, xót xa, buồn tủi, mặc cảm... thì cô em lại ngủ ngon lành... giấc ngủ xuân. Thế nhưng, xin chớ vội kết luận về tính cách nàng Vân. Hãy nán lại một chút để đọc đến phần sau thì sẽ có cái nhìn đúng đắn và chính xác hơn về nàng. Giữa lúc đó, Thuý Vân chợt tỉnh giấc, đến an ủi, hỏi han chị. Và đây chính là chỗ thể hiện tính nhân bản trong ngòi bút của Nguyễn Du! Ông đã để cho cô em thức dậy thật đúng lúc, và để cho người đọc bớt gay gắt, khe khắt hơn với cô gái quá vô tâm này. Thế mà trong chúng ta không nhiều người chịu khó để ý đến chi tiết này, cứ vội vàng đến nhẫn tâm phán xét nàng từ chi tiết ngủ ngon lành trên kia.

Thấy chị còn thức thì ngay lập tức nàng chạy đến bên hỏi han, an ủi chị. Thật là một cô gái có tấm lòng! Tuy vô tâm nhưng một khi đã phát hiện ra vẻ mặt đau khổ của người chị mà mình luôn thương yêu, kính trọng thì sự vô tâm ấy hoàn toàn biến mất mà thay vào đó là một sự quan tâm sâu sắc mà chỉ người có trái tim như nàng mới thể hiện hết được. Tiếp đó, Thuý Vân đã thể hiện hết tấm lòng mình khi lắng nghe tiếng lòng thổn thức của chị. Quan tâm, yêu thương người khác không chỉ có những lời nói chia sẻ, an ủi mà sự yên lặng, chăm chú lắng nghe cũng là một biểu hiện của con người nhân hậu.

Thuý Vân đã từ chỗ lắng nghe tâm sự của chị đến chỗ chấp nhận gá nghĩa cùng Kim Trọng. Đó là một quá trình diễn biến tâm trạng phức tạp nhưng có tình và hợp lý. Qua tâm trạng của Thuý Kiều được miêu tả rất kỹ càng thì ta có thể thấy được nỗi lòng Thuý Vân. Để cho không khí của buổi trao duyên trở nên trang trọng, thiêng liêng và để cho em gái hiểu và nhận lời. Nàng Kiều đã rất khôn khéo khi mở lời:

Cậy em, em có chịu lời
Ngồi lên cho chị lạy rồi sẽ thưa.

Nhờ em nhưng Kiều tin cậy em, mong em thông cảm mà nhận cho. Cách nhờ mà buộc ấy, làm sao ai nỡ chối từ. Huống chi là nàng Thuý Vân nhân hậu, tốt bụng! Hành động như vậy chính là biểu hiện của tấm lòng nhân ái, vị tha của Vân. Sau khi nghe chị thuyết phục bằng cách giãi bày tình yêu của chị với Kim Trọng, trình bày hoàn cảnh khốn khó của gia đình và Kiều lại có thêm lý do xác đáng:

Ngày xuân em hãy còn dài
Xót tình máu mủ thay lời nước non.

Trên đời này khó có thứ tình cảm nào sâu nặng hơn tình máu mủ, nên Thuý Vân có cùng tâm lý đó dễ dàng bị chị thuyết phục, làm sao có thể nói lại được? Tiếp theo là những lời xuất phát từ tận ruột gan của Thuý Kiều khi nói về chàng Kim và mối tình sâu nặng của mình làm Vân không thể cầm lòng được.

Nàng đã nhận lời! Nàng chắc hẳn phải thương chị lắm mới có thể chấp nhận một chuyện khó cô gái nào chấp nhận: lấy người mà mình không yêu, người đó cũng chẳng yêu mình nốt. Và điều chắc chắn là tình cảm không thể nảy nở được dù có lấy nhau vì trong lòng người mình sẽ gọi bằng chồng ấy đã có hình bóng người con gái khác, đau đớn thay đó lại là chị mình! Quả là một sự hy sinh cao cả mà không bút mực nào tả xiết. Một sự hy sinh thầm lặng, một nỗi đau không thể nào lành được dù cho thời gian có qua đi. “Chẳng yêu đương cũng lấy được chồng” sao? Sung sướng lắm sao? Hạnh phúc lắm sao? Một cuộc hôn nhân không tình yêu thì cuộc sống sau này chỉ là những chuỗi ngày đau khổ mà thôi. Đặc biệt là cho người phụ nữ trái tim vốn đa cảm! Thế mà người ta lại gọi là cái số “tốt lạ lùng”. Thật nực cười! Nhìn bề ngoài thì ai cũng tưởng sung sướng lắm, hạnh phúc lắm: “Tơ thừa chắp nối cũng êm tai”. Họ có phải là nàng Vân không? Mấy ai làm được cái chuyện đầy hy sinh như nàng Vân đâu? Nếu đem so sánh chuyện nàng Kiều hy sinh tình riêng để bán mình chuộc cha thì chuyện nàng Vân hy sinh cả cuộc hôn nhân của mình để làm vui lòng chị, để làm thoả ước vọng cuối cùng của chị thì không thể nói nàng Vân là “tốt số”. Kiều sau này còn có thể có tình yêu khác, mà đơn cử là với Từ Hải chứ còn Vân, nàng có thể hy vọng tình yêu nào khác chàng Kim không? Mà hy vọng vào chàng Kim thì coi như là vô vọng! Nàng Vân cũng đã có những suy nghĩ cho thân phận mình như nhà thơ Trương Nam Hương đã nói hộ:

Nghĩ thương lời chị dặn dò
Mười lăm năm đắm con đò xuân xanh
Chị yêu lệ chảy đã đành
Chứ em nước mắt đâu dành chàng Kim...

Chỉ bằng lời lẽ nhẹ nhàng nhưng chí tình như vậy thôi thế mà nàng Vân nào có dám hé môi, nàng chỉ biết yên lặng mà nuốt nước mắt ngược vào trong. Một đời dở dang, lận đận mang tiếng “hưởng phúc chị”, không một ngày nào hạnh phúc, ấy thế mà trong suốt mười lăm năm ấy không lúc nào nàng lên tiếng thở than, huống chi là trách móc. Điều này càng khẳng định hơn nữa tâm lòng nhân hậu, vị tha của nàng! Thế nhưng, đến khi chị trở về sum họp thì một lần nữa nàng lại hành động hết sức bất thường mà ít ai dám làm, đó là trao trả chàng Kim cho chị? Có người phụ nữ nào đem chồng mình cho người khác mà lòng không quặn thắt lại không? Nói gì đi nữa thì cũng nên nghĩa phu thê suốt bao năm qua, ai mà không buồn, không tủi. Thế nhưng người ta xem như đó là một nghĩa vụ, một chuyện đương nhiên phải làm! Xót xa thay thân phận nàng Vân, suốt đời chỉ nghĩ cho người khác, có khi nào nàng nghĩ cho bản thân mình chưa? Câu trả lời là chưa, vì lúc nào nàng cũng hành động thật cao thượng đến không ngờ, đến quặn lòng! cần có một cái nhìn cảm thông và tinh tế cho thân phận nhân vật Thuý Vân, nhân vật mà bây lâu nay chịu quá nỗi đau về một tinh thần rồi, bao lời trách móc cay nghiệt, bao lời bình giá khắt khe làm cho nàng chịu nhiều ấm ức, bất bình! Xin hãy bỏ cái nhìn định kiến với nàng Vân nói riêng và với người phụ nữ phong kiến nói chung! Đừng xét nét mỗi hành động, cử chỉ của họ. Hãy bằng tấm lòng nhân hậu của mình để soi thấu tấm lòng nhân hậu của nàng! Một lần nữa xin mọi người nhớ lời thơ của Kim Chuông:

Cao cả là Vân
Vẫn thân phận ở đời
Ôi, các nhà phẩm bình sâu sắc.
Trong xếp hạng những tên người nhắc
Hình như người nghiệt ngã với riêng Vân.
(Nghĩ cùng Thuý Vân ngày Kim - Kiều hội ngộ)

Mong người đương thời thẳng thắn và khách quan khi bình giá nhân vật Thuý Vân! Hãy cho nàng một chỗ đứng trong lòng người đọc, một chỗ đứng xứng đáng với những gì nàng đã hy sinh!
 
Đoàn Phạm Diễm My
Trường THPT Nguyễn Trãi, TP Hồ Chí Minh
Bài đạt giải Nhất kì thi Học sinh giỏi cấp Thành phố năm 2014

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây