Phân tích tấn bi kịch bị cự tuyệt quyền làm người của Chí Phèo trong tác phẩm cùng tên của Nam Cao

Thứ tư - 14/12/2022 09:38
Truyện ngắn “Chí Phèo” ban đầu có tên là “Chiếc lò gạch cũ”, khi in thành sách lần đầu, nhà xuất bản đã đổi lại tên là “Đôi lứa xứng đôi”. Đến khi in lại trong tập “Luống cày”, tác giả đặt lại tên theo nhân vật chính là “Chí Phèo”.
Phân tích tấn bi kịch bị cự tuyệt quyền làm người của Chí Phèo trong tác phẩm cùng tên của Nam Cao
Mở bài:
  • Nam cao là nhà văn hiện thực xuất sắc, tràn đầy tinh thần nhân đạo. Sáng tác của ông trước cách mạng thường xoay quanh hai đề tài chính là nông dân nghèo và trí thức nghèo. Bao trùm lên sáng tác của Nam Cao là nỗi đau đớn dai dẳng trước tình trạng nhân cách con người bị hủy hoại.
  • Truyện ngắn “Chí Phèo” vừa là tác phẩm tiêu biểu cho những sáng tác viết về người nông dân nghèo vừa thể hiện nét riêng trong nghệ thuật viết truyện của nhà văn. Trong tác phẩm, Nam Cao đã rất thành công khi miêu tả tấn bi kịch bị cự tuyệt quyền làm người ở nhân vật Chí Phèo.
Thân bài:
Giới thiệu khái quát:
 - Truyện ngắn “Chí Phèo” ban đầu có tên là “Chiếc lò gạch cũ”, khi in thành sách lần đầu, nhà xuất bản đã đổi lại tên là “Đôi lứa xứng đôi”. Đến khi in lại trong tập “Luống cày”, tác giả đặt lại tên theo nhân vật chính là “Chí Phèo”.
 - Thiên truyện viết về tấn bi kịch bị cự tuyệt quyền làm người của nhân vật Chí Phèo. Đó cũng là  bi kịch tinh thần của một bộ phận nông dân trước Cách mạng tháng Tám bị bần cùng hóa, rồi bị đẩy vào con đường tha hóa, bị từ chối quyền làm người. Bi kịch này thể hiện sâu sắc nhất qua sự giằng co giữa hai cực nhân cách của Chí Phèo (lương thiện – lưu manh), kết thúc bằng cái chết bi thảm. Bi kịch Chí Phèo có ý nghĩa hiện thực, nhân đạo và nghệ thuật lớn lao.

 Phân tích quá trình bi kịch của Chí Phèo:
  1. Bi kịch bị cự tuyệt quyền làm người ở Chí Phèo được nhà bắt đầu ngay từ khi hắn mới lọt lòng:
- Chí Phèo vốn là một đứa trẻ bị bỏ rơi. Một anh đi thả ống lươn nhặt được Chí “trần truồng và xám ngắt” trong chiếc váy đụp ở một lò gạch bỏ hoang vắng người qua lại. Anh ta đem Chí về cho một bà góa mù, bà này lại bán Chí cho một bác phó cối. Có thể nói ngay từ khi còn nhỏ, Chí Phèo đã trở thành món hàng hóa trao tay từ người này đến người khác. Khi bác phó cối chết,  Chí trở thành kẻ bơ vơ, không cha mẹ, không nhà cửa, không một tấc đất cắm dùi.
- Lớn lên, hắn làm thuê cho nhà bá Kiến, sống kiếp trâu ngựa của người nông dân trước cách mạng tháng Tám. Anh canh điền lực lưỡng ấy chỉ có một mong ước nho nhỏ về gia đình hạnh phúc “chồng cuốc mướn cày thuê, vợ dệt vải”. Thế nhưng, vì lòng ghen của bá Kiến mà Chí bị đẩy vào tù. Từ đây, những chuỗi ngày bi kịch của Chí càng đau đớn hơn, dai dẳng hơn.
         b. Sau khi ở tù, Chí Phèo bị tha hóa biến chất cả về nhân hình lẫn  nhân tính trở thành kẻ lưu manh không được đồng loại công nhận quyền làm người:
- Ngay từ phần mở đầu của tác phẩm, Nam Cao đã gây ấn tượng với người đọc bằng hình ảnh Chí Phèo vừa say, vừa đi, vừa chửi. Đó là cảnh tượng quen thuộc đối với làng Vũ Đại kể từ khi Chí ra tù. Ban đầu hắn chửi trời nhưng có hề gì bởi “trời chẳng của chung nhà nào”. Hắn lại chửi đời song “đời là tất cả nhưng lại chẳng là ai”. Hắn “chửi cha đứa nào không chửi nhau với hắn” nhưng cũng không ai ra điều. Tức mình, hắn chửi “đúa chết mẹ nào”đã sinh ra cái thân Chí Phèo nhưng cả làng Vũ Đại và chính bản thân hắn cũng không ai biết. Kết cục, chỉ còn lại Chí với mấy con chó. Đó là một tiếng chửi vật vã, đau đớn của một thân phận con người ít nhiều nhận thức được bi kịch của chính mình. Chửi cũng là một cách để giao tiếp nhưng đớn đau thay đáp lại tiếng chửi của Chí Phèo là một sự im lặng đến rợn người. Điều ấy đã phản ánh một hiện thực nhức nhối: Chí đã bị cả làng Vũ Đại quay lưng lại, chối bỏ quyền làm người.
- Nhưng đau đớn hơn, Chí đã bị mua chuộc và trở thành tay sai cho bá Kiến. Hắn tự hủy hoại nhân hình và nhân tính của mình mà không hay biết. Chí đã “phá vỡ biết bao cảnh yên vui”, “làm chảy máu và nước mắt biết bao người dân lương thiện”. Hắn làm những việc ấy trong lúc say " ăn trong lúc say, ngủ trong lúc say, thức dậy vẫn còn say... đập đầu, rạch mặt, giết người trong lúc say để rồi say nữa say vô tận". Chưa bao giờ hắn tỉnh để thấy mình tồn tại trên đời bởi vì "những cơn say của hắn tràn  từ cơn này sang cơn khác thành những cơn dài mênh mang". Trong mắt người dân làng, Chí còn hơn cả một kẻ lưu manh, hắn là “con quỷ dữ của làng Vũ Đại”. Sau những lần rạch mặt ăn vạ, cái mặt của hắn giờ đây vằn ngang vằn dọc những vết sẹo “trông giống như mặt một con vật lạ”. Nam Cao đã cho người đọc thấy một thực tế đau lòng về cuộc sống của nhân dân ta trước cách mạng tháng Tám. Đó chính là cuộc sống bị bóp nghẹt ước mơ và khát vọng, người nông dân bần cùng hóa dẫn đến lưu manh hóa, một cuộc sống tối tăm không ánh sáng. Nhà văn xót thương cho nhân vật, cay đắng và đau đớn cùng nhân vật. Đây chính là vẻ đẹp của tấm lòng nhân đạo và yêu thương của nhà văn dành cho những kiếp người như Chí Phèo. 
           c. Gặp Thị Nở, Chí Phèo quẫy cựa vươn lên khát vọng lương thiện mà vẫn bị vùi dập:
- Nam Cao không trách giận Chí Phèo, ngòi bút của ông dành cho nhân vật vẫn nồng nàn yêu thương. Ông phát hiện trong chiều sâu của nhân vật là bản tính tốt đẹp, chỉ cần chút tình thương chạm khẽ vào là có thể sống dậy mãnh liệt, tha thiết. Sự xuất hiện của nhân vật Thị Nở trong tác phẩm có một ý nghĩa thật đặc sắc. Con người xấu đến "ma chê quỉ hờn", kỳ diệu thay, lại là nguồn ánh sáng duy nhất đã rọi vào chốn tối tăm của tâm hồn Chí Phèo để thức tỉnh, gợi dậy bản tính người nơi Chí Phèo, thắp sáng một trái tim đã ngủ mê qua bao ngày tháng bị dập vùi, hắt hủi. Chính cuộc tình ngắn ngủi với Thị Nở trong một đêm trăng đã vô tình thắp lên ngọn lửa cuộc sống trong Chí:
         + Lần đầu tiên trong cuộc đời Chí tỉnh dậy. Chợt nhận ra nơi căn lều ẩm thấp là ánh nắng ngoài kia rực rỡ biết bao, nghe được “tiếng chim hót ngoài kia vui vẻ quá”, “tiếng anh thuyền chài gõ mái chèo đuổi cá”, tiếng lao xao của người đi chợ bán vải về... Những âm thanh ấy ngày nào chả có. Nhưng hôm nay Chí mới nghe thấy. Chao ôi là buồn! Âm thanh cuộc sống này khiến ta liên tưởng đến tiếng sáo của đêm tình mùa xuân trong tác phẩm Vợ chồng A Phủ. Tiếng sáo đã lay động tiềm thức xa xôi của Mị, đánh thức tâm hồn Mị, thức dậy cả một quá khứ đẹp tươi. Và ở đây, chính cuộc sống đã lay động trong tiềm thức xa xôi của Chí.  Hơn hết, nó làm sống dậy ước mơ một thời trai trẻ :"có một gia đình nho nhỏ".
          + Rồi cũng trong cái phút giây tỉnh táo ấy, Chí Phèo đã cô đơn hơn bao giờ hết. Hắn như đã thấy "tuổi già của hắn, đói rét, ốm đau và cô độc - cái này còn sợ hơn đói rét và ốm đau". Phải chăng Chí đang hối hận và ăn năn những việc mà mình đã làm? Chẳng biết có phải hay không mà Chí thấy lòng buồn man mác. Và nếu như Thị Nở không qua, chắc là hắn đã khóc được mất.
            + Chính bàn tay ân cần của Thị Nở cùng với tình yêu của thị đã khơi dậy trong Chí phần người. Bát cháo hành là liều thuốc giải độc góp phần thức tỉnh phần người trong con quỷ dữ. Chí Phèo quen sống với một kiểu định nghĩa : Muốn có cái ăn hắn phải kêu làng, phải rạch mặt ăn vạ, hắn phải thực sự hóa thân vào con quỷ dữ... Mỗi miếng ăn hàng ngày của Chí đều có máu và nước mắt của những người dân lương thiện làng Vũ Đại. Với hắn, cháo hành có hương vị đặc biệt - hương vị của tình người, hương vị của tình yêu. Mắt hắn lần đầu tiên ươn ướt. Đó cũng là giây phút Chí "thèm lương thiện và khát khao làm hòa với mọi người". Rồi đến khát vọng hạnh phúc với Thị Nở "Giá cứ như thế này mãi thì thích nhỉ?... Hay là mình sang đây ở với tớ một nhà cho vui". Một chút tình thương, dù là tình thương của một con người dở hơi, bệnh hoạn, thô kệch, xấu xí,... cũng đủ để làm sống dậy cả một bản tính người nơi Chí Phèo. Thế mới biết sức cảm hóa của tình thương kỳ diệu biết nhường nào!
- Những tưởng, cuộc đời của Chí có thể rẽ sang một trang mới tươi đẹp hơn
 song bi kịch và đau đớn thay, rốt cuộc thì ngay Thị Nở cũng không thể gắn bó với Chí Phèo. Lời nói của bà cô Thị Nở làm tắt ngúm ngọn lửa lòng vừa được nhen lên trong Chí:“Ai lại đâm đầu đi lấy một thằng không cha không mẹ như cái thằng Chí Phèo” đã trở thành định kiến khắc nghiệt lấp mất lối về của Chí. Phải chăng đây chính là bi kịch của một con người chết trên ngưỡng cửa trở về với cuộc sống lương thiện. Thật nghiệt ngã biết bao, khi bản tính người nơi Chí Phèo trỗi dậy, cũng là lúc Chí Phèo hiểu rằng mình không còn trở về với lương thiện được nữa.
                d. Đỉnh điểm của bi kịch bị cự tuyệt quyền làm người là khi Chí tuyệt vọng vác dao đến nhà bá Kiến: 
- Chí Phèo tìm đến rượu nhưng rượu không phải bao giờ cũng làm cho người ta say. Một khi rượu không còn đủ sức để làm lu mờ lí trí con người thì nó sẽ quay ngược trở lại thức tỉnh lý trí ấy. Càng uống Chí càng tỉnh, càng tỉnh càng nhận ra bi kịch của cuộc đời mình. Chí đau đớn khi thấy “thoang thoảng mùi cháo hành” rồi Chí ôm mặt khóc rưng rức. Phẫn uất, Chí xách dao đi, định đến nhà Thị Nở. Trong ý định, Chí định đến nhà đâm chết con "khọm già", con "đĩ Nở" nhưng sự thức tỉnh ý thức về thân phận và bi kịch đã đẩy chệch hướng đi của Chí dẫn Chí đến thẳng nhà Bá Kiến. Hơn ai hết lúc này Chí hiểu ra rằng: kẻ đã làm cho mình phải mang lốt quỷ, kẻ đã làm mình ra nỗng nỗi khốn cùng này chính là Bá Kiến. Hắn càng thấm thía tội ác kẻ đã cướp đi quyền làm người, cướp đi cả bộ mặt và linh hồn của mình. Chí Phèo đến nhà Bá Kiến với tư cách là một nô lệ thức tỉnh, đòi quyền làm người:
 -  Tao muốn làm người lương thiện ?
 -  Ai cho tao lương thiện ?
          Đó là những câu hỏi vút lên đầy cay đắng và không lời giải đáp. Câu hỏi chất chứa nỗi đau của một con người thấm thía được nỗi đau khôn cùng của bi kịch cá nhân. Câu hỏi đánh thẳng vào bộ mặt của xã hội bất lương. Câu hỏi như cứa vào tâm can người đọc về một thân phận con người đầy đắng cay trong xã hội cũ. Cái chết bi thảm của Chí Phèo là lời kết tội đanh thép cái xã hội vô nhân đạo, là tiếng kêu cứu về quyền làm người, cũng là tiếng gọi thảm thiết cấp bách của nhà văn: Hãy cứu lấy con người! Hãy yêu thương con người!  
Đánh giá:
  • Bi kịch Chí Phèo có ý nghĩa hiện thực, nhân đạo và nghệ thuật sâu sắc:
+ Tác phẩm đã lên án, tố cáo tội ác của chế độ thực dân nửa phong kiến đã đàn áp và bóc lột nhân dân lao động. Qua đó nhà văn đồng cảm với những nỗi khổ đau, bị đày đọa và lăng nhục của người nông dân. Đồng thời nhà văn cũng kịp thời  phát hiện và trân trọng trước vẻ đẹp tâm hồn của nhân vật và khao khát thay đổi thực tại để mang đến một cuộc sống tốt đẹp hơn.  
+ Nhân vật CP đã trở thành một sáng tạo nghệ thuật đặc biệt, một điển hình nghệ thuật xuất sắc của ngòi bút Nam Cao, rất sinh động cá tính mà giàu tính khái quát.
- “Chí Phèo” xứng đáng là kiệt tác của Nam Cao, đưa ông vào vị trí hàng đầu của văn xuôi Việt Nam hiện đại.

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây