Sức hấp dẫn của bài thơ Vội vàng của Xuân Diệu.

Thứ ba - 26/11/2019 10:39
Đề: Sức hấp dẫn của bài thơ Vội vàng của Xuân Diệu.
VOI VANG1
VOI VANG1
Trong Thi nhân Việt Nam (1941), Hoài Thanh đã cố nhận xét thật xác đáng về một đặc điểm của thơ Xuân Diệu: “Thơ Xuân Diệu còn là một nguồn sống rào rạt chưa từng thấy ở chốn nước non lặng lẽ này. Xuân Diệu say đắm tình yêu, say đắm cảnh trời, sống vội vàng cuống quýt, muốn tận hưởng cuộc đời ngắn ngủi của mình. Khi vui cũng như khi buồn, người đều nồng nàn, tha thiết”
Điều này có thể nhận thấy rõ nhất qua bài Vội vàng, rút trong tập Thơ thơ.
Mở đầu bài thơ, đến ngông cuồng:

 
Tôi muốn tắt nắng đi
Cho màu đừng nhạt mất
Tôi muốn buộc gió lại
Cho hương đừng bay đi.

Trong làng Thơ mới, Chế Lan Viên thấy cuộc đời “tất cả là vô nghĩa” là khổ đau. Không thích mùa xuân, người thanh niên này muốn ngăn bước chân của nó bằng những gì sót lại từ mùa thu trước. Những lá vàng rơi, muôn cánh hoa tàn... với cả “ý thu góp lại” tạo nên một hàng rào tâm tưởng, để “chắn nẻo xuân sang”. Ở bài Vội vàng, Xuân. Diệu dường như lại có thái độ khác hẳn: thi sĩ cũng muốn đoạt quyền của tạo hóa, “muốn tắt nắng đi”, “muốn buộc gió lại”, nhưng để cho hương sắc của mùa xuân “đừng bay đi”. Bằng lối điệp ngữ, điệp cấu trúc câu, nhà thơ đã diễn tả ý tưởng mạnh mẽ đó một cách thành công.
Sở dĩ có khát vọng kỳ lạ đó, bởi lẽ, dưới con mắt của thi sĩ, mùa xuân đầy sức hấp dẫn, đầy sức quyến rũ:

 
Của ong bướm này đây tuần tháng mật;
Này đây hoa của đồng nội xanh rì;
Này đây lá của cành tơ phơ phất;
Của yến anh này đây khúc tình si.

Mùa xuân - mùa của tình yêu, của sự sống đã đi vào trong thơ từ hàng ngàn năm, nhưng trước Xuân Diệu, có lẽ chưa ai có tứ thơ, lời thơ tương tự. Đây là mùa xuân tươi đẹp bướm ong dập dìu, chim chóc ca hát, lá non phơ phất trên cành, hoa nở trên đồng nội... Đáng nói hơn là vạn vật như căng đầy sức sống, giao hòa vui sướng. Bằng cách sử dụng linh hoạt, dồn dập các điệp từ và điệp ngữ (“của”, “này đây”); những dòng thơ trên tạo cho người đọc ấn tượng một mùa xuân viên mãn, thiên nhiên phong phú bất tận như chờ đợi, như chào mời, sẵn sàng dâng hiến trao tặng tất cả cho con người.

Cũng như trong cảnh mùa thu trọng bài Đây mùa thu tới, cảnh mùa xuân trong bài thơ này được phát hiện bằng niềm háo hức mê say, tất cả đều ngỡ ngàng mới lạ trong đôi mắt của thì sĩ đa tình, ham sống.

Táo bạo nhất, mới mẻ nhất có lẽ chính là mấy câu thơ tiếp theo:

 
Và này đây ánh sáng chớp hùng mi,
Mỗi buổi sớm Thần vui hằng gõ cửa;
Tháng giêng ngon như một cặp môi gần,

Mỗi buổi sáng, thi sĩ thức dậy mỡ mắt là được chứng kiến một cảnh tượng mới mẻ diễm lệ. Ánh bình minh rực rỡ chiếu sáng thế gian. Nguồn ánh sáng ấy như phát ra từ đôi mắt xinh đẹp của người thiếu nữ, mỗi lần nàng chớp chớp hàng mi. Trong một bài thơ khác, Xuân Điệu đã lấy lại hình ảnh gợi cảm này:
 
Tà áo mới cũng say màu gió nước;
Rặng mi dài sao động ánh dương vui,
                                                   (Xuân đầu)
 
Người đọc còn bắt gặp cách diễn đạt trên đây trong chuyện ngắn Lệnh, in trong tập Trường ca (1945): “Khi hứng thú nồng nàn, ánh sáng lấn át cả không gian, ôm chầm vũ trụ, đè bẹp bóng tối dưới triệu móng chân. Mi của ánh sáng thật dài, tia của ánh sáng thật đượm (...) ánh sáng đứng ở một chỗ mà ở khắp nơi con mắt diện quang thấu suốt muôn trùng”

Tuy vậy, gây ấn tượng mới mẻ, tươi đẹp nhất chính là câu: “Tháng giêng ngon như một cặp môi gần”, ở đây, nhà thơ có sự so sánh thật táo bạo, thiên về cảm giác, gây được ấn tượng mạnh cho người đọc. Dưới con mắt “xanh non” của Xuân Diệu, mùa xuân tựa hồ như một cô gái kiều diễm, hồng hào, tình tứ, đầy hấp dẫn...

Qua sự so sánh trên đây, ta có thể nhận thấy con người ở đây là một thiếu nữ “ sản phẩm diệu kỳ của tạo hóa, được Xuân Diệu coi là chuẩn mực của mọi vẻ đẹp trên thế gian này. Xuất phát từ quan niệm thẩm mĩ ấy, Xuân Diệu sáng tạo ra được nhiều câu thơ khỏe khoắn, mới lạ đầy sức sống, mang ý nghĩa nhân bản sâu sắc, mà trước đó có lẽ ta chưa bao giờ thấy:

 
... Lá liễu dài như một nét mi
…Hỏi gió thở như ngực người yêu mến
….Mây đa tình như thi sĩ đời xưa

Thơ xưa, thường lấy thiên nhiên làm chuẩn mực cho cái đẹp của con người, vẻ kiều diễm của nàng Kiều được Nguyễn Du ví với thiên nhiên: đôi mắt trong như làn nước mùa thu, nét mày thanh như sắc núi mùa xuân; khiến cho “hoa ghen thua thắm, liễu hờn kém xanh”. Còn cái đẹp phúc hậu của Thúy Vân thì được ví như “khuôn trăng đầy đặn, nét ngài nở nang, - Hoa cười ngọc thốt đoan trang - Mây thua nước tốc tuyết nhường màu da”... (Truyện Kiều). Từ quan niệm chuẩn mực của cái đẹp là thiên nhiên đến quan niệm chuẩn mực của cái đẹp là con người có sự cách biệt của biết bao thế kỉ.

Như vậy, ở phần đầu bài thơ, bằng cặp mắt “xanh non” “biếc rờn” ), Xuân Diệu đã nhìn cuộc đời và vạn vật có nhiều điểm khác lạ so với các nhà “thơ cũ”, ông phát hiện ra ở thiên nhiên, ở con người gần gũi bình dị ở quanh ta đây biết bao điều mới lạ, thật đáng yêu, đáng quý.

Cuộc đời trần thế đẹp đẽ và hấp dẫn biết bao! Nhưng không ai có thể được sống mãi mãi để hưởng mọi lạc thú. Năm tháng chảy trôi, tuổi xuân một đi không bao giờ trở lại, đúng là “thời gian ăn cuộc đời”, “Xuân đang tới, nghĩa là xuân dương qua - Xuân còn non, nghĩa là xuân sẽ già”. Do đó, người thi sĩ này “không chờ nắng hạ mới hoài xuân”.

Thực ra, thơ xưa không ít bài than thở về sự hữu hạn của kiếp người. Cổ nhân từng coi đời người trôi qua nhanh chóng chẳng khác gì bóng ngựa qua cửa sổ. Nhưng người xưa không vì thế mà hoang mang hoảng hốt. Họ quan niệm vũ trụ tuần hoàn, thời gian quay tròn trở lại, và con người là một phần tử của vũ trụ sẽ nhập thêm vào cái vĩnh cửu của đất trời. Người của thời đại, của thơ mới, Xuân Diệu chỉ thấy thời gian một đi không trở lại và vũ trụ là thế giới khách thể độc lập với con người. Với sự thức tỉnh sâu sắc ý thức cá nhân, nhà thơ cảm nhận thấm thía hơn ai hết sự thật đáng buồn: “Tuổi trẻ chẳng hai lần thấm lại”; cho dù mùa xuân của đất trời vẫn cứ tuần hoàn, vũ trụ có thể vĩnh hằng.

Đến đây, cái tươi vui rạo rực ở phần trên dường như đã tan biến, nhường chỗ cho một nỗi u buồn, nuối tiếc khôn nguôi cuộc sống tươi đẹp trên thế gian này. Nỗi buồn ở đây chẳng qua là một cách biểu hiện khác của lòng ham sống, lòng yêu đời thiết tha say đắm. Tình cảm mãnh liệt này đã được diễn đạt một cách tài hoa bằng chính những hình ảnh, màu sắc đầy quyến rũ của mùa xuân, mà ít nhiều ta đã gặp ở phần đầu bài thơ:

 
Con gió Xinh thì thào trong lá biếc,
Phải chăng hờn vì nỗi phải bay đi?
Chim rộn ràng bỗng dứt tiếng reo thì,
Phải chăng sợ độ phai tàn sấp sửa?

Những câu thơ trên đây cùng với những câu thơ trước đó đã góp phần hoàn thiện bức tranh mùa xuân trẻ trung tươi đẹp trong ánh mắt vồ vập đắm say của nhà thơ.

Phải chăng vì ý thức rất rõ không có gì ngăn cản được bước đi âm thầm nhưng vội vã của mùa xuân - của đời người, nên trong tâm tưởng của thi sĩ: cảnh xuân càng trở nên lộng lẫy - cuộc đời càng đáng sống, đáng yêu bội phần?

Điều này giải thích khát vọng ngông cuồng của tác giả, muốn đoạt quyền của tạo hóa, để có thể “tắt nắng” và “buộc gió” khi mở đầu bài thơ. Và đương nhiên, khát vọng này không bao giờ có thể thành hiện thực. Nhà thơ ham sống cũng đành bất lực, rồi cũng phải tuân theo quy luật khắc nghiệt của đất trời. Do đó, chỉ còn có một cách duy nhất là phải sống vội vàng, cuống quýt tận dụng cao độ từng giây, từng phút cua tuổi thanh xuân. Ý tưởng táo bạo này được diễn tả một cách thật mới mẻ. Đoạn thơ cuối cùng sau đây chính là sự kết tinh nghệ thuật của toàn bài, thể hiện tập trung những nét nổi bật trong phong cách thờ Xuân Diệu:

 
Ta muốn ôm
Cả sự sống mới bắt đầu mơn mởn;
Ta muốn riết mây đưa và gió lượn, .
Ta muốn say cánh bướm với tình yêu,
Ta muốn thâu trong một cái hôn nhiều
Và non nước, và cây, và cỏ rạng
Cho chếnh choáng mùi thơm, cho đã dày ánh sáng,
Cho no nê thanh sắc của thời tươi;
Hỡi xuân hồng, ta muốn cắn vào ngươi!

Ở đây, từ lối vắt câu, đến nghệ thuật dùng điệp ngữ, từ việc sử dụng nhiều hình ảnh táo bạo thiên về cảm giác, đến nhịp thơ hăm hở sôi trào..., tất cả đều góp phần thể hiện đậm nét niềm ham sống đến cuồng nhiệt mê say của tác giả. Đúng là “ông muốn thành một cây kim để hút vào mình thiên hạ” như Thế Lữ đã nhận xét.

Vội vàng đúng là một bài thơ tiêu biểu của một thi sĩ lớn luôn khao khát được giao cảm với đời. Tuy có thể còn những cách cảm nhận tác phẩm khác nhau, nhưng nhìn chung, bài thơ đã giúp phần đông người đọc thêm yêu cuộc sống, biết tận hưởng niềm hạnh phúc trần thế, và thêm quý trọng tuổi thanh xuân một đi không bao giờ trở lại, để biết sống sao cho khỏi phải xót xa ân hận bởi những năm tháng sống hoài, sống phí.

 

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây