Bình giảng đoạn thơ trong bài Đất nước, từ: “Mùa thu nay khác rồi... Những buổi ngày xưa vọng nói về”.

Thứ sáu - 06/12/2019 09:49
Đề: Bình giảng đoạn thơ trong bài Đất nước, từ: “Mùa thu nay khác rồi... Những buổi ngày xưa vọng nói về”.
Bình giảng đoạn thơ trong bài Đất nước, từ: “Mùa thu nay khác rồi... Những buổi ngày xưa vọng nói về”.
Đất nước là một trong những bài thơ hay nhất viết về Tổ quốc và nhân dân của Nguyễn Đình Thi nói riêng và thơ ca chống Pháp nói chung. Cả bài thơ tràn ngập một tâm trạng xốn sang khó tả của người viết: buồn bã, vui sướng, căm giận, hả hê, tự hào, sảng khoái... Dường như nó còn là tấm gương phản ánh tâm trạng và tình cảm của cả một dân tộc từ lúc bất đầu đánh Pháp đến khi kháng chiến thành công. Mỗi đoạn thơ trong bài thể hiện một sắc thái tâm trạng và tình cảm nhất định. Đoạn thơ sau đây tập trung thể hiện tất cả niềm tự hào và nỗi vui sướng đến nghẹn ngào của nhà thơ trước đất nước Tổ quốc vừa sạch bóng bọn xâm lăng:
 
Mùa thu nay khác rồi
Tôi đứng nghe vui giữa núi đồi
Gió thổi rừng tre phấp phới    
Mùa thu thay áo mới
Trong biếc nói cười thiết tha
Trời xanh đây là của chúng ta
Núi rừng đây là của chúng ta
Những cánh đồng thơm ngát
Những ngả dường bát ngát
Những dòng sông đỏ nặng phù sa
Nước chúng ta
Nước những người chưa bao giờ khuất
Đêm đêm rì rầm trong tiếng đất
Những buổi ngày xưa vọng nói về.
                 (Văn 12. phần văn học Việt Nam - NXB GD, 1992)

Mùa thu nay khác rồi” câu thơ mở đầu đoạn thơ vang lên như một lời khẳng định, một tiếng reo vui, một tâm trạng náo nức, một tiếng thở phào nhẹ nhõm bật ra từ lồng ngực khoan khoái của nhà thơ. Nói "Mùa thu nay" là hàm ý so sánh với mùa thu trước, "những ngày thu đã xa" mà ông nói tới ở đoạn thơ trên. Đó là một mùa thu gần như khác hẳn với "mùa thu nay” khi ông viết bài thơ Đất nước. Đứng giữa đất trời trong mùa thu giải phóng, tác giả trở về mùa thu trước. Một mùa thu quạnh vắng với nỗi buồn "xao xác hơi may". Hồi ấy, Hà Nội vẫn đẹp, nhưng có một cái gì thật hiu hắt khiến người chiến sĩ ra đi tuy cương quyết đấy mà vẫn thấy nao lòng:

Người ra đi đầu không ngoảnh lại
Sau lưng thềm nắng lá rơi đầy.

Mùa thu nay khác rồi: Không phải khác vì nhà thơ đã rời Hà Nội lên Việt Bắc mà khác vì cách mạng đã thành công, con người được làm chủ đất nước mình:
Gió thổi rừng tre phấp phới
Trong biếc nói cười thiết tha.
 
Cả một không gian núi đồi rạo rực, xốn sang, ăm ắp tiếng nói, tiếng cười. Rừng tre phấp phới hay chính lòng người phấp phới? Hai chữ phấp phới đã thể hiện được rất rõ tâm trạng náo nức của nhà thơ trước đất trời vừa được giải phóng. Dưới con mắt của nhà thơ, đất nước giờ đây thật thanh sạch, tinh khôi, trong trẻo và đẹp đẽ. Bầu trời như được "thay áo mới" nên càng "trong" càng "biếc" và dưới bầu trời ấy vang rộn tiếng nói cười "thiết tha". Câu thơ "Trong biếc nói cười thiết tha" giàu tính từ và chấp chới giữa hai làn nghĩa: bầu trời "trong biếc" hay tiếng nói, tiếng cười "trong biếc". Phải chăng niềm vui quá lớn ấy đã bao trùm lên và xoá nhòa đi tất cả, không phân biệt đâu là đất trời, đâu là con người, tất cả đều trong, đều biếc, đều tha thiết. Dù là nghĩa nào đi nữa mấy câu thơ trên cũng đều xuất phát từ một tâm trạng náo nức say sưa của người con một dân tộc vừa chiến thắng.

Đất nước mới hôm qua còn nằm trong gót sắt của quân thù, nay bỗng trong tay ta tất cả, là của ta tất cả. Nhà thơ sung sướng, reo lên như ôm trọn đất nước vào lòng:

"Trời xanh đây là của chúng ta
Núi rừng đây là của chúng ta
Những cánh đồng thơm mát
Những ngả đường bát ngát
Những dòng sông đỏ nặng phù sa"

Đoạn thơ liệt kê hàng loạt hình ảnh: trời xanh, núi rừng, những cánh đồng, những ngả đường, "những dòng sông đỏ nặng phù sa". Và từ đó vang lên điệp khúc: đây là của chúng ta như khắc sâu thêm vào lòng người, khẳng định chắc chắn trước lịch sử về chủ quyền của một dân tộc vừa thoát ách ngoại xâm.

Lời thơ hùng tráng, nhịp thơ mạnh mẽ tuôn chảy như gọi mãi không hết, kể mãi không cùng. Tình cảm và tâm trạng ấy, ta cũng đã từng bắt gặp trong thơ Tố Hữu. Cũng vào những thời khắc chói chang của "Đêm lịch sử Điện Biên sáng rực" năm ấy, Tố Hữu đã cất cao lời khẳng định:

 
Của ta, trời đất, đêm ngày
Núi kia, đồi nọ, sông này của ta        .
(Hoan hô chiến sĩ Điện Biên)
Hoặc là
Mây nhởn nhơ bay
Hôm nay trời đẹp lắm
Mây của ta, trời thắm của ta
Nước Việt Nam dân chủ cộng hoà
(Ta đi tới)

Một dân tộc vừa thoát khỏi 80 năm đô hộ của bọn thực dân Pháp bằng cuộc cách mạng tháng Tám long trời lở đất lại bước ngay vào cuộc kháng chiến trường kỳ chín năm gian khổ, không một phút nghỉ ngơi với bao hy sinh mất mát... dân tộc ấy hơn ai hết thấm thíà cái giá của tự do, nỗi nhục của cuộc đời nô lệ và ý nghĩa, sâu sắc của độc lập, chủ quyền. Có đặt trong hoàn cảnh lịch sử ấy mới thấu hiểu và cảm nhận hết âm vang đầy tự hào của mấy chữ "của ta" "của chúng ta" trong những đoạn thơ trên. Và cũng chính từ tột cùng của niềm vui đó, cảm hứng tự hào về một đất nước giàu truyền thống văn hiến và quật khởi chống xâm lăng lại dào dạt trong lòng nhà thơ.

Nước chúng ta
Nước những người chưa bao giờ khuất
Đêm đêm rì rầm trong tiếng hát
Những buổi ngày xưa vọng nói về.

Giọng thơ như trầm lắng lại và da diết hơn khi nói về truyền thống đầy tự hào của dân tộc. Lịch sử của dân tộc, truyền thống bất khuất của ông cha, luôn luôn động viên và nhắc nhủ mỗi người dân Việt. Ý thơ là thế, nhưng đọc câu thơ "Đêm đêm rì rầm trong tiếng đất - Những buổi ngày xưa vọng nói về", ta vẫn cảm thấy có một cái gì đó rất thiêng liêng, cao cả bao trùm lên câu thơ. Cứ đêm đêm tiếng cha ông lại rì rầm vang vọng trong tiếng đất. Tiếng rì rầm vọng lại ấy là gì, nếu không phải là lời nhắc nhở thiêng liêng: hãy giữ lấy mảnh đất này, giữ lấy truyền thống "chưa bao giờ khuất" của "nước chúng ta". Bài học lịch sử đã được hình tượng hoá và cụ thể hoá một cách sinh động bằng một lối diễn đạt độc đáo và sáng tạo.

Đoạn thơ trên tuy chỉ là một trích đoạn ngắn trong bãi thơ dài Đất nước của Nguyễn Đình Thi nhưng cũng đã phản ánh được rất xuất sắc tâm trạng, tình cảm và tư tưởng của nhà thơ trong những giờ phút huy hoàng nhất của lịch sử dân tộc. Đó là tâm trạng náo nức, xốn xang, là niềm sung sướng tột cùng và một ý thức đầy tự hào, một trách nhiệm sâu sắc về truyền thống bất khuất của cha ông. Tất cả lại được thể hiện bằng những lời thơ trang trọng; những hình ảnh thơ đẹp đẽ, bay bổng và một cách diễn đạt hàm súc, giàu gợi cảm. Đây là một trong những đoạn trích hay nhất của bài thơ.

 

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây