Chiếc thuyền ngoài xa - Nguyễn Minh Châu: Ngữ Văn 12

Chủ nhật - 10/05/2020 21:45
“Chiếc thuyền ngoài xa” là bức ảnh mà nghệ sĩ Phùng đã chụp được trong chuyến công tác tới một vùng ven biển miền Trung. Bức ảnh một chiếc thuyền lưới vó ẩn hiện trong biển sớm giữa “ bầu sương mù trắng như sữa có pha đôi chút màu hồng hồng do ánh mặt trời chiếu vào…”. Đó là một “cảnh đắt trời cho”, khiến cho khi đứng trước nó, tâm hồn người nghệ sĩ thăng hoa và trong phút chốc anh thấm thía một câu nói của ai đó “bản thân cái đẹp chính là đạo đức” - cái đẹp có khả năng gột rửa, thanh lọc tâm hồn con người. Cho nên hình ảnh “chiếc thuyền ngoài xa” chính là biểu tượng của nghệ thuật.
Chiếc thuyền ngoài xa - Nguyễn Minh Châu: Ngữ Văn 12
I. Tác giả, tác phẩm:
1.Tác giả:

- Nguyễn Minh Châu là cây bút tiên phong của văn học Việt Nam thời kì đổi mới. Ông “thuộc trong số những người mở đường tinh anh và tài năng nhất của văn học” Việt Nam (Nguyên Ngọc).Tính chất tiên phong ấy thể hiện ở cách nhìn của nhà văn về cuộc sống và con người. Với Nguyễn Minh Châu : “cuộc đời thì đa sự, con người thì đa đoan”. Vì vậy, dưới cái nhìn của nhà văn, cuộc sống không đơn giản, xuôi chiều mà bên cạnh sự yên bình suôn sẻ là những vết sần sùi nham nhở, có hạnh phúc và cũng có nỗi đau, có niềm vui xen lẫn nỗi buồn ; còn trong mỗi con người thì luôn có sự đan xen giữa thiên thần và ác quỷ, “lẫn lộn giữa rồng phượng và rắn rết”.
-Sáng tác của Nguyễn Minh Châu in đậm phong cách : tự sự - triết lí.

2. Tác phẩm :
- Tác phẩm“Chiếc thuyền ngoài xa” được viết vào năm 1983. Đó là lúc đất nước đã được độc lập thống nhất, cuộc sống với “muôn mặt đời thường”  đã trở lại sau chiến tranh. Nhiều vấn đề nhân sinh được đặt ra, nhiều quan niệm đạo đức phải được nhìn nhận lại trong tình hình mới.
- Nội dung tư tưởng : Từ câu chuyện về một bức ảnh nghệ thuật và sự thật cuộc đời đằng sau bức ảnh, truyện ngắn  “Chiếc thuyền ngoài xa” mang đến một bài học đúng đắn về cách nhìn nhận cuộc sống và con người : một cách nhìn đa diện, nhiều chiều, phát hiện ra bản chất thật sau vẻ đẹp bên ngoài của hiện tượng.

II. Phân tích :
1. Nhan đề : Chiếc thuyền ngoài xa.

- “Chiếc thuyền ngoài xa” là bức ảnh mà nghệ sĩ Phùng đã chụp được trong chuyến công tác tới một vùng ven biển miền Trung. Bức ảnh một chiếc thuyền lưới vó ẩn hiện trong biển sớm giữa “bầu sương mù trắng như sữa có pha đôi chút màu hồng hồng do ánh mặt trời chiếu vào…”. Đó là một “cảnh đắt trời cho”, khiến cho khi đứng trước nó, tâm hồn người nghệ sĩ thăng hoa và trong phút chốc anh thấm thía một câu nói của ai đó “bản thân cái đẹp chính là đạo đức”  - cái đẹp có khả năng gột rửa, thanh lọc tâm hồn con người. Cho nên hình ảnh “chiếc thuyền ngoài xa”  chính là biểu tượng của nghệ thuật.
- “Chiếc thuyền ngoài xa” gợi khoảng cách giữa chiếc thuyền và bờ. Trong câu chuyện, sau khi chứng kiến cảnh đẹp của  “chiếc thuyền ngoài xa” thì người nghệ sĩ lại chứng kiến một cảnh tượng tàn bạo ở trên bờ. Đó là cảnh người đàn ông  dùng thắt lưng đánh vợ một cách dã man, vừa đánh vừa nguyền rủa, người đàn bà không chống trả, cũng không một tiếng kêu la. Cảnh tượng diễn ra tàn nhẫn và vô lí. Điều đáng nói là người đàn ông và người đàn bà ấy bước lên từ chiếc thuyền ngư phủ đẹp như mơ ở ngoài xa.
Nếu “chiếc thuyền ngoài xa”  là biểu tượng của nghệ thuật thì cảnh bạo lực trên bờ là hiện thực cuộc đời. Cho nên nhan đề của tác phẩm gợi lên mối quan hệ giữa nghệ thuật và cuộc đời. Đó cũng là một gợi ý về cự li nhìn ngắm đời sống mà người nghệ sĩ cần coi trọng. Khi quan sát từ “ngoài xa”, người nghệ sĩ sẽ không thể thấy hết những mảng tối, những góc khuất của cuộc đời và cũng không tìm được cái “chất ngọc” lẫn trong sự bề bộn, lấm láp của cuộc sống đời thường. Vì vậy, rút ngắn khoảng cách giữa nghệ thuật và cuộc đời, đưa nghệ thuật về với cuộc đời, góp phần cải tạo cuộc sống là trách nhiệm của người nghệ sĩ chân chính.

2. Hai phát hiện của người nghệ sĩ :
* Cảnh tượng thứ nhất : một bức tranh tuyệt mĩ, tuyệt thiện.
Tác phẩm xoay quanh câu chuyện về một chuyến đi thực tế của một người nghệ sĩ nhiếp ảnh có tên là Phùng. Theo yêu cầu của trưởng phòng, Phùng đến một vùng ven biển miền Trung để chụp một tấm ảnh cảnh biển bổ sung cho bộ lịch năm sau. Sau nhiều ngày tìm kiếm, Phùng đã phát hiện và chụp được “một cảnh đắt trời cho”. Thu vào ống kính của người nghệ sĩ là hình ảnh chiếc thuyền đánh cá thu lưới ẩn hiện trong biển sớm giữa “bầu sương mù trắng như sữa có pha đôi chút màu hồng hồng do ánh mặt trời chiếu vào. Vài bóng người lớn lẫn trẻ con ngồi im phăng phắc như tượng…” , một bức tranh “tĩnh vật hoàn toàn”.
          -Trong cảm nhận của người nghệ sĩ, cảnh tượng ấy giống như “một bức tranh mực tàu của một danh họa thời cổ ”. “Toàn bộ khung cảnh từ đường nét đến ánh sáng đều hài hòa và đẹp, một vẻ đẹp thực đơn giản và toàn bích” . Đây quả là một bức họa kì thú mà cuộc sống ban tặng cho con người, một sản phẩm quý hiếm của hóa công mà trong đời người nghệ sĩ nhiếp ảnh nào cũng khao khát được gặp.
          - Đứng trước tuyệt tác của hóa công :
          + Tâm hồn người nghệ sĩ rung động thật sự và một cảm xúc thẩm mĩ đang dấy lên trong lòng anh. Người nghệ sĩ “trở nên bối rối”  và “trong trái tim như có cái gì bóp thắt vào” .
          + Trong giây lát, người nghệ sĩ còn “khám phá thấy cái chân lí của sự toàn thiện, khám phá thấy cái khoảnh khắc trong ngần của tâm hồn”. Anh cảm thấy tâm hồn mình như được gột rửa, trở nên thật trong trẻo tinh khôi và lúc này anh mới thấm thía lời đúc kết của một ai đó rằng “bản thân cái đẹp chính là đạo đức”.
* Cảnh tượng thứ hai : một cảnh đời tàn nhẫn, phi thẩm mĩ.
-Đang bay bổng trong những cảm xúc thẩm mĩ, đang tận hưởng “cái khoảnh khắc trong ngần” của tâm hồn thì người nghệ sĩ bất ngờ chứng kiến một cảnh tượng hoàn toàn trái ngược. Bước ra từ chiếc thuyền ngư phủ đẹp như mơ là một người đàn bà xấu xí, mệt mỏi, một người đàn ông cao lớn dữ dằn và một cảnh tượng thô bạo diễn ra: người đàn ông hùng hổ dùng chiếc thắt lưng quật tới tấp vào lưng người đàn bà, vừa đánh vừa nguyền rủa ; người đàn bà cam chịu không một tiếng kêu la. Đứa con thương mẹ đã đánh lại cha để rồi nhận lấy hai cái tát ngã dúi xuống cát. Một cảnh tượng vô cùng tàn nhẫn – cảnh bạo lực gia đình.
- Chứng kiến cảnh tượng đó, nghệ sĩ Phùng “ kinh ngạc đến mức, trong mấy phút đầu, … cứ đứng há mồm ra mà nhìn”. Người nghệ sĩ không tin nổi những gì đang diễn ra trước mắt mình. Anh cũng không thể ngờ rằng đằng sau vẻ diệu kì của tạo hóa lại là bi kịch của cuộc đời, là biểu hiện của cái ác, cái xấu. Chỉ ít phút trước đó, anh còn nhận thấy “bản thân cái đẹp chính là đạo đức ”, thấy “chân lí của sự toàn thiện”, thế mà chỉ ngay sau đó chẳng còn gì là đạo đức, là cái đẹp của cuộc đời.
- Ba hôm sau, cũng trong làn sương sớm, Phùng lại chứng kiến cảnh lão đàn ông đánh vợ, cảnh cô chị gái tước đoạt con dao găm mà đứa em trai định dùng làm vũ khí để bảo vệ người mẹ đáng thương. Không thể chịu hơn được nữa, Phùng xông ra buộc lão đàn ông phải chấm dứt hành động độc ác. Lão đàn ông đánh trả, Phùng bị thương, anh được đưa về trạm y tế của tòa án huyện.
Qua hai phát hiện của nghệ sĩ Phùng, người đọc những nhận thức được rằng :
+ Cuộc đời không đơn giản, xuôi chiều mà luôn chứa đựng nhiều mâu thuẫn, nghịch lí. Cuộc sống luôn tồn tại những mặt đối lập, những mâu thuẫn: đẹp – xấu ; thiện- ác…đan xen.
+ Nghệ thuật không thể tách rời cuộc sống mà phải đi sâu vào ngóc ngách của cuộc sống, của số phận con người.

3. Câu chuyện cuộc đời người đàn bà hàng chài ở tòa án huyện.
- Theo lời mời của chánh án Đẩu, người đàn bà có mặt tại tòa án huyện. Tại đây, câu chuyện về cuộc đời của chị đã được kể ra. Đó là một người phụ nữ sống triền miên trong những trận đòn của người chồng vũ phu : “ba ngày một trận nhẹ, năm ngày một trận nặng” nhưng  chị vẫn nhẫn nhục cam chịu. Trận đòn mà nghệ sĩ Phùng chứng kiến trên bờ biển buổi sáng hôm ấy không rõ là trận nặng hay trận nhẹ nhưng nó thật sự là nỗi ám ảnh kinh hoàng.
- Để bảo vệ người đàn bà, chánh án Đẩu đã gợi ý người đàn bà nghèo khổ li hôn, thoát khỏi lão chồng vũ phu nhưng người đàn bà nhất quyết không bỏ chồng. Chị khẩn khoản van nài: “Quý tòa bắt tội con cũng được, phạt tù con cũng được nhưng đừng bắt con bỏ nó”.
- Trong câu chuyện, người đàn bà đã đưa ra những lí do khiến chị không thể bỏ chồng :
+ Người chồng là chỗ dựa quan trọng trong gia đình mà nhất là những gia đình hàng chài sống lênh đênh trên biển.
+ Người đàn bà không chỉ sống cho riêng mình mà còn phải sống cho con.
+ Trong cuộc sống cũng có lúc vợ chồng, con cái sống vui vẻ, hoà hợp. Theo lời kể của người đàn bà  “đó là lúc nhìn đàn con được ăn no”.
+ Lưu giữ trong kí ức người đàn bà là những phẩm chất tốt đẹp của người đàn ông – chồng chị: hiền lành, chăm chỉ, không bao giờ đánh đập vợ con. Đặc biệt, đối với chị, người đàn ông ấy còn là người mà chị vô cùng biết ơn vì anh ta đã đưa tay đón nhận chị khi chị có thai trước hôn nhân.
+ Người đàn bà hoàn toàn cảm thông cho hành vi bạo lực của chồng bởi theo chị đó là cách giải tỏa duy nhất những nỗi vất vả nhọc nhằn của chồng chị trong cuộc mưu sinh đầy khó khăn.
*Những lí lẽ ấy của người đàn bà hàng chài đã khiến cho nghệ sĩ Phùng hiểu ra nhiều điều về con người và cuộc sống:
- Hiểu về con người :
+ Người đàn bà : không cam chịu một cách vô lí mà là người thấu hiểu lẽ đời sâu sắc. Chị hiểu lòng người, thấm thía những nhọc nhằn, khốn khổ của chồng và hơn ai hết, chị hiểu thiên chức làm mẹ, hiểu những gì một người mẹ cần phải hy sinh cho con. Dù cuộc đời nhọc nhằn, lam lũ nhưng chị biết chắt chiu những giây phút hạnh phúc nhỏ bé của cuộc đời. Một người phụ nữ quê mùa, thất học nhưng từng trải, hiểu đời, có ngoại hình xấu xí, thô kệch nhưng tâm hồn đẹp đẽ, thấp thoáng bóng dáng của những người phụ nữ Việt Nam nhân hậu, bao dung, giàu đức hy sinh.
+Đối với người đàn ông thì hành động đánh vợ là hành động đáng lên án. Dù có trăm ngàn lí do cũng không thể tha thứ bởi đó là biểu hiện của thói vũ phu, ích kỉ, tự cho phép mình cái quyền hành hạ người khác để thỏa mãn những bức bối, bực dọc trong lòng. Nhưng ở anh ta cũng có chỗ để cảm thông, bởi xét đến cùng, anh ta cũng chỉ là nạn nhân của hoàn cảnh sống khắc nghiệt.
+Hành động đánh bố, thậm chí đã có lúc cầm dao găm định giết bố của thằng Phác là một hành vi lỗi đạo, không thể nào chấp nhận. Nhưng trong hoàn cảnh này lại là cách thể hiện tình mẫu tử của một đứa trẻ đáng thương. Trong con mắt của Phác, cha cậu thật độc ác, mẹ cậu thật tội nghiệp. Vì thương mẹ, cậu trở nên thù địch với cha, tâm hồn con trẻ bị tổn thương. Những trận cuồng phong của biển chưa đủ để Phác thấu hiểu lòng đại dương. Phác chưa thể hiểu hết cha mình, càng chưa thể hiểu thấu sự chịu đựng của mẹ mình. Từ hình ảnh thằng Phác, con mắt nhân đạo của nhà văn còn thể hiện ở nỗi lo âu đầy trách nhiệm : Cậu bé Phác sẽ thành người thế nào nếu cứ sống trong môi trường bạo lực ?
+Chánh án Đẩu  là người có lòng tốt, sẵn sàng bảo vệ công lí nhưng anh chưa đi sâu vào đời sống nhân dân. Lòng tốt là đáng quý nhưng phải đặt đúng chỗ, luật pháp là cần thiết nhưng phải tùy từng hoàn cảnh cụ thể để áp dụng. Bản thân Phùng cũng nhận ra rằng, mình đã quá đơn giản khi nhìn nhận cuộc sống và con người.
-Hiểu về cuộc đời :
+Nguyên nhân gây nên hành động vũ phu của người đàn ông  hàng chài không phải từ phía kẻ thù như câu hỏi lạc đề của Phùng: “Lão ta trước hồi bảy nhăm  có đi lính ngụy không ?”; cũng không phải từ men rượu như lời kể của người đàn bà : “ lúc nào thấy khổ quá là lão xách tôi ra đánh, cũng như đàn ông thuyền khác uống rượu…Giá mà lão uống rượu … thì tôi còn đỡ khổ”. Như vậy, nguyên nhân của bạo lực gia đình là do cuộc sống quá khó khăn.
+Giải pháp để cải tạo xã hội : Giải pháp li hôn  mà Đẩu đưa ra là đầy thiện chí nhưng có phần nông nổi. Để không còn nạn bạo lực gia đình thì phải tìm cách xóa đói nghèo và lạc hậu. Muốn vậy, cần có những giải pháp mang tính xã hội chứ không đơn giản là giải quyết trong phạm vi gia đình hay thiện chí của một cá nhân. Trong thời hậu chiến, đây là một vấn đề nan giải. Tác giả đã dùng hình ảnh bãi xe tăng hỏng như một gợi ý rằng, cuộc chiến chống đói nghèo, tăm tối cũng gian nan không kém cuộc chiến chống ngoại xâm và chừng nào chưa thoát khỏi đói nghèo thì chừng đó, con người còn phải chung sống với cái xấu, cái ác, thậm chí còn bị tha hóa. Vì vậy xã hội cần phải có một hướng đi mới và sự chung tay hợp sức của cộng đồng. Và tác phẩm “Chiếc thuyền ngoài xa” chính là lời tiên cảm của nhà văn về công cuộc đổi mới đất nước sau này.
Từ câu chuyện của người đàn bà hàng chài tại tòa án huyện, người đọc nhận thức được rằng : Trước cuộc sống muôn màu, con người phải được nhìn nhận một cách sâu sắc và toàn diện; không thể nhìn đời và nhìn người một phía mà phải có cái nhìn đa diện, nhiều chiều.

4. Hình tượng người đàn bà hàng chài :
a. Về chân dung và số phận :
* Là một người phụ nữ xấu, nghèo, lam lũ
-Xuyên suốt tác phẩm, nhà văn không đặt cho nhân vật một cái tên nào mà chỉ gọi bằng những cái tên phiếm định: khi thì gọi là “mụ”, khi thì gọi “người đàn bà”. Với cách gọi phiếm định ấy, tác giả muốn nhấn mạnh  rằng, cuộc sống của người đàn bà hàng chài cũng là cuộc sống của bao người phụ nữ khác trên dải đất miền Trung đầy nắng gió này: nhọc nhằn, lam lũ trong cuộc mưu sinh.
- Người đàn bà trạc ngoài bốn mươi, thân hình cao lớn với những đường nét thô kệch ; khuôn mặt rỗ, tái ngắt hiện lên sự mệt mỏi sau một đêm thức trắng kéo lưới ; tấm lưng áo bạc phếch và rách rưới, nửa thân dưới ướt sũng bởi lội từ dưới bờ phá lên… Ngoại hình ấy phải chăng là dấu ấn của một cuộc sống cơ cực, nghèo khổ, làm việc đến lao lực? Tấm áo “bạc phếch” tuy không đến nỗi “tả tơi như tổ đỉa” như tấm áo của con người trong nạn đói 1945, nhưng cũng đủ để người đọc hình dung một cuộc sống vất vả, “cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc”.
*Là nạn nhân của bạo lực gia đình :
- Người đàn bà bị hành hạ về thể xác :
+ Cuộc sống nghèo khổ nhiều lúc trở nên tù túng, ngột ngạt, bế tắc. Thế là, những lúc khổ quá, chồng chị lại lôi chị ra đánh như một phương thức để giải tỏa những nỗi bức bối trong cuộc mưu sinh nhọc nhằn. Thường là “ba ngày một trận nhẹ, năm ngày một trận nặng”.
+ Trận đòn mà nghệ sĩ Phùng chứng kiến không biết là nặng hay nhẹ nhưng thật kinh hoàng  “lão đàn ông hùng hổ, mặt đỏ gay… rút trong người ra chiếc thắt lưng của lính ngụy… trút cơn giận như lửa cháy bằng cách dùng chiếc thắt lưng quật tới tấp vào lưng người đàn bà, lão vừa đánh vừa thở hồng hộc, hai hàm răng nghiến ken két, cứ mỗi nhát quất xuống lão lại nguyền rủa bằng cái giọng rên rỉ, đau đớn: Mày chết hết đi cho ông nhờ. Chúng mày chết hết đi cho ông nhờ!”.
-Chị còn bị giày vò về tinh thần :
+Chị cảm thấy vừa đau đớn, vừa xấu hổ và nhục nhã khi bị chồng đánh trước mặt con.
+ Điều làm chị lo lắng nhất là : khi phải thường xuyên chứng kiến cảnh cha đánh mẹ một cách tàn nhẫn, tâm hồn con trẻ sẽ bị tổn thương và nhân cách của chúng sẽ phát triển lệch lạc về sau.
-> Từ cuộc đời bất hạnh của người đàn bà hàng chài, nhà văn đặt ra vấn đề cuộc sống của con người thời hậu chiến. Chiến tranh đã đi qua nhưng nỗi khổ đau, bất hạnh vẫn còn dai dẳng mà nguyên nhân là sự nghèo đói và lạc hậu. Trong tác phẩm, không phải ngẫu nhiên mà nhà văn đưa cảnh người đàn bà bị bạo hành diễn ra ở bãi xe tăng hỏng. Nhà văn đã cố ý tạo nên sự ứng chiếu giữa bạo lực thời chiến và bạo lực thời bình. Bãi xe tăng hỏng chính là tàn dư của bạo lực thời chiến- thứ bạo lực đã cướp đi sinh mạng của bao người và giờ đây nó đã kết thúc. Nhưng ở thời bình lại nảy sinh một thứ bạo lực khác cũng không kém phần nguy hiểm – tuy không cướp đi sinh mệnh con người nhưng lại giết chết nhân phẩm và làm xói mòn nhân cách. Tấm lòng của nhà văn trĩu nặng một nỗi lo âu.
b. Vẻ đẹp tâm hồn : Từ trong cuộc đời lấm láp khổ đau, nhà văn vẫn tìm thấy vẻ đẹp lấp lánh của  “hạt ngọc ẩn sâu trong tâm hồn”  người đàn bà hàng chài.
* Là người phụ nữ nhân hậu bao dung và thấu hiểu lẽ đời sâu sắc:
- Thể hiện qua cách xử sự của người đàn bà trước bi kịch gia đình :
+Mặc dù sống triền miên trong những trận bạo hành của chồng, nhưng khi Đẩu đề xuất giải pháp li hôn thì người đàn bà một mực từ chối và khẩn thiết van nài :  “Con lạy quý tòa…Quý tòa bắt tội con cũng được, phạt tù con cũng được nhưng đừng bắt con bỏ nó” .
+ Khi Đẩu để cho người đàn bà tự quyết định lấy việc gia đình thì chị trở nên hoạt bát và sắc sảo. Chị chuyển sang cách xưng hô :  “chị - các chú”  để kể lại câu chuyện cuộc đời mình và lần lượt đưa ra những lí do khiến chị không thể bỏ chồng :
@. Trong những gia đình hàng chài không thể thiếu người đàn ông. Sức vóc của người đàn ông mới đảm đương nổi việc mưu sinh khó nhọc, mới chống chọi được với phong ba bão tố của biển khơi.
@. Người đàn bà không chỉ sống cho mình mà còn phải sống cho con. Cho nên chị cần một người đàn ông chung vai gánh vác gánh nặng gia đình. Nếu bỏ chồng, một mình chị không thể nuôi nổi đàn con trên dưới mười đứa.
@. Vả lại, cũng có lúc, trên thuyền vợ chồng, con cái sống hòa thuận vui vẻ. Niềm hạnh phúc nhỏ bé ấy tuy ít ỏi nhưng có thật và cũng đủ sức xoa dịu nỗi đau thể xác cùng nỗi đau tinh thần để chị tiếp tục cùng chồng gánh vác cuộc mưu sinh nhọc nhằn.
@.Lưu giữ trong kí ức của chị là những phẩm chất tốt đẹp của chồng chị. Đó là người đàn ông vốn hiền lành, không bao giờ đánh đập vợ con. Và sâu thẳm trong trái tim chị là lòng biết ơn sâu sắc con người đã đem hạnh phúc đến cho chị giữa lúc chị buồn khổ, lo lắng nhất.
@. Nguyên nhân chồng chị trở nên dữ dằn và thô bạo là do cuộc sống quá khốn khổ khiến ông ta quẫn bách. Nếu những người đàn ông hàng chài khác chọn cách uống rượu để giải tỏa nỗi khổ thì chồng chị lại không biết uống rượu nên ông ta chọn cách đánh vợ để giải tỏa những bức bối, bực dọc trong lòng.  Hơn ai hết, người đàn bà hiểu chồng mình, chị cam chịu những trận đòn “ không hề kêu một tiếng, không chống trả, cũng không tìm cách chạy trốn” . Bởi với chị, chấp nhận để cho chồng đánh cũng là cách giúp chồng lấy lại thăng bằng mà sống tiếp những tháng ngày cơ cực. Thậm chí, chị còn nhận lỗi về mình “cái lỗi chính là đám đàn bà ở thuyền đẻ nhiều quá mà thuyền lại chật” để giảm nhẹ tội lỗi cho chồng.
- Thể hiện qua sự đánh giá của chị trước những giải pháp xã hội :
Trước lời gợi ý  ly hôn của Đẩu, người đàn bà hàng chài đã cho Đẩu và Phùng nhận ra sự nông cạn trong suy nghĩ của họ :  “Lòng các chú tốt nhưng các chú đâu có phải là người làm ăn … cho nên các chú đâu có hiểu được cái việc của các người làm ăn lam lũ, khó nhọc…”  ;  “Là bởi vì các chú không phải là đàn bà, chưa bao giờ các chú biết như thế nào là nỗi vất vả của người đàn bà trên một chiếc thuyền không có đàn ông” .
->Theo đánh giá của người đàn bà hàng chài, giải pháp cải tạo xã hội mà chỉ dựa trên lòng tốt mà không dựa trên thực tế thì đều trở nên phi lí và viễn vông.
* Là một người mẹ thương con vô bờ bến: Đã là phụ nữ thì ai cũng yêu thương con, đó là thiên chức làm mẹ, nhưng ở người phụ nữ miền Trung nghèo khổ ấy, ta cảm nhận được tình yêu thương con vô bờ bến.
- Trong câu chuyện tại tòa án huyện, người đàn bà xác định thiên chức của mình :  “Ông trời sinh ra người đàn bà là để đẻ con, rồi nuôi con cho đến khi khôn lớn, cho nên phải gánh lấy cái khổ”. Lời tâm sự thật lòng ấy chứa đựng một sự hy sinh cao cả.
 -Chị hy sinh cả cuộc đời mình cũng chỉ vì những đứa con :
+ Chị cam chịu, nhẫn nhục để chồng đánh, chấp nhận làm nơi để chồng trút bỏ bao bức bối trong cuộc  đời gian khó, rồi vợ chồng lại tiếp tục làm ăn nuôi con. Bởi với chị,  “vui nhất là lúc ngồi nhìn đàn con… được ăn no” . Nói đến niềm vui ít ỏi chắt ra từ những cay đắng nhọc nhằn  “lần đầu tiên trên khuôn mặt xấu xí ” của chị  “chợt ửng sáng lên như một nụ cười ”. Đó là niềm hạnh phúc được sống vì con.
+ Khi con lớn, chị xin chồng đưa  mình lên bờ mà đánh để tránh cho con nhìn thấy cảnh bạo lực gia đình. Chị sợ tâm hồn con trẻ bị tổn thương và nhân cách của chúng sau này sẽ phát triển lệch lạc.
+ Đứa con mà chị yêu thương nhất là thằng Phác - đứa con giống cha như lột từ tính khí đến mặt mũi. Yêu thương là thế nhưng chị phải gởi nó lên bờ cho ông ngoại nuôi vì sợ nó sẽ giết cha để bảo vệ mẹ. Khi thằng bé nhìn thấy mẹ nó bị đánh trên bãi xe tăng hỏng thì chị vô cùng đau đớn và xấu hổ “miệng mếu máo gọi, người đàn bà ngồi xệp xuống trước mặt thằng bé, ôm chầm lấy nó rồi lại buông ra…”. Trái tim người mẹ lúc này như bị viên đạn xuyên qua. Chị đau đớn vì con chị đã bị tổn thương nặng nề trong tình phụ tử. Đó là nỗi đau của người mẹ yêu con, thương con, mong con khôn lớn nên người nhưng lại không bảo vệ được tâm hồn của con.
->Tình thương con của người mẹ ấy đã vút lên trên nền của cuộc sống cơ cực tận cùng. Cho nên lúc nào chị cũng chấp nhận cuộc sống hiện tại với những lí do cao cả, thiêng liêng.
Kết luận:
 -Người đàn bà hàng chài là một nhân cách đáng quý, đáng trân trọng. Ẩn sâu trong tâm hồn một người phụ nữ quê mùa, thất học là những suy nghĩ thấu đáo, sâu sắc. Thấp thoáng trong chân dung  của chị là bóng dáng bao đời của người phụ nữ Việt Nam: vị tha, nhân hậu, bao dung. Qua đó, nhà văn đưa ra một thông điệp: Trước cuộc sống muôn màu, con người phải được nhìn nhận một cách sâu sắc và toàn diện; không thể nhìn đời và nhìn người một phía mà phải có cái nhìn đa diện, nhiều chiều.
- Từ một số phận cá nhân trong cuộc đời thường, nhà văn đặt ra vấn đề về cuộc chiến chống đói nghèo thời hậu chiến. Là một người lính đã từng vào sinh ra tử nay lại đối diện với hiện thực nghiệt ngã của cuộc đời, Nguyễn Minh Châu nhận thấy rằng: cuộc chiến chống đói nghèo cũng không kém phần cam go và khốc liệt như cuộc chiến chống ngoại xâm. Vì vậy cần phải có một hướng đi mới và rất cần sự chung tay hợp sức của mọi người. Và tác phẩm “Chiếc thuyền ngoài xa”  chính là lời tiên cảm của nhà văn về công cuộc đổi mới đất nước sau này.

5. Tấm ảnh được chọn trong bộ lịch năm ấy :
- Là một bức ảnh đen trắng với hình ảnh một chiếc thuyền lưới vó ẩn hiện trong biển sớm  giữa “bầu sương mù trắng như sữa có pha đôi chút màu hồng hồng do ánh mặt trời chiếu vào. Vài bóng người lớn lẫn trẻ con ngồi im phăng phắc như tượng…”. Nhiều năm sau, tấm ảnh đó vẫn được treo trong những gia đình sành nghệ thuật. Điều đó khẳng định rằng, bức ảnh “chiếc thuyền ngoài xa” là một tác phẩm nghệ thuật đích thực.
-Mỗi lần nhìn kĩ vào bức ảnh đen trắng, người nghệ sĩ đều nhìn thấy: “hiện lên cái màu hồng hồng của ánh sương mai”. Đó là chất thơ của cuộc sống, vẻ đẹp lãng mạn của cuộc đời, là biểu tượng của nghệ thuật.
- Nếu nhìn lâu hơn, bao giờ anh cũng thấy “người đàn bà ấy đang bước ra khỏi tấm ảnh, đó là một người đàn bà vùng biển cao lớn với những đường nét thô kệch, tấm lưng áo bạc phếch có miếng vá, nửa thân dưới ướt sũng, khuôn mặt rỗ đã nhợt trắng vì kéo lưới suốt đêm”. Đó chính là hiện thân của lam lũ, khốn khó đời thường, là hiện thực khắc nghiệt của cuộc sống, là sự thật cuộc đời..
Từ tấm ảnh “Chiếc thuyền ngoài xa”, tác phẩm nêu lên một thông điệp về mối quan hệ giữa nghệ thuật và cuộc đời: Nghệ thuật chân chính không bao giờ rời xa cuộc sống. Nghệ
thuật phải gắn với cuộc đời (Nghệ thuật là cuộc đời) và vì cuộc đời mà lên tiếng.

III. Tổng kết :
1. Nghệ thuật :

- Xây dựng tình huống truyện bất ngờ, mang ý nghĩa khám phá, phát hiện.
+ Nội dung tình huống: Theo yêu cầu của trưởng phòng, Phùng đến một vùng ven biển miền Trung để chụp một tấm ảnh bổ sung cho bộ lịch năm sau. Sau nhiều ngày tìm kiếm, Phùng đã phát hiện và chụp được một “cảnh đắt trời cho”. Đó là cảnh chiếc thuyền đánh cá ngoài xa ẩn hiện trong biển sớm mờ sương. Nhưng khi chiếc thuyền ào bờ, Phùng lại bất ngờ chứng kiến cảnh người đàn ông đánh vợ hết sức dã man. Sau đó, tại tòa án huyện, Phùng lại được nghe câu chuyện cuộc đời của người đàn bà khốn khổ ấy. Người nghệ sĩ không ngờ rằng, đằng sau bức ảnh tuyệt diệu đó lại là biết bao nghịch lí và phức tạp trong gia đình hàng chài.
+ Ý nghĩa tình huống:  Tình huống truyện đã đưa đến những nhận thức sâu sắc về cuộc đời và nghệ thuật:
@. Về cuộc đời: Cuộc sống không đơn giản xuôi chiều mà luôn chứa đựng nhiều mâu thuẫn, nghịch lí. Vì vậy, trước cuộc sống muôn màu, con người phải có cái nhìn đa diện nhiều chiều.
@. Về nghệ thuật: Nghệ thuật chân chính không thể tách rời, thoát li cuộc sống. Nghệ thuật chính phải vì cuộc đời mà lên tiếng.
-Lựa chọn ngôi kể, điểm nhìn trần thuật linh hoạt làm cho câu chuyện trở nên gần gũi, chân thực và có sức thuyết phục.
- Nhân vật được miêu tả chân thực, sắc nét, có sức gợi.
- Ngôn ngữ nhân vật sinh động, phù hợp với tính cách từng nhân vật. Lời văn giản dị mà sâu sắc, đa nghĩa…

2. Chủ đề tư tưởng :
*Chủ đề: Chiếc thuyền ngoài xa thể hiện những chiêm nghiệm sâu sắc của nhà văn về nghệ thuật và cuộc đời: nghệ thuật chân chính phải luôn gắn với cuộc đời, vì cuộc đời; người nghệ sĩ cần phải nhìn nhận cuộc sống và con người một cách toàn diện, sâu sắc. Tác phẩm cũng rung lên hồi chuông báo động về tình trạng bạo lực gia đình và hậu quả khôn lường của nó.
* Truyện thể hiện tư tưởng nhân đạo sâu sắc :
-Cảm thông cho cuộc sống đói nghèo, lạc hậu dẫn đến những bất hạnh của người dân lao động làng chài những năm tháng còn nhiều khó khăn sau chiến tranh.
-Khám phá vẻ đẹp khuất lấp của con người giữa cuộc đời lấm láp, trân trọng những “hạt ngọc ẩn sâu trong tâm hồn con người”.
-Suy tư trăn trở về một hướng đi mới nhằm cải tạo cuộc sống tốt đẹp hơn.

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây