Phân tích tác phẩm: Bức thư của thủ lĩnh da đỏ - Xi-át-tơn

Thứ tư - 19/08/2020 10:20
Năm 1854, Tổng thống thứ 14 của nước Mĩ là Phreng-klin Pi-ơ-xơ tỏ ý muốn mua đất của người da đỏ. Thủ lĩnh Xi-át-tơn đã gửi bức thư này trả lời. Đây là một bức thư rất nổi tiếng, không chỉ phân tích quan niệm, hành vi trái nghịch nhau trong cuộc sống của người da đỏ và người châu Âu khi tới khai phá vùng Bắc Mĩ mà còn được xem là văn bản hay nhất về môi trường bằng lời văn giàu cảm xúc với nhiều thủ pháp nghệ thuật làm tăng thêm giá trị của nội dung.
Phân tích tác phẩm: Bức thư của thủ lĩnh da đỏ - Xi-át-tơn
Có thể nói ba đoạn văn mở đầu của bức thư Xi-át-tơn tâm sự về quan niệm của người da đỏ về đất đai và tất cả những gì liên quan với nó. Tất cả đều là “những điều thiêng liêng trong kí ức và kinh nghiệm của đồng bào tôi”, và ngược lại. Điệp từ “mỗi” được dùng cùng với phép liệt kê và nhân hóa như để giải thích và nhấn mạnh “những điều thiêng liêng” có từ lá thông, bờ cát, hạt sương, tiếng thì thầm của côn trùng, dòng nhựa chảy trong cây cối. Để rõ hơn, Xi-át-tơn đã so sánh đối chứng với quan niệm của người da trắng mà đại diện là Ngài Tổng thống thứ 14 của nước Mĩ.

Với người da trắng thì khi chết đi “họ thường dạo chơi giữa các vì sao và quên đi đất nước họ sinh ra.” Ngược lại, người da đỏ “chẳng thể quên được mảnh đất tươi đẹp này” Xi-át-tơn lại giải thích rõ ràng hơn về sự so sánh đối lập giữa “quên đi”“chẳng thể quên được” bằng lập luận về quan hệ máu thịt giữa đất và người, rằng “mảnh đất này là mẹ của người da đỏ. Chúng tôi là một phần của mẹ và mẹ cũng là một phần của chúng tôi.” Như thế thì những bông hoa, vũng nước, đồng cỏ, ngựa,... và con người “cùng chung một gia đình”. Và cả “Dòng nước óng ánh, êm ả trôi dưới những dòng sông, con suối đâu chỉ là những giọt nước, mà còn là máu của tổ tiên chúng tôi.”

Từ việc xác định giá trị của đất một cách rõ ràng và cụ thể như thế, Thủ lĩnh Da Đỏ mới đặt điều kiện giả định với Tổng thống Mĩ rằng: “Nếu chúng tôi bán mảnh đất này cho Ngài, Ngài phải nhớ rằng, Ngài phải dạy bảo con cháu rằng,...”. Điều kiện giả định này được lặp đi lặp lại trong toàn bộ phần còn lại của bức thư để nhấn mạnh sự ràng buộc giữa bên bán và người mua.

Thủ lĩnh Da Đỏ tỏ ra là người am hiểu về tính cách sống của người da trắng. Ông đã nêu ra từng điểm một, so sánh đối chứng một cách rõ ràng, sau đó mới đưa ra những yêu cầu cụ thể. Lối lập luận ấy của ông thật chặt chẽ và có sức thuyết phục mạnh. Khi Thủ lĩnh Da Đỏ viết: “Tôi biết người da trắng không hiểu cách sống của chúng tôi” và nêu quan niệm sống của người da trắng về đất đai, từ sự “xem mảnh đất này củng như mảnh đất khác”, sự “quên mồ mã tổ tiên...” đến việc “ngấu nghiến đất đai, rồi để lại đằng sau những bãi hoang mạc” không chỉ để làm rõ tính cách sống trái ngược với tính cách của người da đỏ mà còn ý tố cáo sự vô tình, coi trọng vật chất, hủy hoại môi trường của người da trắng. Ấy là “Người Anh-điêng chúng tôi ưa những âm thanh êm ái của những cơn gió thoảng qua trên mặt hồ,..”. Trong lúc đó “Ở thành phố của người da trắng, chẳng có nơi nào yên tĩnh cả.” Ngay cả đến không khí là của chung, mọi loài đều hít thở nó để sống thì “hình như người da trắng chẳng để ý gì đến nó”. Cả đến muông thú, như trâu rừng chẳng hạn, người da đỏ “chỉ giết dể duy trì cuộc sống”, còn người da trắng thì tha hồ bắn giết khiến “cả ngàn con tràn rừng bị chết dần chết mòn trên những cánh đồng trơ trọi”.

Từ những tính cách sống mang tính hủy diệt ấy của người da trắng, Thủ lĩnh Da Đỏ đã đưa ra những điều kiện, những yêu cầu có tính bắt buộc Ngài Tống thống Mĩ “phải nhớ, phải dạy bảo con cháu” làm theo nếu muốn mua được đất của người da đỏ. Những điều kiện, những yêu cầu đó là:

“Ngài phải giữ gìn và làm cho nó thành một nơi thiêng liêng cho ngay cả người da trắng củng có thể thưởng thức được những làn gió thấm đượm hương hoa đồng cỏ.”
“Người da trắng phải đối xử với các muông thú sống trên mảnh đất này như những người anh em [...] Mọi vật trên đời đều có sự ràng buộc.”

“Hãy khuyên bảo chúng như chúng tôi thường dạy con cháu mình: Đất là Mẹ. Điều gì xảy ra với đất đai tức là xảy ra với những đứa con của Đất.”

Đây là những điều kiện, những yêu cầu có tính xây dựng, đầy chất nhân văn.

Bức thư ra đời 155 năm trước, vào thuở mà loài người chưa có nhiều ý thức về thiên nhiên và môi trường tới nay vẫn còn nguyên giá trị. Không chỉ với nghệ thuật sử dụng ngôn ngữ, lối lập luận đưa tình người vào lí lẽ và hành động trong cuộc sống mà còn có giá trị là lời kêu gọi tha thiết, giàu cảm xúc nhất của tác giả trong việc bảo vệ thiên nhiên và môi trường, nhất là trong tình cảnh của nạn phá rừng, cháy rừng, và khói bụi từ các nhà máy,... đe dọa sự sống trên Trái Đất hiện nay.

 * Ghi chú:
- Văn bản là một bức thư được viết với lời văn giàu cảm xúc, bằng các thủ pháp nghệ thuật so sánh, nhân hóa, đối lập... và các yếu tố trùng điệp trong từng nội dung được nêu ra.
- Cách cư xử của người da đỏ với đất dai, cùng với mọi vật liên quan với nó: Một thứ tình yêu thiêng liêng hiếm thấy.
- Còn cách cư xử của người da trắng thì hoàn toàn trái ngược.
- Bức thư là lời kêu gọi bảo vệ môi trường.

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây