Hướng dẫn học Văn 8, Đánh nhau với cối xay gió

Thứ hai - 16/09/2019 12:09
Hướng dẫn học Văn 8, Đánh nhau với cối xay gió
Đánh nhau với cối xay gió
(Trích tiểu thuyết Đôn Ki-hô-tê- Xéc-van-tét)
A. TÌM HIỂU CHUNG
I. Tác giả
Xéc-van-tét (1547 - 1616) là nhà văn Tây Ban Nha. Ông viết tiểu thuyết Đôn Ki-hô-tê khi thời đại của lối sống hiệp sĩ đã qua rồi. Trong thời đại công nghiệp, không ai còn sống kiểu đó nữa. Tuy nhiên, trong xã hội lúc bấy giờ, không ít người nuối tiếc quá khứ một thời, cố bám víu lấy nó bằng cách xây dựng cho mình những ảo vọng, những lí tưởng phù du, xa rời thực tế. Họ say mê đọc những cuốn tiểu thuyết hiệp sĩ được bày bán nhan nhản trên hè phố khiến cho đầu óc ngày càng mê muội. Xéc-van-tét nhận thấy rõ căn bệnh xã hội này và tiểu thuyết Đôn Ki-hô- tê ra đời là một thông điệp của nhà văn trước hiện tượng đó.

II. Thể loại
Đôn Ki-hô-tê thuộc thể loại tiểu thuyết (Xem thêm bài Tức nước vỡ bờ)

III. Tóm tắt
Trên đường đi thực hiện những ý định viễn vông, hai thầy trò phát hiện thấy ba bốn chục chiếc cối xay gió giữa đồng. Đôn Ki-hô-tê tưởng tượng đó là những tên khổng lồ, và quyết giao chiến. Bỗng lúc đó gió nổi lên, cối xay gió bắt đầu chuyển động. Đôn Ki-hô-tê càng hăng máu xông vào. Giáo gãy, ngựa và người văng ra, Đôn Ki-hô-tê bị đau như trời giáng. Kết cục, hai thầy trò đi về phía cảng La-pi-xê, vì Đôn Ki-hô-tê nghĩ: "con đường này có lắm người qua lại chẳng thể nào không gặp nhiều chuyện phiêu lưu khác nhau".

B. GIÁ TRỊ TÁC PHẨM
I. Nội dung
1. - Đoạn truyện chia thành ba phần:
+ Phần 1 (từ đầu đến... chứ không phải là bọn khổng lồ): diễn biến trước khi diễn ra cuộc đánh nhau với cối xay gió.
+ Phần 2 (tiếp theo đến... cũng bị toạc nửa vai): trận chiến với cối xay gió.
+ Phần 3 (còn lại): diễn biến sau cuộc đánh nhau.
- Năm sự việc chủ yếu của đoạn truyện;
+ Đôn Ki-hô-tê phát hiện ra những chiếc cối xay gió. Anh chàng hiệp sĩ cứ cho đó là những tên khổng lồ liền thúc ngựa xông lên và cắm đầu lao vào cuộc chiến không cân sức.
+ Giám mã Xan-chô ra sức can ngăn ông chủ nhưng không thành.
+ Đôn Ki-hô-tê dẫu bị thương rất nặng nhưng vẫn ảo tưởng và quyết không kêu đau vì "các hiệp sĩ giang hồ có bị thương thế nào cũng không được rên rỉ".
+ Xan-chô bỏ rượu thịt ra đánh chén no nê và cảm thấy cái nghề đi tìm kiếm chuyến phiêu lưu này kể ra cũng chẳng vất vả gì.
- Đôn Ki-hô-tê không ăn. Chàng suốt đêm không ngủ và chỉ miên man nghĩ đến tình nương.

2. Đoạn trích này làm hiện lên rất rõ tính cách của Đô Ki-hô-tê. Sự mê muội do đọc quá nhiều sách kiếm hiệp đã khiến người hiệp sĩ tưởng những chiếc cối xay gió là bọn khổng lồ gian ác, sau đó lại tưởng là phép thuật của pháp sư Phơ-re- xtôn.. Vì thế mà, không một chút ngần ngại, lão hiệp sĩ đã lao vào để tiêu trừ cái lũ gian ác ấy. Uớc mơ và khát vọng của người hiệp sĩ không phải là không tốt đẹp và dũng cảm nếu đối thủ là quân gian ác thực sự, nhưng nó lại là hành động thật nực cười bởi đối thủ của anh ta lại là ... những chiếc cối xay gió. Tính cách của Đôn Ki- hô-tê còn được thể hiện rõ ở đoạn tiếp theo: lão bị trọng thương nhưng không hề rên rỉ (lão cần phải chứng tỏ mình là một hiệp sĩ giang hồ); lão cũng không quan tâm (đến chuyên ăn, chuyện ngủ bởi lão còn đang mơ đến... "tình nương".
Tuy có nhiều khía cạnh tốt đẹp nhưng vì ngấm quá nhiều truyện kiếm hiệp nên Đôn Ki-hô-tê trở thành một nhân vật nực cười, vừa đáng trách lại vừa đáng thương.

3. Khác với ông chú, Xan-chô Pan-xa, một bác nông dân nghèo, nhưng đầu óc bác lại hoàn toàn tỉnh táo. Bác nhận làm giám mã cho Đôn Ki-hô-tê là để hi vọng sau này công thành danh toại, mơ sẽ được làm thống đốc cai trị một vài hòn đảo. Khi nhìn thấy những chiếc cối xay gió và ý định tấn công chúng của ông chủ, bác đã ra sức can ngăn (và tất nhiên chẳng bao giờ bác chịu xông vào). Bác luôn chú trọng đặc biệt tới chuyện ăn, chuyên ngủ. Bác chẳng quên chúng bao giờ.
Có thể khẳng định, Xan-chô Pan-xa là một con người thực dụng. Thế nhưng có vẻ như vì quá quan tâm đến những nhu cầu vật chất hàng ngày mà bác trở nên hèn nhát, tầm thường.

4. Đối chiếu Đôn Ki-hô-tê và Xan-chô Pan-xa để thấy rõ nhà văn đã xây dựng một cặp nhân vật đối lập:
So sánh Đôn Ki-hô-tê Xan-chô Pan-xa
Nguồn gốc Dòng dõi quý tộc Nông dân
Hình dáng Gầy còm, cao lênh khênh Béo lùn
Suy nghĩ Khát vọng cao cả, mong giúp ích cho đời. Chỉ nghĩ đến bản thân
Hành dộng Mê muội, hão huyền nhưng dũng cảm Tỉnh táo, thiết thực nhưng hèn nhát

II. Nghệ thuật
Đáng lưu ý nhất trong đoạn trích này là nghệ thuật xây dựng nhân vật. Bằng việc vận dụng rất tài tình thủ pháp tương phản, cùng với sự khéo léo trong miêu tả, nhà văn đã tạo nên một cặp nhân vật bất hủ trong lịch sử văn học thế giới.

III. Ý nghĩa
Đoạn trích đã dựng nên hai nhân vật với hai tính cách khác nhau, từ đó giúp chúng ta liên tưởng đến hai loại người rất phổ biến trong xã hội: những người có phẩm chất đáng quý nhưng đôi khi suy nghĩ lại viển vông; ngược lại có những người sống rất thực tế nhưng đôi khi sự tỉnh táo lại khiến họ trở thành những kẻ hèn nhát và ích kỉ.

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây