Hướng dẫn học Văn 8, Trong lòng mẹ

Thứ ba - 10/09/2019 12:37
Hướng dẫn học Văn 8, Trong lòng mẹ
Trong lòng mẹ
(Trích hồi kí Những ngày thơ ấu - Nguyên Hồng)
A. TÌM HIỂU CHUNG
I. Tác giả
Nhà văn Nguyên Hồng (1918 - 1982) tên khai sinh là Nguyễn Nguyên Hồng quê ở thành phố Nam Định. Nguyên Hồng sống chủ yếu ở thành phố cảng Hải Phòng, ông viết nhiều thể loại truyện ngắn, tiểu thuyết, kí, thơ. Ông được nhà nước truy tặng giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật năm 1996.
Các tác phẩm chính của Nguyên Hồng: Bỉ vỏ (tiểu thuyết, 1938); Những ngày thơ ấu (hồi kí, 1938); Trời xanh (tập thơ, 1960); Cửa biển (bộ tiểu thuyết 4 tập 1961, 1967, 1973, 1976); Núi rừng Yên Thế (bộ tiểu thuyết lịch sử nhiều tập chưa viết xong); Bước đường viết văn (hồi kí, 1970).

II. Thể loại
Hồi kí còn gọi là hồi ức; một thể thuộc loại kí, nhằm ghi những sự việc thuộc quá khứ, qua sự nhớ lại. Hồi kí đòi hỏi phải hết sức tôn trọng tính chân thực của câu chuyện; sự việc, số liêu, thời gian phải chính xác. Hồi kí gần với truyện, và nếu viết về những sự kiện tiêu biểu, những nhân vật tiêu biểu, hồi kí lại gần với truyện. Hồi kí có thể là một câu chuyện mà tác giả là người được chứng kiến, hoặc vừa chứng kiến vừa tham dự, hoặc chính tác giả là nhân vật trung tâm. Người viết: hồi kí lấy bản thân mình làm địa bàn chính để nhớ lại sự việc đã qua (có thể kể lại cho một người khác ghi). Lời văn của hồi kí cốt chính xác, trung thực, giàu suy nghĩ và cảm tưởng cá nhân (Nguyễn Xuân Nam, Từ điển văn học, tập một, NXB Khoa học xã hội, 1983).

III. Tóm tắt
Đã gần đến ngày giỗ cha vậy mà người mẹ đi tha phương cầu thực ở Thanh Hoá của Hồng vẫn chưa về. Người cô cứ vịn vào cái cớ ấy mà xoáy vào câu bé Hồng những lời cay độc hòng để gieo rắc vào đầu em những ý nghỉ xấu xa về mẹ. Thế nhưng bằng tình yêu thương sâu sắc, Hồng vẫn tin tưởng mẹ. Rồi mẹ cậu cũng về thật. Hồng không nén được xúc động. Cậu nghẹn ngào sung sướng lăn vào lòng mẹ và cảm nhân hạnh phúc của tình mẫu tử.

B. GIÁ TRỊ TÁC PHẨM
I. Nội dung
1. Phân tích nhân vật người cô trong cuộc đối thoại giữa bà ta với bé Hồng: Thái độ cười hỏi của bà cô trong đoạn đối thoại này thể hiên sự giả tạo trong tính cách của một con người xấu xa. Bà cô đã cố tình khoét sâu hố ngăn cách giữa mẹ và con, làm cho câu bé Hồng rất xót xa cho hoàn cảnh của mẹ. Mặc dầu bé Hồng đã phát khóc, nước mắt ròng ròng nhưng bà cô vẫn tươi cười kể chuyên, cố ý làm cho bé đau khổ, giận dỗi mẹ. Ý đồ của bà cô là muốn bé Hồng xa lánh, khinh miệt mẹ mình. Bé Hồng đã nhận ra vẻ rất kịch của bà cô, đằng sau cái vẻ quan tâm là một ý đồ xấu.
2. Tình thương yêu mãnh liệt của bé Hồng đối với người mẹ bất hạnh thể hiện ở chỗ: Bé Hồng không những không bị những lời thâm hiểm của bà cô làm nhu nhược mà càng biết hoàn cảnh của mẹ, Hồng càng thương mẹ hơn. Biểu hiện rõ nhất là chú bé cố kìm nén tình cảm nhưng “nước mắt ròng ròng rớt xuống hai bên mép rồi chan hoà đầm đìa ở cằm và ở cổ”. Cậu bé vẫn tin tưởng, kính yêu mẹ. Đặc biệt là Hồng chỉ thoáng thấy bóng mẹ, đã nhận ra và líu ríu chạy theo. Khi ở trong lòng mẹ, Hồng đã thật sự sung sướng, thực sự được sống trong tình mẫu tử, đến mức ù cả tai, và bỗng nhiên quên hết những lời dèm pha độc địa của bà cô.
3. Giọng văn của Nguyên Hồng giàu chất trữ tình, bởi:
- Trước hết, tình huống đặt ra trong câu chuyện dễ làm cho người con oán trách mẹ mình, nhưng tình cảm của người con ở đây không hề một chút mảy may thay đổi; ngược lại, vẫn tràn đầy niềm yêu thương, tin tưởng và còn có mơ ước phá tan mọi cổ tục để cho mẹ không bị đau khổ.
- Dòng cảm xúc của nhân vật được thể hiện mãnh liệt qua những chi tiết miêu tả cảm động nghẹn ngào. Sự căm giận, sự xót thương, sự đau khổ và niềm hạnh phúc dường như đều ở đỉnh điểm của tâm trạng.
- Cách thể hiện thông qua kết cấu lớp lang, hình ảnh so sánh gây ấn tượng mạnh, giàu sức gợi cảm. Lời văn dạt dào tình cảm.
4. Về khái niệm hồi kí (xem lại mục I.2.a).
5. Có thể chứng minh bằng các lí lẽ:
- Văn Nguyên Hồng viết nhiều về phụ nữ và nhi đồng. Những kiểu nhân vật này xuất hiện nhiều trong tác phẩm của ông.
- Nhà văn dành cho phụ nữ và trẻ em những tình cảm chan chứa thương yêu và sự nâng niu trân trọng.
+ Nhà văn diễn tả thấm thìa những nỗi cơ cực, tủi nhục của phụ nữ và nhi đồng.
+ Nhà văn thấu hiểu và trân trọng vẻ đẹp tâm hồn và những phẩm chất cao quý của họ.
* Hãy kiểm chứng những điều nêu trên khi tìm hiểu nhân vật chú bé Hồng và người mẹ của chú.
II. Nghệ thuật
Bài văn rất giàu chất trữ tình, cảm xúc thiết tha, dạt dào và rất mực chân thành. Về nhân vât, tuy không đặc tả nhưng nhà văn cũng tỏ ra sắc sảo trong việc xây dựng hình ảnh các nhân vật phụ nữ và trẻ em, đặc biệt là khả năng miêu tả nội tâm của họ.

III. Ý nghĩa
Đoạn văn là một "bài thơ trữ tình" cảm động về tình mẫu tử. Nó khiến chúng ta rung động thiết tha trước nỗi đắng cay, tủi nhục cũng như tình thương yêu sâu sắc, cháy bỏng của những con người bất hạnh.

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây