Hướng dẫn học Văn 8, tức nước vỡ bờ

Thứ ba - 10/09/2019 12:49
Hướng dẫn học Văn 8, tức nước vỡ bờ
TỨC NƯỚC VỠ BỜ
(Trích tiểu thuyết Tắt đèn - Ngô Tất Tố)
A. TÌM HIỂU CHUNG
 I. Tác giả
Nhà văn Ngô Tất Tố (1893 - 1954) quê ở làng Lộc Hà (nay thuộc huyện Đông Anh, ngoại thành Hà Nội).
- Trước 1945, Ngô Tất Tố làm nhiều nghề: dạy học, bốc thuốc, làm báo, viết văn. Ông từng cộng tác với nhiều tờ báo: An Nam tạp chí, Đông Pháp thời báo, Thần chung, Phổ thông, Đông Phương, Công dân, Hải Phòng tuần báo, Hà Nội tân văn, Thực nghiệp, Tương lai, Thời vụ, Con ong, Việt nữ, Tiểu thuyết thứ ba,...
- Trong Cách mạng tháng Tám, ông tham gia uỷ ban Giải phóng xã (Lộc Hà). Năm 1946: gia nhập Hội Văn hoá Cứu quốc và lên chiến khu Việt Bắc tham gia kháng chiến chống Pháp, Nhà văn từng là Chi hội trưởng Chi hội Văn nghệ Việt Bắc, hoạt động ở Sở Thông tin khu XII, tham gia viết các báo: Cứu quốc khu VII, Thông tin khu VII, Tạp chí Văn nghệ và báo Cứu quốc Trung ương... và viết văn. Ông đã là Uỷ viên Ban chấp hành Hội văn nghệ Việt Nam (trong Đại hội Văn nghệ toàn quốc lần thứ I - 1948).
- Tác phẩm đã xuất bản: Ngô Việt xuân thu (dịch, 1929); Hoàng Hoa Cương (dịch, 1929); Vua Hàm Nghi với việc kinh thành thất thủ (truyện kí lịch sử, 1935); Đề Thám (truyện kí lịch sử, viết chung, 1935); Tắt đèn (tiểu thuyết, báo Việt Nữ, 1939, Mai Lĩnh xuất bản, 1940); Lều chõng (phóng sự tiểu thuyết, 1940; đăng báo Thời vụ, 1941, Mai Lĩnh xuất bản, 1952); Thơ và tình (dịch thơ Trang Quốc,1940); Đường Thi (sưu tầm, chọn và dịch, 1940); Việc làng (phóng sự, báo Hà Nội tân văn, 1940, Mai Lĩnh xuất bản, 1941); Thi văn bình chú (tuyển chọn, giới thiệu, 1941) Văn học: đời Lí (tập I) và văn học đời Trần (tập II, trong bộ Việt Nam văn học - nghiên cứu, giới thiêu, 1942); Lão Tử (soạn chung, 1942); Mặc Tử (biên soạn,1942; Hoàng Lê nhất thống chí (dịch, tiểu thuyết lịch sử, 1942; báo Đông Pháp, 1956); Kinh dịch (chú giải, 1953); Suối thép (dịch, tiểu thuyết, 1946); Trước lửa chiến đấu (dịch, truyện vừa, 1946); Trời hửng (dịch, truyện ngắn, 1946); Duyên máu (dịch, truyện ngắn, 1946); Doãn Thanh Xuân (dịch, truyện ngắn, 1946, 1954); Nữ chiến sĩ Bùi Thị Phác (chèo, 1951).
Tác phẩm của Ngô Tất Tố sau này được tập hợp trong tuyển tập: Ngô Tất Tố và tác phẩm, gồm 2 tập, do Nhà Xuất bản Văn học ấn hành, 1971 - 1976.
- Nhà văn đã được nhân hai giải thưởng trong giải thưởng văn nghệ 1949 - 1952 của Hội Văn nghệ Việt Nam: Giải ba dịch (Trời hửng, Trước lửa chiến đấu) và giải khuyến khích (vờ chèo Nữ chiến sĩ Bùi Thị Phác); Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật (năm 1996).

II. Thể loại
Đoạn Tức nước vỡ bờ trích từ chương XVIII của tác phẩm Tắt đèn - cuốn tiểu thuyết tiêu biểu nhất cho sáng tác của nhà văn Ngô Tất Tố.
Tiểu thuyết phân biệt với truyện ngắn và truyện vừa ngoài vấn đề dung lượng, còn ở chỗ phạm vi phản ánh hiện thực rộng. Tiểu thuyết thường tái hiện trọn vẹn cuộc đời một nhân vật, một sự kiện, hoàn cảnh,... Tiểu thuyết ngồn ngộn các chi tiết, sự kiện. Trong thời đại ngày nay, nó là thể loại diễn đạt được tốt nhất những bề bộn của hiện thực khách quan.

III. Tóm tắt
Gia đình chị Dâu đã dứt ruột bán con mà chưa đủ tiền nộp sưu. Anh Dậu đang ốm cũng bị bọn tay sai lôi ra đình, đánh cho dở sống dở chết. Được bà hàng xóm cho bát gạo, chị Dậu vừa nấu xong nồi cháo thì cai lệ và người nhà lí trưởng ập đến. Mặc dầu chị Dậu hết lời van xin, cai lệ vẫn toan hành hạ anh Dậu. Chị Dậu xông vào đỡ tay, bị cai lệ đánh, và chị đã túm cổ đẩy tên này ngã chổng quèo. Người nhà lí trưởng sấn sổ giơ gậy đinh đánh thì bị chị Dâu túm tóc lẳng cho một cái ngã nhào ra thềm.

B. GIÁ TRỊ TÁC PHẨM
I. Nội dung
1. Khi bọn tay sai xông vào nhà chị Dậu, tình thế của chị vô cùng căng thẳng. Dù đã phải bán cả con, cả đàn chó và gánh khoai để gom tiền nộp sưu nhưng vẫn chưa đủ bởi chị còn phải nộp cả suất sưu cho chú Hợi (người em chồng đã mất mà chưa báo tử được) nữa. Trong hoàn cảnh ấy, nếu bọn lính đến thúc sưu, chắn chắn chúng không để cho anh Dậu được yên (mà lúc này anh Dậu vẫn còn "đang ôm đau rề rề)- Như thế, tất cả đối với chị Dậu lúc này là phải làm sao để bảo vệ được chồng.

2. Cai lệ là tên cai chỉ huy một tóp lính phục vụ hầu hạ nơi quan nha. Trong bộ máy cai trị đương thời hắn chỉ là một tên tay sai mạt hạng nhưng hắn hung dữ và sẵn sàng gây tội ác mà không hề chùn tay, không hề bị ngăn cản vì hắn đại diên cho "nhà nước", nhân danh "phép nước, lệnh quan" để hành động. Vì thế, có thể nói, tên cai là hiện thân đầy đủ và tàn bạo nhất của cái "nhà nước" bấy giờ.
Tên cai lệ tuy chỉ xuất hiện trong một đoạn văn ngắn nhưng hắn đã được Ngô Tất Tô khắc hoạ rất sinh động, nối bật và rất điển hình. Sự hung bạo của hắn thống nhất trong từng cử chỉ, hành động (sầm sập tiến vào, trợn ngược hai mắt, đùng đùng giật phắt cái thừng, bịch luôn vào ngực chị Dâu, tát vào mặt chị Dậu đánh bốp,...) và trong ngôn ngữ (hắn quát, thét, hầm hè,... giống như một con thú dữ).

3. Chị Dậu, ban đầu ra sức van xin bọn tay sai. Đó là cái kinh nghiệm lâu đời, là sự nhẫn nhục cần phải có của những người nông dân thấp cổ bé họng trong xã hội. Nhưng đến khi tên cai lệ không thèm nghe chị đến nửa lời và còn đánh lại chị, rồi cứ xông đến định làm tội làm tình anh Dậu, thì có vẻ như chị Dâu không thể nào chịu đựng được nữa, đành liều mạng vùng lên cự lại.
Từ nói bằng lí lẽ ("Chồng tôi đau ốm, ông không được phép hành hạ), đến khi tên cai lệ là già, chị đã vụt đứng lên với một niềm căm phẫn ngùn ngụt (Chị Dậu nghiến hai hàm răng: - Mày trói ngay chồng bà đi, bà cho mày xem"), rồi bằng sức của một người đàn bà lực điền, chị ấn dúi tên cai lệ ra cửa và lẳng anh chàng hầu cận ông lí ngã nhào ra thềm.
Diễn biến tâm lí của chị Dậu còn được thể hiện qua cách xưng hô: lúc đầu, chị dùng hai chữ cháu - ông và xưng hô một cách nhún nhường, lể phép. Nhưng khi tức nước vờ bờ, chị đã đổi cách xưng hô để ứng xử với bọn bất nhân: tôi - ông rồi bà - mày.
Có thể nói hành động vùng lên của chị Dậu là hợp lí. Nó phù hợp với sự phát triển tính cách của nhân vật. Qua cách ứng xử của nhân vật, có thể nhận thấy, chị Dâu là người có một sức sống mạnh mẽ, là người vợ giàu lòng thương yêu và giàu đức hi sinh.

4. Đoạn trích Tức nước võ bờ có thể coi là cao trào của một vở kịch mà mâu thuẫn, xung đột được thể hiên tập trung trong mối quan hệ giữa nông dân và địa chủ. Những người nông dân bị đẩy đến bước đường cùng đã bật lên hành động phản kháng. Tuy chỉ là hành động tự phát nhưng nó đã báo hiệu ngày tận thế của chế độ thực dân nửa phong kiến đã gần kề. Cái nhan đề do người soạn sách đặt đã thể hiện được đầy đủ cái tình thế ấy.
Đoạn trích chẳng những cho ta thấy được cái lô-gíc hiện thực: có áp bức, có đấu tranh, mà còn cho thấy cái chân lí: con đường sống của quần chúng bị áp bức chỉ có thể là con đường đấu tranh để tự giải phóng mình.

5. Đoạn tách đã thể hiện khá rõ tài năng nghệ thuật của Ngô Tất Tố trên các mặt:
- Khắc hoạ nhân vật rõ nét, nhất là hai nhân vật: cai lệ và chị Dậu. Miêu tả sắc sảo từ ngoại hình đến lời nói, hành động, tâm lí,...
- Ngòi bút miêu tả linh hoạt, sống động, nhất là tả hành động.
- Ngôn ngữ kể chuyên, miêu tả của tác giả và ngôn ngữ của nhân vật khá đặc sắc. Đó là vốn ngôn ngữ rất phong phú được nhà văn khai thác ngay trong đời sống hàng ngày. Lời nói bình dị, sinh động, đậm đà hơi thở của cuộc sống hàng ngày.
 
6. Ngô Tất Tố, ở thời điểm đó, tuy chưa nhận thức được chân lí cách mạng (vì thế mà chưa chỉ ra được con đường đấu tranh tất yếu của quần chúng bị áp bức) thế nhưng, bằng cảm quan hiện thực mạnh mẽ, nhà văn đã cảm nhận được xu thế tức nuớc vỡ bờ và sức mạnh to lớn của sự "vỡ bờ" đó. Vì thế, cũng có thể nói, đoạn trích như là một sự dự báo về một cơn bão táp cách mạng sẽ đến sau này.

II. Nghệ thuật                                    
Đoạn trích đặc biệt thành công khi xây dựng đuợc một thế giới nhân vật rất điển hình vừa chân thực lại vừa sinh động. Ngoài ra việc tạo dựng được xung đột căng thẳng cùng những đoạn văn miêu tả diễn biến tâm lí rất sắc sảo cũng cho thấy sự khéo léo trong tài năng nghệ thuật của nhà văn.

III. Ý nghĩa
Đoạn trích này đã vạch trần bộ mặt tàn ác bất nhân của xã hội thực dân phong kiến đương thời, đồng thời vừa ngợi ca những vẻ đẹp tâm hồn của người phụ nữ nông dân, tác giả vừa cảm thông chia sẻ với những nơi cùng cực của họ.

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây