Hướng dẫn học Văn 8, Xây dựng đoạn văn trong văn bản

Thứ tư - 11/09/2019 01:53
Hướng dẫn học Văn 8, Xây dựng đoạn văn trong văn bản
A. LÝ THUYẾT
I. Khái niệm đoạn văn
a) Cho văn bản (SGK):
1. Văn bản trên có hai ý chính: Khái quát về tác giả Ngô Tất Tố và khái quát giá trị nỗi bật của tác phẩm Tắt đèn. Mỗi ý được trình bày thành một đoạn văn.

2. Văn bản trên gồm hai đoạn, có thể dựa vào dấu hiệu hình thức để nhận diện đoạn văn: Chữ đầu đoạn viết lùi vào đầu dòng, kết đoạn chấm xuống dòng, mỗi đoạn văn thường gồm nhiều câu.

3. Những đặc điểm về nội dung và hình thức của đoạn văn:
- Hình thức: Đoạn văn bắt đầu bằng chữ viết hoa lùi vào đầu dòng, kết thúc bằng dấu chấm xuống dòng; đoạn văn thường do nhiều cấu tạo thành.
- Nội dung: Đoạn văn bao giờ cũng biểu đạt một ý tương đối hoàn chỉnh.
Vậy, có thể rút ra định nghĩa đoạn văn như sau:
Đoạn văn là đơn vị trực tiếp tạo nên văn bản, bắt đầu bằng chữ viết hoa lùi đầu dòng, kết thúc bằng dấu chấm xuống dòng và thường biểu đạt một ý tương đối hoàn chỉnh. Đoạn văn thường do nhiều câu tạo thành.

II. Từ ngữ và càu trong đoạn văn
1. Từ ngữ chủ đề và câu chủ đề của đoạn văn
a) Trong đoạn văn đầu của văn bản Ngô Tất Tố và tác phẩm “Tắt đèn" đã dẫn ở trên, những từ ngữ có tác dụng đảm bảo duy trì ý của toàn đoạn là: “Ngô Tất Tố", “Ông ...”, “nhà văn", “Tác phẩm chính của ông".
b) Trong đoạn văn thứ hai của văn bản Ngô Tất Tố và tác phẩm "Tắt đèn", câu “Tắt đèn là tác phẩm tiêu biểu nhất của Ngô Tất Tố." là câu khái quát nội dung của đoạn văn. Đây là câu chủ đề (câu then chốt) của đoạn. Trong trường hợp này, câu chủ đề đứng ở đầu đoạn.
c) Từ những ví dụ nêu trên, có thể rút ra nhận xét:
- Từ ngữ chủ đề của đoạn văn là những từ ngữ có tác dụng duy trì ý của đoạn văn. Từ ngữ chủ đề là các từ ngữ dùng làm đề mục hoặc các từ ngữ lặp lại nhiều lần nhằm duy trì ý (đối tượng) được biểu đạt.
- Câu chủ đề của đoạn văn là câu khái quát nội dung của đoạn, có hình thức ngắn gọn và thường đủ hai thành phần chính, có thể đứng ở đầu hoặc cuối câu (trường hợp câu chủ đề đứng ở cuối câu ta sẽ tìm hiểu sau).

2. Trình bày nội dung của một đoạn văn
a) Về mặt hình thức (dấu hiệu nhận biết đoạn), hai đoạn văn trong văn bản trên giống nhau, về nội dung, mỗi đoạn văn có cách trình bày nội dung khác nhau:
+ Đoạn thứ nhất không có câu chủ đề;
+ Đoạn thứ hai có câu chủ đề;
Tuy nhiên, dù có câu chủ đề hay không thì đoạn văn nhất thiết phải có chủ đề. Chủ đề trong đoạn văn thứ nhất được đảm bảo duy trì bằng các từ ngữ chủ đề. Các câu trong đoạn văn triển khai, làm sáng tỏ chủ đề của đoạn. Chủ đề trong đoạn văn thứ nhất được trình bày theo phép song hành. Chủ đề của đoạn văn thứ hai được trình bày theo phép diễn dịch (câu chủ đề đứng đầu đoạn).
b) Trong đoạn văn:
Các tế bào của lá cây có chứa nhiều lục lạp. Trong các lục lạp này có chứa một chất gọi là diệp lục, tức là chất xanh của lá. Sở dĩ chất diệp lục có màu xanh lục: vì nó hút các tia sáng có màu khác, nhất là màu đỏ và màu lam, nhưng không thu nhận màu xanh lục mà lại phản chiếu màu này và do đó mắt ta mớti nhìn thấy màu xanh lục. Như vậy, lá cây có màu xanh là do chất diệp lục chứa trong thành phần tế bào.
- Câu "Như vậy, lá cây có màu xanh là do chất diệp lục chứa trong thành phần tế bào." là câu chủ đề của đoạn.
- Câu chủ đề trong đoạn văn này đứng ở cuối đoạn. Đây là cách triển khai chủ đề theo kiểu quy nạp.

B. THỰC HÀNH
1. Văn bản Ai nhẩm (Truyện dân gian Việt Nam):
- Văn bản trên gồm hai đoạn văn tương ứng với hai ý chính của văn bản:
+ Thầy đồ chép văn tế của ông thân sinh để tế người khác.
+ Gia chủ có người chết trách thầy đồ viết nhầm, thầy đồ cãi là người chết nhầm.

2. Cho các đoạn văn sau:
a) Trần Đăng Khoa rất biết yêu thương. Em thương bác đẩy xe bò "mồ hôi ướt lưng, căng sợi dây thừng" chở vội cát về xây trường học, và mời bác về nhà mình... Em thương thầy giáo một hôm trời mưa đường trơn bị ngã, cho nên dân làng bèn đắp lại đường.
                                                                                       (Theo Xuân Diệu)
b) Mưa đã ngớt. Trời rạng dần. Mấy con chim chào mào từ hốc cây nào đó hay ra hót râm ran. Mưa tạnh, phía đông một màng trời trong vắt. Mặt trời ló ra, chói lọi trên những vòm lá bưởi lấp lánh.
                                                                                     (Tô Hoài, O chuột)
c) Nguyên Hồng (1918 -1982) tên khai sinh là Nguyễn Nguyên Hồng, quê ở thành phố Nam Định. Trước Cách mạng, ông sống chủ yếu ở thành phố cảng Hải Phòng, trong một xóm lao động nghèo. Ngay từ tác phẩm đầu tay, Nguyên Hồng đã hướng ngòi bút về những người cùng khổ gần gũi mà ông yêu thương thấm thiết. Sau Cách mạng, Nguyên Hồng tiếp tục bền bỉ sáng tác, ông viết cả tiểu thuyết, kí, thơ, nổi bật hơn cả là các bộ tiểu thuyết sử thi nhiều tập. Nguyên Hồng được Nhà nước truy tăng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật (năm 1996).
(Ngữ văn 8, tập một)
Chủ đề của các đoạn văn đã nêu:
- Đoạn (a): Câu chủ đề (Trần ĐăngKhoa rất biết yêu thương) đứng ở đầu đoạn chủ đề được triển khai theo kiểu diễn dịch (đi từ khái quát đến cụ thể).
- Đoạn (b): Không có câu chủ đề, chủ đề được duy trì bằng các từ ngữ chủ đề (mưa ngớt - tạnh, trời), các câu được tổ chức theo kiểu song hành.
- Đoạn (c): Không có câu chủ đề, chủ đề được duy trì bằng các từ ngữ chủ đề (Nguyên Hồng,...), các câu được tổ chức theo kiểu song hành.

3. Viết đoạn văn cho câu chủ đề: "Lịch sử ta đã có nhiều cuộc kháng chiến vĩ đại chứng tỏ tinh thần yêu nước của nhân dân ta":
Tham khảo đoạn văn sau:
Lịch sử ta đã có nhiều cuộc kháng chiến vĩ đại chứng tỏ tinh thần yêu nước của nhân dân ta. Chúng ta có quyền tự hào vì những trang lịch sử vẻ vang thời đại Bà Trưng, Bà Triệu, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung,... Chúng ta phải ghi nhớ công lao của các vị anh hùng dân tộc, vì các vị ấy là tiêu biểu của một dân tộc anh hùng.
(Hồ Chí Minh, Hồ Chi Minh toàn tập, tập 6, NXB Sự thật, Hà Nội, 1986)
- Hãy chuyển đoạn văn vừa viết thành đoạn văn theo kiểu quy nạp:
Chúng ta có quyền tự hào vì những trang lịch sử vẻ vang thời đại Bà Trưng, Bà Triệu, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung,... Chúng ta phải ghi nhớ công lao của các vị anh hùng dân tộc, vì các vị ấy là tiêu biểu của một dân tộc anh hùng. Tinh thần yêu nước của nhân dân ta đã được khẳng định trong những cuộc kháng chiến vĩ đại, gắn với những tên tuổi ấy.
4. Khi viết đoạn văn cho ba ý:
a) Giải thích ý nghĩa câu tục ngữ Thất bại là mẹ thành công.
b) Giải thích tại sao người xưa lại nói Thất bại là mẹ thành công.
c) Bài học vận dụng câu tục ngữ Thất bại là mẹ thành công trong cuộc sống.

Cần lưu ý:
Dù chọn ý nào để viết thì cũng phải chú ý đảm bảo tính thống nhất chủ đề của đoạn. Nếu chọn cách triển khai nội dung theo kiểu diễn dịch hoặc quy nạp thì phải chú ý đến việc đặt câu chủ đề: câu chủ đề phải bao quát được ý của cả đoạn, diễn đạt ngắn gọn, rõ ràng. Nếu chọn cách triển khai chủ đề theo kiểu song hành thì phải đàm bảo sự duy trì chủ đề bằng các từ ngữ chủ đề.

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây