Bình giảng bài thơ “Bè xuôi sông La” của Vũ Duy Thông.

Thứ hai - 02/03/2020 10:28
Năm ấy anh 24 tuổi, đầy hăm hở và nhiệt huyết. Nét tài hoa, tâm hồn dào dạt yêu thương, nhiều mộng mơ trong sáng của anh tưởng như đã dồn vào, kết tinh và hội tụ lại trong bài thơ “Bè xuôi sông La” này
BE XUOI SONG LA
BE XUOI SONG LA
Năm 1968, Vũ Duy Thông làm phóng viên thường trú Thông tấn xã Việt Nam tại Hà Tĩnh, một trọng điểm của tuyến lửa miền Trung thời kháng chiến chống Mĩ. Năm ấy anh 24 tuổi, đầy hăm hở và nhiệt huyết. Nét tài hoa, tâm hồn dào dạt yêu thương, nhiều mộng mơ trong sáng của anh tưởng như đã dồn vào, kết tinh và hội tụ lại trong bài thơ “Bè xuôi sông La” này. Hai mươi hai câu thơ ngũ ngôn mượt mà, thanh nhẹ như bài hát lan tỏa trên dòng sông, thấm thía rung động hồn người. 

Ở Hà Tĩnh có nhiều dòng sông bắt nguồn từ dãy Trường Sơn. Tiêu biểu nhất là sông Ngàn Phố, sông Ngàn Trươi, sông Ngàn Sâu. Ba con sông này hợp lưu với sông Lam cùng đổ ra Cửa Hội. Sông La là một chi lưu của sông Ngàn Phố chảy dọc, chảy dài theo huyện Hương Sơn, một vùng quê trù mật “gạo trắng, nước trong, nhiều gái đẹp” của đất Lam - Hồng. Đó là những điều ta cần biết khi cảm thụ bài thơ “Bè xuôi sông La” của Vũ Duy Thông.

1. Câu thơ đầu cất lên như một tiếng reo, tiếng hát biểu lộ niềm vui khi chợt phát hiện ra những chiếc bè nứa, bè gỗ nối đuôi nhau từ rừng xa trôi về xuôi trên dòng sông La. Ngạc nhiên trước những bè gỗ quý: dẻ cau, táu mật, muồng đen, trai đất, lát chun, lát hoa. Các liên từ dùng rất khéo: “cùng”, “và”, “rồi” gợi lên sự kết nối, kéo dài, liên tục của những bè gỗ quý, nhìn mãi không hết, càng nhìn càng thích thú mê say:

Bè ta xuôi sông La
Dẻ cau cùng táu mật
Muồng đen và trai đất
Lát chun rồi lát hoa”.

Vần điệu thật phong phú. Có vần lưng: “ta” - “La”. Có vần chân, vần ôm: “La - hoa”. Có vần chân, vần liền: “mật - đất”. Vần bằng hợp thanh với vần trắc gợi tả cảm xúc lúc trào ra, lúc thấm sâu vào đáy tâm hồn. Bốn câu thơ 20 chữ mà có đến 14 chữ thanh bằng đã góp phần tạo nên âm điệu, nhạc điệu nhẹ nhàng, cảm xúc mênh mang. Lời thơ, điệu thơ liền mạch, rất tự nhiên, hồn nhiên. Đó là một nét đẹp tài hoa của tâm hồn, của thi pháp nhà thơ họ Vũ.

2. Mười câu thơ tiếp theo mở ra một không gian nghệ thuật và thời gian nghệ thuật. Nhà thơ say mê, đắm nhìn vào cảnh vật, và lắng nghe, lòng lâng lâng.

Câu cảm thán cất lên như tiếng reo. Hai tiếng “sông La” điệp lại, làm cho tiếng lòng rung lên, vang xa. Nhiều bồi hồi tha thiết:

Sông La ơi sông La”.

Đẹp lắm sông La ơi! Nước sông rất trong, “trong veo” có thể nhìn tới tận đáy. Bờ tre xanh rủ bóng mát trải dài theo triền sông:

“Sông La ơi sông La
Trong veo như ánh mắt
Bờ tre xanh im mát
Mươn mướt đôi hàng mi”.

Nhà thơ trẻ tài hoa và rất phong tình. Trước năm 1945, ông chúa thơ tình Xuân Diệu đã từng “run rẩy” khám phá vẻ đẹp của tạo vật qua nhiều ẩn dụ, so sánh rất mới: hương của hoa là “mùi hương vương giả”, mây của trời là “mây đa tình như thi sĩ đời xưa”, tóc liều thì “mĩ miều”, và “lá liễu dài như một nét mi”, vẻ đẹp của giai nhân trở thành chuẩn mực cái đẹp của thiên nhiên tạo vật.

Ở đây, Vũ Duy Thông đã so sánh nước sông La “Trong veo như ánh mắt”’, cảm nhận lá tre xanh mỡ màng “Mươn mướt đôi hàng mi”. Ánh mắt ấy, hàng mi ấy là của những cô gái xinh đẹp vùng Hương Sơn bao đời nay. Có biết hình ảnh những cô gái má hồng, môi thắm, tóc đen dài xanh mướt, cặp mắt sáng trong... của những làng nghề thủ công ở Hương Sơn, chiều chiều ra bến sông tắm giặt ở đôi bờ sông La mới cảm thấy được nét tài hoa, chất phong tình của nhà thơ trẻ Vũ Duy Thông. Thế mới hay chàng trai đa tình của vùng quê “chum vại” đất Bắc đã sánh vai tiếp bước chàng thi sĩ con ông đồ Nghệ đã từng “Đem bướm thả trong vườn tình ái” năm xửa, năm xưa.

Càng về chiều, cảnh sắc sông La càng trở nên thơ mộng. Tiếng nước trôi, tiếng gió thổi, tiếng chiều buông nghe “thầm thì” rất nhẹ, rất êm. Sóng lăn tăn “long lanh như vảy cá” phản chiếu nắng vàng nhạt. Khúc nhạc đồng quê, “chim hót trên bờ đê” ríu ran. Những bè gỗ trôi xuôi “thong thả” được nhân hóa và so sánh như đàn trâu “lim dim” cặp mắt, đang “đắm mình” tắm mát trên dòng sông quê thân thương:

“Bè đi chiều thầm thì
Gồ lượn đàn thong thả
Như bầy trâu lim dim
Đắm mình trong êm ả
Sóng long lanh vảy cá.
Chim hót trên bờ đê”.

Thơ là cảm xúc. Thơ là nghệ thuật của ngôn từ. Các từ láy được lựa chọn rất đắc thế để gợi tả, biểu cảm và gieo vần: “thầm thì”, “thong thả”, “lim dim”, “êm ả”, “long lanh”. Các động từ: “đi”, “lượn”, “đắm mình”, “hót” gợi lên một cuộc sống trầm tĩnh, bình yên giữa thời bom đạn. Hình ảnh “gồ lượn đàn” được so sánh với “bầy trâu lim dim” đang tắm mát trên sòng; gió thổi nhẹ, sóng “long lanh” phản chiếu ánh tà dương lăn tăn “vảy cá” được cảm nhận đầy chất thơ. Cảnh vật trở nên hữu tình, thơ mộng. Nhà thơ trẻ mượn hình tượng những bè gỗ “lượn đàn” một cách “thong thả” và “êm ả” trên dòng sông La vào một chiều xuân thời chống Mĩ khi mà những trọng điểm, những ngã ba Đồng Lộc đêm ngày mịt mù lửa khói rung chuyển bom đạn là một chi tiết nghệ thuật tả cảnh ngụ tình đặc sắc. Cái bè gỗ ấy, con sông La ấy là biểu tượng cho tâm thế, cho dáng đứng của những con người Nghệ - Tĩnh trên vùng đất Lam - Hồng kiêu hãnh.

3. Phần thứ ba gồm có 8 câu thơ. Ngôn từ, hình tượng, cảm xúc đều dào dạt chất trữ tình mộng mơ. Ngày 17.7.1966, trong cuộc chiến tranh leo thang bắn phá miền Bắc dữ dội, Hồ Chủ tịch trong Lời kêu gọi “Không có gì quỷ hơn độc lập tự do” đã căm thù lên án và vạch trần bộ mặt dã man tàn bạo của giặc Mĩ, đồng thời nói lên quyết tâm chiến đấu và niềm tin tất thắng sáng ngời chính nghĩa của dân tộc Việt Nam anh hùng chúng ta: “Chiến tranh có thể kéo dài 5 năm, 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa. Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, xí nghiệp có thể bị tàn phá, song nhân dân Việt Nam quyết không sợ! Không có gì quý hơn độc lập, tự do. Đến ngày thắng lợi, nhân dân ta sẽ xây dựng lại đất nước ta dàng hoàng hơn, to dẹp hơn!”.

Có thể nói đó là nguồn gốc cảm hứng phần cuối bài thơ “Bè xuôi sông La”. Trong cảnh “đạn bom đổ nát” nhà thơ trẻ đã “nghe” mọi âm thanh kì diệu của mọi miền trên đất nước thân yêu. Điệp ngữ “nằm nghe, nằm nghe” dậy lên náo nức tâm hồn. Mùi vôi xây, mùi lán cưa dâng lên “khắp bốn bề” quê hương, nghe “rất say”, nghe “ngọt mát” làm “ngây ngất” cả tâm hồn. Sự chuyển đổi cảm giác qua một chữ “nghe” thật ý vị:
Ta nằm nghe, nằm nghe Giữa bốn bé ngây ngất Mùi vôi xây rất say Mùi lán cưa ngọt mát.”

Một viễn cảnh kiến thiết trong hòa bình đã mở ra, đã “nghe”, đã nhìn thấy trong tầm tay. Một khung cảnh huy hoàng tráng lệ. Một loạt hình ảnh ẩn dụ mang ý nghĩa tượng trưng thật đẹp và rất thơ: “nụ ngói hồng”, “hoa lúa tro”, “khói nở xòa như bông”. Một cảnh tượng ấm no, hạnh phúc, thanh bình “mười lần đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” của đất nước đã và đang hiện hình trong sắc màu rực rỡ:

Trong đạn hom đổ nát
Bừng tươi nụ ngói hồng
Đồng vàng hoa lúa trổ
Khói nở xòa như hông”.

Cảm xúc lâng lâng lan tỏa. Niềm tin sáng bừng vần thơ đem đến cho người đọc thời máu lửa bao hi vọng. Ở đây, chất xúc cảm và chất suy tưởng kết hợp một cách hài hòa qua một hồn thơ đẹp: trẻ trung, hồn nhiên và yêu đời. Người đọc bất giác nhớ tới, hai câu thơ tuyệt tác của Tố Hữu viết trong những ngày đầu kháng chiến chống Pháp

Từ trong đổ nát hôm nay,
Ngày mai đã đến từng giây, từng giờ.
(“Giữa thành phố trụi” - 1947)

Bè xuôi sông La” là một trong số ít bài thơ ngũ ngôn đặc sắc trong nền thơ Việt Nam hiện đại. Ngôn ngữ thơ trong sáng mượt mà. Dòng sông La, những bè gỗ “lượn đàn êm ả” trôi xuôi, và cảnh sắc “nụ ngói hồng”, “hoa lúa trổ”, “khói nở xòa như bông” là những hình tượng mĩ lệ, tráng lệ, giàu chất thơ. Tình yêu một dòng sông, yêu một miền quê thời bom đạn, chan hòa tình yêu đất nước với tất cả niềm lạc quan hi vọng tạo nên giá trị và cốt cách thi phẩm “Bè xuôi sông La”.

Sông La ơi sông La ...” cất lên, vẫy gọi, ... thiết tha, ngọt ngào. Ta còn nghe đâu đây tiếng hát đậm đà tình tứ của cô gái bên dòng sông La thuở nào:

Chứ đi mô cũng nhớ về Hà Tĩnh,
Nhớ núi Hồng Lĩnh
Nhớ dòng sông La
Nhớ hiển rộng quê ta ...”
(Ca khúc của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý)

Yêu và nhớ nhiều, nhớ lắm chứ! Sông La ơi!


 

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây