Hình ảnh người lính qua bài thơ 'Đồng chí' của Chính Hữu

Thứ bảy - 25/09/2021 09:40
Nhà thơ Chính Hữu tên khai sinh là Trần Đình Đắc, sinh năm 1926. Năm 1946 ông tham gia trung đoàn thủ đô và hoạt động quân đội trong suốt hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mĩ. Bài thơ “Đồng chí” ra đời vào đầu năm 1948, sau chiến dịch Việt Bắc của quân và dân ta đánh thắng cuộc tiến công quy mô lớn của thực dân Pháp cuối năm 1947 lên khu căn cứ địa Việt Bắc.
Hình ảnh người lính qua bài thơ 'Đồng chí' của Chính Hữu
Bài thơ là kết quả của những trải nghiệm thực và những cảm xúc sâu xa của tác giả với đồng đội trong chiến dịch Việt Bắc.

Bài thơ “Đồng chí” với nhịp điệu trầm lắng mà như ấm áp, tươi vui; với ngôn ngữ bình dị dường như đã trở thành những vần thơ của niềm tin yêu, sự hy vọng, lòng cảm thông sâu sắc của một nhà thơ cách mạng. Chất lính đã thấm dần vào chất thơ, sự mộc mạc đã hòa dần vào cái thi vị của thơ ca tạo nên những vần thơ nhẹ nhàng và đầy cảm xúc. Mở đầu bài thơ, Chính Hữu đã nhìn nhận, đã đi sâu vào cả xuất thân của những người lính:

“Quê hương anh đất mặn đồng chua.
Làng tôi nghèo đất cày lên sỏi đá”.

Vâng, sinh ra ở một đất nước vốn có truyền thống nông nghiệp, họ vốn là những người nông dân mặc áo lính theo bước chân những anh hùng của đất nước bị kẻ thù xâm lược, Tổ quốc và nhân dân đứng dưới một tròng áp bức. “Anh”“tôi”, hai người bạn mới quen.

Từ những vùng quê nghèo khổ ấy họ ra đi chiến đấu để tìm lại, giành lại linh hồn cho Tổ quốc. Những khó khăn ấy dường như không thể làm cho những người lính chùn bước được. Hai dòng thơ đủ giới thiệu với người đọc về hoàn cảnh xuất thân của hai người lính. Người thì ở vùng đồng bằng chiêm trũng “nước mặn đồng chua”, người ở vùng trung du bạc màu “đất cày lên sỏi đá”. Như vậy cả “quê anh”“làng tôi” đều là những miền quê lam lũ, vất vả, đói nghèo. Từ những phương trời xa lạ, họ “chẳng hẹn”“quen nhau” bởi họ có cùng chung mục đích đánh đuổi thực dân Pháp giải phóng quê hương.

Vào bộ đội họ kề vai sát cánh bên nhau, cùng chia sẻ với nhau những gian lao thiếu thốn của cuộc đời quân ngũ:

“Anh với tôi đôi người xa lạ.
Tự phương trời chẳng hẹn quen nhau.
Súng bên súng, đầu sát bên đầu.
Đêm rét chung chăn thành đôi tri kỉ.”

Họ đến với Cách mạng cũng vì lý tưởng muốn dâng hiến cho đời. Chung một khát vọng, chung một lý tưởng, chung một niềm tin và khi chiến đấu, họ lại kề vai sát cánh chung một chiến hào... Dường như tình đồng đội cũng xuất phát từ những cái chung nhỏ bé ấy. Lời thơ như nhanh hơn, nhịp thơ dồn dập hơn, câu thơ cũng trở nên gần gũi hơn:

 “Súng bên súng đầu sát bên đầu
 Đêm rét chung chăn thành đôi tri kỉ
 Đồng chí !...”

Một loạt từ ngữ liệt kê với nghệ thuật điệp ngữ tài tình, nhà thơ không chỉ đưa bài thơ lên tận cùng của tình cảm mà sự ngắt nhịp đột ngột, âm điệu hơi trầm và cái âm vang lạ lùng cũng làm cho tình đồng chí đẹp hơn, cao quý hơn. Câu thơ chỉ có hai tiếng nhưng âm điệu lạ lùng đã tạo nên một nốt nhạc trầm ấm, thân thương trong lòng người đọc. Trong muôn vàn nốt nhạc của tình cảm con người, phải chăng tình đồng chí là cái cung bậc cao đẹp nhất, lí tưởng nhất. Họ vào bộ đội, chung nhiệm vụ, chung một chiến hào, cùng đắp chung một tấm chăn khi trời giá lạnh. Điều kỳ lạ là khi chiếc chăn chung đắp lại đó là lúc dòng tâm sự mở ra.

Có lẽ vì vậy mà họ hiểu nhau, thân nhau và trở thành tri kỉ. Lúc đó “Đồng chí” mới vang lên, như tình yêu thương được hình thành từ thử thách và gian khó, bị dồn nén tận đáy lòng đến giờ bật dậy, đủ sức đứng riêng thành một câu thơ. Nhịp thơ thắt lại, chắc khoẻ, mộc mạc, giản dị mà thiêng liêng, cảm động. Ta chợt nhận ra, lấp lánh đằng sau những câu thơ nói về gió, về rét, lặng lẽ cháy một ngọn lửa ấm nồng tình đồng đội … Và như vậy “đồng chí” vừa là cao trào cảm xúc được dồn tụ trong sáu câu thơ trước, vừa mở ra những gì chứa đựng ở suy nghĩ tiếp sau:

“Ruộng nương anh gửi bạn thân cày.
Gian nhà không mặc kệ gió lung lay”.

Cái chất nông dân thuần phác của những anh lính mới đáng quý làm sao! Đối với những người nông dân, ruộng nương, nhà cửa là những thứ quý giá nhất. Họ sống nhờ vào đồng ruộng, họ lớn lên theo câu hát ầu ơ của bà, của mẹ. Trong những “gian nhà không mặc kệ gió lung lay”. Tuy thế, họ vẫn yêu những mảnh đất thân quen, những mái nhà thân thuộc... Nhưng... họ đã vượt qua chân trời của cái tôi bé nhỏ để đến với chân trời của tất cả. Đi theo con đường ấy là đi theo khát vọng, đi theo tiếng gọi yêu thương của trái tim yêu nước. Bỏ lại sau lưng tất cả nhữg bóng hình của quê hương vẫn trở thành nỗi nhớ khôn nguôi của mỗi người lính. “Giếng nước gốc đa nhớ người ra lính”.

Đi dọc bài thơ là sự sóng đôi của hai hình tượng “anh”“tôi”. Tình tri kỉ, tình đồng chí đựơc bắc qua sự sóng đôi có ý nghĩa bổ sung ấy. Vì vậy đến đây, khi tác giả chỉ nói một cảnh ngộ, người đọc vẫn có ấn tượng chung cho cả hai. “Mặc kệ” đấy mà sao lưu luyến thế, đến cả giếng nước gốc đa cũng chợt có hồn, biết nhớ, biết thương người nơi tiền tuyến. “Giếng nước gốc đa” hay chính là đôi mắt hẹn ngày làm ấm lòng người lính phương xa? Tất cả đều có thể, bởi một chút nhung nhớ ấy cùng với ngôi nhà, ruộng nương và xóm làng thân thuộc là động lực để vì nó mà anh chấp nhận bao nhiêu gian khổ:

“Anh với tôi biết từng cơn ớn lạnh. 
Sốt run người vầng trán ướt mồ hôi. 
Áo anh rách vai. Quần tôi có vài mảnh vá. 
Miệng cười buốt giá. Chân không giày”.


Không một chút tô vẽ điểm trang, Chính Hữu tái hiện cuộc sống thiểu thốn của cuộc đời quân ngũ bằng những chi tiết thành thực đến thương lòng: áo rách, quần vá, chân không giày, sao chống nổi những cơn sốt rét giữa rừng sâu! Trong hoàn cảnh ấy, người lính sẻ chia cho nhau tình yêu thương ở mức tột cùng “Thương nhau tay nắm lấy bàn tay”. Một câu thơ thôi song nói được bao điều. Bàn tay tìm đến nhau như san sẻ cho nhau, truyền cho nhau hơi ấm, niềm tin và sức mạnh. “Anh - tôi” nhoà đi sau “miệng cười buốt giá” để niềm tin, niềm lạc quan, sự bất chấp khó khăn gian khổ của người lính hiện lên. Chính Hữu đã rất tinh khi phát hiện ra nội lực tinh thần ẩn sâu trong trái tim người lính. Chính nó đã góp phần tạo nên chiều sâu cho tình đồng chí thầm lặng nhưng rất đỗi thiêng liêng  này.

Một nụ cười lạc quan, một niềm tin tất thắng, một tình cảm chân thành đã được Chính Hữu cô đọng lại chỉ với nụ cười - biểu tượng của người lính khi chiến đấu, trong hòa bình cũng như khi xây dựng Tổ quốc, một nụ cười ngạo nghễ, yêu thương, một nụ cười lạc quan chiến thắng...

“Đêm nay rừng hoang sương muối
Đứng cạnh bên nhau chờ giặc tới”

Nhịp thơ đều đều 2/2/2 - 2/2/3 cô đọng tất cả nét đẹp của những người lính. Đó cũng chính là vẻ đẹp ngời sáng trong gian khổ của người lính. Vượt lên trên tất cả, tình đồng đội, đồng chí như được sưởi ấm bằng những trái tim người lính đầy nhiệt huyết. Hình ảnh người lính bỗng trở nên đẹp hơn, thơ mộng hơn. Đứng cạnh bên nhau sẵn sàng chiến đấu. Xem vào cái chân thực của cả bài thơ, câu thơ cuối cùng vẫn trở nên rất nên thơ: “Đầu súng trăng treo”.

Một hình ảnh nên thơ, lãng mạn nhưng cũng đậm chất chân thực, trữ tình. Một sự quyện hòa giữa không gian, thời gian, ánh trăng và người lính. Cái thực đan xen vào cái mộng, cái dũng khí chiến đấu đan xen vào tình yêu làm cho biểu tượng người lính không những chân thực mà còn rực rỡ đến lạ kì. Chất lính hòa vào chất thơ, chất trữ tình hòa vào chất Cách mạng, chất thép hòa vào chất thi ca. Độ rung động và xao xuyến của cả bài thơ có lẽ chỉ nhờ vào hình ảnh ánh trăng này. Tình đồng chí cũng thế, lan tỏa trong không gian, xoa dịu nỗi nhớ, làm vơi đi cái giá lạnh của màn đêm. người chiến sĩ như cất cao tiếng hát ngợi ca tình đồng chí. Thiêng liêng biết nhường nào, hình ảnh những người lính, những anh bộ đội cụ Hồ sát cạnh vai nhau “kề vai sát cánh” cùng chiến hào đấu tranh giành độc lập.

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây