Học và ôn luyện Ngữ văn nâng cao 9: Miêu tả nội tâm trong văn bản tự sự

Thứ sáu - 06/09/2019 12:29
Học và ôn luyện Ngữ văn nâng cao 9: Miêu tả nội tâm trong văn bản tự sự
Miêu tả nội tâm trong văn bản tự sự
I. Ý nghĩa và nhận diện:
1. Trong văn tự sự, những đoạn tả cảnh sắc thiên nhiên, tả vật, tả sự vật, sự việc, tả ngoại hình nhân vật, những cử chỉ, hành động của nhân vật... là những đối tượng có thể nghe, nhìn... được một cách trực tiếp.
2. Lại có những rung động, những cảm xúc, những ý nghĩ, tâm tư tình cảm của nhân vật, không thể quan sát được một cách trực tiếp, mà phải thông qua tưởng tượng cảm nhận.
3. Trong thơ văn cổ có nhiều trang tự sự kết hợp với miêu tả nội tâm rất đặc sắc, mà ta gọi là tả cảnh ngụ tình. Đoạn thơ “Kiều ở lầu Ngưng Bích” là một ví dụ.
4. Tả tâm trạng lão Hạc sau khi bán Cậu Vàng; tả suy nghĩ, cảm xúc của ông giáo trước cái chết đau đớn, dữ dội, đột ngột của lão Hạc là những đoạn văn miêu tả nội tâm nhân vật rất đặc sắc của Nam Cao, thấm đượm một tình cảm nhân đạo thống thiết.

II. Ví dụ:
1. a- “Nhớ ơn chín chữ cao sâu,
Một ngày một ngả bóng dâu tà tà.
Dặm ngàn nước thẳm non xa,
Nghĩ đâu thân phận con ra thế này !
Sân hòe đôi chút thơ ngây,
Trân cam, ai kẻ đỡ thay việc mình ?
Nhớ lời nguyện ước ba sinh,
Xa xôi ai có thấu tình chăng ai ?
Khi về hỏi liễu Chương Đài,
Cành xuân đã bẻ cho người chuyên tay !
Tình sâu mong trả nghĩa dày,
Hoa kia đã chắp cành này cho chưa ?
Mối tình đòi đoạn vò tơ,
Giấc hương quan luống lần mơ canh dài.
b- Song sa vò võ phương trời,
Nay hoàng hôn đã lại mai hôn hoàng...”
                                                      (Trích “Truyện Kiều” - Nguyễn Du)
-> Đoạn thơ 16 câu trên đây tả tâm trạng Thúy Kiều khi sống ở lầu xanh lần thứ nhất.
- 14 câu trên tả nỗi buồn của Thúy Kiều: nhớ cha mẹ già yếu, không ai săn sóc khi hai em còn thơ ngây; thương nhớ chàng Kim, mong Thúy Vân lấy tình chị em thay mình, trả nghĩa cho Kim Trọng; nỗi nhớ quê nhà như tơ vò suốt những canh dài.
- 2 câu cuối nói những buổi hoàng hôn buồn trôi qua. 

2.                              Người đầu lớp
                                                 Ét-môn-đô đơ A-mi-xi
                                                         (1846-1908)
a. Ga-rô-nê chinh phục tất cả mọi tấm lòng, thì Đê-rôt-xi chinh phục tất cả các điểm tốt. Đê-rôt-xi đã được huy chương thứ nhất; và năm nay rồi cậu lại sẽ đứng đầu lớp nữa. Chẳng có ai địch nổi cậu, người ta phải công nhận cậu trội hẳn về tất cả mọi môn học. Nhất về toán, về ngữ pháp, về tập làm văn, về vẽ: cậu hiểu mọi bài một cách dễ dàng vô cùng và có một trí nhớ đáng kinh ngạc. Đâu cậu cũng đạt kết quả tốt mà chẳng phải cố gắng gì cả, và hình như việc học đối với cậu chỉ là một trò chơi. Hôm qua thầy giáo còn bảo cậu: “Thiên tư của con rất lớn; cố gắng đừng hoang phí một cách vô ích”.
b. Thực ra cũng không thể nào mà không đố kị với cậu được, khi mà người ta tự thấy mình kém cậu về mọi mặt. Ôi, tôi cũng như Vô-ti-ni, tôi cũng sinh lòng đố kị, đối với Đê-rôt-xi! Tôi thấy cay đắng, gần như cay cú; khi tôi ở nhà làm bài, tôi nghĩ rằng Đê-rôt-xi chắc đã làm xong bài dễ dàng và chẳng chút sai nào cả; thế nhưng, khi đến lớp, trông thấy bạn tôi tươi cười, đẹp trai và đắc thắng, khi nghe cậu trả lời những câu hỏi của thầy giáo, những câu trả lời lúc nào cũng rõ ràng, chính xác, thì tự nhiên tất cả nỗi cay đắng, tất cả lòng cay cú đều tiêu tan hết; và tôi tự lấy làm xấu hổ vì đã có những nỗi lòng ti tiện ấy!
c. Tôi muốn luôn được ở cạnh Đê-rôt-xi, cùng được học tất cả các lớp với cậu; vì sự có mặt của cậu đem cho tôi lòng can đảm và ham học; nhiệt tình của cậu đã chia sẻ sang cho tôi. Mai, thầy Péc-bô-ni sẽ đọc cho chúng tôi nghe truyện hàng tháng mà thầy đã đưa cho Đê-rôt-xi chép, truyện nhan đề “Cậu bé trinh sát người Lôm-ba”. Sáng nay, chép sự tích anh hùng ấy, Đê-rôt-xi rơm rớm nước mắt và run run đôi môi. Tôi nhìn cậu và tôi rất sung sướng nếu có thể nói với cậu rằng: “Đê-rôt-xi ạ, cậu hơn tôi nhiều, cậu là một người lớn so với En-ri-cô bé nhỏ. En-ri-cô kính trọng cậu và muốn noi gương cậu”.
                      (Trích “Những tấm lòng cao cả”) - Hoàng Thiếu Sơn dịch
 -> Các em hãy đọc và ngẫm nghĩ: hai câu học trò nhỏ Đê-rôt-xi và En-ri-cô (tôi) có đáng yêu không ?
- Đoạn a giới thiệu và miêu tả một vài nét về Đê-rôt-xi: học giỏi các môn, đứng đầu lớp không có bạn nào địch nổi, đã được thưởng huy chương thứ nhất, được thầy giáo khen.
- Đoạn b, c tả tình cảm của En-ri-cô đối với Đê-rôt-xi: thời gian đầu thì đố kị, cảm thấy mình thua kém bạn về mọi mặt, có lúc cay đắng, cay cú. Về sau, En-ri-cô tự lấy làm xấu hổ vì đã có những nổi lòng ti tiện ấy. En-ri-cô muốn được học bên cạnh Đê-rôt-xi, vì bạn đã đem lại cho cậu ta “lòng can đảm và ham học”. En-ri-cô muốn thổ lộ lòng mình với bạn: “Đê-rôt-xi, cậu hơn tôi nhiều, cậu là một người lớn so với En-ri-cô bé nhỏ. En-ri-cô kính trọng cậu và muốn noi gương cậu”.

3.                                   Luyxernơ - một buổi chiều ven hồ.
                                                        Lep Tônxtôi (1828-1910)
Tôi đi trên đường ven hồ, về khách sạn Svêixergốp, chỉ chằm chằm nhìn vào chân mình, bỗng nhiên có tiếng nhạc lạ lùng, nhưng cực kì thú vị và dễ nghe làm cho tôi sững sờ. Những âm thanh đó tức thời làm cho tôi tươi tỉnh lên ngay. Tựa hồ như có một thứ ánh sáng rực rỡ, vui tươi rọi vào hồn tôi. Tôi thấy dễ chịu, vui vẻ. Sự chú ý đã thiếp ngủ của tôi lại hướng về mọi vật xung quanh. Và vẻ đẹp của đêm tối, của hồ nước mà trước đây tôi thờ ơ, bỗng nhiên làm cho tôi ngạc nhiên vui sướng như cảnh vật mới vậy. Bất giác trong một khoảnh khắc tôi đã kịp nhận thấy cả bầu trời u ám vì những mảng xám trên nền xanh thẫm, sáng ánh trăng đang lên. Cả mặt hồ phẳng lặng màu xanh lá cây sẫm với những đốm lửa phản chiếu trên đó, cả những ngọn núi mờ sương ở phía xa, cả tiếng ếch kêu từ Phriôsenburg, cả tiếng hót tươi vui đẫm sương của những con cun cút ở bờ bên kia. Ngay phía trước tôi, từ chỗ vọng lên tiếng nhạc và tại nơi tôi tập trung chú ý, tôi nhìn rõ trong bóng tối nhá nhem ở giữa phố một đám đông cách hơi xa một chút là một người nhỏ nhắn mặc quần áo màu đen. Đằng sau đám đông và con người nhỏ bé đó, trên nền trời rách nát màu xám thẫm và xanh lam nổi bật bóng mấy cây dương thẳng tắp hình chóp ở trong vườn và hai nóc nhọn trang nghiêm trên các ngọn tháp của ngôi nhà thờ cổ uy nghi vươn lên ở hai phía.
Tôi bước lại gần, tiếng nhạc càng rõ hơn. Tôi đã phân biệt được rành mạch những hợp âm hoàn chính của đàn ghi-ta ở phía xa đang êm đềm xao động, trong không khí chiều hôm và một vài giọng hát đuổi, không hát mô-típ chính, mà ở một đôi chỗ hát những đoạn nổi nhất, làm cho người ta cảm nhận mô-típ chính của bài hát. Mô-típ chính của bài hát tựa như một khúc ma-duốc-ca dễ nghe và duyên dáng. Các giọng hát tựa như khi gần, khi xa, lúc bổng, lúc trầm, lúc là giọng kim phát từ cuống họng với những luyến láy thánh thót kiểu xứ Tirôn. Đó không phải là bài hát mà là phác thảo điêu luyện nhẹ nhàng của một bài hát. Tôi không thể hiểu đó là cái gì, nhưng nghe rất tuyệt. Những hợp âm ghi-ta yếu ớt say đắm đó, giai điệu nhẹ nhõm dễ nghe đó và hình bóng đơn độc của con người nhỏ bé vận đồ đen giữa khung cảnh huyền ảo của mặt hồ tối thẫm, giữa ánh trăng tỏa sáng, với hai nóc nhọn lớn trên đình tháp lầm lì vươn cao và những bóng cây dương hình chóp ở trong vườn, tất cả những cái đó đều lạ lùng, nhưng đẹp khôn tả, hoặc là tôi tưởng như vậy.
Mọi ấn tượng bất giác, rối bời của cuộc sống bỗng chốc trở nên có ý nghĩa và đáng yêu đối với tôi. Tựa hồ như có một bông hoa nhỏ tươi tắn ngọt ngào nở bung trong hồn tôi. Thay vào sự mệt mỏi lơ đãng, dửng dưng với mọi thứ trên đời trong giây phút trước đó, tôi bỗng cảm thấy nhu cầu yêu thương, hi vọng tràn đầy và niềm vui sống không duyên cớ. Mong muốn gì, ước ao gì? - tôi bất giác nói - đấy, nó đấy, từ khắp mọi phía cái đẹp và chất thơ đang vây bọc lấy anh. Có bao nhiêu sức lực anh hãy căng rộng lồng ngực mà hít thở lấy nó, hãy hưởng thụ cho thỏa thích những gì mà anh còn cần! Tất cả là của anh, tất cả là hạnh phúc...
Tôi bước lại gần hơn. Con người nhỏ bé đó hình như là người xứ Tirôn đi hát rong. Anh ta đứng trước cửa sổ khách sạn, choãi cẳng chân nhỏ, hất mái đầu lên và bấm đàn ghi-ta, hát bài ca duyên dáng của mình bằng các giọng khác nhau. Tôi lập tức cảm thấy mến con người đó và cảm ơn anh ta vì chuyển biến mà anh đã gây nên trong lòng tôi. Ca sĩ, cứ như tôi có thể nhìn thấy, vận chiếc áo đuôi én cũ kĩ màu đen, có mái tóc đen, ngắn và đầu đội chiếc mũ cũ kĩ giản dị nhất của tầng lớp tiểu thị dân. Áo xống của anh chả có vẻ gì là nghệ sĩ, nhưng cái tư thế linh hoạt vui vẻ như trẻ thơ và những động tác của vóc dáng nhỏ bé của anh tạo nên cảnh tượng cảm động và đồng thời ngộ nghĩnh. Các quý bà mặc váy rộng, lóng lánh đồ trang sức, các quý ông với những cổ áo trắng muốt, những người gác cửa và hầu bàn mặc áo thêu chỉ vàng đứng ở cổng, cạnh cửa sổ và trên các ban công của ngôi nhà khách sạn rực rỡ ánh đèn; trên phố, những người hầu bàn ăn mặc bảnh bao, các bác đầu bếp đội mũ không vành, vận áo blu-dông trắng muốt, các cô gái đứng ôm nhau, những người đi dạo chơi tụ tập, dừng lại thành đám đông hình vòng cung và xa hơn, trên đường trồng cây, giữa các cây đoạn. Hình như tất cả mọi người đều có cảm xúc giống như tôi. Tất cả im lặng đứng xung quanh ca sĩ và chăm chú lắng nghe. Tất cả đều lặng lẽ, chỉ có giữa chừng bài hát, từ đâu đó xa xa có tiếng búa vọng đến đều đều trên mặt nước hồ và nghe rõ tiếng ếch nhái rời rạc từ Phriôsenburg xen lẫn tiếng kêu đơn điệu ướt át của những con cun cút.
Trong bóng tối giữa đường phố, con người nhỏ bé giống như con chim họa mi chuyển hết điệp khúc này sang điệp khúc khác, hết bài hát này đến bài hát khác. Mặc dầu tôi đã bước tới sát gần anh, tiếng hát của anh vẫn tiếp tục làm cho tôi hết sức khoan khoái. Giọng hát nhỏ nhẹ của anh nghe vô cùng dễ chịu. Giọng dịu dàng tinh tế và nhịp nhàng đó thật là phi thường và chứng tỏ anh có tài năng bẩm sinh lớn. Anh hát điệp khúc của mỗi khúc hát mỗi lần một khác, và rõ ràng là tất cả những biến tấu duyên dáng đó đã tức thời đến với anh một cách thoải mái.
Trong đám đông ở phía trên khách sạn Svêixergốp cũng như đường trồng cây phía dưới, thỉnh thoảng lại vang lên tiếng thì thào tán thưởng và sự im lặng kính trọng bao trùm tất cả. Ngày càng có thêm nhiều đàn ông và đàn bà ăn diện, đẹp như tranh vẽ dưới ánh sáng của ngôi nhà, ra tì khuỷu tay lên ban công và cửa sổ lắng nghe. Những người đang dạo chơi dừng lại và trong bóng tối trên đường ven hồ gần các cây đoạn, ở khắp nơi, đàn ông và đàn bà đứng tụm lại thành từng tốp. Người hầu bàn và bác đầu bếp quý phái miệng phì phèo thuốc lá, hơi tách khỏi đám đông một chút. Bác đầu bếp cảm thấy rõ rệt sức quyến rũ của âm nhạc và cứ nghe mỗi nốt cao hát giọng kim bác lại hân hoan băn khoăn gật gù nháy nháy anh hầu bàn và huých khuỷu tay vào anh ta như có ý nói: Hát thế mới hay chứ, hả? Qua nụ cười toe toét của anh hầu bàn, tôi nhận thấy anh ta rất khoái trá, trả lời cái huých của bác đầu bếp, anh ta nhún vai tỏ cho biết rằng khó mà làm cho anh ta ngạc nhiên được, anh ta đã từng nghe nhiều cái hay hơn như thế này.
Giữa chừng bài hát, khi ca sĩ húng hắng ho, tôi hỏi anh hầu bàn xem ca sĩ là ai và anh ta có hay đến đây không.
- Anh ta đến đây hai lần vào mùa hè - anh hầu bàn đáp - anh ta là người Argôvia. Thế đấy, nghèo rớt mồng tơi.
- Có nhiều người như thế đi hát rong không? Tôi hỏi.
- Có, có, anh hầu bàn đáp, chưa hiểu ngay tôi muốn hỏi cái gì, nhưng sau đó, khi đã rõ câu hỏi của tôi, anh ta nói thêm: Ô không! ở đây tôi chỉ gặp mỗi một mình anh ta thôi. Ngoài ra chả có ai cả...
                                                      (Nguyễn Hải Hà dịch)
-> Đọc kĩ bài văn, chú ý tìm hiểu và cảm nhận:
- vẻ đẹp cảnh sắc hồ nước.
- hình ảnh người nghệ sĩ dân gian.
- tiếng đàn tiếng hát huyền diệu.
- tâm trạng của nhân vật “tôi” (công tước Nêkhơlimđốp) một du khách đến Thụy Sĩ nghỉ mát.

 

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây