Ngữ văn nâng cao 9: Liên kết câu và liên kết đoạn văn sử dụng phép nối

Thứ ba - 18/02/2020 11:33
Phép nối là phương thức liên kết, trong đó sử dụng các từ ngữ chỉ quan hệ
Những phương tiện liên kết dùng trong phép nối gồm có: Các quan hê từ, Các tổ hợp “quan hệ từ + đai từ, Những tổ hợp kiểu quán ngữ
A- Phương tiện và ý nghĩa
1. Phép nối là phương thức liên kết, trong đó sử dụng các từ ngữ chỉ quan hệ. Các từ ngữ làm phương tiện liên kết trong phép nối thường đứng trước chủ ngữ.
2. Những phương tiện liên kết dùng trong phép nối gồm có:
a. Các quan hê từ: và, rồi, nhưng, mà, còn, nên, cho nên, vì, nếu, tuy, để,...
b. Các tổ hợp “quan hệ từ + đai từ” kiểu như: vì vậy, nếu thế, tuy thế,... thế thì, vậy thì, vậy nên,...
c. Những tổ hợp kiểu quán ngữ, như: nhìn chung, tóm lại, thêm vào đó, hơn nữa, vả lại, với lại,... 

3. Ý nghĩa:
- Sử dụng phép nối là để bổ sung ý, làm rõ nguyên nhân, hệ quả, điều kiện, nghịch đối, mục đích, thời gian... của sự việc mà ta nói đến.
- Phép nối góp phần tô điểm giọng văn, làm cho lời văn, câu văn, đoạn văn trở nên uyển chuyển, mạch lạc.

B- Ví dụ, vận dụng:
1. “Người ta- nói chèo bẻo là kẻ cắp. Kẻ cắp hôm nay gặp bà già. Nhưng từ đây tôi lại quý chèo bẻo. Ngày mùa chúng thức suốt đêm. Mới tơ mờ đất nó đã cất tiếng gọi người: “Chè cheo chét”... Chúng nó trị kẻ ác. Thì ra, người có tội khi trở thành người tốt thì tốt lắm”...
(“Lao xao” - Duy Khán)

2. “Muôn ngàn đời biết ơn chiếc gậy tầm vông đã dựng nên Thành đồng Tổ quốc. Và sông Hồng bất khuất có cái chông tre”.
(“Cây tre Việt Nam” - Thép Mới)

3. “... Huống gì thành Đại La... Ở vào nơi trung tâm trời đất; được cái thế rồng cuộn hổ ngồi. Đã đúng ngôi nam bắc đông tây; lại tiện hướng nhìn sông dựa núi. Địa thế rộng mà bằng; đất đai cao mà thoáng. Dân cư khỏi chịu cảnh khốn khổ ngập lụt; muôn vật cũng rất mực phong phú tốt tươi. Xem khắp đất Việt ta, chỉ nơi này là thắng địa. Thật là chốn hội tụ trọng yếu của bốn phương đất nước; cũng là nơi kinh đô bậc nhất của đế vương muôn đời”...
(“Chiếu dời đô” - Lý Công uẩn)

4. Viết 3 đoạn văn, trong đó, em sử dụng các từ ngữ: tuy, vì vậy, tóm lại, làm phương tiện liên kết.

Bài làm của học sinh
4.1- Học sinh giỏi khối 9 ở trường em có nhiều. Trong số đó, Nguyễn Thị Phương Linh là bạn thân thiết nhất, quý mến nhất của em. Gương mặt tươi sáng, tính tình hiền dịu, ăn mặc giản dị, hết lòng vì bạn bè gần xa. Nhà nghèo, mồ côi bố, chị gái đi học Đại học ở Đà Nẵng, mẹ làm bác sĩ nhiều đêm phải trực ca... Tuy hoàn cảnh khó khăn như thế, nhưng Phương Linh vẫn gương mẫu, vẫn học giỏi được thầy cô khen ngợi, được các bạn quý mến.

4.2- Không thể coi thường những lỗi lầm nhỏ. Nếu không tu dưỡng, quyết tâm khắc phục sửa chữa, thì chỉ trong một thời gian ngắn đạo đức bị suy thoái, nhiều tính xấu trở thành cố tật. Các hiện tượng xấu như trốn học đi chơi điện tử, thích đua đòi ăn diện, tiêu tiền như phá, nói dối,... thường bắt gặp quanh ta. Thậm chí có không ít học sinh bị sa ngã. Vì vậy, ta phải cảnh giác, biết tu dưỡng đạo đức, chăm chỉ học hành, luôn luôn ghi nhớ câu tục ngữ: “Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng”.

4.3- Đất nước ta có rừng, có biển, có những bình nguyên bao la mầu mỡ ở đồi bờ sông Hồng, sông Cửu Long. Rừng vàng, biển bạc. Ruộng đồng phì nhiêu, mỗi năm có thể sản xuất may chục triệu tấn lúa va hoa màu. Nước ta trở thành quốc gia xuất khẩu gạo nổi tiếng trên thế giới. Đất để canh tác. Vườn trồng cây ăn quả mọc lên ở nhiều nơi. Đất để làm nhà, xay dựng trường học, khu công nghiệp, đô thị, v.v... Đất đai đã thấm biết bao mồ hôi, nước mắt và mau của tổ tiên ông cha qua hắng nghìn năm
lịch sử. Tóm lại, đất là tài nguyên vô cùng quý giá: “Tấc đất tấc vàng”. Không bỏ đất hoang, không lãng phí hoặc phá hoại đất đai ruộng đồng, dồi núi.
                                                                     Lê Mộng Nguyên- lớp 9
                                                             Trường THCS Tô Hoàng, Hà Nội

 

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây