Phân tích và nêu cảm nghĩ về truyện “Mùa cá bột” của nhà văn Đỗ Chu.

Thứ hai - 02/03/2020 10:35
Truyện “Mùa cá bột” là một truyện đặc sắc nói về nhịp sống lao động và tâm tình của bà con một vùng quê thuộc miền Kinh Bắc trù phú.Mùa cá bột đến cũng là mùa mưa về. Dòng sông quê và bãi Thè Le sôi nổi, sống dậy như ngày hội.

Phù sa”, tập truyện ngắn của nhà văn trẻ Đỗ Chu, trong đó có truyện “Mùa cá bột”, một truyện đặc sắc nói về nhịp sống lao động và tâm tình của bà con một vùng quê thuộc miền Kinh Bắc trù phú.

Truyện không có những tình tiết, những tình huống giàu kịch tính, nhưng lại lôi cuốn hấp dẫn người đọc bằng lối kể chuyện nhẹ nhàng, cuộc sống lao động làm ăn hiện tại và những kỉ niệm, những hồi ức thời khói lửa; hai mạch truyện đan lổng vào nhau, tạo nên điệu tâm tình thiết tha, đằm thắm.

Xã đội trưởng Đá đã hi sinh, cụ Tư Giấc, Khang chủ nhiệm, vợ là Tiềm, o du kích gan dạ ngày xưa, bấy nhiêu nhân vật, có nét vẽ chỉ thoáng qua, có nét vẽ đâm đều để lại tất cả trong tâm hồn người đọc bao xúc động về cuộc sống chiến đấu, cuộc sống lao động, về cách ăn ở nghĩa tình của làng quê ta.

1. Mùa cá bột đến cũng là mùa mưa về. Dòng sông quê và bãi Thè Le sôi nổi, sống dậy như ngày hội. Con sông thân thuộc, mùa cạn, lũ trẻ trong làng vẫn đánh trâu ra tận giữa dòng đùa nghịch, nhưng nay “phù sa đỏ ngầu, dòng nước sủi bọt chảy về xuôi vội vã”. Bãi Thè Le “bỗng rộng rãi hẳn ra”. Cả làng mong mưa, mọi công việc đồng bãi như nhổ đay, giặm vừng, gieo mạ mùa... được tiến hành khẩn trương, để ai nấy đều yên lòng mà “đón bột, nuôi bột”.

Mùa cá bột đến, cả làng kéo nhau ra bãi dựng lều nằm ngủ, đón chờ “những đêm lặng gió” để “đón bột”. Mùi lá đay quen thuộc “dễ chịu” bốc lên. Những mái lểu, mái rạ úp trên mặt đất, ánh đèn dầu “toả ra vàng khè” khắp cảnh bãi. Già, trẻ, gái, trai thức thâu canh để “đón bột”. Thằng con trai chị Tính cũng theo mẹ ra lều, khóc ré lên giữa đêm khuya ở chiếc lều cuối bãi. Cả làng chuyển động, cả làng náo nức đợi chờ. Mùa bột là mùa làm ăn đã bao đời nay:

Mùa bột hốt bạc hốt tiên,
Buộc duyên đôi lứa nên duyên vợ chồng”
Ca dao

Cảnh những chiếc thuyền thúng vội vã bơi qua sông trong màn mưa. Cảnh tổ phụ nữ do Tiềm phụ trách kéo sang bên phía bên kia sông thả đáy suốt đêm, cô nào cũng “ướt như chuột”. Tất cả đều cho thấy nhịp sống lao động vất vả, cần mẫn, chịu khó của những người dân hiền lành, dần dã quê hương đã đem đến cho ngòi bút và trang văn của Đỗ Chu thêm phần dung dị, đầm ấm.

2. Thế giới nhân vật trong “Mùa cá bột” chỉ là những chân dung phác họa nhưng không kém phần sống động lung linh. Cụ Tư Giấc là thân sinh của xã đội trưởng Đá. Ông nhớ như in cái chứng “độc lập” của đứa con cả, mới lên 5 tuổi đã nằng nặc đòi mẹ cho ngủ riêng rồi. Cụ nhớ đứa con đã hi sinh trong lửa đạn, cụ tính tuổi con với bao nỗi niềm: “thằng cả nhà tôi mà còn thì năm nay tròn bốn mươi tuổi rồi đấy”. Trong cảnh yên vui làm ăn, cả làng đi thả đáy, đi “đón bột, nuôi bột”, người cha lại ngẩn ngơ nghĩ: “Được như bảy giờ thì nó lại chẳng còn”. Khi Khang báo tin Chi uỷ hợp tác xã muốn dời ngôi mộ liệt sĩ Đá bên kia sông về bên làng mình cho “có anh có em” thì cụ nói: “Tôi nghĩ kĩ rồi, nó ngà ở đâu cứ (lể nó nằm ở đấy lại hóa hay. Anh có thấy cái mả nó nằm ngày càng bồi to mãi lên đấy không?”. Cụ cảm động nói tiếp: “Các anh đối với nó chí tình thật... Đợi con mẹ cả nó về, tôi bảo qua nó một tiếng, một ngày cũng nên nghĩa nên tình anh ạ”. Cụ Tư Giấc là hình ảnh rất đẹp về đức tính thuần hâu nghĩa tình của những bậc cao niên trong làng quê xưa nay mà ai cũng kính trọng.

Cụ Tư Giấc là một lão nông hết lòng vì công việc hợp tác. Khi đã nhận lãnh đạo tổ vớt bột, cụ làm say sưa nhiệt tình “chăm lo hết lòng” với công việc chung trong hợp tác. Cụ giàu kinh nghiệm trong nghề vớt bột. Dân gian có câu ca: “Khúc sông bên lở bên bồi - Bên lở mùa bột thời trời ban cho”. Tiềm hỏi bờ bên nào bột về nhiều hơn thì cụ đã bảo cô: “Bên nào lở nhiều thì bên ấy lắm bột”. Cụ là người đang truyền nghề cho lớp trẻ biết cầm cái vợt mà vớt con cá, bán lấy đồng tiền làm mát mặt xóm làng.

3. Nhân vật Tiềm được Đỗ Chu vẽ rất khéo. Là cô du kích gan dạ, đã mưu trí, táo bạo ném lựu đạn vào quán rượu trên bốt giặc giữa ban ngày. Là người vợ trẻ sống giữa thời bom đạn chỉ mong đến ngày “yên hàn” sẽ “để hai đứa con, một trai một gái”. Là tổ trưởng giỏi làm ăn đã biết đưa chị em bơi thuyền qua sông để “đón bột, nuôi bột” suốt đêm “trong mưa”. Chị rất trung hậu. Vừa bơi chèo, chị vừa hỏi chồng như nhắc nhở: “Cứ để anh Đá nằm ở bền kia mãi hay sao?”. Tiềm, cô du kích; Tiềm, cô vợ trẻ; Tiềm, cô tổ trưởng “vớt bột”, ở công việc nào, vị thế nào, hoàn cảnh nào, cô thật đáng mến và quý trọng.

4. Khang là nhân vật trung tâm của truyện “Mùa cá bột”. Anh du kích năm xưa nay đã trở thành Chủ nhiệm hợp tác xã, một đảng viên có chân trong Chi ủy. Anh cùng một số cán bộ khác đang gánh vác và xốc dậy phong trào. Đi họp Chi ủy bên làng Bồng nửa đêm mới về, anh “xuống bãi mà không về nhà nữa”. Cái nhìn của anh “khắp một lượt” các lều vớt cá bột ở trên bãi, là cái nhìn của một cán bộ lãnh đạo sống gần dân và hết lòng vì dân. Chi tiết Khang đi vào lều cụ Tư Giấc rất có ý nghĩa. Là một con người chu đáo nghĩa tình. Câu chuyện giữa Khang với cụ Tư Giấc về chuyện dời mộ anh Đá từ bên kia sông trở về nghĩa trang làng mình để “có anh có em”, chuyện thời tiết, chuyện “đón bột, nuôi bột” làm sao để có thể “đem bán lấy đồng tiền”, tất cả đều cho thấy anh là một con người cẩn trọng, ăn ở rất tình nghĩa thủy chung. Đang nằm một mình trong lều giữa bãi, khi cơn mưa rào từ bên kia sông kéo sang, những tia chớp làm quang cả bầu trời, gió quật mưa ầm ĩ, trong bóng tối, Khang “vội vàng choàng dậy, lom khom chạy ra khỏi lều, quên cả mặc áo”. Rất khẩn trương, Khang “nhảy xuống nước”. Lúc thì anh đặt chậu cá, lúc thì anh lao xuống sông vớt mấy chiếc giành và đáy lên, tài sản của hợp tác xã, khi thì anh chạy đến các túp lều xã viên. Anh lo toan, anh xông xáo. Rồi anh vội bơi “thúng” qua sông trong gió mưa tầm tã, để đi tìm tổ thả đáy, đón bột ở bên kia sông. Mưa như trút nước, mặt sông mù mịt mênh mông. Anh chẳng hề sợ sóng gió làm “thúng” úp. Khang đang đứng mũi chịu sào để cùng bà con giành lấy một mùa cá bột bội thu. Khang là hình ảnh một cán bộ nông thôn kiểu mới. Anh đang sống và làm việc hết mình với xóm thôn quê nhà, vì sự ấm no thịnh vượng của bà con. Nhân vật Khang được Đỗ Chu miêu tả rất chân thực. 

5. Xã đội trưởng Đá được giới thiệu một cách gián tiếp với bao kỉ niệm in sâu mãi trong lòng người. Lên 5 tuổi, nhưng Đá đã có cái chứng “độc lập” chỉ thích nằm ngủ một mình. Trong những năm kháng chiến, Đá là một chỉ huy gan dạ, đã đưa đội du kích quấy rối địch trên bốt Bồng, đưa đội du kích ra ngoài bãi Thè Le tập quân sự. Đá rất vui tính, anh đã đặt ra bài vè: “Anh ấy cô mình cùng muốn lấy nhau” và cuối cùng Tiềm và Khang nên vợ nên chồng. Trong lễ cưới Tiềm và Khang cũng là tối liên hoan mừng chiến thắng đầu tiên của đội du kích xã, Đá xã đội trưởng đã chúc cô dâu chú rể “vui duyên mới không quên nhiệm vụ”. Thật độc đáo, anh đã tặng cô dâu một quả lựu đạn, làm cho đám thanh niên được một phen “cười rung cả rạp”. Trong tối tân hôn, Tiềm và Khang đi canh gác, cô dâu chú rể bàn về chuyện sinh con đẻ cái sau này; xã đội trưởng đi kiểm tra nghe được, vừa chế giễu vừa phê bình một cách ý vị: “Gà đẻ gà cục tác thế thì kín làm sao được. Canh gác như vợ chồng cô hôm nay rồi tha hồ mà mơ mộng ở trên bốt”.

Người chỉ huy du kích ấy, lúc sống được đồng đội tín phục, lúc hi sinh được nhân dân thương tiếc, biết ơn. Nghe tin anh Đá mất, “cả làng chưa ai tin ngay, người ta bỏ cả nồi cơm đang sủi, bò rơi cả gầu nước đang kéo lên nửa chừng... Tất cả đều chạy sang sông xem thực hư ra sao...”. Đá đã chiến đấu đến giọt máu cuối cùng, anh đã “cùng chết với chúng nó”. Đá đã lấy cái chết của mình để giết giặc. Anh đã hi sinh “vào đêm mồng bốn tháng năm giữa mùa cá bột. Cụ Tư Giấc, Tiềm, Khang, đồng đội anh, bà con quê hương anh vẫn nhớ”. Nghị quyết của Chi ủy đưa mộ người anh hùng liệt sĩ du kích từ bên kia sông trở về nghĩa trang làng mình là một chi tiết nói lên tấm lòng uống nước nhớ nguồn của nhân dân đối với các liệt sĩ. Máu đào của bao chiến sĩ, liệt sĩ đổ xuống trong khói lửa mới có mùa cá bột yên bình hôm nay.

6. Đọc truyện “Mùa cá bột”, người đọc đã tìm thấy bao nét đẹp về cảnh sắc thiên nhiên của làng quê ta. Dòng sông, bờ bãi, con thuyền, màn mưa... rất gần gũi, thân thuộc đáng yêu. Đặc biệt là tiếng chim le le. Trong chiến tranh, chim le le cất lên phía nào, người chiến sĩ du kích biết rằng quân giặc không phục kích ở phía ấy. Giữa mùa cá bột, tiếng vợ chồng con le le “gọi nhau lảnh lót, dồn dập”. Với Khang thì “khắp vùng này có điệu dân ca nào tha thiết hơn thế không?”. Đó là chất thơ, chất trữ tình của “Mùa cá bột”. Mùa cá bột là mùa vui, là mùa ấm no, hạnh phúc. Mùa cá bột là mùa gọi đàn.
Một tình quê vơi đầy trên trang văn của Đỗ Chu qua “Mùa cá bột” cứ làm ta bâng khuâng mãi: “Mùa bột hốt bạc hốt tiền...”.

 

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây