Giáo dục những phẩm chất đạo đức cách mạng để thanh niên vừa ‘hồng’ vừa ‘chuyên’

Thứ bảy - 28/11/2020 09:53
Để làm người chủ đất nước trong thời đại mới, thanh niên cần được giáo dục, bồi dưỡng đạo đức cách mạng, tổ chức thành lực lượng hùng hậu, trung thành, kế tục sự nghiệp của Đảng và đất nước.
Giáo dục những phẩm chất đạo đức cách mạng để thanh niên vừa ‘hồng’ vừa ‘chuyên’
Để làm người chủ đất nước trong thời đại mới, thanh niên cần được giáo dục để trở thành công dân tốt, người lao động tốt, người chiến sĩ tốt, những người cách mạng chân chính. Muốn vậy, thanh niên cần được trang bị đạo đức cách mạng, chỉ khi được trang bị đạo đức cách mạng chân chính thanh niên mới có thể tự phấn đấu hoàn thiện mình, từ đó hình thành năng lực cá nhân làm tiền đề hoàn thành nhiệm vụ cách mạng vẻ vang.

Với nghĩa đó, đạo đức cách mạng là nền tảng vững chắc để thanh niên hoàn thành nhiệm vụ vẻ vang của mình. Giáo dục, bồi dưỡng đạo đức cách mạng cho thế hệ trẻ, bao gồm những phẩm chất:

1. Trung với nước, hiếu với dân

Đây là vấn đề quan trọng hàng đầu được Chủ tịch Hồ Chí Minh quan tâm trong giáo dục cách mạng cho thanh niên. Yêu nước hay trung với nước là làm sao cho “dân giàu, nước mạnh”. Hiếu với dân là phải giáo dục cho thanh niên biết yêu thương con người, yêu mến nhân dân, quý trọng nhân dân, học tập, làm việc, chiến đấu vì nhân dân;

2. Có tinh thần cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư

Trong bài nói chuyện với các học viên ở Trường Đại học Nhân dân Việt Nam, ngày 19-1-1955, Người nhắc nhở, thanh niên cần phải chống tâm lý tự tư, tự lợi, chỉ lo lợi ích riêng và sinh hoạt riêng của mình; chống tâm lý ham sung sướng và tránh khó nhọc; chống thói xem khinh lao động, nhất là lao động chân tay; chống lười biếng, xa xỉ; chống cách sinh hoạt ủy mị; chống kiêu ngạo, giả dối, khoe khoang... Theo Người, đó là những thói xấu kìm hãm chí tiến thủ của thanh niên. Thanh niên cũng cần xây dựng ý thức luôn luôn trau dồi đạo đức cách mạng, khiêm tốn và giản dị; không kiêu căng, tự mãn; không lãng phí, xa hoa; phải không ngừng phấn đấu, hi sinh vì Tổ quốc. Trong mối quan hệ giữa cá nhân và xã hội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đòi hỏi thanh niên phải tự hỏi mình đã làm gì cho nước nhà, chứ không phải là hỏi nước nhà đã cho mình những gì? Phải giáo dục cho thanh niên có tình thương và trách nhiệm với mọi người. Thanh niên phải thường xuyên thực hành tự phê bình và phê bình nghiêm chỉnh để giúp đỡ nhau cùng tiến bộ;

3. Có đạo đức trong sáng

Học tập, rèn luyện đạo đức chính là để có đủ năng lực làm chủ, có đủ năng lực tổ chức cuộc sống mới. Chính vì vậy, rèn luyện đạo đức cách mạng trong sáng cho thanh niên được Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm.

Đánh giá đúng vị trí, vai trò quan trọng của thanh niên, đặt niềm tin vào thanh niên, thường xuyên chăm lo, giáo dục, bồi dưỡng và tạo điều kiện thuận lợi cho thanh niên phấn đấu. Để từ đó hình thành một thế hệ con người mới có lý tưởng cao đẹp, có ý thức trách nhiệm công dân, có tri thức, có sức khỏe, lao động giỏi, sống có văn hóa và tình nghĩa, giàu lòng yêu nước và tinh thần quốc tế chân chính.

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây