Soạn tin học 7 - Bài thực hành 4. Bảng điểm của lớp em

Chủ nhật - 13/10/2019 11:16
Hướng dẫn soạn chi tiết Tin học 7, Bài thực hành 4. Bảng điểm của lớp em, Hướng dẫn trả lời câu hỏi và bài tập trong bài học
Bài thực hành 4. Bảng điểm của lớp em
(Thời lượng: 2 tiết)
A - Mục đích, yêu cầu
- Biết nhập các công thức và hàm vào ô tính;
- Biết sử dụng hàm Sum, Average, Max, Min.

B - Những điểm cần lưu ý và gợi ý dạy học
Bảng tính Danhsachlopem đã được lưu ở Bài thực hành 1, bảng tính Sotheodoitheluc đã được lưu ở Bài thực hành 2. Tuy vậy, có thể các tệp này đã bị xoá, thay đổi,... không còn ở máy tính thực hành hoặc có thể có nhóm chưa hoàn thiện được. Do vậy, trước bài thực hành này, GV cần sao chép bảng tính Danh_sach_lop_em, So_theo_doi_the_luc vào các máy tính chuẩn bị cho tiết thực hành (có thể giao việc này cho một vài HS đã được làm quen). Đến giờ thực hành các em mở tệp đã có và chỉ cần nhập điểm thi các môn, lập công thức để tính toán.

Tuỳ theo điều kiện thực tế về thời gian thực hành, trình độ tiếp thu của HS, GV có thể giữ nguyên hay rút ngắn danh sách HS trong trang tính để tránh việc các em mất nhiều thời gian vào việc nhập, chỉnh sửa số liệu trong công thức.

a) Hai bài thực hành 1 và 2 có mục tiêu để HS ôn luyện kĩ năng nhập công thức để tính toán. Trước khi HS thực hành tính toán, GV nên hướng HS lập công thức để tính. Chỉ cần yêu cầu các em sử dụng công thức để tính điểm trung bình cho từng HS trong danh sách, tính trung bình các điểm trung bình của cả lớp hoặc tính chiều cao trung bình, cân nặng trung bình của cả lớp.

Để tính điểm trung bình, có thể nhập công thức tại ô F3 là: =(C3+D3+E3)/3 hoặc kết hợp với sử dụng hàm: =Sum(C3:E3)/3 hoặc =Average(C3:E3). Tuy nhiên, việc sử dụng hàm sẽ được đề cập ở các bài tập sau, nên trong bài tập này GV nên yêu cầu HS chỉ sử dụng công thức. Tuỳ theo mức độ thành thạo trong thao tác nhập công thức của HS, giáo viên có thể rút gọn nội dung của hai bài thực hành này và hướng dẫn HS chuyển sang sử dụng hàm thay cho công thức.

Cho đến thời điểm này HS chưa học về định dạng dữ liệu trong các ô tính, mặc dù vậy GV có thể hướng dẫn HS đặt tuỳ chọn về số chữ số hoặc đặt lại số chữ số thập phân trong ô Decimal places của hộp thoại Format Cells (hình dưới). Lưu ý, máy sẽ tự động làm tròn số.




b) Mục tiêu của mục a) trong bài tập 3 là sử dụng hàm Average để thay thế việc sử dụng công thức. Vì chưa học lệnh sao chép công thức cho nên nếu để HS phải nhập hàm này cho tất cả các ô tính thì có thể sẽ thiếu thời gian. Vì vậy, nên giảm bớt số lượng dữ liệu trong trang tính để tránh mất thời gian. Tuy nhiên, vẫn cần cho HS lặp lại việc nhập hàm để rèn luyện kĩ năng và hiểu rõ cú pháp của hàm.

Cần hướng dẫn HS ghi lại một số kết quả tính toán bằng công thức để so sánh với việc sử dụng hàm để tính toán.

Khi nhập đối số của hàm, cần hướng dẫn HS sử dụng địa chỉ khối, tại đây có thể nhấn mạnh ích lợi của việc sử dụng hàm và địa chỉ so với việc sử dụng công thức.

Sử dụng hàm Max, Min để xác định môn học có điểm trung bình cao nhất, thấp nhất được thực hiện sau khi đã hoàn thành mục b).

Lưu ý các mục a), b), c) của bài tập 3, GV cần cho HS thảo luận về hàm sẽ sử dụng trước khi nhập vào trang tính.

Trong tệp bảng tính Bang diem lop em GV có thể ghi trước những mục như Trung bình môn học, Trung bình môn học cao nhất, Trung bình môn học thấp nhất để định hướng cho HS nhập công thức tương ứng.

c) Bài tập 4 yêu cầu HS tổ chức dữ liệu và nhập dữ liệu cho trang tính. GV nên cân đối dành thời gian để các em nhập dữ liệu cho trang tính này nhằm rèn luyện kĩ năng nhập dữ liệu. Mục tiêu chính của bài tập này là để rèn luyện kĩ năng sử dụng hàm Sum. Ngoài ra, mục tiêu khác là để HS quan sát và nhận biết được cách thức tổ chức dữ liệu trên trang tính sao cho hợp lí, dễ so sánh và thực hiện tính toán. Với mục tiêu này, thay cho bảng dữ liệu trên hình minh hoạ, giáo viên có thể cho trước dữ liệu dưới dạng “thô” hơn trên văn bản Word, chẳng hạn:
“Bảng điểm lớp ...
1. Đinh Vạn Hoàng An, Toán 8, Vật lí 7, Ngữ văn 8
2. Lê Thị Hoài An, Toán 8, Vật lí 8, Ngữ văn 8,.”

Sau đó yêu cầu HS suy nghĩ và thảo luận theo cặp đôi, theo nhóm về cách tổ chức dữ liệu trước khi nhập vào trang tính.

HS có thể nhập hàm Sum từ bàn phím, ngoài ra GV có thể hướng dẫn HS nhập hàm Sum bằng cách sử dụng lệnh Insert Function. Thao tác nhập công thức được lặp lại cho các ô tính từ ô E4 đến ô E9.

Để gây hứng thú cho HS khi học cách sao chép công thức ở bài học sau, cuối bài này, GV nên chỉ cho HS thấy việc nhập công thức tương tự nhau là việc nhàm chán và mất nhiều thời gian.

 

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây