Soạn tin học 7 - Bài thực hành 7. In danh sách lớp em

Thứ hai - 14/10/2019 09:16
Hướng dẫn soạn chi tiết Tin học 7, Bài thực hành 7. In danh sách lớp em , Hướng dẫn trả lời câu hỏi và bài tập trong bài học
Bài thực hành 7. In danh sách lớp em
(Thời lượng: 2 tiết)

A - Mục đích, yêu cầu
- Thực hiện được kiểm tra trang tính trước khi in;
- Thực hiện được thiết đặt lề và hướng giấy cho trang in;
- Thực hiện được điều chỉnh các dấu ngắt trang phù hợp với yêu cầu in.

B - Những điểm cần lưu ý và gợi ý dạy học
a) Trước khi vào thực hành, các máy tính cần có sẵn tệp bảng tính Bang_diem_lop_em (HS đã lưu trong bài thực hành 6). Tuy nhiên, để có thể giới thiệu hiện tượng phân trang tự động không giống như mong muốn thì GV nên lấy một tệp và thử trước rồi sao chép (hoặc yêu cầu HS sao chép) tệp này vào tất cả các máy của HS.

GV hướng dẫn HS sử dụng lệnh Page Layout trên dải lệnh View để xem việc tự động phân trang trang tính trước khi in, sau đó hướng dẫn HS sử dụng lệnh Page Break Preview để xem các dấu ngắt trang. Yêu cầu HS ghi lại những điểm chưa hợp lí (theo ý HS) và đề xuất cách khắc phục. Cuối cùng giáo viên cùng HS tổng kết lại những gì HS ghi nhận được, phân tích những điểm chưa hợp lí và cùng thống nhất cách khắc phục.

Trong bài tập này GV nên dành thời gian để HS tự khám phá các lệnh. Điều quan trọng là GV hướng dẫn các em cách khám phá, quan sát. Với nguyên tắc thử và sai, GV hướng dẫn các em cách thử và nhận biết tác dụng của lệnh.

Bài tập này đặc biệt thích hợp để tổ chức HS thực hành theo nhóm. Mỗi nhóm sẽ cùng nhau tìm hiểu tác dụng của các lệnh và tổng kết lại trong một danh sách các kết quả chung. Cuối cùng GV cần tổng hợp kết quả của các nhóm và điều chỉnh, thống nhất để có kết quả chung.

Có thể tổ chức để các nhóm thi đua, nếu nhóm HS nào khám phá được tác dụng đúng của nhiều lệnh nhất trong khoảng thời gian ấn định trước sẽ được tuyên dương.

b) Bài tập 2 yêu cầu HS thiết đặt lề trang in, hướng giấy và điều chỉnh các dấu ngắt trang. Về cơ bản HS đã được làm quen với việc thiết đặt lề trang in, hướng giấy trong soạn thảo văn bản. GV cần hướng dẫn HS mạnh dạn thử các thông số thiết đặt trên hộp thoại Page Setup và quan sát hình ảnh minh hoạ trang in trên hộp thoại để rút ra kết luận về tác dụng của các giá trị thông số. Lưu ý HS sử dụng lệnh Undo để khôi phục lại trạng thái trước của trang tính cho đến khi được kết quả mong muốn.

Với mục c) bài tập 2, GV nên chuẩn bị trước bảng tính Bang_diem_lop_em với danh sách khoảng 45 HS hoặc hướng dẫn các em sao chép thêm một số hàng để đủ số lượng 45 HS sao cho các dấu ngắt trang tự động ngắt trang một cách không hợp lí, từ đó nảy sinh yêu cầu điều chỉnh các dấu ngắt trang. Để điều chỉnh dấu ngắt trang giáo viên chỉ cần yêu cầu HS thực hiện các bước như trong SGK là đạt yêu cầu. Lưu ý HS quan sát để thấy rằng sau khi điều chỉnh, dấu ngắt trang (đường nét đứt màu xanh) sẽ trở thành đường nét liền.

c) Với yêu cầu định dạng và trình bày trang tính ở bài tập 3, GV lưu ý HS điền đủ nội dung cho các cột và định dạng tiêu đề, dữ liệu các cột theo yêu cầu. Hướng dẫn HS chỉ nên tô màu nền các hàng khác nhau để dễ phân biệt sau khi đã định dạng phông chữ và căn chỉnh xong. Về cơ bản máy in của nhà trường là máy in đen trắng, vì vậy để thấy được sự khác biệt khi in ra thì tốt nhất thực hiện tô màu xen kẽ, cứ một hàng tô màu nền lại đến một hàng không tô màu nền và sử dụng các màu tương phản với màu văn bản.

Ngoài khả năng thiết đặt chính xác các lề trang in, có thể sử dụng lệnh Margins và lệnh Orientation để áp dụng các thiết đặt lề trang in có sẵn do chương trình bảng tính đề xuất, cũng như chọn nhanh hướng trang in. Đây là nội dung của mục Tìm hiểu mở rộng (bài 7). Nếu còn thời gian, giáo viên có thể hướng dẫn HS tìm hiểu và áp dụng.

Trước khi in phải yêu cầu HS tiến hành việc xem trước khi in và chỉ tiến hành lệnh in ra giấy khi hoàn toàn ưng ý.

Mặc dù thao tác in ra giấy là đơn giản, nhưng GV rất nên tạo điều kiện để các em có thể in thành quả lao động của mình ra giấy để gây hứng thú cho HS.

Bài tập không yêu cầu HS tạo đường biên. Tuy nhiên, nếu còn thời gian, GV có thể hướng dẫn cho HS cách tạo đường biên cho các ô tính. Việc tạo đường biên ngầm định là một thao tác đơn giản, tuy nhiên để tạo được đường biên giúp cho danh sách dữ liệu dễ theo dõi, đẹp, hấp dẫn, đảm bảo tính thẩm mĩ có thể không dễ dàng với HS. GV chỉ cần giới thiệu để HS biết, tự khám phá thêm

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây