Bình giảng đoạn thơ: Trông bốn bề trích Chinh phụ ngâm

Thứ năm - 16/07/2020 06:35
Là khúc ngâm của người chinh phụ, đặc sắc của thi phẩm Chinh phụ ngâm là ở việc diễn tả tâm trạng bộn bề, cồn cào, da diết, miên man của người phụ nữ có chồng đi chinh chiến ở sa trường. Mạch tâm trạng được phô diễn hết sức đa dạng, khi thì bằng những lời độc thoại âm thầm, khi thì thông qua những sinh hoạt hằng ngày, khi thì bằng những cảnh sắc thiên nhiên... Cảm động nhất vẫn là những bức tranh thiên nhiên, ở đó, bút pháp tả cảnh ngụ tình đã đạt đến trình độ hoàn hảo. Người ta thấy phong cảnh thiên nhiên chính là phong cảnh của lòng người. Trông bốn bề là một trong vô vàn những phong cảnh thiên nhiên như thế. Ấy là những bức hoạ bằng thơ, nét vẽ nào cũng chan chứa tình người.
Bình giảng đoạn thơ: Trông bốn bề trích Chinh phụ ngâm
Người chinh phụ buồn khổ, nhớ chồng đã lên lầu cao để trông ngóng, nàng trông vời bốn phương, mà càng trông, càng không thấy bóng chồng đâu. Cô đơn muốn được giải thoát bằng hi vọng, nhưng chỉ gặp vô vọng, nên cô đơn càng bội phần cô đơn. Bốn phương dựng lên bốn bức tranh, hợp lại thành bộ tranh tứ bình.

Tứ bình là một hình thức tạo hình phổ biến của nghệ thuật cổ điển. Nó vốn xuất hiện trong hội hoạ đầu tiên, rồi sau đó xâm nhập vào nhiều nghệ thuật khác. Trong nghệ thuật ngôn từ thì chủ yếu là thơ ca. Tranh tứ bình là một cách khái quát mang tính ước lệ. Bản thân nó là một thế giới trọn vẹn, hoàn chỉnh, dựa trên một quan niệm triết học nào đó. Ta gặp nhiều bộ tứ bình. Dòng thời gian lưu chuyển thì Xuân - Hạ - Thu - Đông, thảo mộc thì Tùng - Trúc - Cúc - Mai, nghề xưa thì Ngư - Tiều - Canh - Mục, tố nữ thì Cẩm - Kỳ - Thi - Hoạ v.v... Thơ cổ điển ưa lối tứ bình, nhất là khi mô tả thiên nhiên.

Tổ chức tứ bình của Trông bốn bề là dựa theo phương hướng. Nam - Bắc - Đông - Tây. Mỗi phương là một bức tranh rất riêng, tất cả hợp lại thành một bộ tranh thật hoàn chỉnh cùng nói về một tâm trạng chung là nhớ nhung sầu muộn, khắc khoải ngóng trông.

Bức thứ nhất:
Trông bến Nam bãi che mặt nước,
Cỏ biếc um dâu mướt màu xanh,
Nhà thôn mấy xóm chông chênh,
Một đàn cò đậu trước ghềnh chiều hôm...

Khung cảnh chung là bãi bờ ghềnh nước, thời gian là lúc chiều hôm. Gam màu chung của bức tranh là màu xanh biếc, xanh mướt của nơi cỏ ngàn dâu. Tất cả đẹp một vẻ đẹp trầm lặng u hoài, Tất cả chỉ có sự ngự trị của thiên nhiên. Thiên nhiên cứ tràn ra, xâm lăng tất cả: “bãi che mặt nước”, lấn lướt tất cả: “Cỏ biếc um dâu mướt màu xanh”. Có thể nói đó là những nét bút lớn từ những khoảng rộng thể hiện một thiên nhiên là chủ thể, là trung tâm. Con người ở đây thưa thớt, vắng vẻ:

Nhà thôn mấy xóm chông chênh.

Ta gặp ở đây cái nhìn kiểu Bà Huyện Thanh Quan khi tới Đèo Ngang. Thiên nhiên cũng tràn lan, con người bị đẩy xuống tận góc khuất của bức tranh, nhỏ bé lèo tèo:

Bước tới Đèo Ngang bóng xế tà
Cỏ cây chen đá lá chen hoa
Lom khom dưới núi tiều vài chú
Lác đác bên sông chợ mấy nhà

Có thể nói đó là cái nhìn nghệ thuật chung, phản ánh một nguyên tắc mĩ học chung của thời cổ điển.

Sự tương phản giữa con người và thiên nhiên ấy phát sính một nỗi buồn: con người nhỏ bé càng thấy cô đơn trước một thiên nhiên uy nghi, vĩnh hằng. Nhất là cái hình ảnh gợi buồn, gần gũi: Một đàn cò đậu trước ghềnh chiều hôm

Hình ảnh của sự đoàn tụ mỗi ngày. Những con cò suốt ngày lang thang kiếm sống, giờ đã đến lúc tìm về sum họp, nương náu bên ghềnh. Hình ảnh ấy tương phản với cảnh ngộ của người chinh phụ, nó đánh thức dậy khát khao sum họp lứa đôi ở người đàn bà chăn đơn gối chiếc này:

Bức thứ hai:
Trông đường Bắc đôi chòm quán khách
Rườm rà cây xanh ngất núi non,
Lúa thành thoi thót bên cồn
Nghe thôi ngọc địch véo von trên lầu.

Nền cảnh ở đây đã khác: bãi bờ đã nhường chỗ cho núi non. Nếu Bắc là ngược với Nam, thỉ cảnh biển sông cũng chuyển sang cảnh trái ngược: núi rừng. Vẫn là sắc xanh, nhưng không phải sắc biếc, sắc xanh um trải dài mở rộng của cỏ và dâu mà là màu “xanh ngất” - màu xanh chất ngất những tầng núi. Từng đợt sóng lúa lả tả, tiêu sơ và mỏi mệt “thoi thót bên cồn”, phụ hoạ với “đôi chòm quần khách” thưa thớt.,. Nếu ở trên nét vẽ có phần nghiêng về những nét ngang, trải rộng thì ở đây là nét tạo hình nhấp nhô tạo nên những tầng cao, đỉnh cao: núi non, thành quách, cồn đống. .. và cuối cùng là cao vút lên tiếng ngọc địch véo von trên lầu. Đây là chỗ cao nhất của bức tranh, cũng là chỗ cao nhất của tâm trạng. Tiếng ngọc địch mang khát vọng hạnh phúc đột ngột vút lên, réo rắt, khắc khoải. Trong bộ tứ bình, thì hai bức Nam - Bắc lại tạo thành một cặp với một tương quan riêng, chúng tương phản và tương xứng, bổ sung đắp đổi cho nhau, hô ứng cùng nhau.

Bức thứ ba:
Non Đông thấy lá hầu chất đống,
Trĩ xập xoè, mai cũng bể bai
Khói mù nghi ngút ngàn khơi
Con chim bạt gió, lạc loài kêu sương

Từ Bến Nam , qua Đường Bắc, giờ đến Non Đông mỗi bức tranh chọn một nền cảnh điển hình cho cảnh quan thiên nhiên. Cảnh ở đây âm u mù mịt sương khói - Nỗi buồn dâng ngập cả không gian! Điều đáng nói ở đây là có hai cảnh hoàn toàn tương phản nhau: Tĩ xập xoè, mai cũng bể bai - là cảnh vui vầy, lứa đôi uyên ương, sung sướng hạnh phúc và “Con chim bạt gió lạc loài kêu sương” lại là cảnh cô lẻ, côi cút, thương tâm, bất hạnh. Nếu trĩ - mai là một nghịch cảnh với người chinh phụ, thì “con chim bạt gió” như là hiện thân của chính cảnh ngộ và nỗi niềm người chinh phụ ấy. Hai cảnh nhỡn tiền như hai tiếng nói trái ngược nhau, nhưng lại đồng lòng xoáy vào nỗi trống vắng, hoang lạnh, cô đơn của lòng người chinh phụ. Tiếng kêu bạt gió của con chim lạc loài là tiếng lòng đau xót như chợt nhói lên của người chinh phụ ném vào không gian mịt mù cô quạnh đó:

Bức thứ tư:
Lũng Tây thấy nước dường uốn khúc,
Nhạn liệng không, sóng giục thuyền câu
Ngàn thông chen chúc nhóm lau,
Cách ghềnh thấp thoáng người đâu đi về.

Bây giờ là cảnh khác: Lũng tây, thế là đủ cả bốn cảnh quan tự nhiên. Cả bốn bức tranh, bức nào cũng có sơn thuỷ hữu tình, bức nào con người cũng lẻ loi, thưa thớt. Cảnh đẹp một cách hoang vắng, tỉnh lặng, ở đây ta lại thấy cái xu thế lấn lướt một cách điềm nhiên của cảnh vật tự nhiên: nước dường uốn khúc, nhạn liệng không, sóng giục thuyền câu và nhất là ngàn thông chen chúc khóm lau... Thiên nhiên tràn ngập cảnh trí, che khuất tầm dõi trông. Người chinh phụ như cố kiễng chân lên, nhoài mình ra để hi vọng, để ngóng trông, để vượt tầm mắt, xuyên tầm nhìn qua những ngáng trở thiên nhiên mà cố kiếm tìm. Bức tranh kết thúc bằng một bóng dáng, hi vọng đó mà lại vô vọng ngay:

Cách ghềnh thấp thoáng người đâu đi về.

Nhìn thấy bóng người là mừng, biết đâu trong đám người ấy lại có chàng! Nhưng cái bóng người thưa thớt ấy hầu như dửng dưng trước nỗi trông đợi của nàng. Không có ai trong đó là người nàng đang nóng lòng trông đợi cả. Họ vẫn “đi về” trên cái đòng đời, trên cái đường đời của họ, Họ cứ đĩ qua tầm nhìn của nàng và thản nhiên bước ra khỏi tầm mong ngóng như cái cung cách của những người dưng. Thiên nhiên vô tình, dòng đời vô tình. Chỉ có nỗi cô đơn trong lòng là hiện hữu và càng lúc càng khắc khoải thôi!

Vậy là bốn phía cũng là bốn phía của cùng một nỗi cô đơn.

Ấy là nỗi cô đơn được trông từ bốn bề, dù rằng chính nàng đang muốn tìm kiếm sự giải thoát cho nỗi cô đơn từ bốn phía ấy. Đặng Trần Côn và Đoàn Thị Điểm đã gửi nỗi cô đơn chinh phụ vào từng nét vẽ. Để đến chúng ta nhìn vào bốn bức tranh, ta không chỉ thấy bốn cảnh đẹp, mà quan trọng hơn, nhìn vào bốn bức tranh người ta thấy một cõi người.

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây