Chuyên đề Chữ người tử tù - Nguyễn Tuân

Thứ tư - 14/12/2022 09:47
Truyện ngắn “Chữ người tử tù” được in lần đầu trên tạp chí Tao đàn (1938). Có tên là Dòng chữ cuối cùng. Khi được in trong tập truyện Vang bóng một thời (1940) tác giả đã đổi tên thành Chữ người tử tù .
Chuyên đề Chữ người tử tù - Nguyễn Tuân

CHUYÊN ĐỀ:  CHỮ NGƯỜI TỬ TÙ – NGUYỄN TUÂN

A. Mục tiêu cần đạt
1. Kiến thức
- Kiến thức cơ bản về tác giả, nội dung và nghệ thuật của tác phẩm.
- Luyện đề phân tích tác phẩm, hình tượng nhân vật trữ tình.
- Luyện các dạng đề: NL về một ý kiến, liên hệ, so sánh.
   2. Kĩ năng: Phân tích đề, lập dàn ý cho đề văn nghị luận.
   3. Tư duy, thái độ: Nghiêm túc trong học tập.

B. Phương tiện
- GV: SGK, SGV, thiết kế dạy học, tài liệu tham khảo…
- HS: Vở soạn, sgk, vở ghi.

C. Phương pháp: Nêu vấn đề, gợi mở, đàm thoại, thảo luận nhóm, thưc hành.

D. Tiến trình tổ chức dạy học
   1.Ổn định lớp
  2. Kiểm tra bài cũ: Kt sách vở của hs
   3. Bài mới
I. Tác phẩm:
   - Xuất xứ: Truyện ngắn “Chữ người tử tù” được in lần đầu trên tạp chí Tao đàn (1938). Có tên là Dòng chữ cuối cùng. Khi được in trong tập truyện Vang bóng một thời (1940) tác giả đã đổi tên thành Chữ người tử tù .
        - Vang bóng một thời gốm 11 truyện ngắn được coi là một văn phẩm đạt gần tới sự toàn thiện, toàn bích (Vũ Ngọc Phan). Những truyện ngắn trong tập truyện này được viết chủ yếu bằng ngòi bút trữ tình, lãng mạn, bay bổng. Cảm hứng chủ đạo của tập truyện nói chung và “Chữ người tử tù” nói riêng là: ca ngợi cái đẹp, cái tài hoa trong cuộc sống xưa nay chỉ còn vang bóng.
        - Nhân vật chính trong Vang bóng một thời là những nhà nho cuối mùa tài hoa, bất đắc chí, không chạy theo thói đời mưu cầu danh lợi, cố giữ thiên lươngsự trong sạch của tâm hồn, lấy cái tài hoa, cái đẹp của tâm hồn để đối lập, để phản ứng lại xã hội phàm tục. Trong số những con người tài hoa ấy nổi bật lên hình tượng HC trong Chữ người tử tù. HC vừa có nét chung của nhân vật nhà nho tài tử, vưa có nét riêng không co ở nhân vật khác trong Vang bóng một thời. Đó là nhân vật nổi loạn, chống lại trật tự xã hội, có khí phách hiên ngang, bất khuất. Ở nhân vật này hội tụ ba vẻ đẹp: tài hoa, khí phách, thiên lương (tài- dũng- tâm)- một vẻ đẹp hiếm có trong thế giới nhân vật của Nguyễn Tuân trước CM. Nhân vật này thể hiện rõ quan điểm thẩm mĩ, tư tưởng của nhà văn.

II. Nội dung cần nắm:
    1. Nhân vật Huấn Cao:
        Huấn Cao là nhân vật trung tâm được nhà văn khắc họa thành công bằng bút pháp lãng mạn, lí tưởng hóa, mang vẻ đẹp hiếm co1trong thế giới nhân vật của Nguyễn Tuân trước CM. Nhân vật được đặt trong một hoàn cảnh đặc biệt, được thể hiện qua hàng loạt sự tương phản.
        - Huấn Cao- một nghệ sĩ tài hoa khác thường, đây là vẻ đẹp hiếm có ở đời mà Nguyễn Tuân đặc biệt yêu thích.
        + Vẻ đẹp tài hoa, nghệ sĩ đó là tài viết chữ rất nhanh, rất đẹp “Chữ ông Huấn Cao đẹp lắm, vuông lắm,…”
          + Chữ viết của ông trở thành bức tranh nghệ thuật và là niềm kháo khát của những con người say mê cái đẹp “có được chữ ông Huấn mà treo là có một báu vật trên đời”.
          + Bởi lẽ, chữ của Huấn Cao không chỉ đẹp ở hình thức bên ngoài mà chủ yếu còn nói lên tấm lòng sáng đẹp và hoài bão tung hoành của một đời con người. Mỗi bức thư họa của HC đều thể hiện một lẽ sống cao cả, một lí tưởng lớn lao và một đạo lí cao đẹp. Người đời bái phục, ao ước có được chữ HC.
        + Nhưng HC là một con người có nhân cách, biết tự trọng. Ông luôn đặt chữ tâm lên trên chữ tài , trên cả bạc vàng, địa vị “Ta nhất sinh không vì vàng ngọc hay quyền thế mà ép mình viết câu đối bao giờ”.
          + Cho nên, việc xin được chữ HC không phải là chuyện dễ, không phải ai cũng xin được, trừ ba người bạn tri âm, tri kỉ của ông “Tính ông vốn khoảnh trừ chỗ tri kỉ ông ít chịu cho chữ ai”.
        - Huấn Cao- một anh hùng có khí phách phi thường:
          + Ngòai viết chữ đẹp, HC còn có tài “bẻ khóa, vượt ngục…văn võ đều toàn tài cả”, cái dũng khí phá bỏ xiềng gông của ông khiến những kẻ nắm giữ gông xiềng phải e dè, kính sợ.
          + Bình thản trước sự đọa đày, tù ngục: đeo gông, lạnh lùng bước vào buồng tử tù; coi thường cái chêt; khinh bỉ những kẻ cam tâm phục vụ chế độ thống trị. Ông thản nhiên rỗ gông, nhận rượu thịt, trả lời VQN với vẻ kinh bạc đến điều “Ngươi hỏi ta muốn gì? Ta chỉ muốn có một điều. Là ngươi đừng đặt chân vào đây” và sẵn sàng đợi một trận lôi đình báo thù của VQN bị sỉ nhục.
          + Trong mọi hoàn cảnh, HC đầu thể hiện là một đấng anh hào coi thường quyền uy, tiền bạc, cái chết. khi nhận được tin sáng mai giải về kinh chịu án, HC chỉ mỉm cười và nghĩ tới cái sở nguyện một đời của QN. Ông thực sự là một trang anh hùng dũng liệt.
        - Huấn Cao- một con người có thiên lương trong sáng:
        + HC là người trọng nghĩa khinh lợi. Tính ông vốn “khoảnh”. Ông xem những con chữ của mình như một thứ quà tặng để đáp lại nhựng tấm lòng, những nhân cách.
        + Suốt nửa tháng trong trại giam, HC luôn tỏ ra cao ngạo, khinh bạc, không thèm đếm xỉa đến sự biệt đãi của VQN. Nhưng cuối cùng, khi biết được tâm sự của Ngục quan, HC đã thay đổi thái độ, ông đã cảm động và chân thành “ Ta cảm cái tấm lòng biệt nhỡn liên tài của các người. Nào ta có biết đâu một người như thầy Quả đây mà lại có những sở thích cao quý như vậy. Thiếu chút nữa ta đã phụ mất một tấm long trong thiên hạ.” Câu nói vừa thoáng chút ân hận, vừa rưng rưng niềm cảm động. Đó là cách ứng xử đầy trân trọng và tôn trọng của một tấm lòng trước một tấm lòng, của một thiên lương trước một thiên lương. Ông coi trọng cái tâm, trân trọng những tấm lòng trong sáng, những con người biết quí, biết thưởng thức, giữ gìn cái đẹp ở đời và ông gọi đó là thiên lương
          + Quyền lực, vàng ngọc không ép được HC  vho chữ bao giờ, vậy mà ông đã không đắn đokhi quyết định cho chữ VQN ngay trong đêm trước ngày giải vào kinh lĩnh án
          + Thiên lương của HC còn có khả năng làm bừng sáng vẻ đẹp của người khác. Ông đã biến nhà tù thành nơi gặp gỡ của những tấm lòng tri kỉ. con người này có sức cảm hóa rất lớn, khiến ngục quan phải cúi đầu, cảm kích “Kẻ mê muội này xin bái lĩnh
à Nhận xét:
* Về nội dung:
        - Huấn Cao là hình tượng  thẩm mĩ tuyệt đẹp. Nhân vật vừa là khát vọng thẩm mĩ vừa là kết quả của một tài năng sáng tạo Nguyễn Tuân.
        - Qua nhân vật HC, Nguyễn Tuân bộc lộ rõ quan niêm về cái đẹp: cái tài phải đi đôi với cái tâm, cái đẹp gắn liền với cái thiện và lòng yêu nước thầm kính cùng với sự ngưỡng mộ đối với người anh hùng.
* Về nghệ thuật: HC được xây dựng bằng cảm hứng lãng mạn
        - Nhà văn đặt nhân vật trong một tình huống độc đáo, trong quan hệ với nhân vật quản ngục và thầy thư lại.
        - Khắc họa chân dung nhân vật: gián tiếp- trực tiếp bằng những chi tiết nghệ thuật đặc sắc.
        - Sử dụng bút pháp lãng mạn, cường điệu, tương phản đối lập để tả cảnh, dựng không khí và làm nổi bật lí tưởng của nhân vật và bộc lộ tư tưởng của nhà văn.

2. Nhân vật Viên Quản Ngục:
    - Quản Ngục là một người coi tù- đại diện cho bộ máy cai trị hà khắc, tàn bạo của triều đình. Xét về vị thế xã hội, QN là kẻ thù của Huấn Cao- người cầm đầu cuộc khởi nghĩa chống lại triều đình. Tuy nhiên, thực chất con người QN với những vẻ đẹp trong tâm hồn và nhân cách đã hiện rõ nét trong cuộc kì ngộ với HC
        + Khi nghe tin HC sắp đến cùng đoàn tử tù, QN đã thăm dò thầy thư lại một cách thận trọng, kín đáo dù không giấu nổi thái độ nể trọng và sự ngưỡng mộ trước tài viết chữ rất nhanh, rất đẹp của một kẻ phản nghịch chống lại triều đình “có tiếng là nguy hiểm”. Có thể nói điều nể trọng đầu tiên của Qn về Hc là tài viết chữ của ông. Sự chú đặc biệt đó phần nào hé mở đặc điểm con người QN khi ông không quan tâm đến HC ở phương diện chính trị hay tính cách ngang tàng mà trước hết ở phương diện tài hoa
        + Trong đêm đơi đoàn tử tù, QN “băn khoăn, nghĩ ngợi” và trăn trở. Hình ảnh “ngôi sao chính vị muốn từ biệt vũ trụ” đang nhấp nháy trên bầu trời trong ánh nhìn tư lự của QN không thể không có mối liên hệ với tâm trạng thao thức, chờ đợi của ông đêm nay. Phải chăng sự ngưỡng mộ, nể trọng  của QN với HC đã nhập hình ảnh người tù vĩ đại sắp vĩnh biệt cuộc đới với ngôi sao Hôm sắp từ bỏ vũ trụ ấy.
        + Hình ảnh QN “đầu đã điểm hoa râm”, “râu đã ngả màu” gợi cho người đọc cảm giác xót xa: ông đã trãi qua gần hết cuộc đời ở nơi mà cái xấu va cái ác ngự trị. Công việc cai ngục ấy đã giam cầm chính cuộc đời ông. Những hình ảnh so sánh của nhà văn về gương mặt của QN như “nước ao xuân”, bằng lặng, kín đáo, và êm nhẹ” hay ông như “môt thanh âm trong trẻo chen vào giữa một bản đàn mà nhạc luật đều hỗn loạn xô bồ” hoặc con người ông là một sự “thuần khiết giữa một đống cặn bã”…đã cho thấy rõ hơn con người QN Hóa ra ông đã chọn lầm nghề mà sự kiện HC sắp đến đây chính là dịp ông nhìn thấy rõ lòng mình cũng như hiểu hơn về tình cảh đáng buồn của cuộc đời mình.
        + Những xét đoán của của Qn về thầy thư lại cho thấy sự sâu sắc và từng trải của ông . QN đã đánh giá nhân cách con người thông qua tình cảm của họ, lấy tiêu chí biết kính mến khí phách, biết tiếc, biết trọng người có tài để nhận định tốt xấu, vô tình hay hữu ý…Đây không chỉ là tiêu chí đánh giá con người  của riêng QN mà còn là cách nhận định của nhà văn – một con người luôn muốn khám phá người khác ở phương diện tài hoa, nghệ sĩ- những người biết trân trọng cái đẹp, cái tài.
    - Trong đêm cuối cùng trước ngày HC ra pháp trường, QN đã đươc HC cho chữ. Hình ảnh ông “khúm núm cất những đồng tiền kẽm đánh dấu ô chữ trên phiến lụa óng; cảm động vái người tù một vái, chắp tay nói một câu mà dòng nước mắt rĩ vào kẽ miệng làm cho nghẹn ngào” không những làm mêm lòng HC mà làm cho người đọc cảm phục. “Đúng là có những cái cúi đầu làm cho con người ta trở nên hèn hạ, có những cái vái lạy làm cho con người đê tiện. Nhưng cũng có những cái cúi đầu làm cho con người bỗng trở nên cao cả hơn, lớn lao hơn, lẫm liệt hơn, sang trọng hơn. Đấy là cái cúi đầu trước cái tài, cái đẹp, cái thiên lương”(Nguyễn Đăng Mạnh) của VQN.
+ Nhận xét:
        - Nếu HC là một nghệ sĩ tài ba trong nghệ thuật thư pháp thi VQN tuy không làm nghệ thuật nhưng có một tâm hồn nghệ sĩ: say mê và quí trọng cái đẹp
        - Nếu HC là người có khí phách hiên ngang, bất khuất thì VQN là kẻ không biết sợ cường quyền bởi việc biệt đãi tử tù là một hành vi rất dũng cảm.
        - HC không chỉ dũng cảm, không sợ cái chết, coi khinh tiền bạc và cường quyền phi nghĩa mà còn mến yêu cái thiện, mềm lòng trước thiên lương trong sạnh của VQN (sẵn lòng cho chữ khi hiểu rõ thiện tâm của VQN). VQN cũng vậy, vẻ đẹp của ông thể hiện ở việc sùng kính HC- hiện thân của cái tài, cái đẹp, cái thiên lương cao cả.
        Tóm lại, trong hoàn cảnh của QN, vẫn giữ được sở nguyện cao quý, vẫn yêu và quý trọng cái tài, vẫn khát khao được thưởng thức cái đẹp như ông là điều không dễ. Đồng thời, việc sẵn sàng bỏ công việc và quyền lực để giữ “thiên lương cho lành vững” càng cho thấy ông là người đáng được nể trọng và ca ngợi. Bởi đó là điều không ai đủ dũng cảm để thực hiện nó.

    3. Cảnh cho chữ:
    - Cảnh cho chữ diễn ra ở thời điểm đêm đã về khuya và trong một cái không gian chật hẹp, tối tăm của nhà ngục với “một cảnh tượng xưa nay chưa từng có, đã bày ra trong một buồng tối chật hẹp, ẩm ướt, tường đầy mạng nhện, đất bừa bãi phân chuột, phân gián”
    - Trong cảnh này, tác giả đã khéo tạo nên những hình ảnh đối lập :
        + Sự đối lập giữa cái đẹp của “tấm lụa trắng tinh”, “phiến lụa óng”, “nét chữ vuông tươi tắn”, “thỏi mực thơm” với cái dơ dáy, bẩn thỉu của “buồng tối chật hẹp, ẩm ướt, tường đầy mạng nhện, đất bừa bãi phân chuột phân gián”
    + Giữa cái ác, nơi tăm tối của nhà ngục cái đạp vẫn sống, không hề bị tiêu diệt.
        + Sự đối lập giữa hình ảnh người tù “cổ đeo gông, chân vướng xiềng đang dậm tô nét chữ trên tấm lụa trắng tinh căng trên mảnh ván” với hình ảnh QN “khúm núm” và thầy thư lại gầy gò “run run bưng chậu mực”
    + Sự chuyển hóa của quyền lực, VQN nắm trong tay quyền hành hạ đánh đập HC lại trở nên khúm núm trước tử tù. Đó phải chăng là sức mạnh của cái đẹp, cái thiện đã chiến thắng cái xấu, xái ác.
    - Điều cuối cùng trong cảnh cho chữ là lời Hc khuyên bảo VQN “Thầy Quản nên tìm về nhà quê mà ở đã, thầy hãy thoát cái nghề này đi đã, rồi hãy nghĩ đến việc chơi chữ. Ở đây khó giữ thiên lương cho lành vững và rồi cũng đến nhem nhuốc mất cả đời lương thiện đi” và thái độ cảm động của QN trước lời khuyên đó và hứa nghe theo “kẻ mê muội này xin bái lĩnh. Đây là một điều có ý nghĩa vô cùng sâu sắc và độc đáo, phải chăng với điều này, tác giả muốn nói với chúng ta rằng: giữa cái ác, cái đẹp vẫn không bị tiêu diệt; nhưng cái đep không thể sống chung với cái ác, cái xấu; cái đẹp phải đi đôi với cái thiện. Muốn thưởng thức cái đẹp tâm hồn con người phải lương thiện, trong sáng, thanh cao.
    - Đây đúng là “cảnh tượng xưa nay chư từng có” vì:
        + Việc cho chữ vốn là việc thanh cao, một sáng tạo nghệ thuật lại diễn ra trong không gian buồng giam tử tù. Cái đẹp được sản sinh giữa chốn hôi hám, nhơ bẩn; thiên lương lại tỏa sáng ở chính nơi bóng tối và cái ác ngự trị. Người nghệ sĩ lại trong vị thế của tử tù.
        + Trật tự trong nhà tù bị đảo ngược hoàn toàn: tù nhân trở thành người ban phát cái đẹp, răn dạy ngục quan; ngục quan thì khúm núm vái lạy tử tù.
        + Từ cảnh tượng này, chủ đề tác phẩm được thể hiện sâu sắc: ánh sáng chiến thắng bóng tối, cái đẹp chiến thắng sự xấu xa, nhơ bẩn; thiên lương chiến thắng cái ác…Đó là sự tôn vinh cái đẹp, cái thiện và nhân cách cao cả của con người bằng một bức tranh đầy ấn tượng.

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây