Đề và đáp án môn Ngữ Văn đợt 1, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021

Thứ tư - 07/07/2021 09:06
Đề thi, hướng dẫn giải và đáp án môn: Ngữ Văn đợt 1, kỳ thi tốt nghiệp THPT Quốc gia năm 2021.
Đề và đáp án môn Ngữ Văn đợt 1, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021

ĐỀ THI CHÍNH THỨC
KỲ THI TỐT NGHIỆP TRUNG HỌC PHỔ THÔNG NĂM 2021
Bài thi: NGỮ VĂN

Thời gian làm bài : 120 phút, không kể thời gian phát đề

I. ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)

Đọc đoạn trích:
Từ những kẽ hở trên mặt đất, nước trào lên, mát lạnh và trong lành. Từ một dòng nước nhỏ, nước hòa vào với nước tươi mát rơi từ trên trời và nước thấm vào đất để tạo nên một dòng suối nhỏ cứ chảy mãi xuống cho tới khi, một dòng sông ra đời.
Sóng hình thành lực đẩy và cuốn trôi dần các lớp đất và nền khi dòng chảy từ từ mở rộng và sâu thêm, giống như một đứa trẻ với đôi mắt sáng ngời vươn mình lớn dậy. Dòng sông trở nên đủ mạnh mẽ để xuyên qua núi hay thậm chí tạo thành một hẻm núi.[…]
Khi nước gặp con người, nó còn được chứng kiến nhiều chuyện nhiều hơn. Một ông lão băng qua cây cầu, một cô gái trẻ trên chiếc xe đạp, một đôi tình nhân ngồi ngắm sông trôi. Cứ mãi chầm chậm và cứ mãi xanh, dòng sông chứng kiến lũ trẻ chơi đùa trong công viên hai bên bờ và người cha cùng cậu con nhỏ đang chơi bắt bóng.
Dòng sông, giờ đã ở tuổi xế chiều, lại càng trở nên dịu dàng khi nó tiến dần ra phía biển. Rồi cũng đến lúc nó ra tới biển và dòng chảy của nước cuối cùng cũng đi tới hồi kết.
Tất cả những trầm tích được nước mang theo lúc đó lắng lại ở cửa sông. Kết quả là một vùng châu thổ được hình thành. Sông Hằng, sông Mississippi và sông Amazon đều đã hình thành những châu thổ tựa như hình chiếc lược tại nơi chúng gặp gỡ biển cả. Đều có khởi nguồn như một bờ cát nhỏ cuối cùng đã phát triển thành một vùng đất rộng lớn, tạo nên một đường bờ biển mới và rộng rãi. Những vùng châu thổ màu mỡ này hình thành nên những vùng nông nghiệp vĩ đại nhất trên thế giới – món quà cuối cùng mà nước dành tặng cho loài người, trước khi nó hiến mình cho đại dương vào lúc cuối đời.
(Trích Bí mật của nước, Masaru Emoto, NXB Lao động, 2019, tr. 90-93)

Thực hiện các yêu cầu sau:
Câu 1: Theo đoạn trích, sự ra đời của một dòng sông diễn ra như thế nào?
Câu 2: Theo đoạn trích, món quà cuối cùng nước dành tặng cho loài người trước khi hòa vào biển cả là gì?
Câu 3: Những câu văn sau giúp anh/chị hiểu gì về dòng chảy của nước và cuộc sống của con người?
Một ông lão băng qua cây cầu, một cô gái trẻ trên chiếc xe đạp, một đôi tình nhân ngồi ngắm sông trôi. Cứ mãi chầm chậm và cứ mãi xanh, dòng sông chứng kiến lũ trẻ chơi đùa trong công viên hai bên bờ và người cha cùng cậu con nhỏ đang chơi bắt bóng.
Câu 4: Qua hành trình từ sông ra biển của nước trong đoạn trích, anh/chị rút ra những bài học gì về lẽ sống?

II. LÀM VĂN (7,0 điểm)

Câu 1 (2,0 điểm)
      Từ nội dung đoạn trích ở phần Đọc hiểu, hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về sự cần thiết phải biết sống cống hiến.
Câu 2. (5,0 điểm)                                                       
      Trong bài thơ Sóng, nhà thơ Xuân Quỳnh viết:
Trước muôn trùng sóng bể
Em nghĩ về anh, em
Em nghĩ về biển lớn
Từ nơi nào sóng lên?

Sóng bắt đầu từ gió
Gió bắt đầu từ đâu?
Em cũng không biết nữa
Khi nào ta yêu nhau

Con sóng dưới lòng sâu
Con sóng trên mặt nước
Ôi con sóng nhớ bờ
Ngày đêm không ngủ được
Lòng em nhớ đến anh
Cả trong mơ còn thức
(Ngữ văn 12, Tập một, NXB Giáo dục Việt Nam, 2020, tr. 155)
Cảm nhận của anh/chị về đoạn thơ trên. Từ đó, nhận xét vẻ đẹp nữ tính trong thơ Xuân Quỳnh.
------------- HẾT -------------
 
HƯỚNG DẪN GIẢI VÀ ĐÁP ÁN
 
Phần I Nội dung Điểm
Câu Đọc hiểu 3.0
1 Từ những kẽ hở trên mặt đất, nước trào lên, mát lạnh và trong lành. Từ một dòng nước nhỏ, nước hoà vào với nước tươi mát rơi từ trên trời và nước thấm vào đất để tạo nên một dòng suối nhỏ cứ chảy mãi xuống cho tới khi một dòng sông ra đời. 0.5
2 Tất cả những trầm tích được nước mang theo lúc đó lắng lại ở cửa sông kết quả là một vùng châu thổ màu mỡ được hình thành để tạo nên những vùng đất nông nghiệp bao la, rộng lớn, trù phú. Đó là món quà tuyệt diệu cuối cùng mà nước tặng cho con người trước khi hòa vào đại dương.. 0.5
 
3 Dòng sông gắn liền với cuộc sống con người với sức sống trào dâng. Chan hòa với cuộc đời của con người, nó là người bạn tri kỉ từ ấu thơ cho đến trưởng thành đã là chứng nhân mối tình của tuổi trẻ và ngay cả tuổi xế chiều. Dòng sông êm đềm chảy qua sự sống, gắn liền với sinh hoạt, là hơi thở của biết bao thế hệ, là chứng nhân cho những đổi thay cuộc đời con người. Một mối liên kết thật nhẹ nhàng, sâu lắng đến thiết tha. 1.0

 
4 Từ những khe nứt nhỏ đến dòng suối cho đến thành sông, theo con sóng bồi đắp phù sa rồi hòa vào biển lớn, như ý nghĩa cuộc đời từ lúc sinh ra, trưởng thành, phát triển và hòa nhập, cống hiến tan vào hư vô. Từ đó rút ra nhừng bài học:
- Bài học trân quý cội nguồn, nơi mình bắt đầu và sinh ra.
- Sức sống mạnh mẽ, ý chí, nghị lực vượt qua mọi gian khó, vươn tới tương lai.
- Sống có ích, hiện sinh, tỏa sống đẹp, cống hiến với tất cả những gì ta có cho đời.
1.0



 

Phần II Làm văn
Câu 1 Trình bày suy nghĩ về “Sự cần thiết phải biết sống cống hiến ”
  a. Đảm bảo yêu cầu về hình thức đoạn văn     
- Thí sinh có thể trình bày đoạn văn theo hình thức diễn dịch, quy nạp, tổng hợp – phân tích, móc xích hoặc song hành.
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: “Sự cần thiết phải biết sống cống hiến”
c. Triển khai vấn đề nghị luận
- Thí sinh lựa chọn thao tác lập luận phù hợp để triển khai vấn đề lập luận theo nhiều cách khác nhau nhưng phải làm rõ Sự cần thiết phải biết sống cống hiến”. Bài viết có thể triển khai theo hướng sau:
Giới thiệu vấn đề:
+ “Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình”. Câu thơ của Tố Hữu khẳng định giá trị của sự sống là cống hiến, như dòng sông đã cống hiến đến phút giây cuối cùng trước khi tan loãng vào đại dương. Sống cống hiến là một quan niệm sống tích cực, sống đẹp.
Phần triển khai vấn đề:
- Giải thích vấn đề:
+ Cống hiến là gì? Một câu hỏi luôn khắc khoải trong tâm hồn mọi người về ý nghĩa của cuộc sống. Sống không chỉ là sự tồn tại như W. Shakespeare đã viết trong Hamlet “to be or not to be”. Tồn tại hay không tồn tại, và con người không chỉ là tồn tại mà là phải sống với ý nghĩa cao đẹp là yêu thương và cống hiến. Cống hiến là dâng tặng những gì mình có cho cuộc đời.
+ Khi sinh ra con người đã mắc nợ cuộc sống, nợ cha mẹ, nợ thầy cô, nợ xã hội và nợ quê hương. Sống cống hiến là một phần giúp chúng ta trả món nợ làm người như dòng sông chở nặng phù sa, trầm tích để tạo nên những cánh đồng màu mỡ cho sự sống dâng trào.
+ Tại sao phải sống cống hiến?                                                                         
. Cống hiến là nét đẹp văn hóa, là lẽ sống của con người, là thước đo nhân phẩm.
. Cuộc sống của mỗi người chỉ có một, nên cần phải sống cho xứng đáng, như nhà văn Nicôlai Ơxtôrốpxki đã nói: “Đời ta chỉ sống có một lần thôi. Phải sống sao cho khỏi ân hận vì những năm tháng sống hoài sống phí”. Giá trị của một người là lợi ích của họ mang lại cho người khác. Cống hiến chính là lẽ sống cao đẹp, mang lại lợi ích cho cộng đồng.
- Bài học rút ra:
+ Chúng ta cần phải sống cống hiến, vì giá trị cực kỳ quý báu của nó đối với mỗi người, đối với cuộc đời…
+ Chúng ta cần phải biết cống hiến, đặc biệt trong hoàn cảnh khó khăn dịch bệnh, thiên tai bão lụt.
- Kết thúc vấn đề:
+ Nếu chúng ta biết sống cống hiến thì cuộc sống càng có ý nghĩa, “mình vì mọi người, mọi người vì mình”. Nếu tất cả chúng ta đều biết sống cống hiến thì cuộc sống sẽ đẹp và có ý nghĩa hơn rất nhiều.
Câu 1:
Cách
khác
Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ biết dành phần ai” (Trần Long Ẩn). Chẳng ai muốn mình phải vất vả để làm những điều gian khổ cả. Thế nhưng, không phải vì thế mà chúng ta có quyền ỉ lại vào người khác, dồn đẩy những điều khó khăn để người khác gánh. Trong ta phải nghĩ đến trách nhiệm của bản thân với xã hội và biết sống cống hiến. Đây là một quan niệm sống tích cực: sống vì mọi người, không lẩn tránh, biết gánh vác, sẵn sàng đương đầu, vượt lên mọi thử thách, sống có trách nhiệm với xã hội. Sống cống hiến là làm tròn bổn phận, nghĩa vụ, chức trách đối với xã hội, không trốn tránh trách nhiệm, sẵn sàng phục vụ xã hội, cộng đồng, đất nước… Tại sao phải sống cống hiến? Sống cống hiến là một chuẩn mực để đánh giá sự trưởng thành của con người, sống có trách nhiệm với cộng đồng là thước đo giá trị của bạn trong xã hội, là yếu tố đánh giá khả năng hòa nhập cộng đồng của mỗi người. Mối quan hệ giữa cá nhân và cộng đồng là vô cùng mật thiết, mọi hành động của cá nhân đều ảnh hưởng đến xã hội và ngược lại mọi sự thay đổi của xã hội đều có tác động đến mỗi người. Vì thế, hãy thể hiện trách nhiệm trong việc xây dựng xã hội ngày một tốt đẹp hơn. Sống cống hiến giúp ta hoàn thành tốt công việc và nhiệm vụ; được mọi người xung quanh quý mến, tin yêu. Trong cuộc sống, có những con người luôn biết sống vì người khác, không ngại khó, ngại khổ, biết vì lợi ích của cộng đồng, biết vì mọi người, sống có trách nhiệm… Đó là những con người có nhân cách cao quý, có cuộc sống đáng trân trọng. Dẫn chứng: Hồ Chí Minh cả đời đấu tranh cho dân tộc… Louis Pasteur vì sự sống con người, sẵn sàng thí nghiệm vắc xin chống dại ngay trên cơ thể chính mình… Đặng Thùy Trâm từ giã Hà Nội vào nơi ác liệt của chiến trường…; Thời bình: những chiến sĩ Trường Sa, nhân vật anh thanh niên, những người trẻ tình nguyện trong các chiến dịch “Mùa hè xanh”… Đặc biệt, trong đại dịch Covid đang diễn biến phức tạp, biết bao đội ngũ y bác sĩ, bao chiến sĩ, bao thanh niên ngày đêm cống hiến để dập dịch. Bên cạnh đó cũng có những con người luôn sống vị kỉ, cá nhân, nhỏ nhen, luôn tránh né, đùn đẩy khó khăn cho người khác, sống vụ lợi, lợi dụng sự giúp đỡ của người khác để thu vén cho bản thân… Lối sống đó rồi sẽ bị xã hội đào thải. Có những loại người chỉ biết ăn chơi, hưởng thụ, luôn đòi hỏi ở người khác vì mình, vô trách nhiệm với gia đình, xã hội và cả với bản thân… Bởi vì  “Thước đo của cuộc đời không phải là thời gian mà là sự cống hiến” (Peter Marshall).
 
Câu 2 Cảm nhận về đoạn thơ trong bài Sóng của Xuân Quỳnh. Từ đó, nhận xét vẻ đẹp nữ tính trong thơ Xuân Quỳnh.
  a. Đảm bảo cấu trúc bài văn nghị luận: mở bài giới thiệu được vấn đề, thân bài triển khai được vấn đề, kết bài khái quát được vấn đề.
  b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: Cảm nhận về đoạn thơ. Từ đó, làm nổi bật vẻ đẹp nữ tính của Xuân Quỳnh.
  c. Triển khai vấn đề cần nghị luận: Học sinh vận dụng hợp lí các thao tác lập luận để triển khai và đánh giá vấn đề; đảm bảo các yêu cầu sau:
  * Giới thiệu khái quát về tác giả, tác phẩm, đoạn trích và nhận xét vẻ đẹp nữ tính của Xuân Quỳnh.
  *Nội dung:
a. Khổ thơ thứ nhất, Xuân Quỳnh băn khoăn nghĩ về anh và em, về nơi tình yêu bắt đầu:
- Trong khổ thơ này, nhân vật trữ tình “em” bắt đầu xuất hiện. Nhưng đây không phải là một cá nhân trơ trọi, cô đơn trước thiên nhiên bao la rộng lớn mà đó là cái “tôi” nữ tính rất tự tin vào tình yêu của mình.
-  Câu thơ mở đầu, Xuân Quỳnh nhìn về biển khơi “Trước muôn trùng sóng bể”, chị chợt bâng khuâng nghĩ suy về anh và em “Em nghĩ về anh, em”.
- Những nghĩ suy ấy tất cả là để đặt một câu hỏi lớn: “Từ nơi nào sóng lên?”. Đây cũng là tiền đề cho nỗi băn khoăn, trăn trở của Xuân Quỳnh ở khổ thơ thứ hai.
b. Khổ thơ thứ hai, nhà thơ lý giải về nguồn gốc của sóng của gió và qua đó tự bâng khuâng về khởi đầu của tình yêu:
      - Giữa đại dương mênh mông ấy, nơi nào là nơi bắt đầu của sóng? Khó mà trả lời cho chính xác, song có thể nói rằng: “Sóng bắt đầu từ gió”. Câu thơ đầu nhà thơ tự lý giải nguồn gốc của sóng là từ gió nghĩa là sóng biển khởi nguồn từ gió, nhờ gió mà có sóng lên. Nhưng ở câu thơ thứ hai nhà thơ lại không lý giải được nguồn gốc của gió “Gió bắt đầu từ đâu”.
        Lí giải được ngọn nguồn của sóng thì dễ bởi “Sóng bắt đầu từ gió” nhưng để hiểu ‘Gió bắt đầu từ đâu” thì thi nhân lại ấp úng “Em cũng không biết nữa”. Cũng như tình yêu anh và em nó đến rất bất ngờ và tự nhiên bởi “Tình yêu đến trong đời không báo động”. Câu thơ “Khi nào ta yêu nhau” như một cái lắc đầu nhè nhẹ, rất là nữ tính.
c. Khổ thơ thứ nhất bằng biện pháp nhân hóa và ẩn dụ, nhà thơ mang đến cho người đọc nỗi nhớ của sóng về bờ, đồng thời cũng là nỗi nhớ của em về anh:
        - Phép nhân hóa và ẩn dụ tạo nên những câu thơ mang tâm hồn của sóng. Đây là một khổ thơ vô cùng đặc biệt, bởi trong bài thơ chỉ duy nó có sáu câu. Sáu câu thơ trải dài như nỗi thao thức, băn khoăn của tâm hồn thi sĩ trong đêm. Nỗi nhớ bao trùm cả không gian, thời gian: “Lòng sâu” – “mặt nước” – “ngày” – “đêm”.
Con sóng dưới lòng sâu
Con sóng trên mặt nước
Hai câu thơ với hình thức lặp cấu trúc quyện hòa kết hợp nghệ thuật đối tạo nên sự điệp trùng của những con sóng với nhiều dạng thức khác nhau. Sóng không chỉ “dữ dội – dịu êm”; “ồn ào – lặng lẽ” mà sóng còn hiện diện “dưới lòng sâu” (sóng ngầm), “trên mặt nước” (sóng nổi).
Cả hai kết hợp với nhau làm nên sự đa dạng của sóng biển. Sóng là em, em là sóng. Cũng như sóng kia, tâm hồn em cũng vô vàn những phức tạp khó hiểu với nỗi nhớ ấy như trải ra khắp không gian.
- Hai câu tiếp theo diễn tả nỗi nhớ của sóng, dù sóng trên mặt nước hay sóng dưới lòng sâu thì cả hai đều nhớ bờ, đều hướng vào bờ.
“Ôi con sóng nhớ bờ
Ngày đêm không ngủ được”
 Xuân Quỳnh vô cùng tinh tế khi mượn một hình tượng rất động và rất tĩnh để diễn tả nỗi niềm, tâm trạng của người phụ nữ khi yêu. Sóng muôn đời vẫn thế, có khi nào thôi ngừng hành trình đến với bờ, dù muôn vời cách trở. Bờ như là một ẩn dụ về hình ảnh và điểm đến của tình yêu.
- Hai câu cuối là lúc mà hình tượng “em” hiện ra. Ấy chính là nỗi lòng người phụ nữ đang yêu: nồng nàn, băn khoăn, bồn chồn, thao thức:
Lòng em nhớ đến anh
Cả trong mơ còn thức
- Nếu sóng “nhớ bờ” thì “em nhớ anh”. Đó là quy luật của tình yêu muôn thuở.
- Câu thơ “Cả trong mơ còn thức” tựa như một con sóng đi xuyên qua hai cõi: Thực và Mộng. Câu thơ  là điểm sáng của nghệ thuật. Nó làm đảo lộn nhịp sống.
Đây là khổ thơ đặc biệt, dài nhất trong bài thơ được Xuân Quỳnh dùng để nói về bản chất của tình yêu, đó là nỗi nhớ. Ở đây ta bắt gặp một tâm hồn phụ nữ chủ động trong tình yêu, mạnh dạn giãi bày một tình yêu đầy nhớ nhung say đắm. Mượn mối tình bất tử của sóng và bờ, Xuân Quỳnh đã đặt tình yêu của mình sánh ngang tầm với vũ trụ bao la.
* Nghệ thuật:
- Thể thơ năm chữ tạo âm điệu của những con sóng biển.
- Nghệ thuật đối lập, nhân hóa, ẩn dụ… ngôn ngữ mộc mạc, giản dị. Tất cả đã tạo nên những vần thơ tình yêu hay và gợi cảm.
 
  *Nhận xét vẻ đẹp nữ tính trong thơ Xuân Quỳnh:
         Thơ Xuân Quỳnh là tiếng nói của tâm hồn người phụ nữ đầy trắc ẩn với khao khát hạnh phúc đời thường, vừa hồn nhiên, tươi tắn, chân thành thiết tha, nồng nàn, chung thủy, muốn vượt lên thử thách của thời gian và sự hữu hạn của đời người.
 
  d. Chính tả, dùng từ, đặt câu: đảm bảo đúng chính tả, ngữ pháp và ngữ nghĩa tiếng Việt.
  e. Sáng tạo: có cách diễn đạt mới mẻ, thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận

 

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây