Em sẽ chọn tấm biển nào để treo ở cửa phòng riêng của mình: Cửa phòng con luôn mở. Xin mời bố mẹ vào! - “Vùng lãnh thổ” của con! (Bài 2)

Thứ sáu - 23/09/2022 11:29
Em sẽ chọn tấm biển nào để treo ở cửa phòng riêng của mình trong hai tấm biển sau đây:
1. Cửa phòng con luôn mở. Xin mời bố mẹ vào!
2. “Vùng lãnh thổ” của con!
Em sẽ chọn tấm biển nào để treo ở cửa phòng riêng của mình: Cửa phòng con luôn mở. Xin mời bố mẹ vào! - “Vùng lãnh thổ” của con! (Bài 2)
Thư gửi bố mẹ.
Bố mẹ ạ!

Con cảm ơn bố mẹ đã xây cho con phòng riêng và cho con tự quyết định nên treo tấm biển nào lên cửa phòng mình trong hai tấm biển:

1. Cửa phòng con luôn mở. Xin mời bố mẹ vào!
2. Vùng lãnh thổ của con!

Để bố mẹ có thể hiểu hơn tính cách của con, con quyết định chọn tấm biển thứ hai rồi đấy bố mẹ!

Trong đầu con thường có ý nghĩ “mình đã lớn”, vì năm nay con đã 16 tuổi. Ở tuổi này, không chỉ con, mà mọi đứa con gái khác đều nghĩ rằng mình đã đủ lớn, đã có thể tự lập. Không chỉ vậy, con cũng đã có một số “cột móc” thành công để “củng có niềm tin” đó đấy: giải Văn cấp Thành phố này, danh hiệu Cháu ngoan Bác Hồ này, rồi cả Chỉ huy Đội xuất sắc nữa. Con đã từng làm Liên đội trưởng, chỉ huy và quản lí cả một Liên đội bốn năm liền xuất sắc đấy thôi. Và khi con vấp ngã, con cũng đã cố gắng hết sức mình để đứng dậy, vượt qua nó mà không cần nhờ đến bố mẹ.

Bố mẹ thấy không? Những việc ấy làm cho con cứng cáp, trưởng thành hơn và trở thành “người lớn” rồi đấy ạ. vì con “đã lớn”, nên con cảm thấy khó chịu vô cùng khi thấy bố mẹ quá để ý, quan tâm đến những việc con làm. Bố mẹ nhớ chứ, lần con vô tình để quên quyển nhật kí trên bàn ấy, bố mẹ đã vô tình đọc được những dòng nhật kí con viết. Lại vô tình, con nhìn thấy... Tay bố cầm quyển nhật kí, mắt đăm chiêu. Còn mẹ, đôi hàng nước mắt lặng lẽ lăn trên gò má... Con ngỡ ngàng, xót xa. Nhưng, cảm giác ấy nhanh chóng bị cảm giác tức giận, sự bực bội ghê gớm che lấp mất. Và con đã nói ra những gì không nên nói...

Con biết, tâm lí của bố mẹ - và cũng là tâm lí chung của các ông bố, bà mẹ khác - luôn nghĩ con cái lúc nào cũng bé bỏng, dễ vấp ngã, nên cần được chăm sóc, chở che, thậm chí là kiểm tra, kiểm soát. Nhưng, bố mẹ ơi, càng như vậy thì chúng con càng cảm thấy gò bó và càng có khoảng cách với bố mẹ hơn thôi. Ở độ tuổi này, bọn con cũng cần phải có không gian riêng, nhỏ thôi cũng được, để có thể tự do, thoải mái thể hiện hay cất giữ những tâm sự trong lòng.

Có đôi lần, con thấy mình quá đáng, quá vô trách nhiệm so với cái chuẩn mực để được làm “người lớn” bố mẹ ạ. Bố mẹ đã trải qua “tuổi mới lớn” như con, đã dày dặn kinh nghiệm sống hơn con, và còn hiểu rõ con hơn chính bản thân con hiểu mình, nên biết rõ việc gì là tốt, là không tốt cho con. Thế nhưng con vẫn vô tình bỏ qua (do ở tuổi con, nghĩ thì lâu mà quên thì nhanh lắm ạ!), hay thậm chí cố tình bỏ qua điều đó, chỉ nhất nhất giữ cái suy nghĩ ích kỉ của mình.

Nhiều khi, ngồi một mình suy nghĩ, con lại thấy mình chưa hề lớn đâu. Con vẫn chỉ là một đứa bé nông nổi, bồng bột, là một đứa con gái cứng đầu, suy nghĩ nông cạn thôi. Thế nên, con cũng cần biết mấy sự quan tâm của bố mẹ.

Những lúc con ốm, ai chăm sóc cho con? Là bố mẹ.
Đầu những năm học mới và trong những kì thi, ai động viên, cổ vũ tinh thần cho con? Cũng là bố mẹ.
Khi con phạm lỗi, ai đã mở rộng tấm lòng tha thứ cho con? Chính là bố mẹ...
Con còn cần bố mẹ ở cạnh nhiều lắm!
Nếu có thể, con sẽ ghi thêm vào tấm biển mà con đã chọn dòng chữ: “Xin mời bố mẹ vào!” để bố mẹ thấy dù muốn có “lãnh thổ” riêng, muốn tự lập nhưng con vẫn cần đến sự quan tâm của bố mẹ. Nhưng tất nhiên, sự quan tâm đó chỉ vừa đủ thôi, bố mẹ nhé! Để con biết tự đứng dậy sau mỗi lần vấp ngã, để con từng ngày trưởng thành hơn và quan trọng nhất, là để khoảng cách giữa bố mẹ với con ngày càng gần chứ không phải là xa cách.

Con cảm ơn bó mẹ nhiều. Vì đã cho con tự lựa chọn cách sống. Và vì đã cho con cơ hội nói lên suy nghĩ của mình.
Con gái

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây