Hướng dẫn học Văn 8, Ôn tập phần làm văn

Chủ nhật - 29/09/2019 03:06
Hướng dẫn học Văn 8, Ôn tập phần làm văn
1. Văn bản cần phải có sự thống nhất vì nếu không có sự thống nhất văn bản sẽ bị phân tán, không tập trung vào được vấn đề chính hoặc lạc sang vấn đề khác trong khi triển khai văn bản.
Tính thống nhất của văn bản được thể hiện ở các mặt sau:
- Về nội dung: Các ý trong văn bản phải thống nhất trong một chủ đề.
- Về hình thức: Các câu trong một đoạn, các đoạn trong văn bản phải có sự liên kết chặt chẽ qua các từ nối, quan hệ từ, từ chuyển tiếp. Nếu là văn bản hành chính thì phải đảm bảo các thể thức của loại văn bản hành chính đó.

2. Để viết thành một đoạn văn, cần lưu ý:
- Câu "Em rất thích đọc sách" mở đầu đoạn văn tự nó đã nêu ra chủ đề cho cả đoạn. Bởi vậy, các câu ở phần sau của đoạn văn phải nói rõ: vì sao thích đọc sách và thích đọc sách như thế nào.
- Câu "Mùa hè thật hấp dẫn" đứng cuối đoạn văn, như một lời kết, khép lại phần văn bản đã trình bày, vì thế các câu đứng trước nó cần phải là những câu nêu rõ ràng và cụ thể về sức hấp dẫn mùa hè.

3. Chúng ta cần tóm tắt văn bản tự sự vì:
- Để lưu giữ và nhớ lại khi cần thiết.
- Để giới thiệu ngắn gọn văn bản đó cho người khác biết.
- Để trích dẫn trong những trường hợp cần thiết.
Muốn tóm tắt văn bản tự sự, cần phải theo đúng trình tự sau:
- Đọc kĩ để hiểu đúng chủ đề văn bản.
- Xác định nội dung chính cần tóm tắt.
- Sắp xếp nội dung theo một trình tự hợp lí.
- Viết thành bản tóm tắt.

4. Việc viết văn bản tự sự kết hợp với miêu tả và biểu cảm giúp cho việc kể chuyên sinh động và sâu sắc hơn, đồng thời thể hiện được thái độ tình cảm của người kể.

5. Khi viết (nói) đoạn văn tự sự kết hợp với miêu tả và biểu cảm cần chú ý: Yếu tố tự sự là chính, cần lập dàn ý theo nội dung tự sự, khi viết phải luôn bám sát dàn ý đó. Các yếu tố miêu tả và biểu cảm chỉ có ý nghĩa bổ trợ, có thể đưa vào cho bài văn thêm sinh động nhưng không nên lạm dụng.

6. Văn bản thuyết minh là kiểu văn bản thông dụng trong đời sống hàng ngày. Văn bản thuyết minh cung cấp tri thức về đặc điểm, tính chất, nguyên nhân... của các hiện tượng và sự vật trong tự nhiên, xã hội bằng phương thức trình bày, giới thiệu, giải thích.
Một số văn bản thuyết minh thường gặp:
- Giới thiệu một sản phẩm mới.
- Giới thiệu một danh lam tháng cảnh hoặc một di tích lịch sử.
- Giới thiệu tiểu sử một danh nhân, một nhà văn.
- Giới thiệu một tác phẩm...

7. Muốn làm một văn bản thuyết minh, chúng ta cần phải:
- Xác định đối tượng cần phải được thuyết minh.
- Xác định rõ phạm vi, tri thức khách quan, khoa học về đối tượng cần được thuyết minh đó.
- Lựa chọn phương pháp thuyết minh thích hợp.
- Tìm bố cục thích hợp.
Một số phương pháp thuyết minh sự vật thường gặp:
- Phương pháp nêu định nghĩa, giải thích.
- Phương pháp liệt kê
- Phương pháp nêu ví dụ.
- Phương pháp dùng số liệu.
- Phương pháp so sánh.
- Phương pháp phân loại, phân tích.

8. Bố cục thường gặp nhất khi làm bài thuyết minh bao gồm ba phần:
- Phần mở đầu
Đây là phần giới thiệu đối tượng cần phải thuyết minh (đồ dùng, sản phẩm, di tích, danh lam thắng cảnh...).
- Phần thân bài
Trình bày một cách chi tiết, cụ thể về các mặt như: cấu tạo, đặc điểm, lợi ích, và những điểm nổi bật khác của đối tượng.
- Phần kết bài
Bày tỏ thái độ đối với đối tượng.

9. Luận điểm trong bài văn nghị luận là những tư tưởng, quan điểm... mà người viết nêu ra trong bài. Với một vấn đề được nêu ra, người viết có thể xây dựng thành một hệ thống luân điểm. Các luận điểm đó phải chính xác, rõ ràng, phù hợp với yêu cầu giải quyết vấn đề và đủ làm sáng tỏ vấn đề được đặt ra. Bên cạnh đó, các luận điểm vừa có sự liên kết chặt chẽ vừa có sự phân biệt với nhau và được sắp xếp theo một trật tự hợp lí.
Ví dụ: Với đề bài "Vì sao chúng ta phải đổi mới phương pháp học tập", có thể đưa ra một số luận điểm như sau:
- Phương pháp học tập có ảnh hưởng lớn đến kết quả học tập.
- Phương pháp học tập cũ (thụ động, máy móc...) hạn chế kết quả học tập.
- Cần xây dựng phương pháp học tập mới (tích cực, chủ động...) nhằm mang lại hiệu quả cao...

10. Trong một bài văn nghị luận, hệ thông luận điểm, lập luận đóng vai trò then chốt. Tuy nhiên, việc kết hợp các yếu tố biểu cảm, tự sự và miêu tả làm cho bài văn nghị luận thêm sinh động, tăng sức hấp dẫn, sức thuyết phục đối với bạn đọc.
Ví dụ, trong Chiếu dời đô của Lý Công uẩn có đoạn: "Huống gì thành Đại La. kinh đô cũ của Cao Vương. Ở vào nơi trung tâm trời đất được cái thế rồng cuộn hổ ngồi. Đã đúng ngôi nam bắc đông tây, lại được thế nhìn sông dựa núi. Địa thế rộng mà bằng, đất đai cao mà thoáng. Dân cư khỏi chịu cảnh khốn khổ ngập lụt, muôn vật cũng rất mực phong phú tốt tươi. Xem khắp đất Việt ta, chỉ nơi này là thắng địa. Thật là chốn tụ hội của bốn phương đất nước, cũng là nơi kinh đô bậc nhất của đế vương muôn đời”.
Trong đoạn trích trên, trước khi đi đến luận điểm: "Thành Đại La là nơi thắng địa. chốn tụ hội bốn phương, kinh đô hen nhất của đế vương muôn đời”. Lí Công Uẩn đã miêu tả rất chi tiết địa thế xung quanh Đại La. Cách miêu tả như vậy khiến người đọc, người nghe có thể hình dung rõ về nơi "thánh địa" ấy, qua đó, luận điểm cúa tác giả tăng thêm sức thuyết phục.

11. Văn bản tường trình là văn bản dùng để trình bày lại một cách cụ thể, chi tiết những thiệt hại hay mức độ trách nhiệm của người tường trình trong các sự việc xảy ra hậu quả để những người có trách nhiệm hoặc cơ quan có thẩm quyền xem xét.
Văn bản thông báo là văn bản dùng để truyền đạt thông tin cụ thể của cơ quan, đoàn thể, người tổ chức đến những người dưới quyền, thành viên đoàn thể, hoặc những ai quan tâm đến nội dung thông báo được biết để thực hiện hay tham gia.
Văn bản thông báo và văn bản tường trình giống nhau ở chỗ:
- Đều là những văn bản thuộc loại hành chính
- Đều có nơi gửi (hoặc người gửi) và nơi nhận (hoặc người nhận).
Tuy nhiên, giữa hai loại văn bản này cũng có nhiều điểm khác nhau cơ bản. Nội dung của văn bản thông báo là nhằm truyền đạt thông tin cụ thể của cơ quan, đoàn thể, người tổ chức báo cho những người dưới quyền, thành viên đoàn thể, hoặc những ai quan tâm đến nội dung thông báo được biết để thực hiện hay tham gia. Ngược lại, Nội dung của bản tường trình là nhằm để trình bày thiệt hại hay mức độ trách nhiệm của người tường trình trong các sự việc xảy ra hậu quả cần phải xem xét. Người viết tường trình là người có liên quan đến sự việc. Người nhận tường trình là cá nhân hoặc cơ quan có thẩm quyền xem xét và giải quyết.

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây