Phân tích nhân vật Phùng trong truyện ngắn “Chiếc thuyền ngoài xa” của Nguyễn Minh Châu

Chủ nhật - 10/05/2020 21:59
Nghệ sĩ nhiếp ảnh Phùng trong truyện ngắn “Chiếc thuyền ngoài xa” là người luôn thiết tha săn tìm cái đẹp, biết rung động mạnh mẽ trước vẻ đẹp kì diệu có thực của cuộc đời. Nền văn học thời kì hậu chiến hay lấy hình tượng người lính để ngợi ca, Nguyễn Minh Châu xây dựng Phùng là một người lính năm xưa, giờ là phóng viên ảnh, đi “săn” một tấm hình chụp cảnh bình minh trên biển.
I. Mở bài:
Nghệ sĩ nhiếp ảnh Phùng trong truyện ngắn “Chiếc thuyền ngoài xa” là người luôn thiết tha săn tìm cái đẹp, biết rung động mạnh mẽ trước vẻ đẹp kì diệu có thực của cuộc đời. Nền văn học thời kì hậu chiến hay lấy hình tượng người lính để ngợi ca, Nguyễn Minh Châu xây dựng Phùng là một người lính năm xưa, giờ là phóng viên ảnh, đi “săn” một tấm hình chụp cảnh bình minh trên biển.

II. Thân bài:
1. Phùng là nghệ sĩ nhiếp ảnh, theo yêu cầu của trưởng phòng, anh tới một vùng biển từng là chiến trường xưa của anh để chụp những bức ảnh cho tấm lịch nghệ thuật thuyền và biển. Tại đây, những gì mà Phùng nhìn thấy và nghe thấy đã giúp anh nhận thức được nhiều điều về cuộc đời và nghệ thuật. Cảm xúc của Phùng qua những phát hiện đã giúp người đọc cảm nhận vẻ đẹp của người nghệ sĩ này.

2. Trước hết, Phùng là người có tâm hồn nghệ sĩ, rất nhạy cảm và say mê cái đẹp. Sau mấy buổi sáng “phục kích”, anh đã chụp được “cảnh đắt trời cho”. Đó là cảnh ban mai vùng ven biển, với một chiếc thuyền lưới vó “mũi thuyền in một nét mơ hồ lòe nhòe vào bầu sương mù trắng như sữa có pha đôi chút màu hồng hồng do ánh mặt trời chiếu vào”. Với tâm hồn nghệ sĩ của mình, anh đắm say, ca tụng cảnh đẹp như “bức tranh mực tàu của danh họa thời cổ”. Rồi anh cảm thấy tràn ngập niềm hạnh phúc “bối rối, trái tim như có gì đó bóp thắt vào”. Anh thấy được cái khoảnh khắc trong ngần của tâm hồn, cảm nhận được chân- thiện-mĩ của cuộc đời. Anh cảm thấy tâm hồn mình như được thanh lọc, trở nên trong trẻo và thanh khiết. Từ đó, anh nhận thức “bản thân cái đẹp là đạo đức”. Bằng con mắt và tâm hồn nghệ sĩ của mình, anh đã đưa đến cho người đọc một quan niệm về cái đẹp. Đó chính là cái đẹp là phải có tác dụng thanh lọc tâm hồn, hướng con người đến cái hoàn mĩ.

3. Không chỉ là người có tâm hồn nghệ sĩ mà Phùng còn căm ghét cái ác, cái xấu và có những hành động xứng đáng là một con người. Điều này được thể hiện qua phát hiện thứ hai của anh.
- Bước ra từ chiếc thuyền ngư phủ đẹp như mơ là một người đàn bà xấu xí, mệt mỏi, một người đàn ông cao lớn dữ dằn và một cảnh tượng thô bạo diễn ra: người đàn ông hùng hổ dùng chiếc thắt lưng quật tới tấp vào lưng người đàn bà, vừa đánh vừa nguyền rủa ; người đàn bà cam chịu không một tiếng kêu la... Đứa con thương mẹ đã đánh lại cha để rồi nhận lấy hai cái tát ngã dúi xuống cát. Một cảnh tượng vô cùng tàn nhẫn – cảnh bạo lực gia đình.
- Chứng kiến cảnh tượng đó, nghệ sĩ Phùng “ kinh ngạc đến mức, trong mấy phút đầu, … cứ đứng há mồm ra mà nhìn”. Người nghệ sĩ không tin nổi những gì đang diễn ra trước mắt mình. Anh cũng không thể ngờ rằng đằng sau vẻ diệu kì của tạo hóa lại là bi kịch của cuộc đời, là biểu hiện của cái ác, cái xấu. Chỉ ít phút trước đó, anh còn nhận thấy “ bản thân cái đẹp chính là đạo đức ”, thấy ”chân lí của sự toàn thiện”, thế mà chỉ ngay sau đó chẳng còn gì là đạo đức, là cái đẹp của cuộc đời.
- Ba hôm sau, cũng trong làn sương sớm, Phùng lại chứng kiến cảnh lão đàn ông đánh vợ, cảnh cô chị gái tước đoạt con dao găm mà đứa em trai định dùng làm vũ khí đẻ bảo vệ người mẹ đáng thương. Không thể chịu hơn được nữa, Phùng xông ra buộc lão đàn ông phải chấm dứt hành động độc ác. Lão đàn ông đánh trả, Phùng bị thương, anh được đưa về trạm y tế của tòa án huyện. Phùng quả là một người chính nghĩa. Anh đã đứng lên chống lại cái ác, cái xấu để bảo vệ lẽ công bằng.

4. Vẻ đẹp sâu xa của nghệ sĩ Phùng chính là một tấm lòng trăn trở, lo âu về thân phận con người.
- Lắng nghe, day dứt với câu chuyện cuộc đời người đàn bà hàng chài tại tòa án huyện; Lo lắng, ám ảnh về thân phận và tương lai của con người, nhất là bé Phác.
- Từ đó, Phùng đã có những nhận thức sâu sắc trong quan niệm về cuộc đời và nghệ thuật.

III. Kết bài:
- Đặt nhân vật vật Phùng trong một tình huống đặc biệt – tình huống nhận thức – nhân vật phải liên tiếp đối mặt với những cảnh đời trái ngược, nhà văn đã làm nổi bật những phẩm chất đáng quý của người nghệ sĩ: sự nhạy cảm, say mê cái đẹp và một tấm lòng hướng đến cuộc sống và con người.
- Vẻ đẹp hình tượng nhân vật Phùng góp phần làm nên giá trị của truyện ngắn “Chiếc thuyền ngoài xa”, đồng thời khẳng định tính chất tiên phong của nhà văn Nguyễn Minh Châu trong văn học Việt Nam thời kì đổi mới.

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây