Phân tích truyện cổ tích “Chử Đồng Tử”

Thứ hai - 14/03/2022 11:00
Truyện “Chử Đồng Tử” tuy không dài và không nhiều nhân vật như một số truyện cổ tích có quy mô tương đối lớn và kết cấu chặt chẽ (Thạch Sanh, Tấm Cám, Sọ Dừa) nhưng cũng không ngắn gọn và đơn giản như nhiều truyện cổ tích khác. Chủ yếu nó là một truyện cổ tích thần kỳ nhưng trong đó có cả những đặc điểm của truyền thuyết và tiên thoại, Phật thoại. Về mặt kết cấu, truyện này như là sự “lồng ghép” hợp lý và khéo léo hai ba truyện vào nhau mà thành.
Phân tích truyện cổ tích “Chử Đồng Tử”
Từ đầu đến khi Chử Đồng Tử gặp Tiên Dung và hai người lấy nhau thành vợ chồng, chủ yếu là truyện về Chử Đồng Tử (nhà nghèo, có hiếu với cha, lấy được vợ là công chúa).

Phần thứ hai (từ khi Tiên Dung và Chử Đồng Tử lấy nhau cho đến khi cả khu lâu đài thành quách của họ bay về trời) là truyện về cả hai nhân vật (Tiên Dung và Đồng Tử). Nếu ở phần trước, Tiên Dung đóng vai trò phụ thì ở phần này, nàng trở thành một trong hai nhân vật có vai trò tương tự như nhau (bất phân chính phụ).

Đoạn cuối, chủ yếu là truyền thuyết về Triệu Việt Vương đánh quân xâm lược nhà Lương được gắn vào truyện “Chử Đồng Tử” do hai chi tiết:

– Một là, địa điểm đóng quân của Triệu Việt Vương tại đầm Dạ Trạch, nơi Đồng Tử và Tiên Dung đã ở trước khi bay lên trời cùng với lâu đài, cung điện của họ.

– Hai là, có một “vị thần cưỡi rồng” từ trên trời xuống nơi Triệu Việt Vương đang lập đàn cầu đảo, đưa cho vua một cái vuốt rồng và dặn: “Ngươi cắm chiếc vuốt này lên chỏm mũ đầu mâu thì đi đến đâu giặc tan đến đấy”. Vị thần “cưỡi rồng” ấy được coi là Chử Đồng Tử. Ở đây có chỗ giống với việc thần Kim Quy cho An Dương Vương cái vuốt Rùa vàng để làm lẫy nỏ thần trong truyện “Thần Kim Quy”.

Do những đặc điểm nói trên nên việc bình giảng truyện này chủ yếu xoay quanh hai nhân vật chính: Chử Đồng Tử và Tiên Dung.

II

Ở Việt Nam ta trước đây, Chử Đồng Tử đã từng được coi là một trong bốn nhân vật không chết: “Tứ bất tử” (bao gồm: Tản Viên Sơn Thần, Chử Đồng Tử, Trần Hưng Đạo, Liễu Hạnh) (1).

Như vậy là từ truyện dân gian, Chử Đồng Tử đã đi vào tín ngưỡng, vào tâm linh và tiềm thức con người. Cố nhiên điều này không phải ngẫu nhiên mà có lý do, nguyên nhân và những điều kiện lịch sử cụ thể của nó. Nhưng ở đây, trước hết cần phải tìm hiểu nhân vật Chử Đồng Tử trong truyện kể dân gian, nơi đã sinh ra nhân vật này, đồng thời cũng là nơi gìn giữ sự sống của nhân vật này lâu dài, bền vững nhất.

Nghèo khổ, cô đơn, không nơi nương tựa, đó là những đặc điểm chung của phần lớn các nhân vật chính diện trong truyện cổ tích.

Nhưng nghèo khổ và cô thân, cô thế đến mức như Chử Đồng Tử thì phải nói là đặc biệt, hiếm có (dù là trong truyện cổ tích). Hai cha con Chử Đồng Tử phải dùng chung một cái khố. Tác giả dân gian rất chú ý đến chi tiết này và đã khắc họa, tô đậm thêm bằng lời dặn con thật đau lòng của ông bố khi hấp hối: “Bố chết, con cứ táng trần cho bố, còn cái khố con giữ lấy mà dùng!”. Thật xúc động và bi thảm biết bao! Đó là một trong những lời nói đáng chú ý. Nó giản dị đơn sơ nhưng nặng tình, nặng nghĩa, giàu sức gợi cảm và có giá trị phản ánh, tố cáo hiện thực xã hội rất lớn.

Chử Đồng Tử “không nỡ để cha trần truồng, lấy khố đóng cho cha rồi mới chôn”. Hành động đó của Chử Đồng Tử hợp với tình người và lẽ đời biết bao!

Nhưng cuộc đời đã đẩy Chử Đồng Tử đến một tình huống thật trớ trêu và bi thảm, đáng khóc mà lại cũng đáng cười (hay nói đúng hơn là buồn cười và phải cười!). Vì sau khi mất bố, Chử Đồng Tử mất luôn cả “khố” và trở thành một kẻ ở truồng giữa bãi sông, chỉ có thể che thân bằng “nước”“cát”. Đến lúc này, Chử Đồng Tử đã không cha mẹ, không ruộng vườn nhà cửa, không anh em làng xóm, không cả áo quần, chỉ một mình trần trụi giữa bãi sông và giữa cuộc đời. Ngay cả cái tên Chử Đồng Tử cũng chỉ có nghĩa là Đứa trẻ ở bãi sông mà thôi (2).

Nhưng rồi từ “không” đến “có”, Chử Đồng Tử đã có những cái rất lớn, rất quan trọng. Đó là vợ, mà vợ lại là công chúa Tiên Dung một người đặc biệt (sẽ nói ở phần sau) chứ không phải là một phụ nữ bình thường. Đó còn là cung điện – một cung điện đặc biệt, có tường thành bao bọc, có tướng sĩ canh phòng nghiêm cẩn, có thị nữ, tiểu đồng, quan lại rất đông. Chẳng khác gì cung điện của nhà vua.

Từ cuộc gặp gỡ tình cờ với Tiên Dung trong “phòng tắm” của nàng trên bãi cát, Chử Đồng Tử đã “đổi đời”. Nói theo cách của Gorki thì đó là cuộc đời “nên có”“có thể có” theo quan niệm và lý tưởng của tác giả dân gian.

Từ chỗ không có gì hết ngoài tấm thân trần trụi, Chử Đồng Tử đã có tất cả (vợ đẹp, lâu đài cung điện, kẻ hầu người hạ). Nhưng rồi tất cả đều biến đi như một giấc chiêm bao, bản thân Chử Đồng Tử cũng “bay lên trời” và trở thành một thần nhân “bất tử”. Sự phát triển tính cách và hành động của nhân vật này rất đặc biệt, càng về sau càng khác với những nhân vật cổ tích khác (Sọ Dừa, Thạch Sanh, Tấm Cám…).

Tư tưởng thoát tục chẳng những thể hiện ở chi tiết “tất cả cùng bay về trời” mà còn được bộc lộ ở nhiều chi tiết, nhiều hành động, việc làm khác của Chử Đồng Tử và Tiên Dung. Thí dụ:

a) Việc Đồng Tử lên núi gặp nhà sư Phật Quang và bằng lòng ở lại để nhà sư “truyền phép” cho.

b) Học xong, Đồng Tử xuống núi về nhà “truyền phép mầu” cho Tiên Dung, rồi cả hai người rời bỏ làng xóm đi tìm “nơi thanh vắng để ở”…

Có thể nói, nhân vật Chử Đồng Tử nói riêng cũng như truyện “Chử Đồng Tử” nói chung là sản phẩm tổng hợp của nhiều kiểu sáng tác, nhiều loại tư duy trong đó những yếu tố của tư duy cổ tích pha trộn với những yếu tố của tư duy thần thoại, Phật thoại, tiên thoại… Vì thế truyện này gần với truyện “Tú Uyên”, “Từ Thức” hơn là truyện “Tấm Cám”, “Thạch Sanh”, “Sọ Dừa”…

Ngoài ra, chi tiết “tất cả cùng bay về trời” để lại “Đầm Nhất Dạ”“Bãi Tự Nhiên” còn có ý nghĩa giải thích địa danh và phản ánh một hiện tượng địa chấn, hay hiện tượng đổi dòng đã xảy ra trong lịch sử ở vùng châu thổ sông Hồng. Có người còn coi Chử Đồng Tử như một anh hùng văn hóa trong thần thoại, đã có công trong việc xây dựng làng xóm, nhà cửa trên vùng đồng lầy ở châu thổ sông Hồng. Với chi tiết “bay về trời” và chi tiết “từ trên trời cưỡi rồng bay xuống nơi Triệu Việt Vương lập đàn cầu đảo (ở đầm Nhất Dạ) đưa cho nhà vua cái “vuốt rồng” để cắm lên mũ “đầu mâu”…, Chử Đồng Tử còn có nét giống với Thánh Gióng và thần Kim Quy nữa.

III

Tiên Dung cũng là một nhân vật rất độc đáo và đáng chú ý. Chính Tiên Dung (chứ không phải Chử Đồng Tử) đã chủ động kết hôn với Chử Đồng Tử và không hề hỏi ý kiến của vua cha. Cho nên vua cha (Hùng Vương thứ 18) mới tức giận và ra lệnh “gọi hết binh lính và người hầu của Tiên Dung về”. Tự do và tự chủ là hai nét rất nổi bật trong tính cách của Tiên Dung. Tư tưởng thoát ly trần tục, không màng vinh hoa, phú quý ở Tiên Dung còn mạnh hơn nhiều so với Chử Đồng Tử. Hay nói đúng hơn, chính Chử Đồng Tử đã bị Tiên Dung cảm hóa, “lãnh đạo”.

Những lời nói của Tiên Dung với Chử Đồng Tử khi gặp chàng trong “buồng tắm” ở bãi sông mà các bản kể đều ghi lại gần giống nhau, là rất đáng chú ý, vì nó bộc lộ rất rõ tính tự do, chủ động của nàng. Nàng không theo ý cha, không chịu lấy chồng, chỉ thích đi du ngoạn núi sông. Nhưng khi tình cờ gặp Chử Đồng Tử trong “buồng tắm” giữa bãi sông thì nàng quyết định kết hôn ngay, vì coi đó là lẽ tự nhiên, là “không cưỡng được ý Trời”. Tiên Dung nói: “Tôi đã nguyện không lấy chồng. Nay duyên Trời run rủi, lại gặp chàng chốn này, mới biết cưỡng không được với Trời” và “Thiếp với chàng là tự trời xe duyên, việc gì mà từ chối!”. Nói theo cách nói ngày nay thì Tiên Dung đã “tấn công” Chử Đồng Tử một cách liên tiếp, dồn dập bằng cả lý cả tình và có thể nói là cả sắc đẹp tự nhiên của nàng nữa khiến cho Chử Đồng Tử không thể nào cưỡng lại được. Và điều đó là hoàn toàn hợp lý hợp tình, dễ hiểu và dễ cảm: Cuộc tình duyên của Tiên Dung và Chử Đồng Tử vừa rất kỳ diệu vừa rất trần tục và tự nhiên. Vì thế nó rất đẹp và rất giàu ý nghĩa triết lý, nhân sinh. Nhưng nếu so sánh, thì có thể nói là cuộc gặp nhau tình cờ nơi “buồng tắm” giữa bãi sông của Tiên Dung và Chử Đồng Tử cũng táo bạo, độc đáo, hấp dẫn và đạt được sự hoàn hảo của tính chân, thiện, mỹ. Bởi vì ở đây tính chất tình cờ, ngẫu nhiên trong cuộc gặp gỡ của đôi trai gái được thể hiện rất tự nhiên, chân thực và do đó rất đẹp. Sau khi gặp gỡ và quyết định kết hôn với Chử Đồng Tử, Tiên Dung không về kinh đô với vua cha mà ở lại với chồng và làm ăn với dân, dần dần lập nên một xóm mới. Đây là một chi tiết rất quan trọng và đáng chú ý. Vì nó thể hiện rõ thêm tính cách tự do, tự chủ của nàng, vừa phản ánh quá trình phát triển cư dân, mở mang lãnh thổ, lập làng xóm mới của tổ tiên. Chi tiết này làm cho nhân vật Tiên Dung có nét gần với nhân vật Mai An Tiêm (đã đi xây dựng quê hương mới tại một vùng hoang đảo).

Chi tiết Tiên Dung nghe lời khuyên, để cho Chử Đồng Tử đi ra biển tìm vật lạ đem về đổi lấy các thứ khác, vừa phản ánh hình thức sơ khai của sự trao đổi hàng hóa ở Việt Nam thời xưa, vừa phản ánh sự biến đổi, phát triển tính cách và hành động của Tiên Dung. Từ chỗ chỉ thích đi du ngoạn núi sông, không định lấy chồng, đến chỗ xây dựng hôn nhân, tìm việc làm ăn xây dựng làng xóm rồi lại quan tâm đến việc trao đổi hàng hóa, phát triển kinh tế… Tư tưởng thoát tục ở Tiên Dung sau khi lấy Chử Đồng Tử có chiều hướng giảm. Nhưng Chử Đồng Tử đã không làm theo lời của Tiên Dung, đã đi tu tiên học đạo ở trên núi với sư Phật Quang và bỏ việc đi ra biển làm ăn. Và sau khi tu tiên học đạo trở về, Chử Đồng Tử đã đem pháp thuật “truyền cho Tiên Dung” khiến cho nàng bị cảm hóa theo khuynh hướng thoát tục và cùng với Chử Đồng Tử “bỏ làng xóm đi tìm nơi thanh vắng ở”. Ban đầu Tiên Dung cảm hóa, “lãnh đạo” được Chử Đồng Tử, nhưng về sau (sau khi Chử Đồng Tử tu tiên học đạo) thì ngược lại, Chử Đồng Tử đã cảm hóa “lãnh đạo” được Tiên Dung.

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây