Phân tích truyện ngụ ngôn: Ếch ngồi đáy giếng

Thứ năm - 16/07/2020 05:44
I. Con người có nhiều tính tốt nhưng cũng có lắm thói hư tật xấu. Để khuyên nhủ những người có thói hư tật xấu ấy thành con người tốt cũng không phải là dễ dàng. Nhằm tránh đụng chạm đến lòng tự ái của loại người này người ta thường mượn hình ảnh một con vật hoặc một kẻ vô danh nào đó và tưởng tượng ra một sự việc có liên quan kể thành một câu chuyện có đầu có đuôi cho những người ấy nghe với ý nghĩa là mong họ thức tỉnh. Văn học gọi những truyện ấy là truyện ngụ ngôn (gửi vào lời, kí thác vào lời kể).
Phân tích truyện ngụ ngôn: Ếch ngồi đáy giếng
Ếch ngồi đáy giếng được kể bằng văn xuôi nhằm phê phán thói khoe khoang, tự cao tự đại nhiều lúc tự rước tai hoạ vào mình.

II. Cũng như phần lớn truyện dân gian khác, truyện ngụ ngôn Ếch ngồi đáy giếng mở đầu bằng những chi tiết giới thiệu nơi chốn, hoàn cảnh sống và tính cách của nhân vật Ếch. Nơi chốn là “đáy giếng”, chỉ là một khoảng hố sâu chật hẹp không thể nhìn thấy bầu trời bao la. Cư dân ở đó “chỉ có vài con nhái, cua, ốc bé nhỏ”. Với loại dân cư nhỏ bé áy thì “tiếng kêu ồm ộp” của Ếch đủ sức để làm cho bọn chúng hoảng sợ. Những chi tiết ấy ngụ ý gì? Đó là người có tiếng tăm, có uy quyền nhưng chỉ giới hạn ở một vùng. Người ấy có quyền uy, nổi tiếng chỉ với những ai đang sống gần mình trong vùng người ấy đang sống. Nó có tính chất hạn hẹp. Đời sống ấy khắc sâu vào tâm tư của anh khiến người ấy cũng như Ếch “cứ tưởng bầu trời trên đầu chỉ bé bằng chiếc vung và nó thì oai như một vị chúa tể”. Điều “cứ tưởng” ấy hằn sâu theo năm tháng đã trở thành thói quen, đã trở thành nếp suy nghĩ thường ngày, đã trở thành cách ứng xử tự nhiên như đói thì ăn, khát thì uống bất kể giờ giấc, nơi chốn. Mấy ai thay đổi thói quen ấy một cách dễ dàng, nhất là thay đổi nếp nghĩ, thay đổi thói quen “cứ tưởng”.

Truyện kể dẫn người đọc đến một tình huống mới của Ếch nhà ta. Đấy là trời mưa to, nước trong giếng đầy tràn nên Ếch mới được rời khỏi đáy giếng. “Ếch nghêng ngang đi lại khắp nơi và cất tiếng kêu ồm ộp”. Nếu khôn ngoan, lúc ra khỏi miệng giếng Ếch nhà ta phải nhìn trước ngó sau trước khi biểu hiện thái độ “nghêng ngang” dù nghênh ngang đã là hình ảnh chẳng tốt đẹp gì. Đẫ thế, Ếch lại còn ồn ào khoe tiếng. Càng lúc Ếch càng “nhăng nháo đưa cặp mắt nhìn lên bâu trời”. Hình ảnh thể hiện cá tính gì của Ếch? Đấy là cá tính của kẻ mang mặc cảm tự tôn, bao giờ và bất cứ ở đâu thì cũng là kẻ độc tôn. Trên đời này chẳng có ai hơn ta. Trên mảnh đất này chẳng có ai hơn ta. Có lẽ “cứ tưởng” thế nên Ếch “chả thèm để ý đến xung quanh”. Đó là hình ảnh của kẻ mang tâm trạng kiêu ngạo đến cùng cực, và đang tận hưởng tâm trạng ấy. Đang trong tâm trạng tự kiêu tự đắc thì Ếch “đã bị một con trâu đi qua giẫm bẹp”. Thế là xong đời của kẻ coi trời bằng vung.

III. Truyện không dài, chỉ có ba tình huống xuất hiện theo trục thời gian và nguyên lí nhân quả nhưng súc tích về ý nghĩa. Thời nào cũng có kẻ kiêu ngạo, coi trời bằng vung thì Ếch ngồi đáy giếng có thể là bài học bổ ích cho họ để tránh mang hoạ vào thân. Người đọc cũng nhận ra lời khuyên cần khiêm tốn và luôn cố gắng mở rộng tầm hiểu biết của mình trong cuộc sống.

* Ghi chú:
- Truyện ngụ ngôn: Về hình thức là loại truyện kể bằng văn xuôi hoặc văn vần. Về nội dung và mục đích thì kể lại phần đời hoạt động của loài vật hoặc con người để kín đáo khuyên nhủ, răn dạy con người một điều gì đó gần gũi với cuộc sống.
- Ếch ngồi đáy giếng là truyện ngụ ngôn bằng văn xuôi, kể lại chuyện chú ếch ở đáy giếng cứ tưởng mình là chúa tể bị trâu giẫm chết khi lên trên bờ. Truyện phê phán thói huênh hoang, và khuyên không được chủ quan, nên quan tâm học hỏi.

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây