Phong cách riêng của Xuân Diệu qua những bài thơ: Vội vàng, Đây mùa thu tới, Ngói mới, Biển

Thứ năm - 14/04/2022 10:06
Phong cách riêng của Xuân Diệu qua những bài thơ: Vội vàng, Đây mùa thu tới, Ngói mới, Biển
Năm 1942, trong cuốn Thi nhân Việt Nam, khi giới thiệu Xuân Diệu, hai tác giả Hoài Thanh và Hoài Chân đã nêu cái cảm giác ngạc nhiên vì thơ Xuân Diệu mới quá, lạ quá. Ngày một, ngày hai, từ “Cái thuở ban đầu lưu luyến ấy” cho đến lúc chia tay bạn đọc năm 1985, trải qua nửa thế kỉ say mê sáng tạo, thi nhân - Người thơ Xuân Diệu đã định hình một diện mạo thơ quen thuộc, khó phai mờ trong trí tuệ và tâm hồn chúng ta. “Thơ Xuân Diệu là một nguồn sống dồi dào vô tận... Xuân Diệu say đắm tình yêu, say đắm cảnh trời... Khi vui cũng như khi buồn người đều nồng nàn, tha thiết...”. Ở chương trình và sách giáo khoa bậc trung học, những nét Xuân Diệu như thể hiện lên khá đậm trong chùm Vội vàng, Đây mùa thu tới, Thơ duyên...

Mùa thu là đề tài quá quen thuộc trong thơ đông tây kim cổ. Với Xuân Diệu, thu đến gợi một tứ thơ riêng, độc đáo:

Rặng liễu đìu hiu đứng chịu tang.
(Đây mùa thu tới)

Rặng liễu chịu tang ai vậy? Cuộc chia li đẫm lệ nào đang diễn ra? Niềm vui, hạnh phúc nào vừa mất? Câu thơ mở đầu bài thơ lay mạnh cảm xúc người đọc. Hình ảnh ngôn ngữ, nhịp điệu như trĩu xuống, lặng đi, bồi hồi, thắc thỏm:

Đây mùa thu tới mùa thu tới
Với áo mơ phai dệt lá vàng.

Mấy tiếng “Đây mùa thu tới” như cái khóa bật mở. Tứ thơ ào ra, vịnh thu tả cảnh chỉ là cái cớ, cái thi đề, thi liệu. Hồn của bài Đây mùa thu tới là những bước đi của thời gian, ở những cung bậc cảm xúc trước giây phút giao mùa, li biệt của cỏ cây, trời đất trong quy luật tuần hoàn của vũ trụ. Thì ra những giọt lá, suối tóc, những hàng lệ của rặng liễu kia chính là tiếng khóc thầm tiễn ngày vui sinh nở của nàng xuân sức sống cuồng nhiệt của chàng hạ, để nhận về một sự cưỡng bức: mùa thu tới, với bao nhiêu phai tàn, giá rét, bao nỗi buồn tái tê không sao giải thích nổi. Thu - mùa buồn, mùa li biệt hay chính cuộc đời bấy giờ đang buồn thương đầy những chia li, tiễn biệt? Cái tứ thơ chia biệt được thể hiện rất hài hòa, chặt chẽ từ chữ đầu đến âm cuối của bài thơ. Trong nhiều bài khác của Xuân Diệu, cái tứ bước đi của thời gian, sự chuyển vần của cảnh vật hiện ra khá độc đáo: Vội vàng, Lời kĩ nữ, Thơ duyên, Ngói mới... Bài Biển, cũng từ nguồn thơ ấy, mở ra một từ mới, rộng lớn sâu thẳm hơn. Trước sự đắp bồi và tàn phá không chút ngơi nghỉ của sóng đôi với bờ, thi sĩ đã liên tưởng, khát khao, cất lên tiếng hát ngợi ca tình yêu bất diệt, vĩnh hằng của con người, với con người, với cuộc sống. Bài thơ tươi xanh, sống động từ chất liệu bên ngoài đến ý thơ, hồn thơ, thần thái của thơ. Có thể nói, cái tứ thơ rất thơ ấy của Xuân Diệu trong bài Biển góp phần khai thông cả một dòng thơ, dòng ca khúc trữ tình của nhiều nghệ sĩ sau này về Biển - Sóng - Bãi bờ - Con thuyền - Ngọn gió - Tình yêu trai gái - Tình yêu cuộc đời... Với Xuân Diệu, việc khó nhất cũng là điều quyết định thành bại của bài thơ là tứ thơ. Từ cuộc sống mà toát ra ý, thì ý ấy nên đầu thai thành cảm xúc, tình cảm, ý ấy nên trở thành tứ. Ý thơ chưa phải là sự sống, nhưng tứ thơ thì là sự sống rồi, ý là của chung mọi người, tứ mới là của riêng mỗi thi sĩ. Đọc, giảng thơ Xuân Diệu tìm đúng từ thơ - cái riêng của mỗi thi sĩ chúng ta sẽ mở đúng con đường đi vào rừng thơ ông.

Vào rừng thơ Xuân Diệu, một ấn tượng chuếch choáng người đọc là những màu sắc đậm đặc, sum suê của ngôn ngữ, cái cựa quậy của hình ảnh và nhất là những tiếng xôn xao, náo nức của nhịp điệu âm thanh. Chúng ta thử đọc - bằng ngôn ngữ lời, hoặc ngôn ngữ thấm mà có âm vang - những câu thơ sau:

Hơn một loài hoa đã rụng cành
Trong vườn sắc đỏ rủa màu xanh
Những luồng run rẩy rung rinh lá...
(Đây mùa thu tới)

Âm “rờ” (r) điệp sáu lần, kết hợp âm “lờ” (l) điệp ba lần làm run rẩy cả câu thơ, thấm lạnh từ đầu lưỡi, làn da, tới gan ruột con người. Khi đọc thơ, bình thơ, cũng như khi sáng tác, Xuân Diệu rất khoái những động từ, tính từ mạnh, đọc lên nghe đã âm vang, hòa nhập vào nội dung ngữ nghĩa thấy rõ hình hài, vóc dáng, càng vang hơn ấn tượng hơn.

Ta muốn riết mây đưa và gió lượn
Ta muốn say cánh bướm với tình yêu
Ta muốn thâu trong một cái hôn nhiều
Cho chuếch choáng... cho đã đầy., cho no nê...
(Vội vàng)

Trước Cách mạng, thi sĩ vội vàng, hối hả muốn tận hưởng tuổi xuân, muốn níu giữ ngày vui hạnh phúc. Sau Cách mạng, được tự do, làm chủ cuộc đời, niềm khao khát có phần thái quá ấy vẫn nguyên vẹn, thuỷ chung.

Ôi ngàn vạn ngói nói xôn xao
Như đất ta vui bỗng vọt trào.
(Ngói mới)

Phải tin yêu và trân trọng cuộc sống đến thế nào người thơ ấy mới nghe rõ tiếng xôn xao của ngói, nhìn rõ sức vọt trào của đất. Năm 1959 trước Ngói mới - nét nhỏ trong sự đổi mới của cuộc sống - Xuân Diệu đã rạo rực đến thế. Ba năm sau, tắm trong Biển lớn của cuộc đời, thi sĩ say đắm biết bao nhiêu:

Anh xin làm sóng biển
Hôn mãi cát vàng em
Hôn thật khẽ, thật êm
Hôn êm đềm mãi mãi...
(Biển)

Có người bảo đó là thơ tình yêu, thuần tuý tình cảm lứa đôi trai gái. Có người cãi là thơ tình, nhưng là tình cảm lớn, là trữ tình công dân, nhà thơ mượn tình yêu trai gái để thể hiện tấm lòng với đất nước, với con người. Ai đúng, ai sai xin cứ tranh luận. Vì thơ vốn có nhiều tầng nhiều nghĩa. Có điều không ai chối được: nét riêng Xuân Diệu trong nghệ thuật dùng từ, kết cấu, âm thanh, nhịp điệu thơ thật nhất quán. Nhất quán nhưng không tĩnh lại. Thơ Xuân Diệu luôn luôn động, sôi động và phát triển. Nếu những bài thơ tiền chiến còn ảnh hưởng ít nhiều chất phương Tây, có chút xa lạ, thì càng về sau này, thơ ông càng gần với dân tộc, trở lại cội nguồn dân tộc. Trở lại bằng kế thừa và sáng tạo. Nhịp thơ năm chữ của bài Biển chẳng hạn. Có lúc, nó như khúc hát ví dặm, chèo thuyền trong dân ca miền Trung, cũng có lúc nó chuyển nhịp thành sáu chữ, bảy chữ, phóng khoáng, tự do:

Anh không xứng là biển xanh
Nhưng cũng xin làm sóng biếc
………
Để những khi bọt tung trắng xóa
Và gió về bay tỏa nơi nơi
Như hôn mãi ngàn năm không thỏa
Bởi yêu bờ lắm lắm, em ơi!

Điều cuốn hút lay động chúng ta không chỉ ở số chữ, ở nhịp câu mà quan trọng hơn là ở nơi cất lên những chữ, những câu ấy. Khi cảm xúc đã nổi bão thì ngôn ngữ phải tung bọt, bay tỏa, phá vỡ tất cả những cái gì đơn điệu, gò trói. Đó là giây phút bùng nổ của con tim, giây phút xuất thần của tư tưởng, đúng như cụ Hoài Thanh có lần đã nhận xét: Lúc ấy dòng tư tưởng quá sôi nổi, không thể đi theo những điều có sẵn, ý thơ xô đẩy, khuôn khổ câu thơ phải lung lay...

Nếu hiểu thi pháp là “các phương thức và phương tiện thể hiện và khám phá đời sống một cách nghệ thuật, một cách hình tượng” như Viện sĩ M.B. Khráptrencô định nghĩa thì qua vài nét riêng nhìn thấy ở chùm thơ được giảng giải trong nhà trường, ta đã nhận ra phần nào thi pháp Xuân Diệu rồi đó. Thơ là tiếng nói của tình cảm. Tình cảm trong thơ Xuân Diệu thường nghiêng về phía trực giác, cảm giác. Bao nhiêu sắc màu, âm thanh, bao nhiêu cử động, vị mặn nhạt, hướng xa gần của đất trời, của sông biển, của cỏ cây, muông thú và con người đã đầu thai trong ông, rồi sinh nở thành những ngôn từ sông động. Thơ Xuân Diệu đích thực là một nguồn sống dồi dào, vô tận. Xuân Diệu luôn luôn sống hết mình với đời, với thơ. Cái tôi thi sĩ - Xuân Diệu hòa quyện với cái ta công dân - Xuân Diệu. Trước kia ông day dứt với đời, trái tim nhức nhối một khát vọng đổi đời. Sau này, tìm được lẽ đời hợp sở nguyện, trái tim và xương thịt ông đắm say trong một tình yêu lớn, một tình yêu chia sẻ, dâng hiến đến tận cùng, cạn kiệt. Làm ngói mới, ông muốn trùm hạnh phúc xuống trời xanh, làm sóng biếc, ông muốn hôn mãi ngàn năm không thỏa... Chỉ một hương dạ lan, tấm lòng nhà thơ cũng phải là Dạ lan thơm nức lạ lùng, Tưởng như đi mãi không cùng mùi hương (Dạ hương). Có lẽ trong đội ngũ điệp trùng người làm thơ hiện đại Việt Nam, Xuân Diệu là một trong số ít nhà thơ xứng đáng cái danh hiệu Thi - nhân với nghĩa thơ đẹp + con người đẹp, đẹp một nhan sắc riêng, nhan sắc Xuân Diệu.

Với Xuân Diệu, nhà thơ Vũ Quần Phương, gần đây có một ý thơ khá đắt:
Sống trong vui khổ cõi người
Anh như trái lựu nụ cười thiết tha
Huyền hồ bóng dáng thịt da
Uống xong lại khát là ta với đời.

Đọc thơ để hiểu người. Giảng thơ để... dạy làm người, làm thế nào, chúng ta vừa là người đọc, vừa là người giảng thơ Xuân Diệu, tạo ra và truyền được cái cảm hứng uống xong lại khát ấy?

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây