Từ hình tượng nhân vật viên quản ngục trong truyện ngắn Chữ người tử tù của Nguyễn Tuân, anh/chị có suy nghĩ gì về mối liên hệ giữa hoàn cảnh sống và nhân cách con người?

Thứ tư - 03/02/2021 10:08
Cha ông ta từng răn dạy cháu con: Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng. Nhưng có phải ai “gần mực” cũng “đen” và có phải ai. “gần đèn” cũng “rạng”? Vậy cần hiểu như thế nào về mối quan hệ giữa hoàn cảnh sống với nhân cách con người? Từ hình tượng nhân vật viên quản ngục trong truyện ngắn Chữ người tử tù của Nguyễn Tuân, chúng ta hãy cùng suy nghĩ về điều đó. 
Từ hình tượng nhân vật viên quản ngục trong truyện ngắn Chữ người tử tù của Nguyễn Tuân, anh/chị có suy nghĩ gì về mối liên hệ giữa hoàn cảnh sống và nhân cách con người?
Trong truyện ngắn Chữ người tử tù, bên cạnh hình tượng chính là Huấn Cao, Nguyễn Tuân còn xây dựng hình tượng viên quản ngục, một người đại diện cho bộ máy quyền lực của chính quyền phong kiến xưa ở chốn lao tù. Đề lao là chốn ngự trị cái ác, sự bất lương nhưng điều đáng trân trọng là viên quản lại có được một tâm hồn rất đỗi thanh cao. Biết đọc vở sách thánh hiền lại say mê, ngưỡng mộ cái đẹp, quản ngục có một sở thích cao quý là chữ của Huấn Cao. Ông ao ước một ngày kia có được một đôi câu đối do tay ông Huấn Cao viết để treo trong nhà. Vận may đến khi có một toán tử tù gồm sáu người do Huấn Cao cầm đầu bị giải đến trại giam của viên quản. Và quản ngục đã cố tình biệt đãi Huấn Cao cùng năm tử tù khác bằng tấm lòng biệt nhỡn liên tài hết sức thành thực, kính cẩn. Ông cho người quét dọn phòng giam, hằng ngày đưa rượu thịt cho các tử tù. Thậm chí, có lần quản ngục còn thân chinh xuống tận phòng giam của Huấn Cao, hỏi ông Huấn cần thêm gì nữa sẽ cố gắng chu tất. Mặc dù bị Huấn Cao tỏ ra khinh bạc đến điều, yêu cầu đừng bước chân vào phòng giam, quản ngục vẫn lễ phép lui ra với một cầu “Xin lĩnh ý”. Nếu là những viên quan coi ngục khác, chắc chắn sẽ chẳng có cảnh chăm sóc tù nhân chu đáo như thế và sẽ càng không bao giờ có chuyện quản ngục lại từ tốn, lễ phép trước phạm nhân như thế. Vậy thì vì sao quan coi ngục lại luôn giữ thái độ nhũn nhặn, kính nể trước Huấn Cao? Có phải chỉ vì ông làm như vậy cốt để xin được chữ ông Huấn? Tôi nghĩ rằng, đó là một lí do nhưng điều cốt yếu, đúng như Nguyễn Tuân nhận định, quản ngục là người có tính cách dịu dàng và lòng biết giá người, biết trọng người ngay. Chính nhân vật cũng đã tự nhận thấy mình chọn nhầm nghề mất rồi. Rõ ràng, trong quản ngục có một “thiên lương” trong sáng, chỉ người có “thiên lương” trong sáng mới có cách đối đãi người khác như thế, mới có sở thích cao quý như thế. Và chỉ có “thiên lương” trong sáng mới làm cho một viên quan coi ngục phải khóc và bái lạy, lĩnh nhận ở một tử tù những lời khuyên răn về đạo đức, về lẽ sống. Nguyễn Tuân, bằng sự trân trọng, mến yêu đã ngợi ca viên quản bằng những lời lẽ hết sức đẹp đẽ như thế này: Trong hoàn cảnh đề lao, người ta sống bằng tàn nhẫn, bằng lừa lọc, [...] viên quan coi ngục này là một thanh âm trong trẻo chen vào giữa một bản dàn mà nhạc luật đều hỗn loạn xô bồ.

Từ hình tượng nhân vật viên quản ngục trong truyện ngắn của Nguyễn Tuân, có thể thấy không phải lúc nào hoàn cảnh sống, môi trường sống cũng làm thay đổi nhân cách của con người. Khi con người ta biết nhận thức, phân biệt cái ác - cái xấu, biết vững tâm giữ gìn phẩm giá của mình thì không hoàn cảnh nào có thể tác động, ảnh hưởng đến nhân cách. Rất nhiều người vẫn sống tốt khi phải sống giữa môi trường sống không lành mạnh và ngược lại một số người sống trong điều kiện tốt, sống giữa môi trường thân thiện vẫn nảy sinh thói xấu. Nhưng nói như vậy không có nghĩa là hoàn cảnh sống không ảnh hưởng đến tính cách con người. 

Trong thực tế, hoàn cảnh sống, môi trường sống có sự chi phối đến phẩm cách con người. Sống trong môi trường tốt, tâm hồn con người sẽ được nuôi dưỡng, những hạt giống tâm hồn sẽ có cơ hội đâm chồi, nảy lộc, nở hoa và kết những trái thơm. Ngược lại, sống lâu giữa cái ác, cái xấu, dẫu chúng ta vẫn kiên định được lập trường, quan điểm sống, vẫn giữ vững được khí chất của mình, nhưng chắc chắn, tâm hồn chúng ta ít nhiều sẽ bị “nhiễm độc”, “ngộ độc” và về lâu dài, ta sẽ không thể giữ được cái nhìn tươi sáng, trong trẻo về cuộc sông. Đấy là chưa kể đến rất nhiều người không giữ được bản thân, dễ bị cuốn theo những điều sai trái. Chỉ đơn giản nhìn vào lớp học của chúng ta, nếu được ngồi cạnh những bạn học sinh ngoan ngoãn, chăm chỉ học tập, ít nhiều chúng ta sẽ có động lực để học tốt. Trái lại, nếu xung quanh chúng ta là những cậu bạn lười biếng, đua đòi, ham chơi hơn ham học, không ngoan ngoãn, lễ phép với cha mẹ, thầy cô, liệu rằng chúng ta có thể giữ được cho mình một tâm hồn trong sáng, một niềm tin vào cuộc đời?

Hoàn cảnh sống, môi trường sống có thể ảnh hưởng, không ảnh hưởng hoặc ít nhiều ảnh hưởng đến nhân cách con người nhưng tôi nghĩ rằng điều cốt yếu, quan trọng nhất vẫn luôn là bản chất thực, là nhân cách ban đầu của con người. Tuy nhiên, để hạn chế sức ảnh hưởng không tốt từ môi trường xấu, mỗi chúng ta cần biết tự bảo vệ mình, cần chủ động tránh khỏi những tác động không đáng có ấy.
 
Trần Văn Thái Nguyên
Trường THPT Bình Định
Bài đạt giải Nhất kì thi Học sinh giỏi cấp Tỉnh năm 2013

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây