Đề thi học kì 2 môn Ngữ văn 8 sách Chân trời sáng tạo

Thứ hai - 15/04/2024 09:50
Đề thi học kì 2 môn Ngữ văn 8 sách Chân trời sáng tạo, có đáp án kèm theo. Mời các bạn cùng tham khảo.
Phần I. Đọc hiểu (5 điểm)
Đọc văn bản sau và trả lời câu hỏi:
 CHÀNG TRAI LÀNG PHÙ ỦNG
Ông Phạm Ngũ Lão là chàng trai làng Phù Ủng, huyện Đường Hào, tỉnh Hải Dương. Ông có sức khỏe lạ thường, muôn người không địch nổi.
Phạm Ngũ Lão mặt mũi khôi ngô, văn võ đều giỏi. Nhà vốn chỉ có nghề làm ruộng, đến ông mới theo nghiệp bút nghiên. Mới hai mươi tuổi ông đã có tính khẳng khái. Trong làng có người tên là Bùi Công Tiến đỗ tiến sĩ làm lễ ăn mừng, cả làng kéo đến mừng rỡ, chỉ Ngũ Lão không đến.
Bà mẹ Ngũ Lão bảo rằng:
– Con làm thế nào cho bằng người ta thì làm. Nay người ta ăn mừng, cả làng mừng rỡ, sao con không đến mừng một chút?
Phạm Ngũ Lão thưa rằng:
– Thưa mẹ, con chưa làm nên gì để vui lòng mẹ mà con đi mừng người ta thì con lấy làm nhục lắm.
Nhà ở bên cạnh đường cái, có một hôm, Phạm Ngũ Lão ngồi vệ đường vót tre đan sọt. Chợt có Hưng Đạo Vương đi qua để vào kinh, quan quân kéo đi rất đông. Quân đi mở đường thấy Ngũ Lão ngồi xếp bằng tròn bên cạnh đường, quát lên bắt phải đứng dậy. Ngũ Lão cứ ngồi nghiễm nhiên như không nghe tiếng. Quân lính cầm ngọn giáo đâm vào đùi, Ngũ Lão cũng cứ ngồi vững không động mình. Đến lúc xe Hưng Đạo Vương đến nơi, trông thấy thế lấy làm lạ gọi đến hỏi, bấy giờ Ngũ Lão mới biết là có quan quân đi qua, và quân lính đã đâm vào đùi mình.
Hưng Đạo Vương hỏi rằng:
– Nhà thầy kia ở đâu, sao ta đi qua đây mà cứ ngồi chững chàng làm vậy?
Ngũ Lão thưa rằng:
– Tôi đang mải nghĩ một việc, cho nên không biết là ngài trẩy qua đây.
Hưng Đạo Vương lấy làm kì, hỏi đến việc học hành kinh sử thì hỏi đâu nói đấy, không sót chỗ nào, ứng đối nhanh như nước chảy.
Hưng Đạo Vương bèn sai quân lấy thuốc dấu dịt vào vết đâm, rồi cho Ngũ Lão ngồi xe đem về kinh, tiến cử lên vua Trần Thánh Tông.
Vua thấy người có sức khỏe, lại có học thức, cho sung chức quản vệ sĩ. Các vệ sĩ không chịu, xin đấu sức với Ngũ Lão. Ngũ Lão xin vâng, nhưng xin vua cho về nhà ba tháng để thu xếp việc nhà, rồi sẽ xin đấu sức và nhận chức luôn thể.
Vua cho về, Ngũ Lão về nhà, ra ngoài đồng, tìm chỗ gò cao tập nhảy, cứ cách mười trượng chạy đến nhảy vọt qua gò. Tập luyện xong xuôi rồi, vào kinh đấu sức.
Khi đấu quyền với các vệ sĩ thì không ai địch nổi. Sau Ngũ Lão thách tất cả các vệ sĩ cùng ra đấu. Các vệ sĩ xúm xít chung quanh hàng trăm người, Ngũ Lão tay đấm chân đá, nhảy nhót như bay, chạm phải ai kẻ ấy không ngũ đau thì què tay. Các vệ sĩ không tài gì mà đánh lại được, bấy giờ mới xin chịu phục.
Vua thấy người kiên dũng làm vậy, cho theo Hưng Đạo Vương đi đánh giặc Nguyên thì đánh trận nào cũng thắng, lập nên công trạng rất nhiều. Hưng Đạo Vương có lòng yêu mến, gả con gái nuôi là Nguyên quận chúa cho,
Về sau, vua nước Ai Lao đem hơn một vạn quân và voi sang cướp đất Thanh, Nghệ. Vua sai Ngũ Lão cầm quân đi đánh. Ngũ Lão sai dân chặt tre đực dài độ một trượng, chồng chất trên các vệ đường. Khi Ngũ Lão kéo quân vào đánh giặc, giặc thúc voi sấn lên, Ngũ Lão chỉ chân tay không mà sấn vào gặp đống tre nào thì vớ lấy đống tre chỗ ấy, đập vào chân voi. Voi bị đau, gầm rống lên chạy trở về, giày xéo lên cả quân Ai Lao. Ngũ Lão mới thúc quân đánh tràn sang, quan giặc tan vỡ, phải trốn về nước.
Vì có những công to ấy, Ngũ Lão được cất lên làm Điện tiền thượng tướng quân. Đến khi mất, được phong làm thượng đẳng phúc thần, và được dân làng Phù Ủng lập miếu thờ ngay ở chỗ nhà Ngũ Lão.
Câu chuyện Chàng trai làng Phù Ủng – Theo Phan Kế Bính
(Nam Hải dị nhân lược truyện)
Câu 1. Phương thức biểu đạt chính của câu chuyện trên là:
A. Miêu tả
B. Biểu cảm
C. Tự sự
D. Nghị luận

Câu 2. Câu chuyện Chàng trai làng Phù Ủng kể về nhân vật nào?
A. Hưng Đạo Vương
B. Phạm Ngũ Lão
C. Bùi Công Tiến
D. Trần Thánh Tông

Câu 3. Tại sao Phạm Ngũ Lão không đến ăn mừng Bùi Công Tiến đỗ tiến sĩ
A. Vì Phạm Ngũ Lão cảm thấy chưa làm được gì để vui lòng mẹ, nếu đi mừng người ta thì sẽ lấy làm nhục.
B. Vì Phạm Ngũ Lão cảm thấy ganh tị khi Bùi Công Tiến đỗ tiến sĩ.
C. Vì Phạm Ngũ Lão nhà nghèo, không có tiền để đi ăn mừng Bùi Công Tiến đỗ tiến sĩ.
D. Vì Phạm Ngũ Lão bận rộn công việc, phấn đấu để làm vui lòng mẹ.

Câu 4. Chi tiết Ngũ Lão bị đâm vào đùi nhưng không hề nhúc nhích cho thấy ông là một người như thế nào?
A. Là một người không biết sợ, ra vẻ ta đây
B. Là một người chịu đau tốt
C. Là một người khảng khái, cương trực
D. Là một người thích gây ấn tượng, tạo sự chú ý

Câu 5 (1,0 điểm) Hãy tóm tắt nội dung của văn bản và cho biết câu chuyện dựa trên bối cảnh của sự kiện lịch sử nào?

Câu 6 (0,5 điểm) Chi tiết nào cho thấy Ngũ Lão là người có tài cầm quân đánh giặc?

Câu 7 (1,0 điểm) Những nét tính cách nào của Ngũ lão được thể hiện qua câu chuyện trên?

Câu 8 (0,5 điểm) Nêu suy nghĩ của em về chi tiết mà mình ấn tượng nhất đối với nhân vật trong truyện.

Phần II. Viết (5,0 điểm)
Viết bài văn kể lại một chuyến đi (tham quan một di tích lịch sử, văn hóa) mà em ấn tượng nhất.
 

HƯỚNG DẪN CHẤM

Phần I. Đọc hiểu (5,0 điểm)
Câu Nội dung cần đạt Điểm
Câu 1 C. Tự sự 0,5 điểm
Câu 2 B. Phạm Ngũ Lão 0,5 điểm
Câu 3 A. Vì Phạm Ngũ Lão cảm thấy chưa làm được gì để vui lòng mẹ, nếu đi mừng người ta thì sẽ lấy làm nhục. 0,5 điểm
Câu 4 C. Là một người khảng khái, cương trực 0,5 điểm
Câu 5 - HS có thể tóm tắt theo nhiều cách khác nhau nhưng vẫn phải đảm bảo được nội dung câu chuyện.
- Bối cảnh lịch sử: Thời nhà Trần đánh đuổi quân xâm lược nhà Nguyên ở phương Bắc và đẩy lùi sự xâm lấn của quân Ai Lao ở phía Nam.
1,0 điểm
Câu 6 Những chi tiết cho thấy Phạm Ngũ Lão có tài cầm quân của Phạm Ngũ Lão:
- Theo Hưng Đạo Vương đi đánh giặc Nguyên thì đánh trận nào cũng thắng, lập nên công trạng rất nhiều.
- Về sau, vua nước Ai Lao đem hơn một vạn quân và voi sang cướp đất Thanh, Nghệ. Vua sai Ngũ Lão cầm quân đi đánh. Ngũ Lão sai dân chặt tre đực dài độ một trượng, chồng chất trên các vệ đường….
0,5 điểm
Câu 7 Những nét tính cách của Phạm Ngũ Lão:
- Là một vị tướng tài giỏi xuất sắc đời nhà Trần, đã có công giúp Trần Hưng Đạo đánh đuổi quân xâm lược nhà Nguyên ở phương Bắc và đẩy lùi sự xâm lấn của quân Ai Lao ở phía Nam.
- Là người tính tình khẳng khái, vừa có chí lớn vừa có tài cao, đã lập công lớn giết giặc cứu nước, nêu tấm gương sáng ngời về chí làm trai cho các thế hệ thanh niên đời sau học tập.
1,0 điểm
Câu 8 HS nêu chi tiết mình ấn tượng và nêu lí do thuyết phục. 0,5 điểm
 

Phần II. Viết (5,0 điểm)

Câu Đáp án Điểm
  a. Đảm bảo cấu trúc bài văn kể lại một chuyến đi
Mở bài giới thiệu được chuyến đi. Thân bài triển khai được chi tiết chuyến đi. Kết bài nêu được cảm nghĩ của bản thân về chuyến đi.
0,25 điểm
b. Xác định đúng yêu cầu của đề: Kể lại chuyến đi (tham quan một di tích lịch sử, văn hóa). 0,25 điểm
c. Bài viết có thể triển khai theo nhiều cách khác nhau song cần đảm bảo các ý sau:
1. Mở bài
- Giới thiệu được chuyến đi: Lí do, mục đích của chuyến tham quan di tích lịch sử, văn hóa.
2. Thân bài
- Kể diễn biến chuyến tham quan (trên đường đi, trình tự những điểm đến thăm, những hoạt động chính trong chuyến đi,…)
- Nêu được ấn tượng về những đặc điểm nổi bật của di tích (phong cảnh, con người, công trình kiến trúc,…).
3. Kết bài
Thể hiện được cảm xúc và suy nghĩ về chuyến đi.
3,5 điểm
d. Chính tả, ngữ pháp: Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp tiếng Việt. 0,5 điểm
  e. Sáng tạo: Diễn đạt sáng tạo, sinh động, giàu hình ảnh, có giọng điệu riêng. 0,5 điểm
Lưu ý: Chỉ ghi điểm tối đa khi thí sinh đáp ứng đủ các yêu cầu về kiến thức và kĩ năng.  
 

Đề bài: Kể lại một chuyến đi (tham quan một di tích lịch sử, văn hóa) mà em ấn tượng nhất

Bài làm:
Cuộc đời mỗi con người đều là những chuyến đi dài ngắn khác nhau. Sau mỗi chuyến đi ấy, chúng ta lại được đón nhận thêm nhiều kiến thức mới mẻ. Tôi cảm thấy mình vô cùng may mắn khi được tham gia rất nhiều chuyến tham quan, nhưng chuyến tham quan mà khiến cho tôi nhớ nhất là chuyến tham quan Mai Châu – Hòa Bình năm ngoái. Chuyến đi giúp cho chúng tôi được khám phá vẻ đẹp quê hương đất nước và bồi dưỡng tình cảm với mảnh đất xinh đẹp này.

Thời điểm cuối tháng 11, đầu tháng 12 năm học lớp 11, lớp chúng tôi đã tổ chức một chuyến đi tham quan xa 2 ngày 1 đêm. Thông báo đột ngột từ giáo viên chủ nhiệm khiến cả lớp bất ngờ và vô cùng vui sướng. Đứa nào đứa ấy trong lòng đều nôn nóng, rối rít chuẩn bị đồ đạc. Ba ngày sau đó, chúng tôi xuất phát. Xe du lịch chở chúng tôi chầm chậm rời khỏi nội thành thủ đô, ánh nắng khuất dần phía sau những tòa nhà cao chót vót. Khói bụi cùng tiếng còi xe ồn ào cũng biến mất dần ở phía sau, xe đưa chúng tôi băng qua những con đường với bóng cây xanh rợp mắt.

Đến gần trưa, núi đồi với những rừng cây xanh mát nhanh chóng choáng ngợp trước tầm mắt háo hức của chúng tôi. Hòa Bình đã chập chững bước sang mùa đông nên càng lên cao, những hạt mưa li ti càng lất phất nhiều. Chúng tôi dừng nghỉ chân tại Đào Thung Khe (Đèo đá trắng). Đứng trên đèo nhìn xuống, tôi được thấy toàn cảnh thung lũng Mai Châu từ trên cao. Bác tài còn nói rằng, một ngày ở Thung Khe như trải qua 4 mùa trong năm vậy. Xe lại tiếp tục lăn bánh, bác tài xế vừa cẩn thận cầm lái vừa giải thích một chút địa hình nơi này, những dãy núi đá đỏ gạch kia vào mỗi lần mưa bão lại sụp xuống, gây ra bao nguy hiểm cho người đi đường và người dân nơi đây. Xe đi qua những dãy đồi người dân trồng mía, trồng cam – giống cam Cao Phong nổi tiếng, những ngôi nhà sàn rồi dừng lại tại một dãy nhà sàn được dùng cho du khách đến tham quan. Dưới sự hướng dẫn của cô chủ nhiệm, thầy phụ trách cùng các bác phụ huynh, chúng tôi nhanh chóng thu dọn đồ đạc và nghỉ ngơi một chút.

Chiều đến, một thiếu nữ vô cùng xinh xắn trong trang phục người Mèo đến hướng dẫn đoàn tham quan chúng tôi. Chị ấy mặc chiếc váy xòe rực rỡ, nói giọng miền Bắc lại vô cùng tốt bụng, lần lượt dẫn chúng tôi đến các điểm tham quan ở đây. Mai Châu vào những tháng 10, 11, 12 ngập tràn những cánh rừng hoa mận, hoa đào trắng xóa. Địa điểm ghé thăm đầu tiên là Bản Lác và bản Poom Coọng - đây là 2 làng du lịch lớn nhất và đông đúc nhất ở Mai Châu. Đến đây, chúng tôi được thưởng thức đặc sản của Mai Châu, mua quà lưu niệm và khám phá những nét đẹp văn hóa, đời sống, lễ hội của người dân Mai Châu. Đi hết hai bản này trời cũng đã sập tối, đoàn trở về nhà sàn cùng nhau ăn uống, vui chơi. Trong đêm hôm ấy, lũ chúng tôi được nằm cạnh bên nhau, thì thầm nhỏ to những câu chuyện bí mật.

Sáng sớm hôm sau, tôi giật mình nghe tiếng gà gáy vang như tiếng gà ở những miền quê, không khí Mai Châu yên bình và trong lành vô cùng. Chúng tôi đánh răng, rửa mặt, dùng bữa sáng rồi lại lên những chiếc xe điện, tiếp tục tham quan. Nơi chúng tôi đặt chân đến là Hang Mỏ Luông và Hang Chiều - 2 quần thể hang động lớn và đặc sắc ở Mai Châu. Bước vào trong hang động, tôi ngỡ ngàng nhìn ngắm những nhũ đá hàng nghìn năm tuổi với nhiều hình thù và màu sắc cực đẹp, không thua gì nhũ đá ở Phong Nha Kẻ Bàng. Xe điện chầm chậm chạy ngang qua những bản làng của người dân tộc, những cánh đồng lúa bao la dần ngả vàng, người dân nơi đây cũng đưa mắt dõi theo xe. Cuộc sống của họ vẫn còn rất nhiều khó khăn. Nhìn những thiếu nữ còn ít tuổi nhưng đã hai tay ôm hai đứa trẻ, lòng tôi bỗng trào dâng niềm thương cảm. Trên con đường về nhà sàn, chúng tôi gặp cả những gia đình người nước ngoài, họ vui vẻ đạp xe và thân thiện vẫy tay chào chúng tôi.

Cuộc vui nào cũng phải đến hồi kết, chúng tôi dạo quanh những khu bán đồ của người dân địa phương, mua những món quà lưu niệm. Những ống cơm lam thơm ngọt ngào, những vật dụng, hay những trang phục thổ cẩm xinh đẹp khiến mọi người nhìn không chớp mắt. Tạm biệt Mai Châu, xe ngược đường quay trở lại thủ đô. Điều đặc biệt ở trong chuyến đi ấy là trên đường về, chúng tôi còn được vào những vườn cam Cao Phong, tự tay hái những quả cam tươi để mang về.

Hà Nội xô bồ, náo nhiệt lại gần ngay trước mắt. Chúng tôi mỗi người tay ôm một món quà của Mai Châu, mang theo một ấn tượng riêng về thiên nhiên và con người nơi ấy, lòng tự nhủ sẽ lần nữa về tham quan nơi bản làng xinh đẹp ấy.

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây