Hãy viết thư cho một người thân trong gia đình để chia sẻ trải nghiệm của mình về đại dịch Covid-19

Thứ năm - 17/12/2020 09:46
Bài dự thi viết thư quốc thế UPU lần thứ 50 năm 2021, chủ đề: Em hãy viết thư cho một người thân trong gia đình để chia sẻ trải nghiệm của mình về đại dịch Covid-19
hãy viết thư cho một người thân trong gia đình để chia sẻ trải nghiệm của mình về đại dịch Covid 19
hãy viết thư cho một người thân trong gia đình để chia sẻ trải nghiệm của mình về đại dịch Covid 19
Trúc Bạch, ngày 17 tháng 12 năm COVID-1

Mẹ yêu xa nhớ!

Đã hơn 30 ngày mẹ chưa về nhà, con nhớ mẹ quá! Mẹ có khỏe không, công việc chống dịch và điều trị cho bệnh nhân có làm mẹ mệt mỏi lắm không? Mẹ nhớ hết sức cẩn thận để bảo vệ mình và mọi người mẹ nhé.

Dẫu biết rằng dịch bệnh vẫn còn đang hoành hành, chính quyền, người dân và đội ngũ y bác sĩ phải căng mình chống dịch, nhưng sao con lại mong mẹ về với con quá! Kể từ khi có ca lẫy nhiễm trong cộng đồng, con được nghỉ học ở nhà và được khuyên không nên ra khỏi nhà khi không có việc cần thiết. Thường xuyên rửa tay bằng dung dịch sát khuẩn và đeo khẩu trang. À, mẹ ơi! Giá khẩu trang đã tăng lên 500 nghìn đồng một hộp rồi, một số bạn học của con không có đủ tiền để mua. Con đã đập con lợn đất để mua khẩu trang tặng các bạn trong lớp rồi mẹ ạ!

Trước diễn biến nguy cấp của đại dịch, khu phố của mình thường xuyên được phun thuốc khử khuẩn, lần đầu tiên con thấy cái vòi phun to ơi là to, mỗi khi phun nó xòe ra giống như đuôi của con công vậy trông khá là đẹp. Loa phường vẫn phát các bản tin về chống dịch, đặc biệt là công điện của Thủ tướng yêu cầu mọi người dân phải nghiêm túc chống dịch với khẩu hiệu “chống dịch như chống giặc”, giãn cách xã hội, phong tỏa tạm thời trong 14 ngày, các nhà hàng, quán bar, tụ điểm karaoke, trường học,… phải đóng cửa. Lập các chốt chống dịch đo thân nhiệt và kiểm soát người ra vào chặt chẽ. Không khí gấp gáp và khẩn trương lắm mẹ ạ!

Ngoài siêu thị và tiệm thuốc các mặt hàng thiết yếu như giấy vệ sinh, mì tôm, nước sát khuẩn, khẩu trang,… không còn hàng để bán. Cũng may bố đã nhanh tay nhờ chú bảo vệ là bạn của bố lấy giúp vài thùng chứ không là cũng không còn rồi.

Mẹ ở trong đó có ăn uống được tốt không? Mặc đồ bảo hộ 24/24 chắc là khó chịu lắm mẹ nhỉ! Con thấy hình ảnh các bác sĩ mặt in hằn dấu vết khẩu trang, quần áo sũng nước mà thấy thương mẹ vô cùng. Không ai nghĩ rằng sẽ có một ngày nước ta và thế giới phải trải qua cơn đại dịch bệnh khủng khiếp như vậy. Có quá nhiều ca bệnh và người chết cùng một lúc gây hoang mang và lo sợ cho toàn nhân loại trong đó có con của mẹ đấy nha! Hihi

Con và bố ở nhà rất chăm chỉ đó! Thường xuyên gọi điện hỏi thăm ông bà, rửa chén, giặt đồ và vệ sinh nhà cửa rất cẩn thận. À, con và bố vẫn được các cô chú tiếp tế lương thực thường xuyên nên mẹ đừng có lo nhé. Con cún nhà mình đã mập lên 1 kg rồi mẹ nhé, cũng may virus này không lây cho nó, nên lúc nào nó cũng hí hửng quýt quýt cái đuôi rất đáng yêu mẹ ạ!

Việc học của con cũng ảnh hưởng khá nhiều, tuy là có học online nhưng con thấy hiệu quả không cao. Con vẫn thích được đến trường gặp bè bạn, có bài toán khó hỏi trực tiếp cô giáo thì tốt hơn. Tuy nhiên trong thời dịch này, được như vậy để không quên kiến thức là tốt lắm rồi.

Qua đại dịch lần này con thấy rằng, được học tập và làm việc trong một môi trường bình thường không dịch bệnh là một sự hạnh phúc nhất rồi. Hi vọng với công tác chống dịch triệt để của Chính phủ và quyết tâm cao nhất của mọi người dân Việt Nam chúng ta sẽ sớm đẩy lùi và chiến thắng virus corona chủng mới này.

Chúc đội ngũ cô chú bác sĩ của mẹ “chân cứng đá mềm” thân thể kinh an luôn xứng đáng là những người anh hùng trên tuyến đầu chống dịch trong thời đại mới. Chúc mẹ thật nhiều sức khỏe, mong đại dịch sớm tiêu tan để mẹ về bên con, cho con được ôm mẹ bình thường trong vòng tay không bảo hộ.

Cảm ơn và thương mẹ rất nhiều!
 
Con yêu của mẹ.

  Ý kiến bạn đọc

  • đinh vũ linh đan
    đúng là một bài văn hay. cảm động quá đi ạ .
      đinh vũ linh đan   30/01/2021 03:19
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây