Giải thích câu nói: Cây lúa cúi càng thấp thì càng nhiều hạt. Đời người đừng quá vội ngẩng cao đầu

Thứ ba - 01/12/2020 09:54
Bạn đã bao giờ từng nghe câu chuyện về cây lúa? Khi  vẫn còn là một cây lúa non, nó vươn cao lên để đón nhận những tia nắng lung linh từ mặt trời, những giọt sương mai mát lành để từ đó mang trong mình những tinh hoa của đất trời. Đến khi mang đủ những tinh túy ấy để tạo thành hạt ngọc của Trời, nó lại lặng lẽ cúi đầu xuống. Hình ảnh của cây lúa chính là minh chứng tiêu biểu nhất cho câu nói “Hãy ngước nhìn lên cao để thấy mình còn thấp. Hãy nhìn xuống thấp để biết mình chưa cao”.
Giải thích câu nói: Cây lúa cúi càng thấp thì càng nhiều hạt. Đời người đừng quá vội ngẩng cao đầu
Câu nói thoạt nghe tưởng như hai vế đối lập với nhau, nhưng thực chất lại bổ sung cho nhau để đem đến bài học ý nghĩa đối với mỗi người. Hình ảnh cúi càng thấp của cây lúa là một hình ảnh thực của tự nhiên. Khi cây lúa đã đến vụ thu hoạch, bông lúa to mẩy thì cũng là lúc nó cong xuống. “Nhìn xuống thấp” cũng là hành động để con người biết được bản thân mình đang ở đâu, để có thái độ khiêm tốn, không tự tin thái quá vào bản thân, để biết mình còn nhiều điều để hoàn thiện. Bài học được rút ra ở đây đó là trong cuộc sống, con người luôn luôn phải không ngừng học hỏi, luôn có sự nỗ lực và cố gắng. Đồng thời cũng phải có thái độ khiêm tốn, không ngạo mạn “ngước nhìn lên cao để thấy mình còn thấp”.

Câu nói là bức thông điệp ý nghĩa gửi đến tất cả những con người đang chạy đua với cuộc sống ngoài kia một thông điệp ý nghĩa mà sâu sắc để chúng ta có thể sống đẹp hơn, hiểu về ‎‎ý nghĩa cuộc sống này hơn và cũng để hiểu mình hơn. Trước hết, đó là mỗi người cần phải “ngước nhìn lên cao để thấy mình còn thấp”.

Vậy tại sao lại như vậy? Bởi lẽ sinh ra trên đời không ai là hoàn hảo, ai ai cũng mắc những thiếu sót. Vì vậy hành động ngước lên cao để nhận ra rằng mình đang còn ở vị trí thấp để từ đó nhận ra khuyết điểm của bản thân mình và cố gắng hoàn thiện. Cuộc sống muôn hình vạn trạng, không ai là bản sao của ai. Ai cũng có điểm mạnh và điểm yếu và đều cần phải học hỏi không ngừng. Bên cạnh đó, thái độ luôn học hỏi là yếu tố cần thiết để tạo nên thành công. Bởi thái độ có tác động rất lớn đến hành động của mỗi người.

Chính thái độ ấy khiến con người lớn lên từng ngày. Để thành công cần nhiều yếu tố và quan trọng trên con đường thành công là luôn luôn góp nhặt những gì mình học hỏi được từ người khác. Luôn học hỏi và nỗ lực âm thầm, bền bỉ cũng tựa như gieo những hạt mầm, ẩn mình trong lòng đất suốt mùa đông, chỉ đợi ngày xuân là vươn mình lên mạnh mẽ.

Với những người có xuất phát điểm thấp thì đây có lẽ là cách hữu ích nhất dối với họ để rút ngắn khoảng cách của mình với mọi người và luôn luôn học hỏi để không bị bỏ lại ở phía sau.

Thêm nữa, con người phải biết “đừng quá vội ngẩng cao đầu”. Bởi lẽ khi đã đến ngày thu hoạch những bông lúa “ngẩng cao đầu” là những bông lúa lép chẳng có hạt. Cho nên những người biết chút chút, biết sơ sơ thường nói nhiều, cho là mình biết hết. Tuy nhiên, người biết tường tận lại không nói, mà họ quan sát xem người ta làm gì? Rồi mới đưa ra giải pháp phù hợp. Do đó con người cần phải khiêm tốn là bởi vì kiến thức và tri thức là vô cùng và vô tận. Những gì chúng ta biết chỉ là một hạt cát so với sa mạc mênh mông, một giọt nước với biển cả rộng lớn, bao la. Vì vậy phải luôn có thái độ khiêm tốn, không phải cái gì chúng ta cũng đều biết và đều thành thạo hết. “Nhìn xuống thấp” là để còn đánh giá những người xung quanh, giúp ta nhận ra những thiếu sót và hạn chế. Hoàn thiện những thiếu sót ấy để con người cố gắng lấp đầy những lỗ hổng vẫn còn tồn tại trong mỗi người.

Khiêm tốn còn giúp ta nâng cao phẩm giá, khiến cho các mối quan hệ thêm bền chặt, khăng khít và tạo được sự tin tưởng lẫn nhau. Với một người luôn ngạo mạn, huênh hoang về bản thân thì chẳng khác nào tự đào hố chôn mình, bởi lẽ mãi mãi chỉ như con ếch ngồi đáy giếng. Họ không bao giờ dám ra khỏi miệng giếng mà từ lâu họ đã ở trong đó để học hỏi. Người khiêm tốn biết lắng nghe và sẵn sàng nhận sai nên thường nhận được sự góp ý hữu ích và giúp đỡ chân thành từ người khác.

Trong cuộc sống ta bắt gặp rất nhiều tấm gương đạo đức về lối sống này mà tiêu biểu là Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ở Bác lúc nào cũng thường trực sự sẵn sàng học hỏi từ mọi người xung quanh và không bao giờ quên khiêm tốn. Nhờ việc học hỏi dân tộc khác, Bác đã tìm ra con đường cứu nước đúng đắn cho dân tộc. Với thái độ khiêm tốn, ham học hỏi, đi đến đâu Bác cũng biết thứ tiếng của nước đó và được nhiều người yêu mến.

Bài học ở đây đó chính là phải nhận thức được vai trò của việc ham học hỏi và giá trị của sự khiêm tốn trong cuộc sống, là kim chỉ nam để đạt đến thành công. Bằng những hành động thiết thực như học tập hăng say khi còn ngồi trên ghế nhà trường, cả về kiến thức và kĩ năng mềm,...  mỗi người có thể có những kết quả tốt đẹp.

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây