Phân tích một bài thơ thất ngôn bát cú hoặc tứ tuyệt Đường luật

Thứ bảy - 06/04/2024 10:26
Bài thơ “Bánh trôi nước” của Hồ Xuân Hương đã thể hiện sự trân trọng trước vẻ đẹp, phẩm chất trong trắng của người phụ nữ Việt Nam trong xã hội xưa.

Phân tích một bài thơ thất ngôn bát cú hoặc tứ tuyệt Đường luật - Bài làm 1

Bài thơ “Bánh trôi nước” của Hồ Xuân Hương đã thể hiện sự trân trọng trước vẻ đẹp, phẩm chất trong trắng của người phụ nữ Việt Nam trong xã hội xưa. Đồng thời, tác giả cũng bày tỏ niềm thương cảm cho cuộc đời lận đận của họ:

“Thân em vừa trắng lại vừa tròn
Bảy nổi ba chìm với nước non
Rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn
Mà em vẫn giữ tấm lòng son”


Bài thơ mang hai nét nghĩa. Trước hết là nét nghĩa tả thực - miêu tả hình ảnh bánh trôi nước. Tác giả đã miêu tả hình dáng bên ngoài: màu sắc (vừa trắng), hình dáng (vừa tròn). Cùng với đó là cách thức làm bánh luộc bánh trong nước, khi nào bánh nổi lên mặt nước có nghĩa là đã chín. Bên trong nhân bánh thường được làm bằng đường phên. Viên bánh rắn hay nát phụ thuộc vào tay người nắn có khéo léo. Hình ảnh tả thực chiếc bánh trôi từ hình thức đến cách thức.

Nhưng không chỉ mang nét nghĩa như vậy, Hồ Xuân Hương còn muốn nói đến vẻ đẹp và số phận của người phụ nữ trong xã hội xưa qua hình ảnh “bánh trôi nước”. Mở đầu bằng cụm từ “thân em” - đây là một mô-típ đã rất quen thuộc trong ca dao:

“Thân em như trái bần trôi
Gió dập sóng dồi biết tấp vào đâu”


Hay như:
“Thân em như ớt chín cây
Càng tươi ngoài vỏ, càng cay trong lòng”


Ở bài thơ “Bánh trôi nước” hay các bài ca dao, dân ca đều xuất phát từ niềm thương cảm, xót xa cho số phận của người phụ nữ trong xã hội xưa. Họ là những con người nhỏ bé trong xã hội. Cuộc đời trôi nổi, bấp bênh và không được tự quyết định cuộc sống của bản thân, chịu sự chi phối của người khác.

Vẻ đẹp của người phụ nữ hiện lên “vừa trắng lại vừa tròn” gợi ra một thân hình khá đầy đặn, nước da trắng hồng. Đó là chuẩn mực của người phụ nữ đẹp trong xã hội xưa. Xinh đẹp là vậy, nhưng cuộc đời lại nhiều bất hạnh. Thành ngữ “bảy nổi ba chìm” gợi ra một cuộc đời vất vả, gặp nhiều gian truân. Câu thơ “rắn nát mặc dầu tay kẻ nạn” đã nói lên số phận phải phụ thuộc vào người khác, không được tự mình quyết định. Nhưng dù có chịu nhiều bất hạnh, người phụ nữ trong thơ Hồ Xuân Hương vẫn gìn giữ được tâm hồn cao quý: “Mà em vẫn giữ tấm lòng son”. : Dù cuộc đời có khó khăn, khổ cực thì họ vẫn giữ được tấm lòng thủy chung, son sắc và không thay đổi. Hình ảnh người phụ nữ hiện lên với đầy đủ nét đẹp từ ngoại hình đến tâm hồn. Bài thơ sử dụng ngôn ngữ bình dị, hình ảnh ẩn dụ, thể thơ thất ngôn tứ tuyệt cô đọng, hàm súc… nhằm làm nổi bật nên ý nghĩa mà nhà thơ muốn gửi gắm.

Như vậy, “Bánh trôi nước” là một tác phẩm giàu giá trị nhân văn sâu sắc. Từ đó, chúng ta cần phải trân trọng, yêu thương những người phụ nữ hơn.
 

Phân tích một bài thơ thất ngôn bát cú hoặc tứ tuyệt Đường luật - Bài làm 2

Trần Nhân Tông là một vị vua anh minh lỗi lạc nổi tiếng của nước ta. Ngoài ra, ông còn được biết đến với tài làm thơ vô cùng xuất chúng. Nổi tiếng nhất chính là thi phẩm Thiên Trường vãn vọng.

Bài thơ được dịch ra với tên gọi Buổi chiều đứng ở phủ Thiên Trường trông ra. Đúng như tên gọi, toàn bài thơ là cảnh đẹp mà nhà thơ nhìn ngắm được khi đứng ở phủ Thiên Trường.

"Thôn hậu thôn tiền đạm tự yên,
Bán vô, bán hữu tịch dương biên


Đứng ở trên cao, nhà thơ phóng tầm mắt ra xa, bao quát hết toàn bộ ngôi làng. Từ trên cao nhìn xuống, ông nhìn thấy những vệt khói uống lượn bay lên cao từ những mái nhà tranh, tạo nên một tấm màn mây khói bồng bềnh che trên những ngôi nhà. Biến cả làng quê trở thành chốn bồng lai tiên cảnh nào đó. Kết hợp với ánh hoàng hôn đỏ rực, chiếu xuyên qua những tầng khói, khiến cho cảnh đẹp bỗng mờ mờ ảo ảo, nửa thực nửa hư. Rõ là cảnh đẹp trước mắt, mà sao quá xa vời, mộng ảo. Bởi vậy, nhà thơ sử dụng điệp từ nửa để tỏ rõ sự nghi hoặc trước vẻ đẹp phi thực này.

"Mục đồng địch lí ngưu quy tận"
Bạch lộ song song phi hạ điền


Từ phía cánh đồng lúa chín, cậu bé chăn trâu thổi sáo dẫn trâu về nhà. Cậu bước từ phía không gian đồng ruộng mênh mông, đi vào con đường làng dẫn về ngôi nhà tranh ấm áp. Ở đó, có người mẹ bên bếp lửa hồng, có làn khói bảng lảng bay lên cao. Tuy không rõ cậu sẽ về đâu, nhưng những ngôi nhà trong làng đều đang đỏ lửa, mọi gia đình đều sum vầy, no đủ, thì cậu bé ấy đâu có gì phải lo âu. Chính vì vậy, cậu mới đủng đỉnh trên lưng trâu, thổi tiếng sáo vi vu, vi vu. Tiếng sáo ấy thể hiện rõ tâm trạng thảnh thơi, vui vẻ của cậu bé. Phía xa xa, từng đôi cò trắng sà xuống cánh đồng đã vắng người qua lại. Hình ảnh những đôi cò trắng ấy là biểu tượng tượng trưng cho những gia đình nông dân chăm chỉ, cần cù yêu thương nhau, luôn cố gắng mỗi ngày. Chính những gia đình ấy là nòng cốt của xã hội. Do đó, sự xuất hiện của đôi cò trắng ở cuối bài thơ chính là khát vọng của nhà thơ về sự phát triển, mở rộng hơn nữa của thôn làng, đất nước.

Đọc Thiên Trường vãn vọng, em được chiêm ngưỡng vẻ đẹp trù phú, ấm êm của một làng quê dưới thời nhà Trần. Cách miêu tả chân thực, sống động của nhà thơ đã khiến tác phẩm thơ dễ dàng đi vào lòng người đọc.
 

Phân tích một bài thơ thất ngôn bát cú hoặc tứ tuyệt Đường luật - Bài làm 3

Hồ Xuân Hương, người phụ nữ tài danh của dân tộc ta vào cuối thế kỉ XIX và đầu thế kỉ XX, đã ghi dấu ấn với phong cách thơ rắn rỏi và mạnh mẽ. Với tài năng của mình, bà được người đời gọi là "Bà chúa thơ Nôm". Trong số những tác phẩm của bà, bài thơ "Bánh trôi nước" đặc biệt thể hiện phong cách thơ độc đáo của bà. Thông qua hình ảnh bánh trôi nước, nhà thơ đã phản ánh thân phận nhỏ bé và bấp bênh, chìm nổi của người phụ nữ trong xã hội phong kiến, đồng thời cũng thể hiện phẩm giá cao đẹp của họ.

"Bánh trôi nước" là một bài thơ thất ngôn tứ tuyệt theo Đường luật. Đề tài và cảm hứng sáng tác của bài thơ bắt nguồn từ những vấn đề phổ biến tồn tại trong xã hội phong kiến: vẻ đẹp và số phận của người phụ nữ Việt Nam trong thời đại đó. Mặc dù chỉ bốn dòng thơ, hai mươi tám chữ, nhưng bài thơ đã truyền đạt một cách sâu sắc và ẩn ý sâu xa, để mỗi độc giả có thể hình dung một cách chân thực và rõ nét vẻ đẹp và thân phận của người phụ nữ Việt Nam.

Bài thơ miêu tả đặc điểm và quá trình làm bánh trôi: từ hình dáng, cấu tạo, đặc điểm, tính chất cho đến cách thức. Bánh trôi là một loại bánh được làm từ bột nếp, là một món ăn quen thuộc và dân giã ở đồng bằng Bắc Bộ. Bánh trôi có vẻ ngoài đặc trưng là "trắng, tròn", bột được nhào nước cho nhuyễn, sau đó được nặn thành hình tròn giống quả táo, bên ngoài được bọc một lớp đường đen. Để chín, bánh được cho vào nồi khi nước sôi, trải qua quá trình "chìm nổi", và khi chín thì bánh nổi lên. Người nặn bột phải khéo tay để bánh đẹp, nếu làm vụng sẽ khiến bánh trở nên cứng hoặc nhão. Tuy nhiên, bất kể thế nào, bánh vẫn phải có nhân. Thiếu nhân, bánh sẽ trở nên nhạt nhẽo. Đọc bài thơ, ta có thể thấy rõ đúng là bánh trôi nước, không sai một li. Khi để nguội, bánh có cảm giác dẻo và rất ngon. Theo quan niệm của ông cha ta, đây là một loại bánh tinh khiết, có thể dùng để cúng tổ tiên vào ngày mùng 3 tháng 3 Âm lịch. Có thể thấy, hình ảnh chiếc bánh trôi "trắng, tròn", dù trải qua quá trình "chìm nổi" hoặc phụ thuộc vào sự khéo léo của người nặntạo, vẫn giữ được sự tinh khiết và độc đáo của nó.

Tuy nhiên, bài thơ "Bánh trôi nước" của Hồ Xuân Hương không chỉ đơn thuần là một miêu tả về bánh trôi, mà còn mang ý nghĩa sâu sắc về cuộc sống và thân phận của người phụ nữ. Bằng cách so sánh bản thân mình với chiếc bánh trôi nhỏ bé, chìm nổi trong nước, Hồ Xuân Hương đã thể hiện sự nhạy bén và cá nhân hóa vấn đề xã hội trong thời đại đó.

Với tài năng văn chương và sự thông thái, Hồ Xuân Hương đã tạo ra những bài thơ tràn đầy sức sống, sắc sảo và hài hước. Bà không ngần ngại viết về tình yêu, tình dục và những vấn đề xã hội nhạy cảm khác. Công lao và tài năng của Hồ Xuân Hương đã để lại dấu ấn lớn trong văn học Việt Nam và trở thành một nguồn cảm hứng cho nhiều thế hệ nhà văn và nhà thơ sau này.

“Thân em vừa trắng lại vừa tròn
Bảy nổi ba chìm với nước non”


Bánh trôi - một món bánh quen thuộc, đơn giản trong cuộc sống hàng ngày, nhưng thông qua ánh mắt tinh tế và sự quan sát nhạy bén, nhà thơ Hồ Xuân Hương đã phát hiện ra những nét tương đồng giữa chiếc bánh trôi đó và cuộc đời của người phụ nữ Việt Nam thời phong kiến. Cả chiếc bánh trôi và người phụ nữ đều có vẻ bề ngoài tuyệt đẹp, tâm hồn thanh cao, nhưng số phận lại không may mắn, phải chìm nổi, bấp bênh, không thể kiểm soát cuộc sống của mình. Sự lặp lại từ "vừa" trong một dòng thơ nhấn mạnh phẩm chất và vẻ đẹp hình thể của người phụ nữ. Bằng cách sử dụng từ ngữ khéo léo, vẻ đẹp của người phụ nữ không chỉ được thể hiện rõ ràng mà còn chứa đựng niềm tự hào, ý thức về vẻ đẹp của chính mình.

Trong văn học thời Trung Đại, phụ nữ hiếm khi dám tự tin nói về vẻ đẹp của mình, nhưng trong thơ của Hồ Xuân Hương, những điều đó được nêu lên một cách tự tin và mạnh mẽ. Điều này tạo ra một sự mới mẻ, độc đáo trong thơ của bà. Với nhan sắc tuyệt đẹp và phẩm chất tuyệt vời, người phụ nữ đã nên có một cuộc sống ấm êm và hạnh phúc, nhưng những bất công trong xã hội phong kiến đã khiến cuộc sống của họ không như vậy. Hồ Xuân Hương đã khéo léo sử dụng thành ngữ dân gian "bảy nổi ba chìm" trong câu thơ, làm cho chúng ta hình dung được cuộc sống bấp bênh, không chắc chắn, không biết đi đến đâu của người phụ nữ. Cuộc sống của những người phụ nữ này thực sự đáng thương!

Như vậy, Hồ Xuân Hương đã truyền tải thông điệp về cuộc sống khó khăn, bất công mà người phụ nữ phải đối mặt trong xã hội phong kiến. Tuy nhiên, qua sự kiên cường, lòng trung thành và sắt son của họ, những người phụ nữ này vẫn tiếp tục sống và tỏa sáng, vượt qua mọi khó khăn để tỏa ngọn lửa trong cuộc sống. Bài thơ "Bánh trôi nước" của Hồ Xuân Hương là một tác phẩm văn học tuyệt vời, mangtrong mình những giá trị văn hóa, tinh thần về sự kiên cường và lòng trung thành của người phụ nữ Việt Nam dưới thời phong kiến.

Bánh trôi nước, như một biểu tượng của cuộc sống phụ nữ, đã được Hồ Xuân Hương khéo léo khắc họa qua những từ ngữ tinh tế và hình ảnh tươi sáng. Đây không chỉ là một món bánh đơn thuần, mà còn chứa đựng ý nghĩa sâu sắc về cuộc sống của người phụ nữ Việt Nam. Vẻ đẹp tuyệt mỹ của bánh trôi và người phụ nữ, cùng với sự thanh cao trong tâm hồn, tạo nên một sự tương đồng đặc biệt. Tuy nhiên, cả hai đều phải đối mặt với những khó khăn, bất công và sự chìm nổi trong cuộc sống.

Bằng cách sử dụng từ ngữ tinh tế, Hồ Xuân Hương đã không chỉ thể hiện vẻ đẹp bề ngoài của người phụ nữ, mà còn phản ánh cả niềm tự hào và ý thức về vẻ đẹp của bản thân. Điều này làm nổi bật sự tự tin và mạnh mẽ của người phụ nữ trong thơ Nôm, khi họ không ngại thể hiện vẻ đẹp của mình một cách rõ ràng và kiêu hãnh. Đây là một sự đột phá, một nét mới trong thơ của Hồ Xuân Hương.

“Rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn
Mà em vẫn giữ tấm lòng son”.


Câu thơ đã diễn tả một hình ảnh đơn giản nhưng sâu sắc, mô tả rằng hình dạng của chiếc bánh trôi tròn hay méo phụ thuộc vào bàn tay của người nặn. Tuy nhiên, điều này cũng có thể ám chỉ đến cuộc sống của người phụ nữ và sự ảnh hưởng của những người có quyền lực trong xã hội đối với cuộc sống của họ.

Người phụ nữ, như chiếc bánh trôi, phải chịu sự tác động và hình thành từ những yếu tố bên ngoài. Sự hạnh phúc hay bất hạnh của cuộc sống đều dựa vào những người có quyền lực trong xã hội. Trái với quan điểm này, câu thơ bắt đầu bằng cặp từ "rắn - nát" để nhấn mạnh vào sự éo le, sự phụ thuộc và sự bất công trong cuộc sống của người phụ nữ.

Xã hội cũ đã tồn tại những quy định nghiêm ngặt và quan niệm trọng nam khinh nữ, tam tòng tứ đức, đã cướp đi sự hạnh phúc và tự do của người phụ nữ. Những quy luật này đã giới hạn vai trò và quyền lực của phụ nữ, đẩy họ vào tình thế bất ổn và không công bằng.

Hồ Xuân Hương, một nữ nhà thơ nổi tiếng trong lịch sử văn học Việt Nam, cũng đã trải qua nhiều bi kịch và sự bất công như vậy. Bà đã yêu Chiêu Hồ, nhưng tình yêu của bà không được đền đáp. Hơn nữa, bà đã trở thành vợ lẽ của Tổng Cóc và làm lẽ Phủ Vĩnh Tường. Các tác phẩm thơ của bà đã phản ánh thực tế và thể hiện thân phận bất hạnh của mình.

Hồ Xuân Hương đã sáng tác những câu thơ đầy ý nghĩa để nói về cuộc sống và thân phận của mình. Trong những câu thơ đó, bà đã khéo léo sử dụng hình ảnh và ngôn ngữ để miêu tả sự đau khổ, sự bất công và sự phụ thuộc của người phụ nữ trong xã hội. Bằng cách này, bà đã truyền tải thông điệp về tình trạng khốn khó và sự thiếu công bằng mà phụ nữ phải đối mặt trong xã hội.

Chém cha cái kiếp lấy chồng chung
Kẻ đắp chăn bông kẻ lạnh lùng


Cuộc đời của bà không chỉ bấp bênh, bảy nổi ba chìm mà còn chịu nhiều cay đắng hơn bội phần. Hồ Xuân Hương thương cho số phận của mình, thương cho những người có cùng cảnh ngộ như mình. Bằng những lời bộc bạch chân thành, tự nhiên nữ sĩ đã nói lên những đau đớn, những uất ức chung của người phụ nữ. Từng câu chữ ở trong câu thơ chính là lời phản kháng mạnh mẽ, lên án xã hội đầy rẫy những bất công.

Tuy cuộc sống nhiều đau khổ như vậy, nhưng họ vẫn luôn giữ cho mình phẩm chất cao quý của người phụ nữ Việt Nam:

“Mà em vẫn giữ tấm lòng son.”

Bài thơ "Bánh trôi nước" của Hồ Xuân Hương đã lồng ghép hình ảnh của chiếc bánh trôi mang màu đỏ của đường để thể hiện vẻ đẹp thanh cao và phẩm giá của người phụ nữ. Bài thơ này chứa đựng ý nghĩa quan trọng nhất trong toàn bài, nhấn mạnh tấm lòng đáng quý và mạnh mẽ như màu đỏ của dòng máu chảy trong người phụ nữ.

Hồ Xuân Hương đã sử dụng những từ "mặc dầu" và "mà" để miêu tả tinh thần của người phụ nữ, người luôn sẵn sàng đối mặt với những quan niệm khắc nghiệt của chế độ phong kiến và giữ gìn phẩm giá cao đẹp của mình trong mọi hoàn cảnh. Sự thuỷ chung, phẩm giá và tài năng của họ vẫn tỏa sáng như những hạt ngọc long lanh.

Mặc dù bài thơ chỉ có bốn câu thơ ngắn gọn, nhưng Hồ Xuân Hương đã sử dụng linh hoạt các biện pháp nghệ thuật như so sánh, đảo ngữ, ẩn dụ, thành ngữ và tính từ để tạo nên sự độc đáo và sâu sắc trong nội dung. Nhờ đó, người đọc có thể hình dung rõ hơn về vẻ đẹp và số phận của người phụ nữ.

Bài thơ cũng đặc sắc với ngôn ngữ thơ bình dị, mang nhiều lớp nghĩa và tài luyện của nữ sĩ Hồ Xuân Hương. Việc sử dụng chữ Nôm đặc sắc trong viết bài thơ "Bánh trôi nước" càng thể hiện sự trân trọng và ca ngợi vẻ đẹp và phẩm chất của người phụ nữ Việt Nam. Bài thơ khẳng định rằng dù xã hội có nhiều bất công và đàn áp đối với người phụ nữ, họ vẫn luôn nhận thức được giá trị của bản thân mình trong mọi hoàn cảnh.

Chúng ta cần ngưỡng mộ những tài năng kiệt xuất của nữ sĩ Hồ Xuân Hương và học hỏi những phẩm chất tốt đẹp mà bài thơ này truyền tải. Đặc biệt, thế hệ phụ nữ ngày nay cần phát huy những phẩm chất đó để tỏa sáng và khẳng định giá trị của mình trong xã hội.
 

Phân tích một bài thơ thất ngôn bát cú hoặc tứ tuyệt Đường luật - Bài làm 4

Hồ Xuân Hương là một thi sĩ tài hoa bậc nhất trong nền văn học cổ Việt Nam. Thơ bà ẩn sau những tiếng cười tưởng chừng như tinh nghịch, châm biếm lại chứa chan niềm cảm thông, xót xa cho số phận người phụ nữ. Đây là vấn đề mà trước bà rất nhiều nhà thơ đã nói đến, nhưng với Hồ Xuân Hương cái nhìn về phụ nữ có phần mới hơn, sâu sắc hơn và mang tính thời đại hơn. Vấn đề này thể hiện rõ trong bài Bánh trôi nước:

Thân em vừa trắng lại vừa tròn
Bảy nổi ba chìm với nước non
Rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn
Mà em vẫn giữ tấm lòng son


Bài thơ này bà đã tả thực chiếc bánh trôi. Nguyên liệu làm bánh là bột nếp trắng mịn, xay nhuyễn, nặn tròn trịa đẹp mắt. Quá trình luộc bánh chìm nổi trong nước sôi lửa bỏng. Bánh tròn hay méo, rắn hay nát là do tay người làm bánh. Dẫu thế nào bánh vẫn giữ nguyên màu đỏ của nhân bánh. Quá trình làm bánh trôi theo lời tả của Hồ Xuân Hương là thực tế. Thông qua việc tả thực đưa đến cho người đọc sự liên tưởng đến thân phận người phụ nữ trong xã hội phong kiến.

Giọng thơ nhẹ nhàng, êm dịu kết hợp nghệ thuật ẩn dụ so sánh ngầm đặc sắc kín đáo. Hồ Xuân Hương đã thốt lên hai tiếng thân em gợi cho ta nhớ đến những câu ca dao quen thuộc:

Thân em như tấm lụa đào
Phất phơ giữa chợ biết vào tay ai?


Hay
Thân em như hạt mưa xa
Hạt vào đài các hạt ra ngoài đồng


Đây chính là những câu hát than thân, trách phận của người phụ nữ Việt Nam xưa, nhưng những từ trắng, tròn gợi sự tự hào, kiêu hãnh về vẻ đẹp hình thể của họ. Ta chờ đợi hạnh phúc đến với họ nhưng tiếc thay:

Bảy nổi ba chìm với nước non

Lẽ ra với vẻ đẹp nhan sắc như thế người phụ nữ phải được sống sung sướng hạnh phúc, trái lại họ gặp nhiều bất hạnh, tai hoạ, sóng gió của cuộc đời, họ long đong lận đận chìm nổi giữa cuộc đời.

Càng đau khổ hơn khi:
Rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn


Cuộc đời mình ra sao, số phận như thế nào là do người khác định đoạt "nhào nặn". Người phụ nữ không tự quyết định được số phận của mình. Chế độ phong kiến nam tôn nữ ti, nam quyển độc tôn, người phụ nữ phải phó thác cuộc đời cho xã hội, cho nam giới. Xã hội thật bất công họ không có chút quyền hạn gì, địa vị gì trong gia đình và xã hội.

Trước Hồ Xuân Hương, Nguyễn Dữ đã từng đặt ra vấn đề về người phụ nữ. Trong Chuyện người con gái Nam Xương - Vũ Nương đức hạnh nết na thuỷ chung mà cuộc đời nàng quá ngắn ngủi. Người đẩy nàng vào chỗ chết chính là người chồng - người từng gắn bó máu thịt với cuộc đời nàng. Do đa nghi, ghen tuông, gia trưởng, người chồng đã dẫn đến nỗi oan uổng của Vũ Nương.

Thơ Hồ Xuân Hương viết nhiều về người phụ nữ nhưng những người phụ nữ trong các bài thơ của bà không phải là những người phụ nữ đài các "tầng lớp trên". Họ là những người phụ nữ bình dân:

Bác mẹ sinh ra phận ốc nhồi
Suốt đời lăn lóc đám cỏ hôi


Vì vậy khi nhìn vẻ đẹp của họ ta phải chú ý đến vẻ đẹp bên trong chớ nên chỉ chú ý đến hình thể bề ngoài:
Mà em vẫn giữ tấm lòng son

Nỗi đau của người phụ nữ ở đây là không có cách nào tự vệ chống trả. Tuy nhiên dẫu cho xã hội có xoay chuyển xô đẩy ra sao thì em vẫn giữ tấm lòng son. Bất chấp hoàn cảnh họ kiên trinh giữ lấy tấm lòng trinh trắng, thuỷ chung, vẻ đẹp của họ là vẻ đẹp khoe khoắn, bình dân, hồn nhiên...

Mặc dầu xã hội xô đẩy vùi dập nhưng người phụ nữ vẫn ngẩng cao đầu tuyên chiến với cuộc đời, vượt lên không chịu sa lầy trong vũng bùn nhơ của cuộc đời, giữ lấy giá trị chân chính của mình. Người phụ nữ rất có ý thức về mình, luôn sống với tình nghĩa, không chịu lép vế trước nam giới.

Ví đây đổi phận làm trai được
Thì sự anh hùng há bấy nhiêu

(Đề đền Sầm Nghi Đống)

Cuộc đời Hồ Xuân Hương chịu nhiều cay đắng, bất hạnh, làm lẽ Tổng Cóc, làm lẽ Phủ Vĩnh Tường... Bà thay lời những người phụ nữ cất lên tiếng nói phản kháng cái kiếp chồng chung đầy nghịch lý:
Kẻ đắp chăn bông kẻ lạnh lùng
Chém cha cái kiếp lấy chồng chung

(Làm lẽ)

Tóm lại bài thơ Bánh trôi nước có ý nghĩa khái quát như một lời tổng kết về nhân cách và số phận người phụ nữ trong xã hội xưa. Người phụ nữ trong bài thơ này có phẩm chất cao đẹp, đức hạnh thuỷ chung nhưng không được trân trọng. Do địa vị phụ thuộc, cuộc đời bảy nổi ba chìm lăn lóc. Hồ Xuân Hương đã xoáy sâu vào tận ngõ ngách của cuộc đời để nêu lên tấn bi kịch của người phụ nữ. Nhưng dẫu thế nào họ vẫn sống đẹp, sống chân chính để bảo toàn phẩm giá của mình. Lời thơ của bà cũng là lời thơ của cả một kiếp người đòi "tự do".

Bài thơ Bánh trôi nước nhà thơ đã đặt ra vấn đề người phụ nữ, một vấn đề nhức nhối mà không ít nhà thơ nhà văn đã nói đến. Nguyễn Dữ, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Du, Nguyễn Đình Chiểu đã từng dề cập. Có lẽ vấn đề này không riêng gì ai mà tất cả chúng ta, cả xã hội hãy đấu tranh vì sự bình đẳng của phụ nữ.

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây