Hướng dẫn học Văn 8, Tức cảnh Pác Bó

Thứ hai - 23/09/2019 02:28
Hướng dẫn học Văn 8, Tức cảnh Pác Bó
Tức cảnh Pác Bó
(Hồ Chí Minh)
A. TÌM HIỂU CHUNG
I. Thể loại
Bài thơ được viết theo thể thất ngôn tứ tuyệt Đường luật. Thể thơ này chỉ có một khổ gồm bốn câu (tứ tuyệt), mỗi câu bảy chữ (thất ngôn) rất nổi tiếng ở Trung Quốc, đã được dư nhập và trở thành một trong những thể thơ phổ biến của văn học trung đại Việt Nam.

II. Bố cục
Có thể phân tích bài thơ theo mô hình cấu trúc chung của một bài tứ tuyệt, song cũng có thể chia bài thơ thành hai phần:
- Hai câu trên: Cảnh Pác Bó.
- Hai câu dưới: Tinh thần lạc quan và phong thái ung dung của nhà thơ.

B. GIÁ TRỊ TÁC PHẨM
I. Nội dung
1. Bài thơ được làm theo thể thất ngôn tứ tuyệt. Có thể kể tên một số bài thơ cùng thể thơ vài bài này đã học như: Sông núi nước Nam, Buổi chiều đứng ở phủ Thiên Trường trông ra, Xa ngắm thác núi Lư, Cảnh khuya, Rằm tháng riêng,...

2. Giọng điệu chung của bài thơ là giọng sảng khoái, tự nhiên, hóm hỉnh pha chút vui đùa. Điều đó cho thấy, dù sống trong gian khổ nhưng tâm trạng của Bác vẫn rất lạc quan, hơn thế, Bác còn cảm thấy vui thích và thoải mái với cuộc sống nơi rừng núi hoang vu. Làm cách mạng và được sống hoà hợp với thiên nhiên là một niềm vui lớn của nhà cách mạng, nhà thơ Hồ Chí Minh
Những năm tháng sống và làm việc ở Pác Bó, thực tế Bác đã phải trải qua rất nhiều những khó khăn. Thế nhưng những gian khổ ấy, những cháo bẹ, rau măng, bàn đá chông chênh,... không làm mờ đi được niềm tin và niềm vui vì thời cơ của cuộc giải phóng đang tới gần. Có được niềm tin ấy thì những gian khổ nhỏ nhoi trong sinh hoạt cá nhân kia có nghĩa lí gì, thậm chí, tất cả đều trở nên sang trọng cả. Bài thơ cho thấy cá nhân cách cao khiết của Hồ Chí Minh, cho thấy sự hi sinh thầm lặng của người cho đất nước.

3*. Nguyễn Trãi từng ca ngợi “thú lâm tuyền” (niềm vui thú được sống với rừng, suối) trong bài Côn Sơn ca. Trong bài thơ này, Hồ Chí Minh cũng cho thấy niềm vui thú đó. Thế nhưng “thú lâm tuyền” của Nguyễn Trãi, ấy là cái “thú lâm tuyền” của người ẩn sĩ bất lực trước thực tế xã hội muốn “lánh đục vế trong”, tự tìm đến cuộc sống “an bần lạc đạo”. Ở Hồ Chí Minh, cái “thú lâm tuyền” vẫn gắn với con người hành động, con người chiến sĩ. Nhân vật trữ tình trong bài thơ tuy có dáng vẻ của một ẩn sĩ nhưng thực tế đó lại là một người chiến sĩ đang tận tâm, tận lực vì tự do độc lập của non sông (Bàn đá chông chênh dịch sử Đảng).

II. Nghệ thuật
Bài thơ tuân thủ một cách khá chặt chẽ và theo sát mô hình cấu trúc chung của một bài thơ tứ tuyệt nhưng vẫn toát lên một cái gì đó khá mới mẻ và phóng khoáng. Lời thơ tự nhiên, bình dị, giọng điệu thoải mái pha chút vui đùa hóm hỉnh.

III. Ý nghĩa
Bài thơ thể hiện tinh thần lạc quan, phong thái ung dung của Bác ngay trong cuộc sống cách mạng hết sức gian nan ở Pác Bó. Hiện lên trong bài thơ là một chủ thể trữ tình - chiến sĩ nhưng cũng lại là một thi nhân sống hoà mình với thiên nhiên.
 

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây