Đề thi học kì 2 môn Ngữ văn 8 sách Kết nối tri thức

Thứ hai - 15/04/2024 09:22
Đề thi học kì 2 môn Ngữ văn 8 sách Kết nối tri thức, có đáp án kèm theo. Mời các bạn cùng tham khảo.

Phần I. Đọc hiểu (6,0 điểm)

Đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi bên dưới:
TRẦN ĐĂNG KHOA: TÁC GIẢ CỦA TUỔI THƠ TRONG TRẺO
Được biết đến là cây bút nổi bật trong giới thi ca Việt Nam, Trần Đăng khoa là người có nét riêng xuất sắc trong số các nhà thơ đương đại trước năm 1975. Ông luôn có cái nhìn bao quát về cuộc sống, những chất liệu được dệt trong các tác phẩm hầu hết là sự quen thuộc xung quanh.
Suốt hơn năm mươi năm sáng tác, Trần Đăng Khoa đã cho ra đời hơn hai mươi tập thơ và trường ca như Khúc hát người anh hùng, Bên cửa sổ may bay hay Chân dung và đối thoại, chưa kể đến một số tập bút kí và tiểu luận phê bình. Tuy nhiên nổi trội nhất vẫn là Góc sân và khoảng trời hay.
Bằng những đặc sắc trong ngòi bút, Trần Đăng Khoa đã ghi dấu ấn trong lòng người đọc bao kí ức về miền tuổi thơ với chất thơ nhẹ nhàng, hồn nhiên mà đầy chân thật nhưng cũng không kém phần sâu sắc với nhiều tầng ý nghĩa.
Mười tuổi ông đã có những câu thơ vô cùng trong trẻo và xúc động chạm đến trái tim người đọc. Qua lăng kính của một cậu bé, hạt gạo hiện lên trong bức tranh đầy màu sắc cùng với giọt mồ hôi và nỗi khó nhọc của người nông dân. Không những thế, tác phẩm Hạt gạo làng ta còn chứa đựng cả hình ảnh tảo tần của những người phụ nữ hậu phương. Bao nhiêu hạt gạo là bấy nhiêu chân tình cùng nỗi nhớ nhung khắc khoải của quê hương dành cho tiền tuyến....[ Hạt gạo làng ta]
Quê hương và thiên nhiên luôn hiện hữu trong các tác phẩm của Trần Đăng Khoa như một hình tượng nghệ thuật giàu sức gợi, được cảm nhận bằng tấm lòng của một người con đã gắn bó với mảnh đất mình sinh ra và lớn lên....[Trăng ơi từ đâu đến?]
Thơ của Trần Đăng Khoa không chỉ hồn nhiên, trong sáng mà còn du dương như một bản đồng giao với cách gieo chữ có hồn, có nhịp. Trong thơ của ông, nhạc điệu không chỉ là giai điệu của tâm hôn mà còn khả năng tạo hình, tạo nghĩa tinh tế. Thế giới âm thanh giàu tiết tấu trong từng vần thơ của cậu bé mười bốn tuổi đã phần nào khẳng định tài năng xuất chúng với trình độ thượng thừa trong cách chơi chữ xứng đáng với danh xưng “thần đồng” thi ca. Không những thế nhà thơ còn lồng ghép linh hoạt nhiều phép nghệ thuật như ẩn dụ, nhân hóa hay từ láy khiến thơ của ông không những hóm hỉnh, vui nhộn mà còn vô cùng có chiều sâu và đầy tinh tế...[Cây dừa]
Điều khiến thơ ông khác lạ so với những nhà thơ cùng độ tuổi lúc bấy giờ là cách đưa thế giới xung quanh vào tác phẩm bằng một tâm hồn sâu sắc cùng đôi mắt quan sát nhạy bén. Từng vần thơ Trần Đăng Khoa đã thể hiện trọn vẹn vẻ đẹp hồn nhiên, chân thực của trẻ thơ nên dễ dàng chạm đến trái tim của độc giả và để lại trong họ miền kí ức tươi đẹp của những ngày còn thơ bé. Dù có phủ bao nhiêu lớp bụi của thời gian thì thơ Trần Đăng Khoa vẫn luôn sống mãi trong dòng chảy văn chương bởi những nội dung, nghệ thuật đặc sắc chứa đựng trong từng câu chữ...
Cho đến tận hôm nay, Trần Đăng Khoa vẫn mãi là tinh tú trên bầu trời văn học Việt Nam. Các tác phẩm của ông không chỉ đóng góp cho thơ ca nước nhà những áng thơ bay bổng mà còn giúp người đọc lưu giữ miền kí ức tuổi thơ vào sâu trong tâm khảm.
(Theo Thiên Nhi, https://revologuecom/tac-gia-tran-dang-khoa)
Câu 1. Văn bản trên thuộc thể loại văn bản nào?
A. Nghị luận văn học
B. Nghị luận xã hội
C. Văn bản thơ
D. Văn bản truyện trưởng

Câu 2. Chất liệu làm nên tác phẩm thơ Trần Đăng Khoa là gì?
A. Con người và các mối quan hệ
B. Những sự vật giải dị, quen thuộc xung quanh
C. Những vấn đề trong cuộc sống hàng ngày
D. Những vẻ đẹp hùng vĩ của thiên nhiên

Câu 3. Tác giả bài viết đã nhận định phong cách thơ Trần Đăng Khoa như thế nào?
A. Châm biếm, đả kích
B. Hài hước vui vẻ, tự nhiên
C. Mạnh mẽ, mãnh liệt
D. Nhẹ nhàng hồn nhiên nhưng sâu sắc

Câu 4. Để chứng minh thơ Trần Đăng Khoa trog veo và xúc động, chạm tới trái tim người đọc, tác giả bài viết đã phân tích những bài nào?
A. Cây dừa.
B. Đám ma bác giun.
C. Hạt gạo làng ta.
D. Trăng ơi từ đâu đến?

Câu 5. Tác giả bài viết đã lấy bài thơ nào làm dẫn chứng cho chủ đề gắn bó với quê hương và thiên nhiên trong thơ Trần Đăng Khoa?
A. Cây dừa.
B. Đám ma bác giun.
C. Hạt gạo làng ta.
D. Trăng ơi từ đâu đến?

Câu 6. Đánh dấu X vào đặc trưng nghệ thuật của thơ Trần Đăng Khoa được nhắc đến trong văn bản?
STT Đặc trưng nghệ thuật Đánh dấu
1 Du dương với cách gieo chữ có vần nhịp  
2 Hình ảnh thơ hoành tráng, kì vĩ  
3 Nghệ thuật tương phản đối lập sử dụng triệt để  
4 Sử dụng linh hoạt nhiều biện pháp nghệ thuật như ẩn dụ, nhân hóa, từ láy  

Câu 7. Văn bản được kết thúc bằng nội dung nào?
A. Khẳng định vẻ đẹp trong phong cách và giá trị thơ ca của Trần Đăng Khoa
B. Bàn về những tác phẩm mới xuất bản của Trần Đăng Khoa.
C. Phát biểu cảm nghĩ về con người Trần Đăng Khoa thể hiện trong thơ ca.
D. Nói về con người Trần Đăng Khoa ở thời điểm hiện tại.

Câu 8. Câu “Trăng ơi...từ đâu đến?” thuộc kiểu câu nào?
A. Câu hỏi
B. Câu cầu khiến
C. Câu cảm thán.
D. Câu kể.

Câu 9 (1,0 điểm) Chọn và viết một đoạn thơ giàu tính nhạc của Trần Đăng Khoa?

Câu 10 (1,0 điểm) Liệt kê danh sách những bài thơ của Trần Đăng Khoa mà em đã học?
 

Phần II. Viết (4,0 điểm)

Phân tích một tác phẩm truyện mà mình đã được học, được đọc.
 

HƯỚNG DẪN CHẤM

Phần I. Đọc hiểu (6,0 điểm)
Câu Nội dung cần đạt Điểm
Câu 1 A. Nghị luận văn học 0,5 điểm
Câu 2 B. Những sự vật giải dị, quen thuộc xung quanh 0,5 điểm
Câu 3 D. Nhẹ nhàng hồn nhiên nhưng sâu sắc 0,5 điểm
Câu 4 C. Hạt gạo làng ta. 0,5 điểm
Câu 5 D. Trăng ơi từ đâu đến? 0,5 điểm
Câu 6 1, 4 0,5 điểm
Câu 7 A. Khẳng định vẻ đẹp trong phong cách và giá trị thơ ca của Trần Đăng Khoa 0,5 điểm
Câu 8 A. Câu hỏi 0,5 điểm
Câu 9 Học sinh chọn và viết một đoạn thơ giàu tính nhạc của Trần Đăng Khoa.
VD: Mưa, Mẹ ốm, Trăng ơi từ đâu đến?
1,0 điểm
Câu 10 Học sinh liệt kê những bài thơ đã học của Trần Đăng Khoa theo trí 1,0 điểm

Phần II. Viết (4,0 điểm)
Câu Đáp án Điểm
  a. Đảm bảo cấu trúc bài văn nghị luận về tác phẩm truyện
Mở bài giới thiệu được tác giả, tác phẩm. Thân bài phân tích tác phẩm truyện. Kết bài nêu được cảm nghĩ của bản thân về tác phẩm truyện.
0,25 điểm
b. Xác định đúng yêu cầu của đề: Em hãy viết bài văn phân tích một tác phẩm truyện đã học, đã nghe. 0,25 điểm
c. Bài viết có thể triển khai theo nhiều cách khác nhau song cần đảm bảo các ý sau:
1. Mở bài
- Giới thiệu được tác giả và tác phẩm.
2. Thân bài
- Nêu nội dung chính của tác phẩm
- Nêu chủ đề của tác phẩm
- Chỉ ra và phân tích tác dụng của một số nét đặc sắc về hình thức nghệ thuật của tác phẩm
3. Kết bài
- Khẳng định ý nghĩa, giá trị của tác phẩm
3,0 điểm
d. Chính tả, ngữ pháp: Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp tiếng Việt. 0,25 điểm
  e. Sáng tạo: Diễn đạt sáng tạo, sinh động, giàu hình ảnh, có giọng điệu riêng. 0,25 điểm
Lưu ý: Chỉ ghi điểm tối đa khi thí sinh đáp ứng đủ các yêu cầu về kiến thức và kĩ năng.  

Phân tích một tác phẩm truyện mà mình đã được học, được đọc
Bài làm:

Có lẽ không nơi đâu như mảnh đất Việt Nam này, mỗi con đường, góc phố, cánh rừng đều in đậm vẻ đẹp của những con người hiền hòa mà anh dũng. Nhất là trong những năm tháng kháng chiến chống Mỹ cứu nước, có biết bao con người trẻ tuổi khoác ba lô ra chiến trường để chiến đấu và làm việc, vì một lý tưởng cao cả là giành lại độc lập tự do cho quê hương mình. Rất nhiều tác phẩm văn học đã sinh ra từ không khí hào hùng của thời đại đó. Truyện ngắn Những ngôi sao xa xôi được Lê Minh Khuê viết vào năm 1971, khi cuộc chiến đấu của quân dân ta đang ở giai đoạn cam go, ác liệt nhất. Tác phẩm ra đời từ một ngòi bút trực tiếp tham gia công tác và chiến đấu tại tuyến đường Trường Sơn, nên đã chuyển tải được sự ác liệt của bom đạn và làm nổi bật lên vẻ đẹp tâm hồn của những con người Việt Nam trẻ tuổi, mà đại diện tiêu biểu chính là Nho, Thao và Phương Định.

Hãy xem hoàn cảnh sống và chiến đấu của các nhân vật chính trong tác phẩm. Họ là ba cô gái sống trong một cái hang dưới chân cao điểm. Nơi này đạn bom luôn làm rung chuyển mặt đất. Công việc của họ là trinh sát mặt đường, đo khối lượng đất đá cần để lấp hố bom, phát hiện, đếm những quả bom nổ chậm, và tìm cách phá bom để bảo vệ con đường. Nơi ở là nơi nguy hiểm, công việc thì luôn phải đối đầu với cái chết. Bên cạnh đó, họ phải chịu đựng nhiều khó khăn, thiếu thốn. Nhưng ở họ, ta lại cảm nhận được một tinh thần đoàn kết sâu sắc. Họ như kết thành một khối, có sức mạnh để vượt qua tất cả.

Lê Minh Khuê miêu tả từng nhân vật với những nét tính cách khác nhau. Đầu tiên là chị Thao, tiểu đội trưởng. Thao xứng đáng là người chỉ huy của cả đội, bởi chị lúc nào cũng rất bình tĩnh. Tình thế càng nguy hiểm thì sự bình tĩnh đó càng lộ ra rõ rệt, "những khi biết rằng cái sắp tới sẽ không êm ả thì chị tỏ ra bình tĩnh đến phát bực". Sự bình tĩnh đó giúp cho việc thực hiện nhiệm vụ lúc nào cũng chính xác và hiệu quả. Ấy vậy mà cô gái này lại "thấy máu, thấy vắt là chị nhắm mắt lại, mặt tái mét, áo lót của chị cái nào cũng thêu chỉ màu. Chị lại hay tỉa đôi lông mày của mình, tỉa nhỏ như cái tăm.", đó là vẻ đẹp mang màu sắc nữ tính của chị Thao. Thao điệu đà, thích chép những bài hát vào một cuốn sổ, nhưng trong công tác thì vô cùng táo bạo và cương quyết. Mệnh lệnh của chị Thao luôn được Nho và Phương Đinh tuân thủ chặt chẽ. Tính kỷ luật của tiểu đội được đặt lên hàng đầu.

Còn khi miêu tả Nho, nhà văn để cho nhân vật xuất hiện trong cái nhìn rất thương mến của Phương Định. Đó là lúc Nho đi từ dưới suối lên, cái cổ tròn, trông nhẹ "mát mẻ như một que kem". Nho có những mơ ước bình dị "Xong chiến tranh, sẽ xin vào một nhà máy thuỷ điện lớn. Nó làm thợ hàn, sẽ trở thành cầu thủ bóng chuyền của nhà máy. Nó sẽ đập thật giỏi. Và biết đâu lại sẽ được người ta tuyển vào đội bóng chuyền miền bắc". Vẻ đẹp của Nho giản dị như thế đấy, nhưng cô gái thanh niên xung phong này có thể đảm đương những nhiệm vụ khó khăn nhất. Khi phá bom: "Nho hai quả dưới lòng đường". Khi bị thương, Nho vẫn điềm tĩnh, đòi uống nước, và tinh nghịch trước cơn mưa đá bất chợt ào đến. Nho thật đáng yêu và đáng khâm phục.

Nhưng có thể nói nhân vật trung tâm mà Lê Minh Khuê miêu tả thật sâu sắc phải kế đến Phương Định, người ở ngôi thứ nhất kể lại câu chuyện này. Về nguồn gốc xuất thân, Phương Định vốn là một cô gái Hà Nội vừa rời ghế nhà trường đã xung phong ra trận, đó là vẻ đẹp lý tưởng ở những con người trẻ tuổi thuộc thế hệ đánh Mỹ. Ngoại hình của Phương Định khá xinh đẹp, "nói một cách khiêm tốn, tôi là một cô gái khá. Hai bím tóc dày, tương đối mềm, một cái cổ cao, kiêu hãnh như cái đài hoa loa kèn. Còn mắt tôi thì các anh lái xe bảo: "Cô có cái nhìn sao mà xa xăm!".... Vẻ đẹp tươi tắn đó của Phương Định hoàn toàn tương phản với khung cảnh chiến tranh, nó khiến cho người đọc thêm căm ghét cuộc chiến tranh xâm lược tàn ác mà kẻ thù đã gây ra.

Nhà văn miêu tả tính cách của Phương Định vẫn còn nhiều nét lãng mạn, tinh nghịch. Cô thích ca hát: "Tôi thích nhiều bài hát, dân ca quan họ dịu dàng, dân ca Ý trữ tình giàu có". Cô cũng thích ngắm mình trong gương. Nhiều anh bộ đội thầm thương trộm nhớ, nhưng Phương Định cũng không kiêu căng, vì đối với cô, các anh bộ đội chính là những con người đẹp nhất. Những cử chỉ, hành động và suy nghĩ của Phương Định cho ta thấy cô gái này là một con người giản dị, yêu đời, rất đỗi ngây thơ, trong sáng và có nội tâm phong phú.

Trong truyện ngắn, nhà văn Lê Minh Khuê đã khám phá ra đằng sau vẻ đẹp dịu dàng của Phương Định là một tâm hồn đầy sức mạnh và lòng dũng cảm của một người chiến sĩ. Điều này thể hiện trong những lần Phương Định phá bom. Quả bom của kẻ thù là phương tiện tàn ác gieo rắc cái chết, để có những con đường an toàn cho đoàn xe ra trận, Phương Định và đồng đội của cô đối mặt với những quả bom đáng sợ đó. Nhà văn Lê Minh Khuê không né tránh miêu tả thực tại phũ phàng trần trụi của chiến tranh. Đó là lúc Phương Định để lộ mình trên cao điểm, và cảm nhận sự hiểm nguy sát ngay bên cạnh. Nhưng cũng chính giây phút đó, cô gái thanh niên xung phong không thấy mình đơn độc, cô cảm thấy ánh mắt của các anh bộ đội đang dõi theo mình, động viên và bảo vệ. Vì thế, Phương Định không đi khom, cô giữ tư thế hiên ngang khi đến gần quả bom. "Cảm thấy có ánh mắt các chiến sĩ dõi theo mình, tôi không sợ nữa. Tôi sẽ không đi khom. Các anh ấy không thích cái kiểu đi lom khom khi có thể cứ đàng hoàng mà bước tới". Tâm trạng của Phương Định lúc đó thật bình tĩnh, dù rất căng thẳng. Những cử chỉ của cô khi phá bom rất chuẩn xác: cẩn thận bỏ gói thuốc nổ cạnh quả bom, khoan đất, chạy lại chỗ núp, nép người vào bức tường, nhìn đồng hồ... Những lúc như thế, Phương Định cũng có nghĩ đến cái chết, nhưng tinh thần trách nhiệm và khát khao hoàn thành nhiệm vụ mạnh mẽ hơn. Phương Định hiểu rõ ý nghĩa việc mình làm, thế nên đối mặt với cái chết, cô vẫn chủ động, bình tĩnh, dũng cảm và sẵn sàng hi sinh cho con đường ra trận được thông suốt. Đó chính là vẻ đẹp tâm hồn cao cả của cô và đồng đội!

Là một cô gái thanh niên xung phong anh dũng, nhưng trái tim Phương Định lại dịu dàng và chan chứa yêu thương, nhất là đối với những người đồng đội cô xem như ruột thịt. Khi thấy Nho bị bom vùi, Phương Định cuống cuồng bới đất cứu bạn, và chăm sóc Nho với tất cả tấm lòng người chị em gái. Đối với chị Thao, Phương Định cũng hiểu rõ tính cách, sở thích và những tâm tình của bạn, sẵn sàng giúp đỡ và sẻ chia tâm sự. Nghe giọng hát rất chua của chị Thao, Phương Định cảm thấy sự thân thiết và niềm động viên khi tình thế nước sôi lửa bỏng.Cũng như Thao và Nho, Phương Định có một tâm hồn trong sáng, nhạy cảm. Trong những ngày xa Hà Nội, cô nhớ da diết những hình ảnh thân thương của quê hương, nhớ xe bán kem, nhớ cả những ngôi sao xa xôi trên bầu trời Hà Nội. Đó là những kỷ niệm đẹp đẽ mà Phương Định đã gói ghém làm hành trang khi tham gia vào cuộc trường chinh vĩ đại của dân tộc đánh Mỹ.

Có thể nói, ở ba cô gái này, ta cảm nhận những nét tính cách đối lập: họ vừa là người chiến sĩ dũng cảm, gan dạ, sẵn sàng hi sinh cho Tổ quốc, vừa là ba cô gái hồn nhiên, đầy nữ tính và có lòng yêu quê hương đất nước lắng sâu da diết. Đó không phải chỉ là vẻ đẹp tâm hồn của riêng họ, mà là nét đẹp tâm hồn chung của những con người Việt Nam trẻ tuổi thời đại chống Mỹ cứu nước.

Lê Minh Khuê đã chọn cho mình một cách viết thật bình dị, với ngôn từ mang đậm hơi thở của chiến tranh. Ngôi kể của truyện là Phương Định - "tôi", thế nên lời kể thật tự nhiên và trẻ trung. Có lẽ bản thân nhà văn từng là một cô gái thanh niên xung phong, nên bà miêu tả tâm lý nhân vật rất thật, rất tinh tế. Từ đó, bà đã làm nổi bật tâm hồn trong sáng, mơ mộng, tinh thần dũng cảm, cuộc sống chiến đấu đầy gian khổ, hi sinh nhưng hồn nhiên và lạc quan của những cô gái thanh niên xung phong trên tuyến đường Trường Sơn đầy khói lửa. Truyện ngắn Những ngôi sao xa xôi có thể được coi là một khúc ca ca ngợi vẻ đẹp của thế hệ trẻ Việt Nam:

Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước
Mà lòng phơi phới dậy tương lai"

 

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây