Tả cây dừa

Thứ tư - 20/03/2024 09:49
Trong những bài thơ, bài ca dao, khi nhắc đến những miền quê, người ta thường nói về cây đa, về lũy tre, về gốc bàng.

Tả cây dừa - Bài 1

Trong những bài thơ, bài ca dao, khi nhắc đến những miền quê, người ta thường nói về cây đa, về lũy tre, về gốc bàng. Còn em, mỗi khi nhớ về quê hương, em thường nghĩ ngay đến hàng dừa xanh rì rào cùng sóng biển.

Quê em là một làng chài ven biển. Thế nên, loài cây thân thuộc mà được nhìn thấy nhiều nhất, thân thuộc nhất chính là cây dừa. Cây dừa thường cao từ 3 đến 4 mét. Tuy nhiên, vẫn có những cây thấp bé hơn hoặc cao lớn hơn hẳn các bạn đồng lứa. Thân dừa ở quê em không bao giờ thẳng đứng lên trời, mà bao giờ cũng nghiêng về phía biển. Do đặc thù địa hình, bộ rễ của cây phần nào trồi lên trên mặt đất. Khiến cây nhìn như thể sắp ngã vậy. Thế nhưng qua bao nhiêu năm tháng, vượt qua bao nhiêu trận bão, những thân dừa vẫn vững chãi như thuở ban đầu.

Thân dừa, chia thành nhiều đốt như cây đu đủ, càng lên cao, độ dài của các đốt lại dài hơn. Và lớp vỏ cũng bớt xù xì hơn. Phải lên đến phần ngọn, thì mới có lá dừa. Lá dừa dài khoảng 40, 50cm, bề ngang nhỏ chừng 4, 5cm. Nhiều lá dừa sẽ mọc liền vào một cuống, tạo thành tàu dừa. Nhìn từ xa, chẳng khác gì tàu lá chuối bị gió đánh rách tơi tả.

Từ nách lá, dừa sẽ ra hoa rồi kết quả. Những quả dừa sẽ mọc thành một chùm. Mỗi chùm từ 4 đến 6 quả, đôi khi có thể nhiều hơn nữa. Trái dừa to như quả bóng bay cỡ vừa, vỏ cứng và dày. Bên trong là phần cùi dừa trắng, giòn, ngọt cùng phần nước ngọt thanh, dịu mát. Những trái dừa, cùng sản phẩm làm ra từ nó, như kẹo dừa, mứt dừa… là đặc sản tiêu biểu của quê hương em.

Đến nay, tuy em phải xa quê hương để theo bố mẹ lên thành phố. Nhưng hình ảnh những tàu dừa xào xạc trong âm thanh gió biển sẽ mãi được em khắc ghi trong sâu thẳm trái tim mình.
 

Tả cây dừa - Bài 2

Vườn nhà em trồng rất nhiều cây ăn quả. Trong số những loại cây đó, cây dừa đã gắn bó và chứng kiến nhiều kỷ niệm tuổi thơ của em nhất.

Nghe bố em kể lại cây dừa này được trồng từ khá lâu rồi. Từ xa nhìn lại, cây dừa cao, to như cột chống trời. Có lẽ các loài cây trong vườn coi cây dừa như một vị thủ lĩnh. Thân cây được bao bọc bên ngoài bằng một lớp vỏ cứng, sần sùi màu nâu đen. Dáng cây đứng thẳng như chiếc cột điện cao chót vót. Rễ dừa bò lên mặt đất như những chú rắn nhỏ, hiền lành. Vào những buổi trưa hè, em thường ngồi dưới đây để hóng mát. Đứng dưới gốc nhìn lên, em thấy những tàu dừa màu xanh sẫm như chiếc lược chải tóc cho mây xanh. Chen trong các tàu lá dừa là những bông hoa li ti. Hoa dừa không mang sắc vàng đậm như hoa điệp, hoa hướng dương mà nó có màu vàng nhạt thanh thoát và duyên dáng, trông thật đáng yêu. Khi những bông hoa dừa rụng xuống, em thường chọn những cánh to, dày để làm dây chuyền... khi thì gắn lên đầu, khi thì thắt quai áo. Những bông hoa ấy lìa cành đã để lại trên cây những quả dừa bé bỏng màu xanh non. Những trái dừa cứ lớn dần, lớn dần rồi lớn hẳn. Từng trái dừa to, kết thành từng chùm lúc lỉu trên cây như đàn lợn con.

Mùa hè đến cũng là lúc dừa đã già. Mẹ thường hái xuống để bổ lấy nước cho cả nhà uống. Dưới cái nắng chói chang của mùa hè, được uống một cốc nước dừa thì thật là thích. Từng giọt nước dừa trong vắt, hương thơm man mát và ngọt dịu.

Em rất yêu quý cây dừa nhà em.
 

Tả cây dừa - Bài 3

Dừa là loài cây quen thuộc ở nhiều miền quê, nhà em cũng có hàng dừa xanh tươi. Không biết cây dừa xuất hiện từ khi nào chỉ biết rằng năm nào cây cũng cho những quả dừa tươi ngon ngọt.

Cây dừa thường được trồng thành hàng nhưng cũng có những cây trồng riêng lẻ. Mỗi cây dừa cao tầm 15 đến 20 mét, nhìn từ xa đã thấy cao vút và rất nổi bật. Gốc cây dừa có nhiều rễ xù xì, thân cây có từng mắt cách nhau khoảng một gang tay người lớn.

Thân cây dừa đặc trưng, gốc cây to nhưng càng lên cao càng nhỏ lại. Lá dừa chỉ mọc trên ngọn cây, mỗi cây khoảng 15 đến 20 lá có tên gọi khác là tàu dừa. Mỗi khi có gió thổi tàu dừa lay động nghe rất vui tai. Đến mùa ra hoa, hoa dừa mọc thành từng chùm màu trắng hệt như hoa cau, mùi thơm dễ chịu. Chỉ sau một thời gian ngắn dừa sẽ kết quả thành từng buồng, mỗi buồng thường có khoảng 10 đến 15 trái.

Cây dừa trung bình cho ba đến bốn buồng. Cây dừa thường cho quả quanh năm. Quả dừa khi còn non có màu xanh, khi về già sẽ có màu vàng, những quả dừa xanh cho nước ngon hơn. Mỗi quả dừa thường có 3 lớp bảo vệ sọ dừa. Khi bổ ra bên trong là nước dừa rất ngọt và mát, lớp cơm dừa màu trắng tinh, ăn có vị béo.

Cơm dừa thường được dùng để làm kẹo dừa hoặc ép lấy dầu. Cây dừa rất có ích với con người, nước dừa giải khát tốt cho sức khỏe, cơm dừa dùng để lấy tinh dầu. Các bộ phận của cây dừa đều có những công dụng riêng.

Mùa hè được ngả mình nghỉ trưa dưới bóng dừa và uống những dòng nước dừa mát lạnh, ngọt ngào là điều thú vị nhất đối với em. Đây là loài cây em rất yêu quý và sẽ bảo vệ để năm nào cũng được thưởng thức thứ nước giải khát đồng quê này.
 

Tả cây dừa - Bài 4

Cây dừa - biểu tượng của đất nước Việt Nam, là loại cây có sức sống mãnh liệt và đầy sức hút. Nhìn từ xa, những hàng cây dừa tạo nên một cảnh quan đẹp mắt và gợi nhớ đến bãi biển xanh mát.

Thân cây dừa có màu xám xịt, phần sát gốc có màu sẫm hơn, trông to lớn và cứng cáp. Nó chia thân dừa thành nhiều đốt như cây tre, tạo nên một cấu trúc rất đẹp mắt. Tuy nhiên, cây dừa lại rất khiêm tốn với chiều cao không quá cao lớn như những cây dừa ở biển Nha Trang, chỉ khoảng hơn ba mét một chút. Nhưng cây dừa lại rất thông thoáng, mỗi cây thường có hàng tá lá dừa xanh mơn mởn, tạo ra một bóng mát dịu nhẹ và làm tăng sự thoải mái khi nghỉ ngơi dưới cây.

Các tàu lá dừa mọc thẳng từ thân cây, trên mỗi tàu lá dừa lại có rất nhiều lá kép đối xứng với nhau qua sống lá. Các lá kép này rộng và dài đến hàng mét, có màu xanh sáng, cứng cáp và nặng nề. Nhìn từ xa, những hàng tàu lá dừa cùng với những bông hoa dừa rực rỡ màu trắng tinh khiết, tạo nên một cảnh tượng đẹp và đặc trưng của vùng đất nắng gió.

Trái dừa của cây dừa được hình thành thành buồng, gắn với thân cây nhờ một cuống lớn như buồng chuối vậy. Trái dừa to như cái đầu người, vỏ ngoài màu xanh ngà chuyển sang vàng khi chín. Bên trong, cùi trắng dày và giòn ngọt, còn nước dừa thì tươi mát và ngon miệng. Trái dừa được sử dụng rất nhiều trong đời sống, từ làm nước uống, đóng gói đồ ăn, làm gia vị trong các món ăn và cả trong làm đẹp.

Cây dừa là biểu tượng của đất nước Việt Nam, tượng trưng cho sức sống mãnh liệt của con người Việt Nam. Em rất yêu loại cây này.
 

Tả cây dừa - Bài 5

Em sinh ra và lớn lên ở một vùng quê thanh bình yên ả. Bởi thế mà em gắn bó sâu sắc với con người và cảnh sắc thiên nhiên nơi đây. Mỗi mái đình rêu phong cổ kính, những cánh đồng thơm bát ngát, những bến nước con đò... đã trở thành một phần trong tâm hồn. Và hình ảnh cây dừa cũng rất gắn bó trong em, là loài cây khiến người ta mỗi khi đi xa lại không thôi nhớ về.

Hai bên đường làng em trồng những hàng dừa từ rất lâu. Những cây dừa đứng đó, sừng sững mấy chục năm để che mưa che nắng, để gắn bó với cuộc sống sinh hoạt của biết bao nhiêu thế hệ. Ông nội em kể rằng hai hàng dừa đã được trồng hơn năm chục năm, từ những ngày kháng chiến chống Mĩ. Giờ đây cây đã cao khoảng 15m, nhìn từ xa như một chiếc ô khổng lồ.

Rễ cây đâm sâu xuống lòng đất mẹ để nuôi cây, những chiếc rễ to, tròn, ngoằn nghèo như những con trăn khổng lồ bò dưới đất. Thân cây thẳng tắp, cao vút và đâm thẳng lên trời xanh. Thân dừa hình tròn, đã to bằng một vòng tay ôm của em. Nó khoác lên mình tấm áo xù xì màu nâu thẫm nhưng bên trong là những dòng nhựa sống đang ngày đêm nuôi cây.

Trên thân dừa có chia thành những khoanh tròn nối tiếp nhau, càng lên cao những vòng khoanh lại càng gần nhau hơn. Phía ngọn dừa mọc thành một vòng tròn xoe như những cánh tay dang rộng để đón nắng đón gió. Có tàu dừa lớn, dài đến cuống. Mỗi lá đều có nhiều khía, tách thành những tàu nhỏ.

Lá dừa thuôn dài, đầu nhọn và có màu xanh lá khá đậm. Từ các nách bẹ, những chùm quả mập mạp màu trắng sữa chìa ra, dần biến thành những chùm quả. Ban đầu quả dừa chỉ bé bằng nắm tay rồi dần dần theo thời gian mà lớn lên trông thấy Quả dừa không mọc riêng kẻ mà kết thành từng chùm trông rất thích mắt.

Mỗi chùm có từ năm đến 7 quả, tròn xoe và như những hồ lô xanh bóng. Trong xa từng chùm quả như những đàn lợn con bụ bẫm đang ngoan ngoãn nằm bên mẹ. Hàng dừa được trồng ở đây từ rất lâu và thu hút biết bao ong bướm, chim chóc thi nhau ríu rít trong vòm cây. Một cơn gió nhẹ lướt qua, những chiếc tàu dừa cọ vào nhau như đang xào xạc điều chi.

Trái dừa luôn được coi là phần giá trị nhất trên cây dừa. Trái dừa non được cắt ra lấy nước uống, là loại nước giải khát thơm ngon. Ngoài ra nước dừa dùng để kho cá, kho thịt, thắng nước màu. Phần cùi dừa dùng để làm mứt, cơm dừa dày được xay nhuyễn, vắt nước cốt làm kẹo dừa, nấu dầu dừa, làm xà phòng. Bã dừa dùng làm bánh dầu, để bón phân hoặc làm thức ăn cho gia súc.

Phần vỏ cứng của trái dừa được sử dụng làm than hoạt tính, chất đốt hoặc làm các mặt hàng thủ công mỹ nghệ rất được ưa chuộng ở các nước phương Tây. Xơ dừa được đánh tơi ra dùng làm thảm, làm nệm, làm dép đặc trị cho những người bệnh thấp khớp hoặc bện làm dây thừng, lưới bọc các bờ kè chống sạt lở ven sông. Lá dừa có thể dùng để lợp nhà, làm phên liếp, chằm nón, mà còn là chất đốt thường dùng để đun nấu phổ biến ở thôn quê, lá dừa khô bó lại làm đuốc để đi trong đêm tối trời.

Dừa không phải chỉ để ăn quả mà các bộ phận của nó được dùng vào rất nhiều việc. Nhiều người đã dùng thân dừa để bắc ngang con mương nhỏ làm cầu. Do thân dừa rất chắc nên người ta đã dùng nó làm cột, làm kèo xây nhà, hoặc sáng tạo ra các mặt hàng thủ công mỹ nghệ khác hoặc làm chén đũa...Bông dừa tươi được dùng làm vật trang trí rất đẹp mắt.

Đọt dừa non có thể làm gỏi, lăn bột, xào.. rất thích hợp với người ăn chay. Có một món ăn đặc biệt mà nhiều người không biết đó là con sâu sống trên cây dừa còn gọi là đuông dừa. Do ăn đọt dừa non nên đuông dừa béo múp míp nên được chế biến thành nhiều món ăn khoái khẩu và bổ dưỡng.

Tương lai, cuộc sống ngày một hiện đại hơn nhưng những giá trị vẫn không bao giờ thay đổi. Cũng như vậy, cây dừa sẽ mãi gắn bó với người dân như những hạt phù sa mãi mãi gắn liền với các con sông để ngày bồi đắp cho mảnh đất quê hương thêm màu mỡ.

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây