Bồi dưỡng Ngữ Văn 10, Bài làm văn số 5: Văn thuyết minh

Thứ hai - 07/12/2020 09:31
Xác định rõ mục đích thuyết minh: Thuyết minh cái gì? Thuyết minh để làm gì? Cần cung cấp cho người đọc (người nghe) những tri thức cụ thể nào về đối tượng thuyết minh?
Bồi dưỡng Ngữ Văn 10, Bài làm văn số 5: Văn thuyết minh

BÀI LÀM VĂN SỐ 5: VĂN THUYẾT MINH

A. HƯỚNG DẪN CHUNG

Để làm văn thuyết minh cần chú ý đảm bảo các yếu tố sau:
   1. Xác định rõ mục đích thuyết minh: Thuyết minh cái gì? Thuyết minh để làm gì? Cần cung cấp cho người đọc (người nghe) những tri thức cụ thể nào về đối tượng thuyết minh?
   2. Huy động tất cả hiểu biết của bản thân về đối tượng cần thuyết minh. Đó có thể là những hiểu biết có được từ sự quan sát, tìm hiểu trực tiếp hoặc có thể là những hiểu biết gián tiếp thông qua những nguồn thông tin đáng tin cậy nào đó. Dù là lấy tri thức từ đâu thì cần tuyệt đối đảm bảo được đó là những tri thức chuẩn xác, khoa học và khách quan. Đồng thời chú ý làm nỗi bật những nét đặc trưng nhất, đặc sắc nhất và có sức hấp dẫn nhất ở đối tượng, tránh thuyết minh lan man, dài dòng mà không đi vào trọng tâm.
   3. Xác định phương pháp thuyết minh: sẽ sử dụng những phương pháp nào? Từng phương pháp có thể dùng để thuyết minh cho nội dung nào? Kết hợp các phương pháp như thế nào là hợp lí để vừa không chồng chéo, trùng lập, lộn xộn, vừa đạt được hiệu quả thuyết minh cao nhất.
   4. Hình thành bố cục trước khi viết, sắp xếp các ý thuyết minh theo một trình tự phù hợp chặt chẽ và lôgíc. Mặt khác cũng cần chú ý cách thức diễn đạt sao cho nội dung thuyết minh vừa rõ ràng, dễ hiểu, mạch lạc lại vừa sinh đọng, hấp dẫn, có tính nghệ thuật.

B. GỢI Ý LÀM BÀI
1. Thuyết minh về một danh lam thắng cảnh.

   a) Mở bài:
      - Giới thiệu đề tài thuyết minh: đó là danh lam thắng cảnh nào, ở đâu?
      - Nhấn mạnh ý nghĩa, giá trị của danh lam thắng cảnh (nổi tiếng, quen thuộc, độc đáo,…) nhằm thu hút sự chú ý của người đọc (để người đọc thấy được đó là một danh lam thắng cảnh rất cần được tìm hiểu).
   b) Thân bài:
      - Vị trí địa lí, cấu trúc của danh lam thắng cảnh (có thể giới thiệu theo trình tự từ xa đến gần, hoặc từ gần đến xa, từ cụ thể đến bao quát, hoặc từ bao quát đến cụ thể…).
      + Gồm những khung cảnh cụ thể nào?
      + Đặc điểm của mỗi khung cảnh đó (hình dáng, màu sắc, đem đến cho danh lam thắng cảnh một giá trị như thế nào?)
      + Cảnh trung tâm, nổi bật nhất là gì?
      - Lịch sử của danh lam thắng cảnh:
      + Được phát hiện từ bao giờ, bởi ai, có những tên gọi khác nào? Có truyền thuyết nào về nó?
      + Quá trình trùng tu tôn tạo, bảo vệ và phát huy giá trị của danh lam thắng cảnh.
      + Hiện nay danh lam thắng cảnh này đang tồn tại như thế nào, tác động gì đến bối cảnh chung của địa phương, của đất nước.
      - Giới thiệu một số ý kiến đánh giá, một số tác phẩm (văn, thơ, tuỳ bút, phóng sự, công trình nghiên cứu…) về danh lam thắng cảnh.
   c. Kết bài:
      - Quay trở lại đề tài thuyết minh.
      - Lưu lại ấn tượng chung lâu bền trong lòng người đọc (người nghe).

2. Thuyết minh về một loại hình ca nhạc (hay sân khấu) mà anh (chị) hằng yêu thích.

   a) Mở bài:
      - Giới thiệu đề tài: loại hình ca nhạc (hay sân khấu ) nào?
      - Giá trị tồn tại của nó trong đời sống văn hoá cộng đồng.
   b) Thân bài:
      - Không gian, thời gian xuất hiện, trình diễn của loại hình ca nhạc (sân khấu) đó.
      (Phổ biến vùng nào, địa phương nào? Trong một bối cảnh như thế nào? Thường được trình diễn vào thời điểm cụ thể nào?)
      - Lịch sử phát triển, phát sinh: Những tên gọi khác, những biến thể hoặc những nhóm loại hình bộ phận.
      - Yêu cầu và cách thức trình diễn (thực hiện).
      (Người thực hiện là ai? Cần có những tiêu chuẩn nào? Sân khấu phải ra sao? Cần sử dụng những nhạc cụ nào? Cách thể hiện của nghệ sĩ trên sân khấu phải đảm bảo được yêu cầu gì? (nét mặt, cử chỉ, điệu bộ, vũ đạo…).
      - Một số thành tựu nổi bật: Kể tên một số tác phẩm, một số tên tuổi nghệ sĩ đã được công chúng khẳng định qua thời gian.
      - Đóng góp của loại hình ca nhạc (sân khấu) đối với nền sân khấu, ca nhạc nói riêng và đời sống văn hoá tinh thần nói chung.
   c) Kết bài:
      - Quay lại đề tài.
      - Khẳng định sức hấp dẫn của loại hình ca nhạc (sân khấu) đối với độc giả.

3. Thuyết minh về ngành thủ công mĩ nghệ (hoặc một đặc sản, một nét văn hoá ẩm thực) của địa phương.

   a) Mở bài:
      - Giới thiệu đề tài: Thuyết minh cái gì?
      - Giá trị chung của đối tượng đang được thuyết minh.
   b) Thân bài:
      - Lịch sử  phát sinh, phát triển của đối tượng.
      - Những yêu cầu và quá trình thực hiện để hình thành tác phẩm.
      - Phân loại, phân nhóm đối tượng và chỉ rõ đặc điểm về hình dáng, màu sắc, hương vị, cấu tạo, trạng thái, công dụng… của từng loại từng nhóm cụ thể.
      - Giá trị: Giá trị sử dụng, giá trị văn hoá, thẩm  mĩ, giá trị kinh tế.
   c) Kết bài:
      - Quay lại đề tài.
      - Thu hút sự quan tâm chú ý của người đọc (người nghe) về đối tượng thuyết minh.

4. Thuyết minh một lễ hội ghi lại những nét đẹp của phong tục truyền thống hoặc thể hiện khí thế sôi nổi của thời đại.

   a) Mở bài:
   - Giới thiệu đề tài: lễ hội nào?
   - Tính chất của lễ hội (thể hiện nét đẹp trong phong tục truyền thống hay thể hiện khí thế sôi nổi của thời đại).
   b) Thân bài:
   - Thời gian, địa điểm diễn ra lễ hội.
   - Lễ hội được tiến hành theo những giai đoạn cụ thể nào? Ở từng giai đoạn đó khung cảnh của lễ hội diễn ra ra sao, có những ai, làm những gì, yêu cầu thế nào…
   - Ý nghĩa của lễ hội:
   + Ý nghĩa lịch sử: gắn liền với phong tục, tập quán, với truyền thống hay sự kiện trọng đại nào của dân tộc.
   + Ý nghĩa văn hoá tinh thần: tác động tới đời sống văn hoá, tới tinh thần, tâm linh của người dân như thế nào?
   c) Kết bài:
   - Quay lại đề tài.
   - Khẳng định sức hấp dẫn của lễ hội.

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây