Hướng dẫn học Văn 8, Tôi đi học

Thứ hai - 09/09/2019 06:26
Hướng dẫn học Ngữ Văn 8, Tôi đi học: Tóm tắt tác giả tác phẩm, nêu lên những giá trị về nội dung và nghệ thuật.
1. Tác giả
Nhà thơ Thanh Tịnh (1911 - 1988) quê ở ngoại ô thành phố Huế, tên khai sinh là Trần Văn Ninh, lên 6 tuổi được đổi là Trần Thanh Tịnh. Thanh Tịnh học tiểu học và trung học ở Huế, từ năm 1933 bắt đầu đi làm nghề hướng dẫn viên du lịch rồi vào nghề dạy học. Đây cũng là thời gian ông bắt đầu sáng tác văn chương.

Trong sự nghiệp sáng tác của mình, Thanh Tịnh đã có những đóng góp trên nhiều lĩnh vực: truyện ngắn, truyện dài, thơ, ca dao, bút kí văn học,... song có lẽ thành công hơn cả là truyện ngắn và thơ. Thơ văn Thanh Tịnh nhìn chung đều thể hiện vẻ đẹp đằm thắm, với những tình cảm êm dịu và trong trẻo. Tác phẩm chính của ông gồm: Hận chiến trường (tập thơ, 1937), Quê mẹ (tập truyện ngắn, 1941), Ngậm ngải tìm trầm (tập truyện ngắn, 1943), Sức mồ hôi (ca dao, 1954), Những giọt nước biển (tập truyện ngắn, 1956),...


2. Thể loại
Tôi đi học (in trong tập Quê mẹ - 1941)) thuộc thể loại truyện ngắn. Ở Việt Nam, khoảng đầu thế kỉ XX, khái niệm này còn khá mới mẻ. Thời trung đại cũng đã có truyện hoặc các tác phẩm có tính chất tự sự nhưng không có tác phẩm nào thể hiện được những đặc trưng cơ bản của thể loại này.

Truyện ngắn thuộc loại hình tự sự, đặc trưng cơ bản nhất của nó là ngắn. Tuy nhiên, mức độ dài ngắn không hoàn toàn quyết định tính chất thể loại. Như trên đã nói, nhiều tác phẩm (có tính tự sự) thời trung đại nhưng không thể xếp vào loại truyện ngắn bởi ngoài tính chất về dung lượng, truyện ngắn còn có một số đặc trưng khác.

Khác với các truyện dài (ví dụ: tiểu thuyết) và truyện vừa thường tái hiện trọn vẹn cuộc đời một nhân vật, một sự kiện, hoàn cảnh,.. truyện ngắn chỉ là một lát cắt, một khoảnh khắc, một hiện tượng nổi bật (cũng có thể khác thường) của cuộc sống. Để đảm bảo với một dung lượng nhỏ mà chuyển tải được những ý nghĩa lớn, ngôn ngữ truyện ngắn phải hàm súc đến mức tối đa. Các chi tiết “thừa” (đối với việc thể hiện nôi dung cốt truyện), các chi tiết rườm rà đều bị lược bỏ để tập trung vào những chi tiết chủ yếu nhất. Trong truyện ngắn, dường như hiện thực đời sống đã được “nén” chặt lại nhằm mục đích khắc hoạ nổi bật một hiên tượng, một nét bản chất trong quan hệ nhân sinh hay trong đời sống tâm hồn con người.

3. Tóm tắt
Tôi đi học được bố cục theo dòng hổi tưởng của nhân vật “tôi” về những kỉ niệm buổi tựu trường. Đó là cảm giác náo nức, hồi hộp, ngỡ ngàng với con đường, bộ quần áo, quyển vở mới, với sân trường, với các bạn; cảm giác vừa xa lạ vừa gần gũi với mọi vật, vừa ngỡ ngàng vừa tự tin và vừa nghiêm trang vừa xúc động bước vào giờ học đầu tiên.

B. GIÁ TRỊ TÁC PHẨM
I. Nội dung
1. a) Nguyên cớ gợi lên trong lòng nhân vật “tôi” kỉ niệm về buổi tựu trường:
Mở đầu truyện, nhà văn Thanh Tịnh viết: “Hằng năm cứ vào cuối thu, lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc, lòng tôi lại nao nức những kỉ niệm mơn man của buổi tựu trường...”. Như thế, dòng cảm xúc của nhân vật “tôi” được khơi nguồn từ một kí ức định hình khi thời khắc thiên nhiên có những biến thái diệu huyền. Những kỉ niệm của buổi tựu trường đầu tiên trong đời được nhân vật “tôi” nhớ lại là thời điểm cuối thu, cây cối bâng khuâng vào mùa thay lá. Những chiếc lá khô xào xạc trên đường tưởng như vô tri vô giác ấy đã trở thành những sắc màu thông điệp, thanh âm ngôn ngữ riêng hối gọi lòng người ngược về một không gian và thời gian cụ thể - dù đã qua rồi nhưng mãi mãi chưa xa. Sức mạnh của hồi ức khiến không gian và thời gian hiện tại cũng trở nên bâng khuâng, náo nức lạ thưởng. Kỉ niệm về con đường đầu tiên, người thầy đầu tiên, trang sách mới và những người bạn mới chung trường chung lớp ấy..., tất cả còn nguyên vẹn tươi ngời trong cảm giác “mơn man” dịu nhẹ, ngọt ngào và trong sáng “như mấy cành hoa tươi mỉm cười giữa bầu trời quang đãng”. Khung cảnh thiên nhiên gợi nhớ, những cảm xúc trào dâng và chính dòng cảm xúc ấy là “đầu mối” dẫn dắt trí nhớ trở về với những sự kiện đã được khắc ghi trong quá vãng.

b) Đọc toàn bộ truyện ngắn, những kỉ niệm về buổi tựu trường đầu tiên được nhà văn diễn tả theo trình tự:
* Từ hiện tại nhớ về quá khứ: tiết trời cuối thu, hình ảnh các em nhỏ đến trường gợi cho nhân vật “tôi” nhớ lại.
Dòng hồi tưởng của nhân vật “tôi” trở về con đường cùng mẹ tới trường.
Cảm giác của nhân vật “tôi” khi nhìn thấy ngôi trường ngày khai giảng, khi nhìn các bạn, lúc nghe gọi tên mình vào lớp.
Tâm trạng hồi hộp của nhân vật “tôi” lúc ngồi vào chỗ của mình trong giờ học đầu tiên.

2. Những hình ảnh, chi tiết chứng tỏ tâm trạng hồi hộp, cảm giác bỡ ngỡ của nhân vật “tôi” khi cùng mẹ đi trên đường tới trường, khi nghe gọi tên và phải rời bàn tay mẹ cùng các bạn đi vào lớp, khi ngồi trong lớp đón giờ học đầu tiên:
- Con đường, cánh vật trên đường vốn rất quen nhưng lần này tự nhiên thấy lạ, nhân vật “tôi” cảm thấy có sự thay đổi lớn trong lòng mình.
Nhân vật “tôi” cảm thấy trang trọng và đứng đắn trong chiếc áo vải dù đen dài, cùng mấy quyển vở mới trên tay.
- Cẩn thận, nâng niu mấy quyển vở, lúng túng muốn thử sức nên xin mẹ được cầm cả bút, thước như các bạn khác.
- Ngạc nhiên thấy sân trường hôm nay dày đặc cả người, ai cũng ăn mặc sạch sẽ, gương mặt tươi vui và sáng sủa.
- Ngôi trường vừa xinh xắn vừa oai nghiêm khác thường. Nhân vật “tôi” cảm thấy mình bé nhỏ, do đó lo sợ vẩn vơ.
- Giật mình và lúng túng khi nghe gọi đến tên mình.
- Càng cảm thấy sợ khi sắp phải rời bàn tay dịu dàng của mẹ.
- Nghe những tiếng khóc của bạn, cảm thấy bước vào thế giới khác, xa lạ.
- Vừa ngỡ ngàng, vừa tự tin khi bước vào giờ học đầu tiên.

3. Cảm nhận về thái độ, cử chì của những người lớn đối với các em bé lần đầu đi học:
- Ông đốc là một người lãnh đạo nhà trường rất hiền từ, nhân ái.
- Thầy giáo trẻ niềm nở, tươi cười đón nhân học sinh lớp mới.
- Các bậc phụ huynh đều chuẩn bị chu đáo cho con em mình trong buổi tựu trường đầu tiên, đều trân trọng dự buổi khai giảng và hồi hộp cùng các em.
- Thái độ, cử chỉ của những người lớn đối với các em bé trong lần đầu đi học tỏ ra rất có trách nhiệm, tạo ra ấn tượng tốt đẹp trong các em ngay từ buổi đầu tiên đến trường.
- Trong truyện ngắn, nhà văn đã sử dụng khá nhiều những hình ảnh so sánh giàu giá trị biểu cảm, ví như các so sánh:
+ “Tôi quên thế nào được những cảm giác trong sáng ấy này nà trong lòng tôi như mấy cành hoa tươi mỉm cười giữa hầu trời quang đãng.”
+ “Ý nghĩ ấy thoáng qua trong trí tôi nhẹ nhàng như một làn mây lướt ngang trên ngọn núi.”
+ “Họ như con chim con đứng trên bờ tổ, nhìn quãng trời rộng muốn hay, nhưng còn ngập ngừng e sợ. Họ thèm vụng và ước ao thầm được như những người học trò cũ, biết lớp, biết thầy để khỏi phải rụt rề trong cảnh lạ.”
- Những so sánh nêu trên xuất hiện ở các thời điểm khác nhau để diễn tả những cảm xúc phong phú của nhân vật tôi. Nhờ các hình ảnh giàu sức gợi cảm mà cảm giác và ý nghĩ của nhân vật tôi được thể hiện cụ thể, rõ ràng hơn, đồng thời cũng gợi ra cho truyện cái chất thơ trong trẻo.

II. Nghệ thuật
1. Đặc sắc về nghệ thuật thể hiện trong truyện ngắn:
- Truyện được cấu tạo theo dòng hồi tưởng, mạch truyện phát triển theo trình tự thời gian và cảm nghĩ chân thành của nhân vật “tôi”.
- Trong truyện, có sự phối hợp nhuần nhuyễn giữa các phương thức kể và tả. Điều đố giúp cho cảm xúc, tâm trạng của nhân vật được thể hiện một cách tự nhiên, hợp lí.

2. Sức cuốn hút của tác phẩm được tạo nên từ:
- Tình huống truyện.
- Ý nghĩ ngây thơ của nhân vật “tôi”.
- Hình ảnh thiên nhiên, ngôi trường và những nhân vật khác qua lời kể của nhân vật “tôi”.

3. Ý nghĩa
Trong cuộc đời của mỗi con người, những kỉ niệm đẹp đẽ, trong sáng của tuổi học trò, nhất là kỉ niệm về ngày đầu tiên đi học chắc chắn sẽ được khắc ghi mãi mãi. Tác phẩm của Thanh Tịnh khơi đúng vào cái kỉ niệm sâu sắc khó phai ấy. Nó khiến mỗi chúng ta khi đọc truyện lại bâng khuâng xao xuyến sống về những ngày xưa tươi đẹp.

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây