Học và ôn luyện Ngữ văn nâng cao 9: Chương trình địa phương

Chủ nhật - 08/09/2019 12:48
Học và ôn luyện Ngữ văn nâng cao 9: Chương trình địa phương
Chương trình địa phương
(Phần Văn học)
Trong cuốn sách này, chúng tôi có giới thiệu một số bài văn của học sinh được điểm cao. Xem đó là hình ảnh Văn học địa phương rất đáng biểu dương, ngợi ca.
Chúng tôi xin trân trọng trích đăng bài văn của một nhà giáo viết về thành phố quê hương mình.
Hải Phòng - thành phố của thế kỉ XXI
... “Tháng năm rợp trời hoa phượng đỏ, ôi Hải Phòng thành phố tôi yêu. Ta yêu thành phố quê hương như yêu chính người thân yêu nhất”..., câu hát ấy, bài ca ấy cứ vang lên dào dạt trong lòng tôi, từng làm rung động hàng ngàn, hàng vạn trái tim người dân thành phố cảng - “thành phố hoa phượng đỏ”.
Từ khói lửa chiến tranh, Hải Phòng với truyền thống “Trung dũng - Quyết thắng” hiên ngang bước vào thế kỉ XXI đầy khí thế và quyết tâm xây dựng thành phố quê hương “ đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” như Bác Hồ đã dạy. Hải Phòng đang lớn lên trong tầm vóc mới, đang đổi thay từng tháng từng ngày. Cả thành phố là một công trường vĩ đại. Cả thành phố là một không gian tráng lệ, huy hoàng trên vùng biển Đông - Bắc của Tổ quốc. Một thành phố loại I đô thị trung tâm quốc gia, một thành phố đổi mới, mở cửa, văn minh hiện đại.
Hải Phòng hôm qua, hôm nay và ngày mai, không chỉ có “bốn cống, ba cầu, năm cửa ô”, không chỉ có đường 5 hiện đại mà còn có đường 10 thênh thang chạy về phía Nam, đường xuyên đảo Đình Vũ - Cát Bà vươn dài ra biển Đông. Cầu Bính vượt sông Cấm hoành tráng biết bao, cầu An Dương II, Cầu Rào II, cầu Tiên Cựu, cầu Quý Cao, cầu Sông Mới... lần lượt nối tiếp ra đời làm cho hành khúc “Thành phố Hoa Phượng Đỏ” thêm trầm hùng vang dội, không gian thành phố thêm bao la, bát ngát.
Đại lộ Lê Hồng Phong với nhiều làn xe chạy, từ Ngã Năm đến sân bay Cát Bi, hai bên là những cao ốc và khu công viên vui chơi giải trí. Trên đại lộ ấy sẽ xây dựng đài chiến thắng Cát Bi mãi mãi tỏa ánh hào quang bất diệt về chiến công hiển hách của quân dân Hải Phòng trong kháng chiến chống Pháp. Đại lộ Hồ Sen - Cầu Rào II rộng thênh thang, hai bên là những dãy cao ốc, những biệt thự, những dải cây xanh soi bóng xuống khu đầm sen, những hồ sen ngọt ngào sắc hương thơ mộng.
Đến với thành phố Hải Phòng, mời bạn đến với bãi biển Đồ Sơn. Du khách sẽ băng qua đại lộ 353 dài 20km, như hai dải lụa hồng song song kéo dài từ nội đô đến khu nghỉ mát - du lịch nổi tiếng trên miền Bắc nước ta. Dọc hai bên đường là những nhà vườn, cao ốc, biệt thự, những đầm nuôi tôm, nuôi cua, nuôi cá, những dải cây xanh, những xóm làng vùng duyên hải trù phú thanh bình.
Công nghiệp Hải Phòng đang phát triển trên quy mô lớn hiện đại. Nhà máy xi măng Tràng Kênh mỗi năm sản xuất được nhiều triệu tấn, nhà máy đóng tàu sông Cấm, Bạch Đằng, với những con tàu hiện đại hàng vạn tấn, mang quốc kì Việt Nam đi tới những chân trời, những đại dương, những hải cảng Âu, Mĩ... xa xôi... Cảng biển Hải Phòng là một cảng lớn nhất miền Bắc nước ta, đã và đang được hiện đại hóa.
Hải Phòng là một vùng đất có bề dày truyền thống lịch sử - văn hóa rất đáng tự hào. Có nhà thờ Ngô Quyền với bao di tích gắn liền cùng tên tuổi người anh hùng đánh tan giặc Nam Hán trên sông Bạch Đằng hơn một nghìn năm về trước. Hải Phòng có tượng đài Lê Chân, vị nữ tướng tài ba của Hai Bà Trưng, có tượng đài Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm - “như nhật trung thiên” tỏa sáng.
Giáo dục Hải Phòng đã có nhiều thành tựu to lớn về quy mô phát triển và chất lượng đào tạo. Cùng với một hệ thống giáo dục Mầm non - Tiểu học - Trung học rất phát triển, Hải Phòng ngoài các trường Đại học có từ trước như Đại học Hàng Hải, Đại học Y khoa, Đại học Sư phạm,... sẽ có thêm trường Đại học Quốc tế, Trung tâm tin học và đào tạo, Trung tâm chỉ đạo điều hành quản lí phát triển nguồn nhân lực Hải Phòng thế kỉ XXI. Hải Phòng là đất học, từng có nhiều học sinh giỏi giành giải cao trong các kì thi học sinh giỏi toàn quốc, học sinh giỏi quốc tế...
Hải Phòng, thành phố thân yêu của chúng ta, của hàng ngàn, hàng vạn người dân đất Cảng. Chúng ta náo nức tự hào, bước vào mùa xuân mới với bao hi vọng dạt dào:
Hải Phòng ơi, hôm nay bé nhỏ, mai ta sẽ thấy rộng dài, rực sáng, sánh vai cùng Sài Gòn - Đà Nẵng quê hương”. Hải Phòng ơi ! Trái tim ta đó - niềm hi vọng rực sáng tương lai.
                                                                                           Theo Xuân Dung
(Rút từ cuốn “Ngữ Văn địa phương Hải Phòng” của Sở Giáo dục và đào tạo Hải Phòng)

Hội An, phố cổ miền Trung
Thị xã Hội An thuộc tỉnh Quảng Nam trên dải đất miền Trung. Ngày 4/12/1999, cùng với tháp Châm-Mỹ Sơn, phố cổ Hội An đã được UNESCO công nhận là di sản văn hoá thế giới.
Từ thế kỉ XVII, XVIII có hàng trăm hàng nghìn người Hoa từ Quảng Đông, Triều Châu, Hải Nam... đến đôi bờ con sông Hoài sinh cơ lập nghiệp. Phố Hội An ngày một mở mang, đông vui. Ở đây hiện có những ngôi chùa cổ trên mấy trăm tuổi như: chùa Phúc Kiến, chùa Long Tuyền, chùa Triều Châu, chùa Chúc Thánh, chùa Phước Lâm,... Những lễ hội, những tập tục văn hoá xa xưa được lưu giữ mãi trong hồn người. Những chiếc áo vạt hò, quần chân què, nón mê, guốc gỗ... của những người bán hàng rong như gợi nhớ gợi thương. Đặc biệt chiếc đèn lồng đủ mọi kích cỡ, dáng hình, màu sắc treo dọc phố, treo trước cửa nhà, treo hai bên bàn thờ tổ tiên đã ăn sâu vào kí ức và làm nên một Hội An cổ kính, hưng thịnh và tấp nập xưa nay.
Đúng 17 giờ đêm 14 âm lịch hằng tháng, có hàng trăm hàng nghìn đèn lồng được thắp sáng lung linh như sao sa, dọc theo các phố Trần Phú, Nguyễn Thái Học, Bạch Đằng, Nguyễn Thị Minh Khai,... Hãy tản bộ dọc bờ sông Hoài, ta sẽ cảm thấy tâm hồn mình thảnh thơi kì lạ. Hãy đến với một gánh hàng rong nhấm nháp một bát chè bắp Cẩm Nam thơm mát, nếm một bát mì Quảng béo ngậy, thưởng thức một tô cao lầu đặc sản thơm đậm, ngọt ngào... Hương vị, sắc màu Hội An đó.
Hãy đến thăm chùa Long Tuyền, chùa Cầu, thắp lên một nén nhang, ngắm hàng trăm tượng Phật, đọc và suy ngẫm về những câu đối, hoành phi sơn son thếp vàng. Những chiếc áo lam của bà con đi lễ hội chùa Cầu trong ánh đèn lồng, dưới bóng trăng rằm gợi lên bao cảm xúc dạt dào, lồng lộng trăng nước.
Phố cổ Hội An, một không gian cổ kính, thanh bình. Con sông Hoài thơ mộng. Chùa Cầu tráng lệ, trang nghiêm. Màu thời gian nơi phố cổ gợi cho du khách tìm về giấc mộng ngàn xưa. 
Một tiếng chuông chùa ngân vang. Một giọng hò từ xa đưa lại trong bóng trăng thanh đêm rằm gợi thương gợi nhớ. Tinh yêu Hội An càng trở nên thiết tha sâu lắng khi ta chợt nghe một tiếng hò từ xa đưa lại:
Hội An bán gấm, bán điều,
Kim Bồng bán vải, Trà Nhiêu bán hàng...
                                                                                                   Tạ Đức Hiền

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây