Học và ôn luyện Ngữ văn nâng cao 9: Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga

Thứ sáu - 06/09/2019 12:27
Học và ôn luyện Ngữ văn nâng cao 9: Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga
Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga
                        (Trích Truyện Lục Vân Tiên)
                        Nguyễn Đình Chiểu
I. Đọc - hiểu
1. Giới thiệu một vài nét về Nguyễn Đình Chiểu
Nguyễn Đình Chiểu (1822-1888) sinh ở làng Tân Khánh, phủ Tân Bình, tỉnh Gia Định, xuất thân trong một gia đình quan lại nhỏ. Học giỏi, giàu lòng hiếu thảo, cả cuộc đời sáng ngời nhân nghĩa, tình yêu nước thương dân.
Cuộc đời riêng đầy bi kịch: bị mù, công danh dở dang... Tình chung đau xót: đất nước ta bị giặc Pháp xâm lăng, đất Nam Bộ mất dần vào tay giặc.
Nguyễn Đình Chiểu là nhà thơ lớn của đất nước ta, tác phẩm của ông tỏa sáng trong những năm dài đau thương nửa sau thế kỉ XIX.
Tác phẩm gồm có:
- Các truyện thơ: “Truyện Lục Vân Tiên”, “Dương Từ Hà Mậu”, “Ngư Tiều y thuật vấn đáp”.
- Nhiều bài thơ, bài văn tế tuyệt tác: “Chạy giặc”, “Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc”, “Văn tếTrương Định”, “Văn tế nghĩa sĩ trận vong Lục tỉnh”, v.v...
Tất cả văn thơ Nguyễn Đình Chiểu đều viết bằng chữ Nôm thấm đẫm tư tưởng nhân nghĩa, giàu lòng yêu nước thương dân và căm thù giặc sôi sục.

2. Tác phẩm
Truyện Lục Vân Tiên là một tác phẩm tiểu biểu, độc đáo của Nguyễn Đình Chiểu, gồm 2082 câu thơ lục bát (có dị bản dài 2246 câu thơ lục bát).
Qua cuộc đời nhân vật Lục Vân Tiên và Kiều Nguyệt Nga, tác giả đã ca ngợi tư tưởng nhân nghĩa, lên án bọn lừa thầy phản bạn, lũ bất lương, đồng thời khẳng định trung, hiếu, tiết, hạnh là đạo lí cao đẹp :
Trai thời trung, hiếu làm đầu,
Gái thời tiết, hạnh là câu trau mình”.

3. Tóm tắt
Ở quận Đông Thành, vợ chồng họ Lục sinh được đứa con trai rất tuấn tú, đặt tên là Lục Vân Tiên. Sau khi lên núi tầm sư học đạo, Vân Tiên trở thành một con người  xuất chúng: văn võ kiêm toàn. 
Trên đường xuống núi về kinh ứng thí, Vân Tiên đã đánh tan bọn cướp Phong Lai, cứu được Kiều Nguyệt Nga, một thiếu nữ vóc ngọc mình vàng. Cảm công đức chàng hiệp sĩ, nàng vẽ bức hình Lục Vân Tiên luôn luôn mang theo mình.
Vân Tiên ghé thăm gia đình Võ Công - người đã hứa gả con gái cho chàng. Vân Tiên gặp Hớn Minh, Vương Tử Trực (hai người bạn tốt) và Trịnh Hâm, Bùi Kiệm, hai kẻ tầm thường, bụng dạ xấu xa. Ông Quán đã luận với bốn sĩ tử về lẽ ghét thương ở đời.
Sắp vào trường thi, Vân Tiên nhận được tin dữ của nhà gửi đến. Chàng vội trở về quê chịu tang mẹ. Chàng quá đau khổ mà lâm bệnh, rồi hai mắt bị mù. Vân Tiên bị bọn lang băm, phù thủy, thầy bói lừa gạt lấy hết tiền; Trịnh Hâm đẩy xuống sông hãm hại. Vân Tiên được con Giao Long và Ngư Ông cứu thoát. Vân Tiên trở lại nhà Võ Công, bị hắt hủi và bị bỏ vào hang sâu cho chết. Vân Tiên được Thần Núi và ông Tiều cứu ra, gặp lại Hớn Minh, người bạn nghĩa hiệp. Vương Tử Trực đỗ thủ khoa, tìm đến nhà Võ Công hỏi thăm tin tức Vân Tiên. Võ Công ngỏ ý gả cho Vương Tử Trực con gái yêu (người mà trước đây y đã hứa gả cho Lục Vân Tiên) nên đã bị chàng mắng nhiếc, y vì quá nhục mà chết.
Kiều Nguyệt Nga nghe tin Vân Tiên gặp nạn đã qua đời, nàng vô cùng thương tiếc, nguyền sẽ thủ tiết với chàng. Tên Thái sư trong triều hiến kế cho nhà vua bắt đem Kiều Nguyệt Nga cống cho giặc Ô Qua. Nàng đã ôm theo bức hình Lục Vân Tiên nhảy xuống sông tự tử. Phật Bà Quan Âm đã cứu sống Kiều Nguyệt Nga; sau đó nàng lại dạt vào vườn hoa nhà họ Bùi. Bùi ông muốn nhận Kiều Nguyệt Nga làm con nuôi, nhưng Bùi Kiệm lại nằng nặc đòi lấy nàng làm vợ. Kiều Nguyệt Nga bỏ trốn, nương nhờ Lão Bà ở giữa rừng sâu.
Lục Vân Tiên nhờ thuốc tiên mà đôi mắt lại sáng. Chàng vội trở lại quê nhà: thăm cha, viếng mộ mẹ, thăm Kiều Ông. Chàng lại đi thi, đỗ Trạng nguyên; vua sai đi dẹp giặc Ô Qua. Trên đường chiến thắng trở về, Lục Vân Tiên bất ngờ gặp lại Kiều Nguyệt Nga, hai người mừng mừng tủi tủi.
Lục Vân Tiên trở lại Triều đình, tâu hết sự tình đầu đuôi. Tên Thái sư và bọn gian ác bị trừng phạt, những người nhân nghĩa được đền đáp. Lục Vân Tiên và Kiều Nguyệt Nga nên vợ nên chồng, sống cuộc đời hạnh phúc, vinh hiển.

II. Đọc - cảm thụ
1. Phân tích nhân vật Lục Vân Tiên qua đoạn thơ “Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga”
Nguyễn Đình Chiểu, nhà thơ yêu nước Nam Bộ. Ông sống trong thời kì loạn lạc, xã hội rối ren, chế độ phong kiến Việt Nam suy tàn, bọn vua quan nhà Nguyên thối nát. Xã hội đen tối, đau thương. Ngoài những thơ văn yêu nước, Nguyễn Đình Chiểu nổi tiếng với Truyện Lục Vân Tiên dài 2082 câu thơ lục bát.
Truyện thơ đề cao trung, hiếu, tiết, hạnh theo quan niệm đạo lí của nhân dân ta. Đạo làm tôi, đạo làm con, tình bằng hữu, nghĩa vợ chồng... được nhà thơ hết lời ca ngợi:
“Trai thời trung hiếu làm đầu,
Gái thời tiết hạnh là câu trau mình”.
Lục Vân Tiên và Kiều Nguyệt Nga là hai nhân vật trung tâm của truyện thơ sáng ngời trung hiếu, tiết hạnh. 
Đoạn thơ “Lục Vân Tiên đánh cướp” là một trong nhưng đoạn thơ hay nhất của tác phẩm, tiêu biểu cho bút pháp tự sự của Nguyễn Đình Chiểu. Nhân vật Lục Vân Tiên được khắc họa thành mẫu người anh hùng lí tưởng tuyệt đẹp: giàu lòng thương người, dũng cảm và vị nghĩa cao cả.
Lòng thương người là đức hạnh tốt đẹp nhất của Lục Vân Tiên. Từ giã thầy, chàng xuống núi, hăm hở về kinh đô ứng thí. Lộ trình đầy gian nan. Giữa đường, Lục Vân Tiên bất ngờ gặp nhân dân dắt díu nhau chạy trốn, tiếng kêu khóc vang lên thảm thiết. Chàng đã ân cần hỏi han sự tình đầu đuôi và quyết ra tay đánh cướp để cứu dân lành thoát khỏi cảnh đau thương, nước sôi lửa bỏng:
“Tôi xin ra sức anh hào,
Cứu người cho khỏi lao đao buổi này!”.
Căm giận lũ bất lương, Lục Vân Tiên sôi sục lên án hành động dã man của chúng. Chàng đã đứng về phía nhân dân, quyết bảo vệ dân:
Kêu rằng: bớ đảng hung đồ,
Chớ quen làm thói hồ đồ hại dân”.
Đạo lí của nhân dân ta rất đẹp “Thương người như thể thương thân”. Lục Vân Tiên đã hành động vì tình thương bao la ấy.
Tình thương người đã nâng cao chí khí và lòng dũng cảm cho người thư sinh họ Lục. Lũ cướp rất đông và đáng sợ với gươm giáo sáng ngời. Tướng cướp Phong Lai “mặt đỏ phừng phừng” đằng đằng sát khí. Hắn dữ tợn và có sức khoẻ muôn người khôn địch! Giữa vòng vây của lũ cướp, không một tấc sắt trong tay, một mình bẻ cây làm gậy, Lục Vân Tiên đã dũng cảm đánh cướp. Đột kích bên tả, xung phong bên hữu, chàng tung hoành giữa bọn cướp. Chúng bị đánh tơi bời. Bọn lâu la đã khiếp đảm quăng gươm giáo bỏ chạy tan tác. Tướng cướp Phong Lai bị tiêu diệt. Nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu đã so sánh Lục Vân Tiên đánh cướp với chiến công của Hồ tướng Triệu Tử Long phá vòng vây Đương Dang thời Tam quốc để ca ngợi tinh thần quả cảm của người anh hùng vị nghĩa:
“Vân Tiên tả đột hữu xông,
Khác nào Triệu Tử phá vòng Đương Dang.
Lâu la bốn phía vỡ tan,
Đều quăng gươm giáo tìm đàng chạy ngay.
Phong Lai trở chẳng kịp tay,
Bị Tiên một gậy thác rày thân vong”.
Giọng thơ hùng tráng vang lên diễn tả trận đánh cướp đầy kịch tính hấp dẫn.
Lục Vân Tiên là một anh hùng vị nghĩa cao đẹp.
Đánh tan lũ cướp sơn đài, Lục Vân Tiên đã giải thoát cho Kiều Nguyệt Nga và Kim Liên. Cuộc kì ngộ giữa người đẹp và trang anh hùng diễn ra cảm động và đầy tình người. Kiều Nguyệt Nga muốn mời chàng hiệp sĩ qua miền Hà Khê, để cha nàng “báo đức thù công”:
Gẫm câu báo đức thù công,
Lấy chi cho phì tấm lòng cùng ngươi”. 
Nhưng Vân Tiên “nghe nói liền cười”. Một nụ cười rất tươi, biểu lộ một tâm hồn cao cả: vô tư, hào hiệp, khảng khái. Chàng xem việc đánh cướp của mình là một hành động nhân nghĩa. Người tráng sĩ phải ra tay cứu nhân đô thế, diệt trừ cái ác, chở che bênh vực người lầm than, bị áp bức. Nếu thấy việc nghĩa mà không làm thì còn đâu đáng mặt anh hùng nữa?
Nhớ câu kiến nghĩa bất vi,
Làm người thế ấy cũng phi anh hùng”.
Nguyễn Đình Chiểu đã khắc họa nhân vật Lục Vân Tiên mang cốt cách tráng sĩ thời loạn, coi cái chết nhẹ tựa lông hồng, trọng nghĩa khinh tài, sống và hành động theo phương châm: “Lộ kiến bất bình, bạt đao tương trợ”. Vân Tiên cũng như người anh hùng Từ Hải trong “Truyện Kiều”.
Anh hùng tiếng đã gọi rằng,
Giữa đường dẫu thấy bất bằng mà tha!”.
Hình ảnh Vân Tiên đánh cướp được khắc hoạ sinh động, tài tình. Cử chỉ, hành động, ngôn ngữ và cách ứng xử của chàng rất đẹp, mang phong thái người anh hùng, người tráng sĩ ngày xưa. Hình tượng này rất chân thật thể hiện lòng thương người, chí quả cảm, tinh thần vị nghĩa của Vân Tiên mang đậm đà màu sắc đạo lí nhân dân ta. Hơn một trăm năm mươi năm qua, nhân vật Lục Vân Tiên vẫn được nhân dân ta yêu mến, hâm mộ. Tinh thần chiến đấu kiên cường của đồng bào miền Nam trong cuộc đấu tranh chống phong kiến và đế quốc trong giai đoạn lịch sử đã qua mang sắc thái của vẻ đẹp lí tưởng của người anh hùng Lục Vân Tiên. Tấm gương sáng chói ấy mãi mãi là một minh chứng hùng hồn về sức mạnh thẩm mĩ của thi ca, của Truyện Lục Vân Tiên mà nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu đã để lại cho nhân dân.

2. Tính cách nghĩa hiệp của Lục Vân Tiên qua đoạn trích “Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga”
Truyện Lục Vân Tiên” là tác phẩm nổi tiếng của Nguyễn Đình Chiểu sáng tác trong giai đoạn trước khi thực dân Pháp xâm lược. Cuộc đời và tính cách Lục Vân Tiên có những nét trùng hợp với cuộc đời và tính cách của tác giả. Điểm nổi bật trong tính cách Lục Vân Tiên là tính nghĩa hiệp. Lục Vân Tiên là điển hình của con người nghĩa hiệp trong một xã hội đang suy thoái. Muốn hiểu con người nghĩa hiệp Lục Vân Tiên ta cùng nhau phân tích đoạn trích “Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga”.
Đang trên đường về kinh đô dự thi, thấy dân tình than khóc thảm thiết, Lục Vân Tiên đã dừng lại hỏi han sự tình. Nghe dân kể có một bọn cướp ở Sơn Đài không ai đương nổi hiện đang xuống cướp thôn hương “Gặp con gái tốt qua đường bắt đi”, Lục Vân Tiên liền “ghé lại bên đàng”'.
“Bẻ cây làm gậy nhắm làng xông vô”.
Một người không có khí giới trong tay lại đơn độc đã lập tức “bẻ cây làm gậy” xông vào đánh bọn cướp đông và dữ có gươm giáo sáng ngời. Chỉ riêng điều đó chàng đã xứng danh anh hùng nghĩa hiệp lắm rồi. Vân Tiên không hề đắn đo, tính toán nhất là giữa lúc chàng đang trên đường đi ứng thi, nghĩa là công danh phú quý đang đợi chàng phía trước. Thế mà chàng không sợ hiểm nguy tính mạng, đã lập tức quyết định xông vào đánh cướp trong tình thế hết sức bất lợi. Điều đó chứng tỏ chàng hành động vì việc nghĩa, một bản chất tốt đẹp của chàng.
Gặp bọn cướp, Lục Vân Tiên mắng ngay vào mặt chúng:
“Kêu rằng: Bớ đảng hung đồ,
Chớ quen làm thói hồ đồ hại dân “.
Lời mắng của chàng càng chứng minh cụ thể hơn tính cách nghĩa hiệp ấy. “Hại dân” là việc làm bất nghĩa. Nên diệt trừ lũ “hại dân” là việc làm nhân nghĩa. Chính từ nhận thức đó mà Lục Vân Tiên dốc lòng đánh cướp, chàng đã “tả đột hữu xông”:
“Khác nào Triệu Tử phá vòng Đương Dang”.
Hình ảnh so sánh này càng làm nổi bật tính cách và sức mạnh nghĩa hiệp của Lục Vân Tiên. Tài năng anh dũng của chàng được ví với Triệu Tử Long - một danh tướng thời Tam Quốc. Đơn độc chống lại bọn cướp để cứu giúp dân lành, Lục Vân Tiên là hiện thân cao đẹp nhất của một trang nam nhi đã hành động vì nghĩa lớn.
Tính cách nghĩa hiệp của Lục Vân Tiên còn được biểu hiện qua sự từ chối việc trả ơn của Kiều Nguyệt Nga - người con gái yểu điệu mà chàng đã cứu thoát khỏi tay bọn cướp. Rất biết ơn chàng, nàng muốn tạ ơn công lao to lớn và hành đông nghĩa hiệp của chàng:
Hà khê qua dó cũng gần,
Xin theo cùng thiếp đền ân cho chàng.
Gặp đây đang lúc giữa đàng,
Của tiền chẳng có bạc vàng cũng không.
Gẫm câu báo đức thù công,
Lấy chi cho phỉ tấm lòng cùng ngươi”.
Lời lẽ của Kiều Nguyệt Nga rất phù hợp với đạo lí. Người chịu ơn bao giờ cũng mong muốn được trả ơn. Đó là tấm lòng thành của nàng. Nhưng “Vân Tiên nghe nói liền cười”. Nụ cười của chàng thật vô tư, hồn nhiên. Và chúng ta hãy nghe chàng giải thích với nàng:
“Làm ơn há dễ trông người trả ơn.
Nay đà rõ đặng nguồn cơn,
Nào ai đã tính thiệt so hơn làm gì.
Nhớ câu kiến nghĩa bất vi,
Làm người thế ấy cũng phi anh hùng”.
Nếu việc làm ơn mà mong người khác hoặc buộc người khác trả ơn, theo Lục Vân Tiên thì đó không phải là con người nghĩa hiệp. Chàng không chấp nhận lối xử thế như vậy. Chàng hành động không phải để được đền đáp. Việc từ chối sự đền ơn của Kiều Nguyệt Nga càng tôn thêm vẻ đẹp cao thượng của một trang nghĩa hiệp Lục Vân Tiên. Chàng vốn là người trọng nghĩa khinh tài. Cử chỉ ấy của chàng càng làm cho chúng ta thêm khâm phục và yêu mến. Quan niệm ấy của chàng chính là quan niệm của Nguyễn Đình Chiểu. Sách xưa nói: “Kiến ngãi bất vi vô dũng giả”, Lục Vân Tiên coi đó là phương châm sống của mình. Vì thế, thấy việc nghĩa chàng không hề đắn đo, lo ngại hiểm nguy, đã lao vào đánh tan bọn cướp cứu người bị nạn, trong đó có Kiều Nguyệt Nga, mang lại cuộc sống bình yên cho dân lành.
Có thể nói qua đoạn trích “Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga”, nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu đã khắc hoạ khá hoàn hảo bức chân dung người anh hùng lí tưởng. Lục Vân Tiên là con người nghĩa hiệp mà hành động một mình với chiếc gậy thô sơ, đã đánh tan bọn cướp Phong Lai là một minh chứng. Hình ảnh Lục Vân Tiên sống mãi trong lòng người dân Việt Nam qua các thế hệ như một tấm gương về tính cách nghĩa hiệp của chàng.
                                                                Mai Văn Hoan

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây