Ngữ văn nâng cao 9: Nghị luận về một sự việc, một hiện tượng đời sống

Thứ ba - 18/02/2020 10:08
Bình luận về vấn đề tư tưởng, đạo đức, lối sống là bài bình luận xã hội, một hiện tượng đời sống
A- Nhận diện
Bình luận về vấn đề tư tưởng, đạo đức, lối sống là bài bình luận xã hội, trong đó người viết phải bàn luận, bình phẩm, khen, chê về các biểu hiện trong cộng đồng đã và đang diễn ra.

Ví dụ: lòng hiếu thảo, tính ngoan ngoãn, sự chăm chỉ, 5 điều Bác Hồ dạy thiếu nhi, tính cẩn thận chu đáo, tính khoe khoang, sự đua đòi, nói dối, vô lễ, bất hiếu, lười biếng, v.v...
Trong xã hội ta có biết bao điều tốt đẹp về người tốt việc tốt, bên cạnh đó còn có những hiện tượng tiêu cực cần phê phán, bình luận. Biết phân tích, đánh giá, có thái độ khen, chê đúng đắn, đúng mực là biết sống. Văn bình luận giúp ta biết nhận xét phải, trái, đúng, sai về các vấn đề về tư tưởng, đạo đức, lối sống trong xã hội.

B- Cách làm bài - dàn bài khái quát
1. Mở bài: nêu vấn đề phải bình luận.

2. Thân bài
- giải thích qua khái niệm.
- nêu các biểu hiện của vấn đề.
- phân tích các mặt lợi/hại, đúng/sai, tốt/xấu.
- bàn luận về nguyên nhân hậu quả.
- nêu thái độ đúng cần phải có.

3. Kết bài: thái độ, kết luận chung toàn bài.

C- Bài tập vận dụng
1. Bình luận về thói ăn chơi đua đòi       
Ăn chơi đua đòi là một hiện tượng ta thường bắt gặp trong cuộc sống; nó đã và đang diễn ra quanh ta, nhất là trong lớp trẻ. Nó đã trở thành “thói” rất đáng chê trách.

Thói” nghĩa là lối, cách sống hay hoạt động thường không tốt, được lặp lại lâu ngày thành quen. Ta thường nói: thói hư, tật xấu; dở thói du côn du đồ; mãi mới bỏ được thói hút xách nghiện ngập; thói ăn chơi đua đòi. Tục ngữ có câu: Đất có lề quê có thói, hoặc Thói đời trâu buộc ghét trâu ăn.

Thói ăn chơi đua đòi là cách sống của một số người bắt chước nhau, đua đòi nhau về cách sống, cách xài sang, thích trưng diện, chạy theo “mốt”. Có kẻ thì khoe sang, khoe giàu, ăn tiêu như phá. Xe máy, xe ô-tô thích dùng loại “xịn”. Từ bộ váy, bộ vét, chiếc áo khoác đến đôi giày, chiếc ca-ra-vát, đồng hồ, túi xách... phải là hàng Nhật, hàng Ý, hàng Mĩ,... mua bằng đô-la trong các siêu thị mới oách!
Ăn thì đặc sản, uống thì rượu Tây, mỗi cuộc nhậu phải chi vài “”. Chơi thì quán nhảy, vũ trường, karaoke thâu canh suốt sáng,... Họ vênh váo vênh vang lắm!
Hiện tượng “mắt xanh môi đỏ”, nhuộm tóc vàng, móng chân móng tay nhuộm đỏ, trai đeo khuyên tai... ta thường thấy ở một số học sinh hư. 

Là quý tử, tiểu thư, con ông này bà nọ, chức trọng quyền cao, tiền bạc đầy két,... thói đua đòi ăn chơi xa xỉ lại đi một nhẽ. Ta thường nghe họ nói: “Chết cũng chẳng mang theo được của nả sang thế giới bên kia! Có tiền thì ăn chơi mua sắm cho sướng!”. Nghe họ nói thật buồn cười vô nghĩa.

Có một số kẻ tiền bạc chẳng có nhiều, thế mà cũng đua đòi ăn chơi, nhỏ thì trốn học bỏ học; đến tuổi lao động thì lười biếng. Có kẻ vì ăn chơi đua đòi mà sa ngã như trộm cắp, hút chích, cờ bạc, mại dâm, v.v... Có nhiều gia đình con cái ăn chơi đua đòi rồi nghiện ngập, trộm cắp, tù tội... Vì thế, mà bố mẹ mang tiếng xấu xa ê chề !

Nhân dân ta vốn cần cù, giản dị, tiết kiệm trong làm ăn, sinh sống. Thói ăn chơi đua đòi là một hiện tượng tiêu cực, trái hẳn với nếp sống và đạo lí của nhân dân.
Học được một điều hay, rèn được một tính tốt thì rất khó, nhưng đua đòi ăn chơi thì rất dễ bị lôi cuốn, sa ngã. Câu tục ngữ: “Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng” và lời nhắc nhở của ông bà, cha mẹ: “Chọn bạn mà chơi” là bài học rất bổ ích để mỗi chúng ta tu dưỡng đạo đức, nhân cách của mình.
Tóm lại, ăn chơi đua đòi là một thói xấu. Ăn ngon, mặc đẹp thì ai cũng mong muốn, nhưng phải hợp lí, hợp thời, hợp cảnh. Xung quanh ta có biết bao tấm gương sáng và đẹp về con người mới. Hình ảnh những học sinh giỏi, chăm ngoan ở trường ta, quê hương ta đã là những gương tốt cho ta học tập noi theo.
Hay gì, đẹp gì thói ăn chơi đua đòi!
Thói ăn chơi đua đòi thật đáng chê! Con đường ăn chơi đua đòi là con đường tội lỗi!

2. Bình luận câu tục ngữ:Có chí thì nên
Yêu cầu
1. Lập dàn ý
2. Viết thành văn bản
A. Lập dàn ý
* Mở bài
- Dẫn dắt: Sống phải có bản lĩnh.
- Câu tục ngữ nói về bản lĩnh sống: “Có chí thì nên”.
* Thân bài
a. Giải thích từ “chí” và từ “nên”.
Rút ra ý nghĩa câu tục ngữ: bài học rèn luyện ý chí, quyết tâm, tinh thần bền bỉ để giành được thành công, thắng lợi.
b. Phân biệt “chí” với “trí”, chỉ rõ đó là 2 phẩm chất tốt đẹp của mọi tài năng.
c. Bàn luận về giá trị, sức mạnh của phẩm chất “có chí” trong đời sống con người.
d. Những câu tục ngữ nói về “chí”..
* Kết bài
- Tuổi trẻ phải rèn luyện “chí”.
- Liên hệ đến bài thơ của Bác Hồ: “Không có việc gì khó...”. 

B. Bài làm
Sống phải có bản lĩnh. Nhờ có bản lĩnh mà ta có thể vượt qua mọi thử thách trên đường đời và đi tới thành công. Nói về bản lình sống, dân gian có câu tục ngữ thật là chí lí:
“Có chí thì nên”.
Chí” là lòng quyết tâm, sự kiên trì, nhẫn nại. Chí cũng là tự mình phấn đấu, vươn lên, không ỷ vào người khác. Chí còn là chí khí vững vàng, tinh thần bền bỉ. “Nên” có nghĩa là thắng lợi, thành công, thành quả tốt đẹp mà ta thu được. “Có chí” là điều kiện, là nguyên nhân; “nên” là hệ quả, kết quả. Câu tục ngữ thật cô đúc, ngắn gọn, chỉ có 4 từ mà nêu lên một bài học sâu sắc, nhắc nhở mọi người hãy rèn luyện cho mình ý chí quyết tâm, tinh thần vững vàng một lòng kiên định để vượt qua mọi thử thách, khó khăn, vươn lên giành nhiều thắng lợi và gặt hái được nhiều thành công. Có chí tức là có bản lĩnh sống tốt đẹp.

Không được nhầm lẫn “chí” với “tú”. “Trí” là trí tuệ, lí trí, trí khôn, sự hiểu biết, trí thông minh. Nhờ học hỏi mà ta có trí. Nhờ rèn luyện trong thử thách và gian khổ mà ta có chí. Trí chí là hai phẩm chất tốt đẹp nhất của con người. Mọi tài năng lỗi lạc xưa nay đều nhờ có chí và có trí hơn người.

Có chí” thì mới có thể chịu đựng được, đứng vững được trước mọi thử thách khó khăn, không bị gục ngã trước những thất bại tạm thời. Đi học, đi làm, sản xuất, kinh doanh, v.v... đều cần có chí. Chí càng cao, sức càng bền, mới càng có điều kiện đi tới thành công. Đường đời khó khăn (thế lộ nan), nên ta càng cần phải có chí. Đường xa, núi cao, dốc thẳm, sông sâu, tuyết dày... phải có chí mới vượt qua được. Đi thi là phải có chí “cá vượt Vũ Môn”. Kéo pháo vào đánh Pháp ở Điện Biên, bộ đội ta đã thể hiện quyết tâm: “Dốc núi cao cao nhưng lòng quyết tâm còn cao hơn núi”. “Nước chảy đá mòn”, “Kiến tha lâu cũng đầy tổ”, “Có công mài sắt có ngày nên kim”, tất cả những câu tục ngữ ấy đều nói về cái chí.

Tuổi trẻ chúng ta trên đường học tập, tiến quân vào mặt trận khoa học kĩ thuật cũng phải có chí mới có thể thực hiện được ước mơ hoài bão của mình, mới có thể đem tài năng, sức lực góp phần xứng đáng vào công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Học tập câu tục ngữ “Có chí thì nên” ta càng thêm thấm thìa lời dạy của Bác Hồ:
Không có việc gì khó
Chỉ sợ lòng không bền
Đào núi và lấp biển,
Quyết chí ắt làm nên”.

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây